Doanh nghiệp xăng dầu: Lớn sống khỏe, nhỏ xuống sức
Dù cùng chịu ảnh hưởng của biến động giá dầu nhưng các doanh nghiệp lớn với nhiều lợi thế vẫn 'sống khỏe', còn các doanh nghiệp nhỏ chịu cảnh kinh doanh ảm đạm.
Doanh nghiệp lớn lớn hơn
Quý IV/2023, Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL, mã OIL) báo cáo doanh thu hợp nhất đạt 35.797,8 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế âm 36,5 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước lãi ròng 294,7 tỷ đồng. Nguyên nhân thua lỗ, theo giải trình của doanh nghiệp, là do phải chịu tổn hại từ việc giá dầu giảm sâu trong kỳ.
Lũy kế cả năm 2023, PVOIL ghi nhận doanh thu 102.678 tỷ đồng, giảm 1,4% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế đạt 627,6 tỷ đồng, giảm 13,2% so với năm 2022.
Năm 2023, Tổng công ty đặt mục tiêu kinh doanh khá thận trọng, với tổng doanh thu dự kiến 50.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 480 tỷ đồng, giảm lần lượt hơn 50% và 34% so với mức thực hiện trong năm 2022. Như vậy, với kết quả trên, PVOIL đã hoàn thành 205% mục tiêu doanh thu và 130,7% mục tiêu lợi nhuận.
Tại Hội nghị tổng kết hoạt động 2023 mới diễn ra, ông Đoàn Văn Nhuộm - Tổng giám đốc PVOIL cho biết, một điểm nhấn trong năm qua là hệ thống phân phối xăng dầu của PVOIL đã mở rộng thêm 107 cửa hàng, hoàn thành gấp đôi kế hoạch cả năm, nâng tổng số cửa hàng phân phối xăng dầu thuộc PVOIL lên mức 762 cửa hàng.
Đáng chú ý, năm qua, PVOIL đã hoàn thành việc lắp đặt và đưa vào sử dụng gần 300 trạm sạc xe điện VinFast tại các cửa hàng xăng dầu trong hệ thống trên toàn quốc. Việc hợp tác này đưa PVOIL trở thành nhà cung cấp năng lượng đa dạng cho các phương tiện giao thông, không chỉ xăng dầu mà còn có cả năng lượng điện và hydro trong tương lai.
Theo lãnh đạo PVOIL, Tổng công ty và VinFast cũng sẽ tiếp tục tìm kiếm các địa điểm phù hợp để mở rộng số lượng trạm sạc, đáp ứng nhu cầu phát triển của cả hai bên.
Hiện Chính phủ đang áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, điều này được giới phân tích đánh giá, sẽ giúp các doanh nghiệp có quy mô lớn, kinh doanh bài bản như PVOIL cải thiện thị phần.
PVOIL hiện đang sở hữu lượng tiền mặt dồi dào, với khoản tiền và tương đương tiền tại thời điểm cuối năm 2023 lên tới gần 15.300 tỷ đồng, tăng 20% so với đầu năm. Chỉ riêng khoản tiền gửi này đem lại khoản lãi gần 696 tỷ đồng trong năm 2023.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, mã PLX), doanh nghiệp đầu ngành xăng dầu ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận trước thuế lên tới 73,2% so với năm 2022, ghi nhận 3.931,9 tỷ đồng trong bối cảnh doanh thu đạt 274.355,8 tỷ đồng, giảm 9,8% so với năm 2022.
Năm 2023, Petrolimex lên kế hoạch doanh thu hợp nhất 190.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 3.228 tỷ đồng, giảm 38% về doanh thu và tăng 42% về lợi nhuận so với mức thực hiện năm 2022. Như vậy, Công ty vượt 44,4% kế hoạch doanh thu và vượt 21,8% mục tiêu lợi nhuận trước thuế đặt ra hồi đầu năm.
Theo Công ty Chứng khoán SSI, Petrolimex có thể cải thiện thị phần, đặc biệt trong kênh bán lẻ khi Chính phủ áp dụng các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu, đặc biệt là với một số công ty lớn như Xuyên Việt Oil, có doanh thu tương đương khoảng 10% doanh thu của Petrolimex trong năm 2022.
Ngoài ra, Chính phủ đã phê duyệt Nghị định 80 vào ngày 17/11/2023, sửa đổi Nghị định 95/2021 và Nghị định 83/2014 quy định về kinh doanh xăng dầu. Theo đó, chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu sẽ thay đổi từ 10 ngày xuống 7 ngày, đồng thời điều chỉnh các yếu tố khác trong công thức tính giá xăng dầu như chi phí vận chuyển, chi phí/lợi nhuận định mức, thuế và phí sẽ được điều chỉnh theo quý, thay vì 2 lần/năm như trước đây.
