Trường ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng đào tạo ngành Hóa học 'vững nền tảng, mạnh thực hành'

Chương trình đào tạo ngành Hóa học tại UED thiết kế linh hoạt, cập nhật xu hướng quốc tế và tập trung phát triển năng lực hành nghề.

Nghị quyết 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nêu rõ: “Phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”.

Một trong giải pháp được đề cập trong Nghị quyết 57 là: "Phát triển đội ngũ giảng viên, các nhà khoa học đủ năng lực, trình độ đáp ứng việc giảng dạy lĩnh vực khoa học cơ bản...". Trong đó, ngành Hóa học đóng vai trò nền tảng đặc biệt quan trọng, góp phần thiết thực vào việc thúc đẩy nhiều ngành công nghệ mũi nhọn để ứng dụng vào thực tiễn.

Nhận thức rõ yêu cầu đặt ra trong bối cảnh hiện nay, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng (UED) đã triển khai chương trình đào tạo cử nhân Hóa học với hai chuyên ngành gồm Hóa dược; Hóa phân tích và Ứng dụng nhằm hướng tới mục tiêu cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu của xã hội trong kỷ nguyên công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Hóa học vừa là ngành nền tảng, vừa là ngành đổi mới

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thắng Nguyên, Trưởng ngành Hóa học, Khoa Lý - Hóa, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng chia sẻ: Thuộc ngành khoa học cơ bản, Hóa học giữ vai trò then chốt trong nhiều lĩnh vực ứng dụng của đời sống và sản xuất. Đặc biệt, trong bối cảnh kỹ thuật và công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay, tầm quan trọng của ngành Hóa học càng được khẳng định và trở nên nổi bật hơn bao giờ hết.

Chẳng hạn, trong ngành dược phẩm, Hóa học không chỉ giúp thiết kế và tổng hợp thuốc mới mà còn góp phần tạo ra các vật liệu dẫn thuốc thông minh. Hay trong lĩnh vực môi trường, Hóa học cung cấp các giải pháp phân tích và xử lý ô nhiễm từ không khí, nước đến nguồn đất. Trong lĩnh vực về năng lượng, các nhà hóa học đang phát triển pin thế hệ mới, vật liệu lưu trữ hydro, hoặc xúc tác cho phản ứng chuyển đổi năng lượng sạch.

 Chương trình hội thảo Innova connect lĩnh vực giải pháp và vật liệu cho phát triển bền vững được tổ chức bởi Khoa Lý - Hóa, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng và được tài trợ bởi Vinfuture Prize. Ảnh: NTCC.

Chương trình hội thảo Innova connect lĩnh vực giải pháp và vật liệu cho phát triển bền vững được tổ chức bởi Khoa Lý - Hóa, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng và được tài trợ bởi Vinfuture Prize. Ảnh: NTCC.

Không chỉ vậy, Hóa học còn là trụ cột của nhiều ngành công nghiệp chủ lực như: hóa dầu, hóa mỹ phẩm, vật liệu mới, nông nghiệp thông minh, công nghệ nano, công nghệ sinh học,... và không thể không nhắc đến vai trò của Hóa học trong việc đảm bảo an toàn thực phẩm, chẩn đoán y học và phát triển bền vững.

Bằng khả năng kết nối lý thuyết với ứng dụng, ngành Hóa học vừa là một ngành nền tảng, vừa là ngành đổi mới, góp phần tích cực vào sự phát triển khoa học - công nghệ, kinh tế - xã hội.

Đáng chú ý, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết 57 về phát triển đội ngũ nhân lực chất lượng cao trong các ngành khoa học cơ bản, Chính phủ hiện đang xây dựng dự thảo quy định chính sách học bổng cho người học lĩnh vực STEM. Theo đó, người học ở các bậc học của ngành Hóa học sẽ có cơ hội nhận học bổng lên đến 7 triệu đồng/tháng. Điều này cho thấy Nhà nước đã có những bước đi thiết thực để phát triển các ngành khoa học cơ bản.

Cánh cửa nghề nghiệp rộng mở nhiều cơ hội

Đánh giá về nhu cầu nhân lực ngành Hóa học hiện nay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Đức - Phân viện trưởng, Phân viện Khoa học an toàn vệ sinh lao động và Bảo vệ môi trường miền Trung nhận định: Trong bối cảnh kinh tế - công nghiệp phát triển mạnh mẽ và xu thế đổi mới sáng tạo ngày càng được thúc đẩy, nhu cầu về nguồn nhân lực ngành Hóa học ở nước ta đang gia tăng rõ rệt trên nhiều lĩnh vực.

