Doanh nghiệp Việt 'mang chuông đi đánh xứ người' và khát vọng toàn cầu

Khi 'bơi ra biển lớn', sự cạnh tranh mà các doanh nghiệp phải đối mặt khốc liệt hơn rất nhiều. Tuy nhiên với sự kiên trì, quyết tâm và hơn cả là khát vọng đưa tên tuổi Việt Nam sánh vai với cường quốc năm châu, họ đã bước đầu đạt thành quả nhất định.

Định vị thương hiệu quốc gia

Tập đoàn FPT (mã chứng khoán FPT) là một trong những doanh nghiệp tiên phong trong việc đi ra thế giới và đã đạt được những thành tựu nhất định. Từ một doanh nghiệp nhỏ bé, sau 35 năm, FPT ghi danh tên tuổi trên bản đồ công nghệ thế giới khi cán mốc 1 tỷ USD doanh thu từ thị trường nước ngoài vào năm 2023, tăng gấp đôi so với 3 năm trước đó. Đây cũng là đơn vị đầu tiên của Việt Nam vào nhóm doanh nghiệp công nghệ thông tin tỷ USD toàn cầu.

Theo Báo cáo thị trường dịch vụ công nghệ thông tin toàn cầu 2023 do hãng nghiên cứu và tư vấn Gartner công bố tháng 5/2024, FPT tăng 8 bậc xếp hạng so với năm 2022. Kết quả này đưa tập đoàn công nghệ của Việt Nam vào Top 50 công ty dịch vụ công nghệ thông tin của châu Á về doanh thu. FPT cũng là công ty công nghệ Việt Nam duy nhất có tên trong bảng xếp hạng, cùng một số tên tuổi lớn như Accenture, IBM.

Tập đoàn Viettel cũng đi ra nước ngoài sớm với việc thành lập Viettel Global (mã chứng khoán VGI) năm 2006. Thương hiệu quốc tế đầu tiên của Viettel là Metfone tại thị trường Capuchia. Năm 2009, Viettel tiếp tục khai trương tại thị trường Lào với thương hiệu Unitel. Đến nay, tập đoàn đã khai mở được 10 thị trường, chưa kể các văn phòng đại diện tại Mỹ, Pháp, Nga, Nhật…

Năm 2023, Viettel Global đạt doanh thu 28.212 tỷ đồng, tăng 19% so với năm 2022; lợi nhuận trước thuế đạt 3.879 tỷ đồng, tăng 29% và lợi nhuận sau thuế đạt 1.647 tỷ đồng, tăng 7%. Năm 2024, Viettel Global đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 31.746 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 5.477 tỷ đồng. Con số này cao hơn 41% so với thực hiện năm ngoái và là mức kỷ lục kể từ khi hoạt động của tổng công ty.

Với triển vọng kinh doanh đó, cổ phiếu VGI đã tăng dựng đứng hơn 200% kể từ cuối tháng 2/2024 đến nay, kéo vốn hóa Viettel Global lên mức hơn 300.000 tỷ đồng, vượt qua hàng loạt tên tuổi như Vingroup, Vinhomes, Hòa Phát, Vinamilk, FPT, PV Gas cùng nhiều ngân hàng, để leo lên vị trí thứ hai trong danh sách các công ty lớn nhất thị trường chứng khoán Việt Nam. Giá trị của Viettel Global hiện chỉ kém Vietcombank.

Ở lĩnh vực sản xuất, doanh nghiệp tiên phong “đem chuông đi đánh xứ người” là CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã VNM). Khoản đầu tư đầu tiên của Vinamilk là vào Driftwood, một trong những nhà sản xuất sữa lâu đời tại Nam California (Mỹ) với danh mục sản phẩm gồm sữa tươi, sữa chua, kem, nước trái cây. Công ty này trở thành công ty con của Vinamilk từ tháng 12/2013. Đến tháng 5/2016, Vinamilk nâng tỷ lệ sở hữu tại Driftwood lên 100%.

