Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc: Kết nối giao thương trong lĩnh vực nông, thủy sản
Hội nghị Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực nông, thủy sản được tổ chức chiều ngày 22/11.
Thông tin tại hội nghị “Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực nông, thủy sản”, diễn ra chiều ngày 22/11 trong khuôn khổ sự kiện Vietnam Foodexpo 2023 tại TP. Hồ Chí Minh, ông Lê Hoàng Tài, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)- cho biết: Kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Trung Quốc năm 2022 đạt 175,56 tỷ USD, tăng 5,47% so với năm 2021. Trung Quốc tiếp tục là đối tác thương mại lớn nhất, thị trường nhập khẩu lớn nhất và thị trường xuất khẩu lớn thứ 2 của Việt Nam, sau Mỹ.
Như vậy, theo ông Lê Hoàng Tài, trong năm 2022, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 6 của Trung Quốc, đồng thời là thị trường xuất khẩu lớn thứ 5 và cũng là thị trường nhập khẩu lớn thứ 10 của Trung Quốc. Tính riêng trong khối ASEAN, Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
8 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam với Trung Quốc đạt 103,92 tỷ USD và đây cũng là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam. Dự báo kim ngạch thương mại hai nước trong năm 2023 sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng tốt đẹp và đạt nhiều kết quả khả quan.
Ông Lê Hoàng Tài nhận định: Thời gian tới, triển vọng và tiềm năng trong hợp tác kinh tế, thương mại giữa hai nước còn rất lớn, xuất phát từ những nhân tố như sau: Quan hệ hợp tác chính trị giữa hai nước ngày càng được củng cố và phát triển tốt đẹp thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa Lãnh đạo hai Đảng và Lãnh đạo Chính phủ hai nước. Thêm vào đó, với vị trí địa lý đặc thù, hai nước có lợi thế to lớn trong hoạt động logistics, vận chuyển hàng hóa bằng cả đường bộ, đường sắt, đường biển và đường hàng không. Ngoài ra, Việt Nam đã ký kết và đang tham gia 16 FTA trong đó có nhiều FTA mở ra nhiều cơ hội tại các khu vực thị trường tiềm năng, có quy mô dân số lớn như CPTPP, RCEP. Đây sẽ là cơ hội thu hút doanh nghiệp Trung Quốc sang đầu tư tại Việt Nam để tận dụng các lợi thế này trong hoạt động sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường mà Việt Nam tham gia FTA để hưởng các ưu đãi mà FTA mang lại.
Tuy vậy, ông Nông Đức Lai, Tham tán thương mại Việt Nam tại Trung Quốc - cho rằng, việc giao thương giữa hai quốc gia, cụ thể là xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức như: Sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn thực phẩm, truy suất nguồn gốc, bao bì đóng gói theo quy định của Trung Quốc (Lệnh số 248, 249). Các sản phẩm hàng hóa của Việt Nam phải chịu sự cạnh tranh gay gắt từ các sản phẩm cùng loại từ các quốc gia khác và ngay cả với các sản phẩm nông sản cùng loại do chính Trung Quốc sản xuất. Số lượng sản phẩm nông sản được xuất khẩu chính thức sang Trung Quốc vẫn khá khiêm tốn và công tác mở cửa thị trường cho các sản phẩm mới diễn ra chậm và gặp không ít khó khăn; các doanh nghiệp hai bên vẫn thiếu thông tin thị trường, sản phẩm hàng hóa và thông tin về đối tác..., điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến hợp tác thương mại giữa doanh nghiệp hai bên.
Do đó, Hội nghị “Xúc tiến thương mại và kết nối giao thương doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc trong lĩnh vực nông, thủy sản” được tổ chức với mục đích nhằm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp Việt Nam kết nối giao dịch với trên 50 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông sản, thủy sản, bao bì đóng gói, thực phẩm chế biến của Trung Quốc đặc biệt là các doanh nghiệp đến từ tỉnh Quý Châu, Trung Quốc.
“Đây là cơ hội tốt để các doanh nghiệp Việt Nam quảng bá, giới thiệu các sản phẩm nông sản, trái cây, thực phẩm chế biến đến các doanh nghiệp, nhà nhập khẩu Trung Quốc để qua đó thúc đẩy xuất khẩu các sản phẩm nông sản của Việt Nam sang Trung Quốc bằng hình thức chính ngạch”- ông Lê Hoàng Tài nói.