Doanh nghiệp Việt 'định vị' thị trường bán lẻ
Với dân số xấp xỉ 100 triệu dân, Việt Nam được xem là thị trường nhiều tiềm năng đối với các doanh nghiệp bán lẻ tên tuổi trên khắp thế giới. Thực tế cho thấy, đã có rất nhiều doanh nghiệp lớn đến từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc… 'đổ bộ' vào Việt Nam, khiến thị trường bán lẻ trở nên khốc liệt hơn. Trước thực trạng này, để giành và giữ thị phần, buộc các doanh nghiệp Việt phải nỗ lực giữ thị phần trên sân nhà.
Nhà đầu tư ngoại tăng vốn vào thị trường bán lẻ Việt
Theo dữ liệu từ Bộ Công Thương, thị trường bán lẻ Việt Nam hiện đang có quy mô khoảng hơn 142 tỉ USD, trong đó có đến 16% là thương mại điện tử. Với tốc độ tăng trưởng như hiện nay, quy mô thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo có khả năng tăng lên mức 350 tỉ USD, tức là tăng gần gấp 2,5 lần vào năm 2025.
Thực tế cho thấy, bên cạnh những tín hiệu tích cực những tháng đầu năm đến nay, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng đang chứng kiến sự sôi động khi hàng loạt tên tuổi lớn của ngành bán lẻ nước ngoài công bố tăng vốn đầu tư, mở rộng mạng lưới phân phối vào Việt Nam.Trong đó, đầu tiên phải kể đến đó là MUJI, thương hiệu bán lẻ nổi tiếng về phong cách sống, đồ da dụng, nội thất văn phòng… đến từ Nhật Bản, khi thương hiệu này mở rộng hệ thống cửa hàng của mình tại thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội lên con số 11.
Cũng tham gia cuộc đua mở rộng thị phần tại Việt Nam, một thương hiệu lớn khác đến từ Nhật Bản là Uniqlo cũng đang nâng cấp sự xuất hiện của mình tại thị trường bán lẻ Việt Nam, khi vừa khai trương cửa hàng thứ 19 tại Hà Nội. Đây là cửa hàng mới thứ 4 trong nửa đầu năm 2023 của “ông lớn” trong ngành bán lẻ thời trang đến từ Nhật Bản…
Không chỉ có các nhà đầu tư bán lẻ lớn đến từ Nhật Bản, nhiều năm trở lại đây, nhiều doanh nghiệp lớn của Thái Lan cũng đánh giá thị trường bán lẻ Việt Nam và một trong những thị trường tiềm năng và nhiều sức hấp dẫn. Chính bởi những tiềm năng ấy, “ông lớn” trong ngành bán lẻ Thái Lan là Tập đoàn Central Retail vừa công bố sẽ nâng vốn đầu tư vào Việt Nam là 1,45 tỉ USD trong giai đoạn 2023 - 2027 (tương đương 35 nghìn tỉ đồng), cùng với mục tiêu tăng gấp đôi số lượng cửa hàng, siêu thị tại Việt Nam lên con số 600 và hiện diện tại 57/63 tỉnh, thành phố; đây được xem là khoản đầu tư lớn nhất từ trước đến nay mà Central Retail công bố.
Để cam kết thực hiện đúng theo mục tiêu đề ra, ngay trong năm 2023, Central Retail đã dành 4.100 tỉ đồng cho thị trường Việt Nam, trong đó, tập đoàn này tập trung phát triển kinh doanh mảng thực phẩm thiết yếu, bình ổn giá, tái cơ cấu các cửa hàng điện máy; đồng thời, Central Retail cũng đặt tham vọng trở thành nhà bán lẻ đa kênh số 1 trong ngành thực phẩm, số 2 mảng bất động sản - Trung tâm thương mại tại Việt Nam vào năm 2027…
Ông Olivier Langlet, Tổng Giám đốc điều hành Central Retail Việt Nam cho biết: “Nền kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng bất chấp những bất ổn. Chúng tôi kỳ vọng GDP của Việt Nam năm nay sẽ tăng trưởng ở mức 6,7%, đưa Việt Nam trở thành thị trường phát triển nhanh nhất Đông Nam Á. Dân số tiếp tục tăng bên cạnh sự phát triển của các kênh phân phối bán hàng hiện đại và lượng du khách quốc tế ngày càng tăng, mang đến cho Central Retail những dấu hiệu tích cực để tiếp tục mở rộng kinh doanh trên 3 ngành hàng, phục vụ phong cách sống của người tiêu dùng Việt Nam”.
Có thể thấy các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài đến từ Thái Lan, Nhật Bản đã và đang tăng mạnh vốn đầu tư vào sân chơi kinh doanh tại Việt Nam? Vậy sức cạnh tranh trên thị trường bán lẻ Việt hiện nay ra sao?