Các vị trí công việc về sản xuất công nghiệp, môi trường và năng lượng, cũng như công tác quản lý chất lượng an toàn đều đặt ra yêu cầu đòi hỏi đội ngũ lao động được đào tạo bài bản, am hiểu cả chuyên môn lẫn quy trình vận hành.

 Sinh viên Khoa Lý - Hóa, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp. Ảnh: NVCC.

Sinh viên Khoa Lý - Hóa, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với hoạt động sáng tạo, khởi nghiệp. Ảnh: NVCC.

Song, để phát triển bền vững lực lượng lao động trong lĩnh vực STEM nói chung và Hóa học nói riêng, thứ nhất, cần tăng cường giáo dục định hướng nghề nghiệp sớm trong trung học phổ thông, giúp học sinh nhận diện được đam mê và tiềm năng của các ngành khoa học cơ bản.

Thứ hai, gắn kết đào tạo với nhu cầu thực tiễn, thúc đẩy mô hình đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng - doanh nghiệp. Nhà trường phải phối hợp chặt chẽ với doanh nghiệp để xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế, cập nhật công nghệ mới; tăng cường các môn học định hướng ứng dụng, học phần mô phỏng sản xuất, kỹ thuật vận hành thiết bị; tổ chức các kỳ thực tập có chiều sâu cho sinh viên tham gia vào quy trình sản xuất, kiểm tra chất lượng, nghiên cứu sản phẩm.

Thứ ba, đầu tư nâng cấp phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất, trang bị các thiết bị phân tích, thí nghiệm hiện đại trong đào tạo để sinh viên có cơ hội thực hành, tiếp cận công nghệ hiện đại.

Thứ tư, bồi dưỡng kỹ năng mềm và tư duy đổi mới. Bên cạnh chuyên môn, sinh viên cần được rèn luyện kỹ năng số, làm việc nhóm, giao tiếp, tư duy phản biện, quản lý thời gian, trách nhiệm xã hội và ngoại ngữ. Từ đó, sinh viên có thể tiếp cận nhanh với công nghệ toàn cầu.

Thứ năm, tăng cường học bổng hỗ trợ cho sinh viên theo học các ngành STEM. Những chính sách thu hút, giữ chân nhân tài và cơ chế đãi ngộ phù hợp cho kỹ sư, cử nhân Hóa học sau tốt nghiệp sẽ góp phần giúp khuyến khích nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp trong lĩnh vực này.

 Ngày hội Open day 2025 dành cho học sinh phổ thông tại Khoa Lý - Hóa, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC.

Ngày hội Open day 2025 dành cho học sinh phổ thông tại Khoa Lý - Hóa, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Ảnh: NTCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Minh Đức cũng cho biết, chất lượng nguồn nhân lực ngành Hóa học hiện nay cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu công việc tại các viện nghiên cứu và doanh nghiệp, đặc biệt ở các mảng liên quan đến môi trường và an toàn lao động. Các chương trình đào tạo đảm bảo được mục tiêu và yêu cầu chuyên môn đối với các vị trí việc làm. Tuy nhiên, kỹ năng thực hành, nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của sinh viên như hoạt động thử nghiệm trên các hệ máy phổ biến, hiện đại như GCMS, HPLC, AAS,... còn hạn chế, thường cần một khoảng thời gian 3-6 tháng để các bạn mới bắt nhịp với công việc.

Chia sẻ về đầu ra của cử nhân ngành Hóa học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thắng Nguyên cho hay, người học sau khi tốt nghiệp ra trường có rất nhiều lựa chọn nghề nghiệp nhờ vào nền tảng kiến thức vững chắc và kỹ năng chuyên môn đa dạng mà chương trình đào tạo trang bị. Với hai chuyên ngành đang được nhà trường đào tạo là Hóa dược; Hóa phân tích và Ứng dụng; các em sau khi tốt nghiệp có thể làm việc trong nhiều lĩnh vực thiết yếu của xã hội.

Đối với chuyên ngành Hóa dược, sinh viên có thể làm việc tại các công ty dược phẩm trong vai trò nhân viên R&D (nghiên cứu phát triển), kiểm tra chất lượng (QC), đảm bảo chất lượng (QA), sản xuất thuốc; trung tâm kiểm nghiệm thuốc, mỹ phẩm, các viện nghiên cứu y dược; cơ sở sản xuất dược liệu, thực phẩm chức năng;...

 Sinh viên ngành Hóa học Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tham gia chương trình Open day 2025. Ảnh: NTCC.

Sinh viên ngành Hóa học Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tham gia chương trình Open day 2025. Ảnh: NTCC.