Sau Driftwood, tháng 1/2014, Angkormilk – công ty con 100% vốn của Vinamilk được trao giấy phép đầu tư xây dựng nhà máy sữa tại Thủ đô Phnom Penh. Đây cũng là nhà máy sản xuất sữa đầu tiên tại Campuchia với tổng diện tích gần 3 ha, vốn đầu tư ban đầu 23 triệu USD, công suất thiết kế 59 triệu lít sữa tươi tiệt trùng/năm, 144 triệu đơn vị sản phẩm sữa chua, sữa đặc/năm. Tháng 11/2022, Angkormilk thông báo sẽ tăng tổng vốn đầu tư cho các dự án tại Campuchia lên 42 triệu USD, với mục tiêu nâng sản lượng sữa tươi nguyên liệu đạt trên 4.000 tấn/năm.

Tại Lào, Vinamilk chính thức trở thành công ty mẹ của Lao-Jagro từ tháng 7/2018 và tạo ra bước ngoặt mới với việc phát triển dự án Tổ hợp trang trại bò sữa tại Lào trên diện tích quy hoạch là 5.000 ha, quy mô đàn bò 24.000 con. Định hướng dài hạn của VNM là phát triển tổ hợp trang trại có quy mô 20.000 ha với đàn bò 100.000 con, hướng đến mục tiêu hình thành vùng nguyên liệu sữa tươi chuẩn quốc tế cung cấp cho thị trường Việt Nam và khu vực châu Á. Ngoài ra, Vinamilk còn sở hữu 50% vốn tại doanh Del Monte - Vinamilk, khai thác thị trường Philippines.

Năm 2023, doanh thu thuần từ thị trường nước ngoài của VNM đạt 9.752 tỷ đồng, tăng 5,4% so với cùng kỳ, trong đó các chi nhánh nước ngoài đóng góp 5.039 tỷ đồng và hoạt động xuất khẩu đóng góp 4.713 tỷ đồng, tăng lần lượt 6,5% và 4,4% so với cùng kỳ. Lợi nhuận gộp từ thị trường nước ngoài đạt 3.651 tỷ đồng, tăng 9,3% so với cùng kỳ. Trong đó, Driftwood duy trì tăng trưởng doanh thu và tăng trưởng lợi nhuận gấp 7 lần so với cùng kỳ. Angkormilk ghi nhận mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận năm 2023 lần lượt là 6% và 27%, so với cùng kỳ.

Quan trọng hơn, doanh nghiệp đã ghi dấu trên bản đồ ngành sữa thế giới. Từ một quốc gia không có thương hiệu sữa riêng, Vinamilk hiện nằm trong Top 6 thương hiệu sữa giá trị nhất thế giới, đạt mốc giá trị 3 tỷ USD. Những sản phẩm sữa "Made in Vietnam" đặt chân đến hàng chục quốc gia.

Ngoài các doanh nghiệp có kinh nghiệm lâu năm trên trường quốc tế kể trên, những năm vừa qua, một số doanh nghiệp đầu ngành tại Việt Nam cũng có chiến lược xây dựng thương hiệu toàn cầu. Tiêu biểu nhất là Tập đoàn Vingroup với hãng xe điện VinFast. Bắt đầu từ tổ hợp nhà máy sản xuất tại Hải Phòng, đến nay xe điện VinFast đã có một hành trình ngoạn mục tới Mỹ, Canada và châu Âu; Indonesia, Philippines, Ấn Độ, Thái Lan... Doanh nghiệp còn gây ấn tượng với sự kiện rung chuông lịch sử trên sàn chứng khoán Nasdaq (Mỹ).

Các tên tuổi khác phải kể đến là PetroVietnam (PVN) với các dự án tìm kiếm và thăm dò dầu khí, Thaco Group với dự án đầu tư nông nghiệp quy mô lớn tại Lào, Thế giới Di động với chuỗi điện máy tại Indonesia, Xây dựng Hòa Bình với các dự án xây dựng tại châu Phi...

