Doanh nghiệp Việt nên làm gì khi 'đem chuông đi đánh xứ người'?

Có nhiều việc phải làm để hiện thực hóa cơ hội cho những doanh nghiệp Việt đang muốn đưa sản phẩm chinh phục thị trường quốc tế thông qua kết nối với nhà bán lẻ lớn và tham gia các hội chợ ở nước ngoài, vốn được ví von 'đem chuông đi xứ người'. Điều quan trọng là họ phải chạm được nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu, thể hiện rõ năng lực cạnh tranh, minh bạch hóa quy trình sản xuất…

Tham gia trưng bày tại hội chợ Korea Import Fair 2025 do Hiệp hội các Nhà Nhập khẩu Hàn Quốc (Koima) tổ chức ở Hàn Quốc trong các ngày 7 đến 9/7, ông Phạm Thành Danh, Tổng giám đốc Công ty TNHH Datafa, cho biết đã mang đến hội chợ nhiều dòng sản phẩm từ yến, nước nha đam, chanh dây, cà phê…đều có nguồn gốc tự nhiên.

Chạm đến nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu

Lý giải cho việc trưng bày những dòng sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, ông Danh cho rằng từ việc am hiểu thị trường Hàn Quốc ưa chuộng sản phẩm thiên nhiên, lành mạnh nên công ty tập trung vào nhóm sản phẩm này.

Một nhà thu mua của Nhật Bản quan tâm đến những sản phẩm thủ công độc đáo của DN Việt.

Một nhà thu mua của Nhật Bản quan tâm đến những sản phẩm thủ công độc đáo của DN Việt.

“Thực tế chúng tôi đã hết mẫu sản phẩm dùng thử mang theo, và một số khách hàng đã liên hệ sẽ gặp tại Việt Nam trong thời gian tiếp theo. Với kinh nghiệm đã xuất khẩu (XK) vào Mỹ và châu Âu, chúng tôi tự tin sẽ mở rộng thị phần tại Hàn Quốc”, ông Danh nói.

Trong khi đó, đến với hội chợ này, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Giám đốc kinh doanh Công ty TNHH Tân Nhiên, cho hay công ty đang trên con đường chạm đến nhu cầu của người tiêu dùng toàn cầu, cụ thể là thị trường Hàn Quốc.

Chính vì vậy, như chia sẻ của ông Sơn, công ty đã giới thiệu loạt sản phẩm đặc trưng như bánh tráng truyền thống, muối Tây Ninh, bánh tráng trộn và nổi bật nhất là bánh tráng không nhúng nước.

“Bánh tráng không nhúng nước là dòng sản phẩm độc đáo chạm đến sự tò mò và yêu thích của khách hàng quốc tế. Nhiều người ngạc nhiên khi biết sản phẩm không cần nhúng nước vẫn có thể sử dụng liền, tiện dụng, sáng tạo và đậm chất Việt Nam”, ông Sơn hào hứng nói.

Cũng theo vị giám đốc kinh doanh của Tân Nhiên, sản phẩm bánh tráng của công ty hiện được sản xuất theo tiêu chuẩn ISO 22000 và FSSC 22000, nhờ đó đáp ứng được yêu cầu cao của thị trường quốc tế.

Không chỉ với hai DN nêu trên, một số DN khác của Việt Nam (hoạt động trong các lĩnh vực thực phẩm, đồ uống, sản phẩm bản địa và tiêu dùng nhanh) khi tham dự vào hội chợ ở Hàn Quốc đã có những cố gắng để tạo ấn tượng từ khách hàng quốc tế đối với sản phẩm. Họ cũng đã trực tiếp kết nối với nhiều buyer (nhà thu mua quốc tế) tiềm năng. Một số doanh nghiệp (DN) cho biết đã “hết sạch hàng mẫu” chỉ sau một buổi sáng đầu tiên khi trưng bày do khách đặt vấn đề mua ngay tại chỗ.

Có thể nói việc “đem chuông đi đánh xứ người” của các DN Việt thông qua các hội chợ, hoạt động xúc tiến thương mại ở nước ngoài như kể trên rất đáng khích lệ. Điều quan trọng là họ phải thể hiện được năng lực cạnh tranh sản phẩm, kinh nghiệm xúc tiến thương mại quốc tế, kinh nghiệm làm B2B (DN với DN). Và mỗi DN dù lớn hay nhỏ phải đặt ra mục tiêu riêng cho mình để có sự chuẩn bị tốt nhất.

Như lưu ý của ông Ngô Đình Dũng, một chuyên gia về xúc tiến thương mại, chỉ khi DN cho khách hàng quốc tế thấy được sự khác biệt trong sản phẩm thì cơ hội thành công sẽ nhiều hơn. Khi trưng bày gian hàng, các DN chỉ có khoảng 2 giây để thu hút khách khi họ đi ngang, nên hãy dùng hình ảnh, mùi vị, sự tương tác để hút họ. Cho họ tiếp xúc với 5 giác quan khi đến với mình.

