Doanh nghiệp Việt cần minh bạch nguồn gốc sản phẩm trong hội nhập quốc tế
Việc hội nhập sâu rộng kinh tế quốc tế sẽ mở ra cơ hội lớn cho nhiều DN Việt, song đó cũng là áp lực trong cạnh tranh ngay trên sân nhà đối với các doanh nghiệp nước ngoài. Để có chỗ đứng trên thị trường đòi hỏi DN Việt phải liên kết sản xuất theo hướng ngày càng minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ và công nghệ sản xuất sản phẩm.
Đó là ý kiến của ông Chu Tiến Dũng – Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp TP.HCM tại Hội nghị tổng kết hoạt động năm 2019 và triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm 2020 của Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM (HUBA) vừa diễn ra tại TP.HCM.
Nhiều thành công nổi bật
Tại hội nghị, ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch HUBA cho biết, Hiệp hội đã đã đạt được trong năm 2019. Cụ thể, Diễn đàn kinh tế TP.HCM lần thứ 2 (2019) với chủ đề “Phát triển TP.HCM thành trung tâm tài chính khu vực và quốc tế” đã tạo được tiếng vang lớn thu hút sự chú ý, quan tâm mạnh mẽ của các diễn giả và doanh nghiệp trong và ngoài nước. Chương trình cà phê Doanh nhân Huba ngày càng lan tỏa và có sức hút mạnh mẽ.
Bên cạnh đó, HUBA đã tổ chức thành công các chương trình như: Phong trào thi đua "Doanh nghiệp, Doanh nhân đồng hành cùng thành phố đổi mới – phát triển" cùng các chương trình hoạt động văn hóa thể thao gắn kết Doanh nghiệp ngày càng hướng tới sự chuyên nghiệp và uy tín với xã hội; Cuộc bình chọn và tôn vinh các sản phẩm dịch vụ tiêu biểu TP.HCM; Chương trình Doanh nhân vì cộng đồng; Xúc tiến thương mại,hội chợ triển lãm "Tôn vinh hàng Việt"…
“Các chương trình này đã tạo động lực lớn cho đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp thành phố tiếp tục vượt qua mọi khó khăn thách thức vươn lên hội nhập và phát triển, đồng hành xây dựng thành phố”, ông Dũng cho biết.
Ngoài ra, trong năm qua, HUBA cũng đã thành lập thêm 3 câu lạc bộ Doanh nghiệp, nâng tổng số hội viên là Hội và câu lạc bộ lên 73 thành viên với hơn 12.000 doanh nghiệp tham gia, kết nạp mới 65 doanh nghiệp hội viên trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô lớn, uy tín, nâng số hội viên doanh nghiệp trực tiếp của Huba lên 508 doanh nghiệp, đặc biệt hoạt động của các Hội Doanh nghiệp quận huyện, hội ngành nghề không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả.
Về định hướng trong năm 2020, ông Dũng cho hay, HUBA vẫn tiếp tục đồng hành cùng thành phố thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển doanh nghiệp. Trong đó có mục tiêu và tiêu chí phát triển doanh nghiệp cả về chất lượng và số lượng, trọng tâm vào nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, HUBA sẽ tiếp tục đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ doanh nhân, CEO chuyên nghiệp ngang tầm quốc tế, nguồn nhân lực tương xứng với sự phát triển, vị thế của TP.HCM. Đồng thời mở rộng các hoạt động giao thương quốc tế, xúc tiến thương mại mở rộng ra các thị trường tiểm năng như Châu Âu thông qua hiệp định EVFTA, Hiệp định CPTPP…
“Hiện nay, Việt Nam tiếp tục hội nhập sâu rộng thị trường quốc tế, đây sẽ mở ra cơ hội lớn, song cũng là áp lực trong cạnh tranh ngay trên sân nhà giữa các doanh nghiệp Việt với doanh nghiệp nước ngoài. Do đó, đểchủ động trong quá trình phát triển thì cácdoanh nghiệp phải không ngừng cải tiến, hoàn thiện quy trình, công nghệ sản xuất kinh doanh. Đặc biệt, doanh nghiệp phải liên kết sản xuất theo hướng ngày càng minh bạch về nguồn gốc, xuất xứ và công nghệ sản xuất sản phẩm, dịch vụ”, ông Dũng chia sẻ.
Hiến kế và dẫn dắt doanh nghiệp phát triển
Phát biểu tại hội nghị Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đánh giá cao những thành tựu mà cộng đồng doanh nghiệp TP.HCM nói chung và Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM nói riêng đã nỗ lực gặt hái và có đóng góp quan trọng cho sự phát triển của nền kinh tế thành phốtrong năm 2019.
"Với những kết quả đã làm được, vai trò và uy tín của Hiệp hội ngày càng tăng thêm và có sức thu hút đối với doanh nghiệp. Tiếng nói của Hiệp hội xứng đáng là đại diện cho tiếng nói cộng đồng doanh nghiệp thành phố, là cầu nối đáng tin cậy giữa chính quyền thành phố với cộng đồng doanh nghiệp”, ông Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch UBND TP.HCM, mặc dù số lượng lớn doanh nghiệp đăng ký hoạt động trên 400 ngàn đơn vị với tổng số vốn đăng ký là hơn 6,12 triệu tỉ đồng, nhưng con số trên vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng, hiện chỉ có 270 ngàn doanh nghiệp chính thức hoạt động.
Trong đó, 88% là doanh nghiệp siêu nhỏ, chỉ 2% là doanh nghiệp có số vốn trên 100 tỉ đồng và chỉ 700 doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 1.000 tỉ đồng.
“Năm 2020 vẫn có nhiều cơ hội và lắm thách thức đến với doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, nhưng chính quyền các cấp sẽ tạo ra môi trường đầu tư, nguồn lực thuận lợi hơn để các doanh nghiệp phát triển và các doanh nghiệp cũng cần phấn đấu xây dựng những tập đoàn lớn, những doanh nghiệp có thương hiệu để tạo sức lan tỏa”, ông Phong cho hay.
Ngoài ra, theo ông Phong, HUBA cần tiếp tục làm tốt công tác thu thập các kiến thức từ thực tiễn của doanh nghiệp để đóng góp hoàn thiện chính sách, pháp luật, tiếp tục đầu tư nghiên cứu để tăng cường chất lượng phản biện, hiến kế và đề xuất nhiều giải pháp, dẫn dắt doanh nghiệp đồng hành cùng với thành phố.
Đồng thời, HUBA cần định hướng trọng tâm vào các hoạt động hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp thực hiện đổi mới công nghệ, chuyển đổi số, xây dựng bộ dữ liệu lớn (big data) để hội nhập và phù hợp với thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 và nâng cao hiệu quả kinh doanh.