Doanh nghiệp Việt đối mặt với thách thức trong chuyển đổi xanh

Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) đang đặt ra thách thức lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp đầu tư vào công nghệ sạch, nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường.

Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát biểu tại diễn đàn

Ông Phạm Mạnh Hùng - Phó Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) phát biểu tại diễn đàn

Sáng ngày 26/11, Báo Điện tử VOV tổ chức "Diễn đàn kinh tế xanh: Phát triển kinh tế trong bối cảnh biến đổi khí hậu".

Chuyển màu xanh để bắt kịp xu thế toàn cầu

Phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng giám đốc VOV Phạm Mạnh Hùng cho rằng, biến đổi khí hậu đang diễn ra với tốc độ ngày càng nhanh hơn, nghiêm trọng hơn, trở thành một trong những vấn đề cấp bách toàn cầu. Biến đổi khí hậu đã và đang làm thay đổi toàn diện và sâu sắc quá trình phát triển và an ninh toàn cầu, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và mọi mặt của đời sống xã hội. Vì thế, phát triển bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang là vấn đề bức thiết của tất cả các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Xu thế phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn cũng đã và đang được nhiều quốc gia hướng tới.

Theo UNEP (Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc), kinh tế xanh được định nghĩa là nền kinh tế vừa mang lại hạnh phúc cho con người và công bằng xã hội, vừa giảm thiểu đáng kể các nguy cơ về môi trường và suy giảm sinh thái. Một nền kinh tế xanh có thể được coi là một nền kinh tế có lượng phát thải carbon thấp, sử dụng tài nguyên hiệu quả và bao trùm xã hội.

Ở Việt Nam, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững được Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm trong thời gian qua, đang là hướng đi tích cực nhằm giảm thiểu những tác động rủi ro của biến đổi khí hậu.

TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) - Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết, chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh đã đặt mục tiêu đến năm 2030, tỷ trọng đóng góp của kinh tế xanh sẽ đạt từ 3,3-3,5% GDP.

TS. Nguyễn Quốc Việt khẳng định rằng giảm phát thải khí nhà kính là chìa khóa để Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Theo đó, Bộ Công Thương đang tích cực triển khai các chương trình đánh giá mức độ phát thải của từng ngành, từ đó đặt ra những mục tiêu cụ thể để các doanh nghiệp giảm thiểu tác động đến môi trường.

Tuy nhiên, áp lực đang ngày càng tăng lên các doanh nghiệp Việt Nam. Với sự trỗi dậy của các rào cản thương mại như cơ chế CBAM, sản phẩm của chúng ta sẽ khó lòng cạnh tranh trên thị trường quốc tế nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn về môi trường. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến chi phí sản xuất mà còn làm giảm đi uy tín của hàng Việt Nam.

Trước tình hình đó, các doanh nghiệp cần nhanh chóng điều chỉnh chiến lược sản xuất, hướng tới xanh hóa các hoạt động kinh doanh. Bên cạnh đó, sự thay đổi trong hành vi của người tiêu dùng cũng đang đặt ra những yêu cầu mới. Người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm thân thiện với môi trường, và những doanh nghiệp không đáp ứng được nhu cầu này sẽ dần bị loại bỏ khỏi thị trường.

Theo TS. Nguyễn Quốc Việt, CBAM chính là động lực thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào công nghệ sạch, giảm thiểu phát thải khí nhà kính. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường EU mà còn mở ra cánh cửa vào những thị trường tiềm năng khác, nơi yêu cầu về sản xuất bền vững ngày càng cao.

Tài chính xanh - cơ hội vàng để Việt Nam chuyển đổi nền kinh tế

Chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực nhấn mạnh biến đổi khí hậu là thách thức toàn cầu, đòi hỏi nguồn lực khổng lồ để chuyển đổi sang nền kinh tế xanh. Các giải pháp bao gồm chuyển đổi ngành công nghiệp, tăng cường quy định ESG (môi trường, xã hội, quản trị) và các cam kết quốc tế như COP26, COP27, COP28.

Nhấn mạnh thị trường tài chính xanh toàn cầu đang phát triển mạnh, ông Lực dẫn chứng năm 2023, tổng dư nợ thị trường nợ bền vững đạt 4,16 nghìn tỷ USD và lượng tín dụng và trái phiếu bền vững trong nửa đầu năm 2024 đạt 807 tỷ USD. Việc phát hành trái phiếu xanh, xã hội, bền vững và liên kết bền vững cũng đạt mức cao.

TS. Cấn Văn Lực cho biết: "Việt Nam có lợi thế rất lớn để phát triển tài chính xanh, với sự hỗ trợ của Chính phủ và sự quan tâm của cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, để khai thác tối đa tiềm năng này, chúng ta cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý, nâng cao năng lực của các tổ chức tài chính và doanh nghiệp, đồng thời tăng cường truyền thông để nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của tài chính xanh".

Hiện nhiều văn bản thúc đẩy tín dụng xanh đã được ban hành. Tổng dư nợ tín dụng xanh đạt 665 nghìn tỷ đồng (khoảng 4,5% tổng dư nợ) và dư nợ được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,2 triệu tỷ đồng (hơn 22% tổng dư nợ) tính đến tháng 9/2024.

Để thúc đẩy tín dụng xanh, theo TS. Cấn Văn Lực, các ngân hàng thương mại đang tích cực triển khai nhiều giải pháp. Đáng chú ý là việc xây dựng các quỹ tái cấp vốn và chương trình tín dụng ưu đãi nhằm hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào các dự án thân thiện môi trường. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang hoàn thiện quy trình thẩm định riêng cho tín dụng xanh, đồng thời phát triển đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tài chính phù hợp với từng lĩnh vực.

Việc tư vấn về ESG cũng được các ngân hàng đặc biệt quan tâm nhằm giúp doanh nghiệp nâng cao nhận thức và quản lý rủi ro hiệu quả hơn. Song song đó, các ngân hàng cũng đang đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nâng cao năng lực chuyên môn về các vấn đề liên quan đến ESG, năng lượng tái tạo... để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường.

Ngọc Hải

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/doanh-nghiep-viet-doi-mat-voi-thach-thuc-trong-chuyen-doi-xanh-158151.html