Doanh nghiệp Việt thiếu quan tâm bảo hộ kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa

Sáng 5/7 tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo 'Bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam'. Sự kiện thu hút đông đảo đại diện các ban, ngành chức năng, một số chuyên gia kinh tế, chuyên gia pháp lý, các hiệp hội và cộng đồng doanh nghiệp.

Khai mạc hội thảo, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu cho doanh nghiệp Việt Nam đặc biệt trong bối cảnh hội nhập khi Việt Nam tham gia ngày càng sâu và rộng trong nền kinh tế toàn cầu thông qua các hiệp định thương mại tự do đã được ký kết song phương và đa phương.

Trước thực trạng đã có rất nhiều sản phẩm của Việt Nam mang kiểu dáng, nhãn hiệu.... đã bị "đánh cắp" bởi các doanh nghiệp nước ngoài, song khả năng tự vệ của các doanh nghiệp Việt Nam khi khiếu kiện để giành quyền sở hữu đều không dễ dàng và tốn kém không ít thời gian, chi phí. Việc này gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp trong nước cũng như nền kinh tế.

Trong khi đó, mối quan tâm của các doanh nghiệp Việt đối với yêu cầu bảo hộ kiểu dáng, nhãn hiệu hàng hóa sản phẩm lại rất hạn chế.

Cùng với việc đẩy mạnh xuất khẩu, vấn đề bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu cần phải được quan tâm nhiều hơn. Trong điều kiện thế giới đang có nhiều biến động, sự đa dạng hóa thị trường ở đâu thì ở đó đều cần có bảo hộ sở hữu công nghiệp. Việc tăng cường sở hữu công nghiệp với hàng hóa Việt Nam là một trong những yêu cầu quan trọng nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt trong bối cảnh mới.

Việc tiếp thị hàng hóa, kinh doanh hàng hóa gắn liền với bảo hộ sở hữu công nghiệp. Tiếp thị sản phẩm thành công chính là tiếp thị nhãn hiệu thành công và sẽ giúp tạo thêm giá trị gia tăng lớn cho sản phẩm. Bảo hộ nhãn hiệu còn là phương thức tốt nhất để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tránh dùng phải hàng nhái, hàng giả.

"Vì lẽ đó, doanh nghiệp "đừng vô tình" với tài sản vô hình của mình, vì nó quyết định sự sống còn của doanh nghiệp, tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.", ông Lộc nhấn mạnh.

Ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng, Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam cho biết, hiện có một số hệ thống đăng ký quốc tế về bảo hộ kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu đã được thiết lập, tạo thuận lợi cho việc đăng ký bảo hộ sở hữu trí tuệ.

Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là dấu hiệu cho thấy sự thành công của doanh nghiệp trong bối cảnh yêu cầu về quyền sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng. Việt Nam chú trọng nhiều tới vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ nên việc đào tạo nâng cao năng lực trong lĩnh vực này cũng hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp cần nhận thức đúng, đầy đủ về bảo vệ và phát triển kiểu dáng công nghiệp sản phẩm hàng hóa của mình, ông Lâm cho hay.

Với chủ đề "Bảo hộ hình dáng bên ngoài của sản phẩm và đăng ký kiểu dáng công nghiệp", ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc, Trung tâm Thẩm định Kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ đã giới thiệu tại hội thảo về hình dáng một sản phẩm có thể là một lợi thế cạnh tranh lớn nhưng làm thế nào để bảo hộ hình dáng bên ngoài độc đáo của sản phẩm. Đăng ký kiểu dáng theo hệ thống đăng ký kiểu dáng công nghiệp Việt Nam được bảo hộ tại Việt Nam. Cách thức nào để nộp đơn và tra cứu thông tin như thế nào trước khi tiến hành nộp.

Song song đó, ông Denis Croze, Giám đốc, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) cho biết, bảo hộ một kiểu dáng độc đáo ở Việt Nam là một điểm khởi đầu tốt. Hệ thống Hague được quản lý bởi WIPO đã cung cấp một giải pháp kinh doanh thực tế để đăng ký kiểu dáng tại 113 quốc gia bằng cách nộp một đơn quốc tế.

Thạch Huê (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/kinh-te/doanh-nghiep-viet-thieu-quan-tam-bao-ho-kieu-dang-nhan-hieu-hang-hoa-20190705155107772.htm