Ở một diễn biến khác, trong thượng tuần tháng 7/2025 ở Tp.HCM vừa diễn ra tuần lễ kết nối giao thương và không gian giới thiệu sản phẩm Việt Nam tại hệ thống phân phối hiện đại Central Retail Việt Nam 2025. Bà Cao Xuân Phi Vân, Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Tp.HCM (ITPC), bày tỏ kỳ vọng thông qua hệ thống chuỗi siêu thị của Tập đoàn Central Retail (Thái Lan) để đưa các sản phẩm, hàng hóa mang thương hiệu Việt đến người tiêu dùng quốc tế.

Theo bà Vân, thông qua hoạt động kết nối với các trưởng ngành hàng của Central Retail sẽ giúp các DN Việt đánh giá về chất lượng sản phẩm, nắm bắt xu hướng tiêu dùng để định hướng sản xuất phù hợp, từng bước nâng cao chất lượng và năng lực cạnh tranh của sản phẩm, hướng tới mục tiêu XK sang thị trường Thái Lan và các nước trong hệ thống của Central Retail.

Phải hiện thực hóa cơ hội

Nên biết thêm, trong hội nghị kết nối mới đây với 150 DN Việt Nam, phía Central Retail đặt ra 2 mục tiêu chính. Thứ nhất là sản phẩm của DN khi tham gia phải có các giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn theo yêu cầu của Central Retail và phải có hồ sơ công bố hợp lệ. Thứ hai là đáp ứng các yêu cầu khác về quy trình sản xuất và điều kiện sử dụng lao động của DN.

Thực tế cho thấy, trong bối cảnh gặp nhiều thách thức về thị trường tiêu thụ do tác động từ thuế đối ứng của Hoa Kỳ, việc các DN Việt chú trọng kết nối với các thu mua quốc tế, các nhà bán lẻ lớn của nước ngoài để đưa sản phẩm xuất ngoại một cách thuận tiện hơn là vô cùng quan trọng.

Chẳng hạn để hiện thực hóa cơ hội các DN trong nước trở thành đối tác chính thức của nhà bán lẻ Aeon ở Nhật Bản, ông Shiotani Yuichiro, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Aeon Topvalu Việt Nam, nhấn mạnh các DN nên đặc biệt chú trọng đến các giá trị bền vững và trách nhiệm xã hội.

Bên cạnh đó, theo ông Yuichiro, đối với các nhà cung cấp Việt Nam hướng tới thị trường ASEAN, các yêu cầu bao gồm việc thành lập công ty được ít nhất 1 năm, có năng lực sản xuất theo thiết kế/yêu cầu của bên đặt hàng và mong muốn hợp tác cùng Aeon.

Còn đối với các đối tác Việt có mục tiêu XK sang thị trường Nhật Bản, ông Yuichiro cho rằng các điều kiện sẽ cao hơn, như yêu cầu 5 năm kinh nghiệm hoạt động, sở hữu nhà máy riêng, có kinh nghiệm xuất khẩu, có khả năng nộp báo cáo tài chính của 2 kỳ gần nhất…

Ông Shiotani Yuichiro khẳng định rằng, mọi hoạt động hợp tác của DN Việt đều phải tuân thủ nghiêm ngặt Bộ Quy tắc Ứng xử (CoC) của Aeon, bao gồm các tiêu chuẩn về lao động, an toàn, môi trường và đạo đức kinh doanh. Điều kỳ vọng là các DN Việt trên hành trình trở thành đối tác chiến lược sẽ mang những sản phẩm chất lượng ra thế giới.

Ngoài những việc phải làm như vậy khi tham gia hội chợ ở nước ngoài hoặc kết nối với các nhà bán lẻ quốc tế, trong bối cảnh vừa có thỏa thuận thuế quan mới trong quan hệ thương mại Mỹ - Việt, Ts. Chu Thanh Tuấn, chuyên gia kinh tế, có lời khuyên cho các DN Việt trong hoạt động XK là nên minh bạch hóa quy trình sản xuất và đặc biệt là lưu trữ đầy đủ hồ sơ, từ giấy chứng nhận xuất xứ (CO), hợp đồng, hóa đơn đến vận đơn.

Đơn cử như việc XK hàng hóa vào Mỹ, ông Tuấn lưu ý rằng Cơ quan Hải quan và Biên phòng Mỹ (CBP) có quyền thực hiện hậu kiểm bất kỳ lúc nào, kể cả tại nhà máy sản xuất – do đó số hóa hồ sơ và quản trị minh bạch là yêu cầu bắt buộc.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-viet-nen-lam-gi-khi-dem-chuong-di-danh-xu-nguoi-1108011.html