Doanh nghiệp Việt đang tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu
Đây là khẳng định của Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương tại diễn đàn bất động sản công nghiệp Việt Nam 2023 do Báo Đầu tư tổ chức sáng 24-8.
Thứ trưởng Trần Quốc Phương đánh giá quy mô và xu hướng của dòng vốn đầu tư toàn cầu hiện có sự thay đổi mạnh mẽ do ảnh hưởng của các yếu tố địa chính trị trên thế giới cũng như những biến động nền kinh tế của các quốc gia lớn và nhiều yếu tố khách quan khác.
Việt Nam vẫn được xem là điểm sáng trên bản đồ thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài với rất nhiều lợi thế.
Cụ thể, Việt Nam tiếp tục duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đạt kết quả tăng trưởng tích cực trong bối cảnh khó khăn.
Môi trường đầu tư kinh doanh của Việt Nam cũng tiếp tục được cải thiện. 7 tháng đầu năm 2023, vốn FDI đăng ký mới và số dự án FDI cấp mới tiếp tục tăng lần lượt 38,6% và 75,5% so với cùng kỳ, thể hiện sự tin tưởng mạnh mẽ của các nhà đầu tư nước ngoài đối với môi trường đầu tư của Việt Nam...
Các doanh nghiệp trong nước cũng nỗ lực không ngừng cải thiện trình độ, năng lực, nâng cao khả năng tham gia sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Theo ông Trần Quốc Phương, chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030 đặt ra một số mục tiêu: Tăng 50% số lượng tập đoàn đa quốc gia thuộc nhóm 500 tập đoàn lớn nhất thế giới; Nâng cao tỷ lệ vốn đầu tư đăng ký của các quốc gia và vùng lãnh thổ trong một số khu vực trong tổng vốn đầu tư nước ngoài cả nước lên hơn 70% trong giai đoạn 2021-2025 và 75% trong giai đoạn 2026- 2030... Để đạt được những mục tiêu nêu trên, việc đẩy mạnh sự phát triển của các khu công nghiệp là cần thiết.
Hiện, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang phối hợp các địa phương, tổ chức liên quan thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp về phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế, trong đó, có việc nghiên cứu đề xuất xây dựng Luật Khu công nghiệp, khu kinh tế để trình cấp có thẩm quyền xem xét trong thời gian tới.
Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam lần thứ 3 năm 2023 với chủ đề “Đón đầu cơ hội từ dòng vốn mới” quy tụ 300 khách tham dự là các nhà làm chính sách, các chuyên gia uy tín, các nhà phát triển bất động sản công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất hiện đang thuê nhà xưởng, kho bãi tại khu công nghiệp... Diễn đàn gồm 2 phiên thảo luận gồm phiên 1: Nhận diện các dòng vốn mới; phiên 2: Nắm bắt cơ hội.
Tại các phiên thảo luận, các chuyên gia, doanh nghiệp sẽ tập trung phân tích dòng lưu chuyển vốn quốc tế, triển vọng các dòng vốn mới vào Việt Nam; cơ hội đón dòng vốn mới từ các chính sách hiện hành và trong tương lai của Việt Nam, những nhóm ngành nào gắn với nhu cầu cao về bất động sản công nghiệp...
Diễn đàn cũng thảo luận các giải pháp tháo gỡ các “điểm nghẽn” của các dự án bất động sản công nghiệp như: Pháp lý kéo dài, thủ tục định giá đất chưa hợp lý, các bất cập trong quy định phòng cháy, chữa cháy… và các thách thức đặt ra trong phát triển bất động sản công nghiệp bền vững theo tiêu chuẩn xanh, bền vững.