Doanh nghiệp Việt đối diện với 'đòn' phòng vệ thương mại
Nền kinh tế Việt Nam hiện có độ mở lớn, hàng Việt Nam có sức cạnh tranh mạnh mẽ với tốc độ xuất khẩu hàng năm tăng 2 con số nhờ tận dụng lợi thế từ các FTA. Tuy nhiên, các quốc gia đang có xu hướng áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam. Vì vậy, cần có giải pháp ứng phó với các biện pháp PVTM, giúp doanh nghiệp (DN) thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Gia tăng số vụ việc phòng vệ thương mại
Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công thương) Trịnh Anh Tuấn cho biết, cùng với việc Việt Nam tham gia vào nhiều hiệp định thương mại tự do, các hàng rào thuế quan dần được dỡ bỏ, xuất khẩu nhiều mặt hàng của Việt Nam đang trên đà tăng trưởng mạnh, đồng nghĩa bị đối diện trước các vụ kiện PVTM.
Theo Bộ Công thương, tính đến hết tháng 6/2023, hàng xuất khẩu của Việt Nam phải đối mặt với 231 vụ việc PVTM do các nước khởi kiện; trong đó có 128 vụ chống bán phá giá, 47 vụ tự vệ, 33 vụ chống lẩn tránh biện pháp PVTM và 23 chống trợ cấp. Riêng trong 6 tháng năm 2023, các nước đã khởi kiện 4 vụ việc PVTM đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, giảm 1 vụ việc so với cùng kỳ của năm 2022.
Các vụ việc điều tra PVTM đối với Việt Nam đến nay chủ yếu là chống bán phá giá, chống lẩn tránh thuế đến từ các thị trường thường xuyên điều tra phòng vệ thương mại với Việt Nam như: Mỹ, Ấn Độ, Autralia... Các mặt hàng bị điều tra khá đa dạng, từ các mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch vài chục triệu đến tỷ USD. Trong đó, thép, nhôm, sợi, gỗ là những mặt hàng thường xuyên bị điều tra theo xu hướng chung trên thế giới.
Hỗ trợ, bảo vệ doanh nghiệp xuất khẩu
Thời gian tới, xu thế bảo hộ tại nhiều nền kinh tế, khu vực gia tăng. Vì vậy, cơ quan nhà nước cần có biện pháp thích hợp để hỗ trợ DN phòng tránh rủi ro, khi bị áp dụng các biện pháp PVTM, từ đó có cơ hội, giữ vững thị trường, tiếp tục thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa.
Về giải pháp hỗ trợ DN, trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục PVTM cho biết, Bộ Công thương đã có nhiều hành động để hỗ trợ và bảo vệ DN xuất khẩu.
Trong đó, Bộ Công thương đã chủ động phối hợp với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội xử lý hiệu quả các vụ việc PVTM nước ngoài thông qua các hoạt động đa dạng như: cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra PVTM; tư vấn pháp lý, quy trình thủ tục điều tra, quy định/thông lệ điều tra của nước khởi kiện và đưa ra các khuyến nghị, định hướng xử lý cụ thể cho DN. Đặc biệt đối với các vụ việc điều tra chống trợ cấp và các vụ việc điều tra chống bán phá giá.
Nhờ hoạt động tích cực nêu trên, nhiều lệnh áp thuế với hàng Việt được dỡ bỏ. Điển hình như Mỹ sơ bộ kết luận Việt Nam không lẩn tránh thuế với thép dây không gỉ; Ấn Độ dỡ bỏ lệnh áp thuế chống bán phá giá với thép mạ hợp kim nhôm kẽm của Việt Nam; Úc chấm dứt thuế chống bán phá giá với nhôm định hình…
Ở góc độ đại diện cộng đồng DN, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang đề nghị, Bộ Công thương tiếp tục vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm giúp các hiệp hội nắm bắt được khả năng bị điều tra PVTM ở nước ngoài, từ đó giúp DN chủ động cân nhắc để điều chỉnh chiến lược kinh doanh một cách hợp lý nhằm tránh giảm thiểu tác động tiêu cực do biện pháp PVTM của nước ngoài gây ra.
Cạnh tranh bằng chất lượng
Ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ khuyến nghị, doanh nghiệp Việt Nam cần chuyển dần sang cạnh tranh bằng chất lượng và hạn chế việc cạnh tranh bằng giá; có chiến lược kiểm soát lượng xuất khẩu và giá bán một cách phù hợp để tránh bị coi là bán phá giá, nhận trợ cấp; tập trung vào các xu thế sản xuất mới trên thế giới như phát triển kinh tế xanh.