Với chuyên ngành Hóa phân tích và Ứng dụng, người học có thể trở thành kỹ thuật viên phân tích, chuyên viên QA/QC trong các phòng thí nghiệm phân tích hóa học, môi trường, thực phẩm; làm việc tại trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm, viện nghiên cứu khoa học; tham gia vào các phòng thí nghiệm của công ty sản xuất vật liệu, mỹ phẩm, hóa chất công nghiệp;...

Ngoài ra, sinh viên có thể tiếp tục bậc sau đại học ở trong nước hoặc nước ngoài để phát triển theo hướng nghiên cứu chuyên sâu, giảng dạy đại học, hoặc đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp.

Lợi thế “vững nền tảng, mạnh thực hành” của sinh viên nhà trường

Từ thực tế hiện nay, có thể thấy, các cơ sở đào tạo chú trọng kỹ năng thực hành, gắn kết lý thuyết với ứng dụng nắm giữ lợi thế rõ rệt trong việc hành trang cho sinh viên bước vào thị trường lao động. Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng là một trong những đơn vị đào tạo có uy tín và truyền thống lâu đời trong lĩnh vực khoa học tự nhiên ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên.

Với đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm, khoảng 80% thầy cô có trình độ tiến sĩ, được đào tạo bài bản từ các trường đại học hàng đầu trong và ngoài nước, nhà trường có lợi thế lớn trong việc giảng dạy và nghiên cứu Hóa học theo định hướng hiện đại, thực tiễn.

 Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với hội thi Olympic Hóa học. Ảnh: NTCC.

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng với hội thi Olympic Hóa học. Ảnh: NTCC.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Võ Thắng Nguyên, sinh viên ngành Hóa học Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng được học tập trong môi trường học thuật cởi mở, thân thiện, đồng thời được trải nghiệm thực hành với các thiết bị phân tích tiên tiến như HPLC, UV-Vis, FTIR, GC,… cũng như việc tiếp cận các phần mềm hóa học chuyên dụng.

Mặt khác, chương trình đào tạo của nhà trường được thiết kế linh hoạt, liên tục cập nhật xu hướng quốc tế, tập trung phát triển năng lực hành nghề, kỹ năng thực hành chuyên sâu và tư duy đổi mới sáng tạo cho người học. Ngoài các học phần chuyên ngành như Hóa dược, Hóa phân tích, Hóa mỹ phẩm, Thiết kế thuốc bằng hóa tính toán,…, các em còn được rèn luyện kỹ năng mềm, kỹ năng số, kỹ năng làm việc nhóm và làm quen với môi trường doanh nghiệp thông qua các đợt thực tập và thực tế chuyên môn.

Người học có thể yên tâm về cơ hội nghề nghiệp sau khi tốt nghiệp ra trường. Hằng năm đều có các thông báo tuyển dụng từ nhiều công ty, doanh nghiệp, nhà máy, viện nghiên cứu được giới thiệu đến sinh viên thông qua các kênh chính thức của Khoa và nhà trường.

Gửi gắm lời khuyên đến những người học đang theo đuổi ngành này, cô Nguyên cho rằng: "Để hành trang vững chắc cho bản thân chuẩn bị bước vào thực chiến, các em nên trau dồi kiến thức nền tảng về khoa học tự nhiên với tinh thần ham học hỏi, yêu thích thực nghiệm và kiên nhẫn trong nghiên cứu. Tư duy logic, kỹ năng phân tích, xử lý số liệu và kỹ năng sử dụng thiết bị thí nghiệm, phần mềm chuyên ngành cũng là những yếu tố rất cần thiết. Đồng thời, sinh viên nên trau dồi kỹ năng giao tiếp, làm việc nhóm và công nghệ thông tin, vì đây là những tố chất không thể thiếu trong môi trường làm việc hiện đại.

Và một điều không kém phần quan trọng là hãy giữ vững niềm đam mê khoa học. Bởi lẽ, chính niềm đam mê ấy sẽ giúp các em vượt qua những khó khăn để từng bước gặt hái thành công trên hành trình học tập và sự nghiệp sau này".

Năm 2025, Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng tuyển sinh 54 chỉ tiêu cho ngành cử nhân Hóa học, với hai chuyên ngành đào tạo gồm: Hóa dược; Hóa phân tích và Ứng dụng.

Nhà trường sử dụng 2 phương thức xét tuyển đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tiếp cận ngành học tiềm năng này là: Xét tuyển theo kết quả kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông và Xét tuyển theo kết quả học tập (học bạ) ở bậc trung học phổ thông.

Lưu Diễm

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dh-su-pham-dh-da-nang-dao-tao-nganh-hoa-hoc-vung-nen-tang-manh-thuc-hanh-post253039.gd