Đường đi không trải hoa hồng

Bơi ra biển lớn, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội để vùng vẫy. Tuy nhiên đi kèm với đó, những khó khăn và thách thức cũng vô cùng lớn mà nếu không kiên trì, họ sẽ rất dễ bỏ cuộc. Chia sẻ tại sự kiện công bố đạt doanh thu 1 tỷ USD từ thị trường nước ngoài hồi đầu năm nay, ông Trương Gia Bình - Chủ tịch Tập đoàn FPT nhớ lại thời điểm năm 1998, khi doanh nghiệp bắt đầu chiến lược toàn cầu hóa bằng các mô hình và quy trình chuẩn công nghiệp như ISO hay CMM, rồi mở văn phòng ở Bangalore (Ấn Độ) vào năm 1999, ở thung lũng Silicon (Mỹ) vào năm 2000.

Ông Bình kể, lúc đó FPT tiêu hết 1 triệu USD và thất bại. Thậm chí khi đạt được quy mô 1 triệu USD doanh thu, công ty vẫn đứng trước lằn ranh sinh tử - có tiếp tục theo đuổi giấc mơ xuất khẩu phần mềm hay không? FPT chỉ thực sự cất cánh khi chinh phục thành công được một trong những thị trường “khó tính” nhất là Nhật Bản, từ năm 2005.

Chia sẻ về những năm tháng ấy, ông Phạm Minh Tuấn - Tổng giám đốc FPT Software cho biết, khi mở văn phòng tại Ấn Độ, ông phỏng vấn 100 người thì có 99 người không biết Việt Nam ở đâu, còn một người nói ở... Bắc Mỹ. Sau 2 năm mở cửa văn phòng ở Ấn Độ, Mỹ thì xảy ra làn sóng sụp đổ công ty công nghệ dotcom, ông và những người đầu tiên ở FPT Software lặng lẽ quay về. “Trong nội bộ bùng lên tranh luận về tiếp tục làm trong nước hay lại ra nước ngoài? Sau 3 năm, công ty đạt mốc 1 triệu USD thì mới vững tin rằng mình có thể tồn tại và tiến ra biển lớn,” ông Tuấn chia sẻ tại sự kiện.

Trước khi có lợi nhuận trong 2 năm gần đây, Viettel Global ghi nhận thua lỗ liên tiếp, với lỗ lũy kế hơn 3.377 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2023. Nếu hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm nay, công ty mới có thể xóa hết lỗ lũy kế và bắt đầu “mang tiền về cho mẹ”. VinFast dù đạt doanh số bán hàng tăng trưởng mạnh (đạt gần 1,2 tỷ USD năm 2023, tăng hơn 90% so với năm trước) nhưng vẫn thua lỗ. HAGL Agrico - công ty triển khai dự án nông nghiệp của Thaco tại Lào ghi nhận khoản lỗ lũy kế tính tới cuối quý 1/2024 lên đến 8.149 tỷ đồng. Trước chuỗi EraBlue tại Indonesia, Thế giới Di động từng vận hành chuỗi Bluetronics tại Campuchia nhiều năm nhưng đã phải đóng cửa do thua lỗ...

Khi “bơi ra biển lớn”, các doanh nghiệp Việt Nam phải chấp nhận “những cơn sóng dữ”. Ngoài sự kiên trì và quyết tâm thì điều quan trọng hơn để thôi thúc họ bám trụ chính là khát vọng đưa Việt Nam vươn tầm quốc tế. Như ông Phạm Nhật Vượng - Chủ tịch Tập đoàn Vingroup từng nhiều lần khẳng định, VinFast không chỉ là dự án kinh doanh mà còn là dự án trách nhiệm xã hội, đóng góp cho đất nước một thương hiệu đẳng cấp trên thị trường thế giới.

Đinh Nhung

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/doanh-nghiep-viet-mang-chuong-di-danh-xu-nguoi-va-khat-vong-toan-cau-post36031.html