Doanh nghiệp Việt không đi bằng 2 chân nếu phụ thuộc nguyên liệu ngoại?

Việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu đang khiến nhiều doanh nghiệp công nghiệp phải 'cắn răng' chấp nhận mua với giá cao, thời gian nhập hàng lâu... Đây vẫn đang là điểm yếu của nhiều ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Nếu cứ tiếp tục như vậy, ngành công nghiệp Việt Nam sẽ không đi được bằng 'hai chân' trong phát triển, thậm chí rất bấp bênh khi chuỗi cung ứng toàn cầu gặp xáo trộn...

 Doanh nghiệp Việt không đi bằng 2 chân nếu phụ thuộc nguyên liệu ngoại? (Ảnh: Lưu Hà)

Doanh nghiệp Việt không đi bằng 2 chân nếu phụ thuộc nguyên liệu ngoại? (Ảnh: Lưu Hà)

Vì sao phải phụ thuộc nhiên liệu ngoại

Việc phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Nhiều khi nguyên liệu phải 2 - 3 tháng mới về tới Việt Nam, trong khi thời hạn giao hàng của doanh nghiệp cận kề, điều này làm doanh nghiệp buộc phải xin hoãn, gia hạn thời gian giao hàng.

Theo ông Trần Văn Nam - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty CP thiết bị điện MBT (Hà Nội), trăn trở lớn nhất của doanh nghiệp là gặp khó khăn do phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu.

Hiện nay, hầu hết nguyên vật liệu đầu vào cho tới máy móc thiết bị của MBT đều phải nhập khẩu từ nước ngoài, có loại giá lên tới chục triệu USD. Vì chất lượng các sản phẩm, máy móc trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp.

Trong khi đó, ông Phan Đăng Tuất - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho rằng: Trong thực tế, ngành sản xuất của Việt Nam đang nhập khẩu từ nguyên vật liệu cho đến máy móc thiết bị, quy trình sản xuất, công nghệ và tiêu chuẩn đánh giá. Trong đó, nền tảng cho sản xuất là công nghiệp vật liệu, đặc biệt là sản xuất thép hợp kim, Việt Nam không tự chủ được mà phải nhập khẩu hoàn toàn ở nước ngoài.

Vì thế mức giá xe tại Việt Nam cao hơn gần 2 lần so với các nước trong khu vực (Thái Lan và Indonesia), và còn lớn hơn nếu so với các nước có ngành công nghiệp ô tô đã phát triển ổn định như Mỹ và Nhật Bản.

Nguyên nhân một phần là do chưa tạo được sự hợp tác - liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất - lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện. Chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn.

Tài nguyên nhiều nhưng chỉ xuất thô

Theo ông Phan Đăng Tuất, ngành công nghiệp vật liệu của Việt Nam đang rất kém, tài nguyên khoáng sản có nhưng chỉ xuất thô, chứ không phát triển ngành công nghiệp luyện kim để làm ra thép hợp kim.

Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cho rằng có những doanh nghiệp như Tập đoàn Hòa Phát nên đầu tư sản xuất thép hợp kim. Hòa Phát hiện bỏ ra mấy nghìn tỷ đồng làm lò luyện thép, trong khi thép hợp kim trong nước không có, phải nhập khẩu rất khổ, bị chặn đầu chặn đuôi, có lúc ép giá. Vì vậy, cần có chính sách để thúc đẩy ngành công nghiệp vật liệu, tự chủ nguồn nguyên liệu cho sản xuất để ngành ô tô phát triển.

Để tháo gỡ “nút thắt” trên, tại dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định 111/2015 về chính sách cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ vừa được Bộ Công Thương trình Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, cơ quan này đề xuất dùng tiền ngân sách hỗ trợ cấp bù lãi suất qua hệ thống ngân hàng khi doanh nghiệp vay trung, dài hạn.

Cụ thể, dự án đầu tư của doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ thuộc các các ngành như dệt may, da giày, điện tử, sản xuất và lắp ráp ô tô... có thể được hưởng cấp bù chênh lệch lãi suất từ ngân sách trung ương thông qua ngân hàng thương mại. Mức lãi suất cấp bù là 3% một năm.

Bên cạnh đó, ông Nguyễn Chỉ Sáng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho rằng: Trong sản xuất chế tạo ô tô, không có một đất nước nào sản xuất từ A đến Z cả, mà có thể mua linh kiện để gia công, lắp ráp. Quan trọng là làm chủ công nghệ để chế tạo sản xuất linh kiện, phụ tùng, thiết bị cho ô tô, tức là chỉ cần có ngành công nghiệp phụ trợ.

Trong khi đó, một doanh nghiệp công nghiệp phụ trợ từng phàn nàn rằng, khi đầu tư vào lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn, khả năng thu hồi lâu, trong khi chính sách ưu đãi vẫn khó tiếp cận. Nhiều khi dốc bao tiền của để đầu tư một nhà máy không bằng đầu tư “bất động sản, lướt sóng”.

Do vậy, vị này mong muốn chính sách cần tạo sự đột phá để thúc đẩy ngành công nghiệp hỗ trợ trong nước "lớn lên", thu hút doanh nghiệp rót vốn xây nhà máy, từ đó tạo ra quy mô sản lượng đủ lớn, giá thành cạnh tranh với sản phẩm nhập ngoại.

Ngô Sơn

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-viet-khong-di-bang-2-chan-neu-phu-thuoc-nguyen-lieu-ngoai-349512.html