Theo SSI, điều này sẽ giúp giá xăng dầu phản ánh chi phí hoạt động của nhà phân phối kịp thời hơn, từ đó giúp nhà phân phối quản lý được biên lợi nhuận.
Doanh nghiệp nhỏ ảm đạm
Ở nhóm công ty có quy mô nhỏ, tình hình kinh doanh rất ảm đạm. Báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2023 của Công ty cổ phần Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (mã PSH) cho thấy, quý này, doanh thu đạt hơn 759 tỷ đồng, giảm 65,9% so với cùng kỳ năm 2022. Lợi nhuận sau thuế âm tới 220,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2022 báo lãi 42,2 tỷ đồng.
Lũy kế cả năm 2023, PSH ghi nhận doanh thu 6.120,4 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2022; lợi nhuận sau thuế đạt 56,9 tỷ đồng, cải thiện so với số lỗ 236,6 tỷ đồng trong năm trước đó.
Nam Sông Hậu đặt mục tiêu doanh thu hơn 10.964 tỷ đồng và lãi sau thuế hơn 356 tỷ đồng trong năm 2023. Với kết quả đạt được, Công ty chỉ thực hiện được gần 57% kế hoạch doanh thu và hơn 21% mục tiêu lãi sau thuế đã đề ra.
Tình hình tài chính của Công ty tính tới cuối năm 2023 không có nhiều điểm tích cực. Tiền và tương đương tiền giảm từ 235,7 tỷ đồng hồi đầu năm xuống 24,2 tỷ đồng vào cuối năm. Trong khi đó, phải thu ngắn hạn tăng từ 455 tỷ đồng lên 1.441,7 tỷ đồng.
Cụ thể hơn, phải thu ngắn hạn của khách hàng tăng 14 lần, từ 75 tỷ đồng lên 1.069,2 tỷ đồng. Các “con nợ” lớn nhất của Công ty là Công ty cổ phần Sản xuất dầu nhớt Long An (382,2 tỷ đồng), Công ty cổ phần Kho cảng ngoại quan và Thương mại Dầu khí Nam Sông Hậu Gò Công (178,4 tỷ đồng)…
Nợ phải trả của Công ty tăng 847 tỷ đồng so với đầu năm, ghi nhận mức 9.386 tỷ đồng. Trong đó, nợ ngắn hạn tăng mạnh từ 5.359 tỷ đồng lên 6.690 tỷ đồng trong vòng 1 năm.
Một doanh nghiệp dầu khí khác là Công ty cổ phần Tập đoàn Dầu khí Anpha (mã ASP) cũng ghi nhận kết quả kinh doanh năm 2023 đi xuống. Cụ thể, năm 2023, ASP ghi nhận doanh thu 3.801,7 tỷ đồng, giảm 7,6% so với năm trước; lợi nhuận sau thuế âm 248 triệu đồng, trong khi năm 2022 lãi sau thuế 12,3 tỷ đồng.
Công ty cổ phần Đầu tư và Sản xuất Petro miền Trung (mã PMG) tiếp tục chứng kiến tình hình kinh doanh thua lỗ. Năm 2023, Công ty ghi nhận doanh thu 1.876,7 tỷ đồng, giảm 9,5% so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế âm 22,7 tỷ đồng, trong khi năm 2022 lỗ sau thuế 13,3 tỷ đồng.
Năm 2023, Petro Miền Trung đặt kế hoạch với mục tiêu doanh thu đạt 2.200 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 12 tỷ đồng, không chia cổ tức. Theo đó, Công ty mới đạt 85,3% mục tiêu doanh thu và lùi rất xa so với mục tiêu lợi nhuận.
PMG cho biết, quý IV/2023, tình hình kinh doanh thuận lợi, sản lượng hàng tiêu thụ tăng so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên giá CP (Contract Price - giá tham chiếu) của thế giới thấp hơn nhiều so với giá CP quý IV/2022 nên doanh thu quý IV cũng như cả năm 2023 giảm so với 2022.
Lý do này đã được PMG sử dụng trước đó trong các báo cáo giải trình kết quả kinh doanh, cũng như báo cáo tiến độ khắc phục tình trạng cổ phiếu PMG nằm trong diện kiểm soát vì thua lỗ.