Trên thực tế, doanh nghiệp trong nước vẫn chiếm ưu thế trên "sân nhà", với khoảng 70 - 80% số điểm bán trên cả nước. Có thể kể đến các tên tuổi lớn với hàng nghìn điểm bán như WinMart, Co.op Mart, Bách Hóa Xanh…Tuy nhiên, việc các nhà bán lẻ nước ngoài đổ vốn vào thị trường Việt Nam cũng gây sức ép nhất định đến "miếng bánh" thị phần của doanh nghiệp bán lẻ nội địa. Điều này cũng thôi thúc các doanh nghiệp Việt tìm hướng đi để cạnh tranh.
Doanh nghiệp bán lẻ Việt không đứng ngoài cuộc
Trước sự gia nhập dồn dập của các nhà bán lẻ ngoại thông qua việc liên tục mở mới các trung tâm thương mại, siêu thị cũng như cửa hàng tiện lợi, các doanh nghiệp bán lẻ nội địa cũng đã và đang từng bước học hỏi theo xu thế phát triển của thế giới để nâng cao sức cạnh, giành lại thị trường.
Ở phân khúc bán lẻ siêu thị, cửa hàng tiện ích; trong 1 - 2 năm gần đây, các doanh nghiệp Việt đã vươn lên để mở rộng thị phần bán lẻ. Cụ thể, giữa năm 2018, Saigon Co.op đã mua lại toàn bộ hệ thống mạng lưới của Auchan (Pháp) trước khi họ rút lui khỏi thị trường Việt Nam. Gần đây nhất, Tập đoàn Emart đã nhượng lại thương hiệu của mình trong 10 năm cho Thaco Trường Hải. Trước đó Shop&Go của Singapore cũng đã nhượng bán cho VinCommerce...
Cùng với việc thực hiện chiến lược mua bán, sáp nhập (M&A) của doanh nghiệp Việt với các thương hiệu nước ngoài tại Việt Nam, nhiều doanh nghiệp nội cũng đã “âm thầm” mở rộng hệ thống thương hiệu, chiếm lĩnh lại mảng phân phối hiện đại tại thị trường trong nước. Trong đó, tiêu biểu là hệ thống Vincom Retail của Vingroup đang sở hữu hơn 80 trung tâm trên toàn quốc và gần như “không có đối thủ” trong phân khúc bán lẻ này. Hay chuỗi bán lẻ WinMart và WinMart+ với hơn 3.500 cửa hàng tiện ích đang tăng tốc, không ngừng mở mới.
Trong cuộc đua chiếm lĩnh thị phần bán lẻ nội, theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, dù thị trường có nhiều cạnh tranh song với lợi thế am hiểu người tiêu dùng Việt, cùng mô hình bán lẻ hiện đại, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực… để bắt nhịp xu thế;các chuyên gia kinh tế tin tưởng rằng, doanh nghiệp Việt sẽ tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường bán lẻ nội địa.
Điển hình như Saigon Co.op, nhà bán lẻ thuần Việt với bề dày trên 30 năm đang giành vị thế dẫn đầu trên thị trường.Để làm được điều này, theo đại diện của Saigon Co.op, doanh nghiệp phải liên tục thay đổi theo xu thế như phát triển đa dạng các mô hình bán lẻ, thực hiện chuyển đổi số, tái cơ cấu nguồn nhân lực, quản trị, tinh gọn các khâu…
Mặc dù đã đạt được những thành tựu bước đầu đáng khích lệ, nhưng việc giành được thị trường bán lẻ tại “sân nhà” đã khó, việc giữ được “trận địa” còn khó hơn, bởi thị trường bán lẻ Việt Nam đã từng bị các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài chiếm đến hơn 50% vào những năm 2015 - 2016 (hiện doanh nghiệp Việt đã chiếm 70% thị phần). Vì thế, để giữ vững được “thế trận” này, chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng, các doanh nghiệp Việt cần phải tự giác hoàn thiện về mọi mặt từ đào tạo nguồn nhân lực chuyên nghiệp, xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại khang trang, đáp ứng với nhu cầu của thời đại công nghệ số để tiếp tục phát triển nhanh trong lĩnh vực bán lẻ.
Bán lẻ phải luôn gắn kết với vùng sản xuất hàng hóa Việt, nhất là hàng nông sản thực phẩm, mà Việt Nam đang có thế mạnh, đó cũng chính là đảm bảo ổn định cho đầu vào của hệ thống phân phối Việt.
Cũng theo chuyên gia Vũ Vinh Phú, hiện doanh nghiệp trong nước phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, chưa có những tập đoàn bán lẻ lớn. Chính vì vậy, sự hợp tác liên doanh liên kết một cách chân thành và trách nhiệm là một điều hết sức cần thiết, chấp nhận vừa cạnh tranh, vừa hợp tác với các doanh nghiệp bán lẻ nước ngoài.
Đã đến lúc các doanh nghiệp Việt hãy cùng nhau tự tin vẽ lại “bản đồ” bán lẻ Việt Nam, cùng nhau hành động tạo ra những vector tổng hợp chung, làm chủ vững chắc hệ thống phân phối và sẵn sàng mở cửa rộng thuận tiện để đón hàng Việt vào phục vụ người tiêu dùng.
Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/doanh-nghiep-viet-dinh-vi-thi-truong-ban-le-161234.html