Doanh nghiệp Việt Nam cần thích ứng trước trở ngại thị trường
Những thách thức từ chính sách thương mại quốc tế là thời điểm để doanh nghiệp Việt Nam có chiến lược kinh doanh linh hoạt, thích ứng trước trở ngại thị trường.
Cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tái cơ cấu sản xuất
Trước những căng thẳng của thương mại toàn cầu, trao đổi với Báo Công Thương, theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW, doanh nghiệp Việt Nam có thể chịu áp lực kiểm soát chặt chẽ hơn. Điều này không chỉ làm tăng chi phí tuân thủ mà còn ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam tại thị trường quốc tế.
![Thách thức từ thị trường cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tái cơ cấu sản xuất. Ảnh: TTXVN](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_10_35_51442877/bf359ca2a8ec41b218fd.jpg)
Thách thức từ thị trường cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tái cơ cấu sản xuất. Ảnh: TTXVN
Bên cạnh đó, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhìn nhận, các rào cản phi thuế quan như yêu cầu về tiêu chuẩn kỹ thuật, vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc tuân thủ quy tắc lao động và môi trường cũng có thể được thắt chặt hơn. Điều này đòi hỏi doanh nghiệp Việt Nam phải đầu tư mạnh mẽ vào việc nâng cao chất lượng sản phẩm và quản lý chuỗi cung ứng để đáp ứng yêu cầu của các thị trường lớn.
Mặc dù vậy, đây cũng là cơ hội để các doanh nghiệp Việt Nam tái cơ cấu sản xuất, tập trung vào các ngành hàng có giá trị gia tăng cao và đạt tiêu chuẩn quốc tế. Việc tận dụng các Hiệp định thương mại tự do (FTA) mà Việt Nam đã ký kết cũng có thể giúp doanh nghiệp vượt qua trở ngại và duy trì khả năng cạnh tranh tại thị trường quốc tế.
Đặc biệt, khi xuất khẩu vẫn là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vĩ mô, trong bối cảnh thị trường quốc tế có nhiều thay đổi, Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho rằng, giải pháp khắc phục cũng như ứng phó với các thách thức bao gồm cả giải pháp trong ngắn hạn và giải pháp trong dài hạn.
Đối với giải pháp trong ngắn hạn, trước tiên, đó là tăng cường nhập khẩu và điều chỉnh giá bán để ứng phó với thuế quan. “Việc nhập khẩu số lượng lớn hàng hóa giúp các doanh nghiệp tránh được chi phí tăng cao do thuế nhập khẩu mới áp đặt, đồng thời tận dụng nguồn cung với giá thấp hơn trong ngắn hạn”- Luật sư Nguyễn Thanh Hà cho hay.
Tuy nhiên, Luật sư Nguyễn Thanh Hà nhấn mạnh, không phải doanh nghiệp nào cũng có khả năng nhập khẩu trước thời hạn, đặc biệt là những công ty có chuỗi cung ứng phức tạp hoặc hàng hóa có vòng đời sản phẩm ngắn.
Đối với giải pháp dài hạn, một trong những giải pháp điển hình có thể đề cập, đó là dịch chuyển sản xuất và tái cấu trúc chuỗi cung ứng. Bên cạnh việc tăng cường nhập khẩu và điều chỉnh giá bán, nhiều doanh nghiệp đang chủ động xem xét lại chiến lược sản xuất của mình để giảm thiểu tác động của thuế quan.
"Tuy nhiên, việc thực hiện giải pháp này là cả một quá trình, không chỉ đòi hỏi nguồn vốn lớn, mà thời gian chuyển đổi dài, đồng thời phải đối mặt với những thách thức về nguồn lao động cũng như cơ sở hạ tầng" - Luật sư Nguyễn Thanh Hà phân tích.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà nêu thêm, dù giải pháp nào được lựa chọn thì sự thích ứng linh hoạt với hoàn cảnh cũng đóng vai trò quan trọng. Để đạt được điều này thì mỗi doanh nghiệp cần phải xây dựng bản kế hoạch hoàn chỉnh lấy tình hình, đặc thù sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp mình làm nền tảng để có thể đảm bảo sự tác động của những thay đổi của thị trường đến doanh nghiệp mình là ít tiêu cực nhất có thể.
Bộ Công Thương đóng vai trò trung tâm trong việc định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp
Việc các thị trường quốc tế thay đổi chính sách thương mại là điều không thể tránh khỏi và điều này đặt ra thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp Việt Nam. Trong bối cảnh đó, Bộ Công Thương đóng vai trò trung tâm trong việc định hướng, hỗ trợ doanh nghiệp và đảm bảo lợi ích kinh tế quốc gia.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà gợi mở một số giải pháp quan trọng mà Bộ Công Thương cần tập trung triển khai, cụ thể:
Thứ nhất, nâng cao năng lực dự báo và đàm phán thương mại. Theo Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chúng ta không thể chỉ phản ứng bị động trước các thay đổi về thuế quan, mà cần chủ động dự báo, phân tích xu hướng của các thị trường xuất khẩu chính. "Việc tham gia các cuộc đàm phán song phương, đa phương cũng rất quan trọng để bảo vệ lợi ích doanh nghiệp Việt Nam, đồng thời tận dụng tối đa các ưu đãi thuế quan từ các FTA"- ông Hà nêu.
Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với sự thay đổi. Khi một thị trường điều chỉnh chính sách thuế, doanh nghiệp cần được cung cấp thông tin nhanh chóng và chính xác để có phương án ứng phó kịp thời. Bộ Công Thương có thể tổ chức các chương trình đào tạo, hướng dẫn về quy tắc xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, giúp doanh nghiệp đáp ứng các yêu cầu mới và tiếp tục hưởng ưu đãi thuế quan.
Thứ ba, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ sản xuất trong nước. Khi thuế nhập khẩu nguyên liệu thay đổi, chi phí đầu vào của doanh nghiệp có thể bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, Bộ Công Thương cần có chiến lược phát triển công nghiệp hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất trong nước để giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung bên ngoài. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất mà còn tăng sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Thứ tư, mở rộng thị trường xuất khẩu, giảm phụ thuộc vào một số thị trường nhất định. Bởi, hiện nay doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn phụ thuộc khá nhiều vào một số thị trường lớn, dẫn đến rủi ro cao khi chính sách thuế quan thay đổi. Theo đó, Bộ Công Thương có thể hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các thị trường tiềm năng thông qua xúc tiến thương mại, kết nối với các đối tác mới để đa dạng hóa thị trường xuất khẩu.
Cuối cùng, tăng cường bảo vệ doanh nghiệp trước các biện pháp phòng vệ thương mại. Nhiều quốc gia sử dụng thuế chống bán phá giá, thuế chống trợ cấp như một công cụ bảo hộ sản xuất trong nước. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, doanh nghiệp Việt Nam rất dễ bị tổn thương trước những biện pháp này. Bộ Công Thương cần chủ động hỗ trợ doanh nghiệp thu thập dữ liệu, tư vấn pháp lý và tham gia các vụ kiện thương mại quốc tế để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp Việt.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật SB LAW: Trước những biến động về hàng rào thuế quan, doanh nghiệp cần sự đồng hành của Bộ Công Thương để không chỉ ứng phó hiệu quả mà còn tận dụng được cơ hội từ các thay đổi đó. Đây là lúc chúng ta cần có chiến lược linh hoạt, chủ động và đồng bộ để duy trì lợi thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế.