Doanh nghiệp xây dựng bị động dưới đa chiều sức ép

Xây dựng là nhóm ngành đặc thù luôn ở thế bị động do khối lượng công việc, dòng tiền… đều phụ thuộc vào đối tác là các doanh nghiệp phát triển dự án bất động sản và hạ tầng. Hiện nay, những khó khăn của thị trường bất động sản cũng khiến nhiều doanh nghiệp xây dựng suy yếu khi bị chủ đầu tư giam nợ mà sức ép từ dòng tiền hoạt động lẫn lãi vay tăng cao.

“Mùa đông khắc nghiệt” là cụm từ được Công ty Chứng khoán VNDirect dùng làm tựa đề trong báo cáo ngành bất động sản nhà ở. Kết quả kinh doanh năm qua của các doanh nghiệp trong ngành đều đi xuống. Chẳng những vậy, trong ngắn hạn, không nhiều doanh nghiệp lạc quan về chuyện phục hồi bởi rủi ro mất khả năng thanh toán của chủ đầu tư vẫn là mối lo lớn nhất.

Sức ép lớn từ nợ đọng của đối tác

Theo báo cáo của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam (VNREA), với các dự án bất động sản đang triển khai trên cả nước, hầu hết đều phải tạm dừng với giá trị đầu tư lên đến 800.000 tỉ đồng. Số lượng doanh nghiệp bất động sản tuyên bố phá sản hoặc giải thể trong năm 2022 tăng 38,7% so với cùng kỳ năm trước, ước gần 1.200 doanh nghiệp.

Sự thành bại của doanh nghiệp bất động sản hiện tại sẽ quyết định đến tình hình hoạt động của hai ngành lớn là ngân hàng và xây dựng. Trong đó, ngân hàng là chủ nợ nhưng được nắm tài sản đảm bảo, còn xây dựng là chủ nợ phụ thuộc vào số dư tài khoản của con nợ. Vì vậy, con số mà (VNREA) đưa ra ở trên có thể khiến cho các doanh nghiệp xây dựng phải lo lắng.

Nợ đọng từ đối tác đang gây nhiều sức ép về dòng tiền cho doanh nghiệp xây dựng. Ảnh minh họa: DNCC

Nợ đọng từ đối tác đang gây nhiều sức ép về dòng tiền cho doanh nghiệp xây dựng. Ảnh minh họa: DNCC

“Chưa bao giờ khó như thế” là câu nói của một vị lãnh đạo doanh nghiệp ngành xây dựng đã hoạt động trên thương trường vài chục năm qua. Tình trạng nợ đọng gia tăng xuất phát từ chính sách thắt chặt tiền tệ dẫn đến nhiều chủ đầu tư khó khăn về dòng tiền, chậm thanh toán cho nhà thầu. Nhìn lại báo cáo tài chính của doanh nghiệp ngành xây dựng thời gian qua có thể thấy rõ dòng tiền khó đã tác động tiêu cực đến cơ cấu tài chính của họ. Tình hình dòng tiền ở hai doanh nghiệp dẫn đầu thị trường hiện nay đang phản ánh rõ thực trạng này.

Tính đến cuối năm, các khoản phải thu của Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình tăng thêm 5% lên 12.212 tỉ đồng, chiếm tới 72% tổng tài sản. Coteccons cũng trong tình cảnh tương tự khi tại ngày cuối cùng của năm 2022, các khoản phải thu ngắn hạn đã tăng thêm 30% so với đầu năm, đến 11.231 tỉ đồng. Ngoài ra, Coteccons cũng có các khoản phải thu dài hạn tới 380 tỉ đồng, nâng tổng giá trị các khoản phải thu lên 11.611 tỉ đồng, chiếm 61% tài sản.

Việc phải thu tăng cao đã gây ra hệ lụy kép. Đầu tiên là nhiều nhà thầu gặp khó khăn về dòng tiền, chẳng hạn dòng tiền kinh doanh của Hòa Bình âm 884 tỉ đồng; dòng tiền kinh doanh của Coteccons âm tới 1.626 tỉ đồng.

Để có tiền tiếp tục thi công dự án, các doanh nghiệp xây dựng phải gia tăng nợ vay. Cùng với mức lãi suất cao của năm 2022, chi phí lãi vay ăn mòn lợi nhuận vốn đã mỏng của các nhà thầu. Với Hòa Bình, trong năm 2022, chi phí tài chính của doanh nghiệp này lên tới 521 tỉ đồng, tăng 72% so với cùng kỳ. Còn Coteccons, chi phí tài chính “phi mã” 12 lần, lên 162 tỉ đồng.

Đơn cử như Hòa Bình, năm qua, doanh nghiệp này đã phải trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi tới 774 tỉ đồng, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt lên 939 tỉ đồng. Chi phí lãi vay cùng chi phí quản lý tăng mạnh là một trong những nguyên nhân khiến Hòa Bình lần đầu lâm vào cảnh thua lỗ đậm.

Tập đoàn Đầu tư Xây dựng Ricons (Ricons) có phần khả quan hơn. Doanh thu và lợi nhuận trong năm 2022 đều cao hơn cùng kỳ. Trong đó, doanh thu của Ricons đạt gần 11.400 tỉ đồng, tăng hơn 40%, với lãi ròng cả năm gần 91 tỉ đồng, tăng 14%. Tuy nhiên, so với năm 2021, biên lợi nhuận gộp của Ricons đã bị thu hẹp. Biên lãi gộp trong quí 4 của doanh nghiệp này còn hơn 1%, với mức cả năm chỉ hơn 1,8%, so với gần 3% trong năm 2021.

Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), hiện chưa có cơ chế pháp lý để bảo vệ nhà thầu trong những trường hợp không đòi được công nợ. Nếu phải kiện tụng ở tòa án dân sự như hiện hành, các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức để đeo đuổi, do vụ việc có thể kéo dài vài năm liền. Cùng với đó, biến động giá nguyên vật liệu khiến giá vốn tăng cao, làm biên lợi nhuận của doanh nghiệp xây dựng suy giảm mạnh. Tình trạng này khó được cải thiện trong ngắn hạn.

“Nếu tình cảnh này kéo dài, ngành xây dựng trong 5 năm tới sẽ hết các công ty có đủ năng lực, chất lượng”, ông Hiệp nói.

Sự “tổn thương” từ nội tại

Doanh nghiệp xây dựng là các đơn vị chuyên môn để tính toán kết cấu vững chắc của các công trình. Trong khi đó, việc xây dựng “kết cấu” cho doanh nghiệp lại không được như thế khi rất nhiều đơn vị trong ngành lún sâu vào các tranh chấp quyền lực, lợi ích khiến cho mô hình quản trị bị lung lay, xô lệch và thậm chí đổ vỡ. Dư chấn của các sự cố này tạo áp lực rất lớn đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Câu chuyện về tranh chấp lợi ích, quyền điều hành tại Coteccons hồi năm 2019 đã phá vỡ mối liên kết đối tác kéo dài cả thập niên giữa doanh nghiệp này và Tập đoàn Kusto. Mối liên hệ lợi ích giữa hệ sinh thái Coteccons và Ricons cũng bị cắt đứt và đây cũng là giá trị được phân chia trong cuộc chiến thượng tầng tại doanh nghiệp này. Kusto tiếp quản Coteccons, nhà sáng lập Nguyễn Bá Dương rời đi phát triển Ricons.

Tàn cuộc tranh đoạt tại Coteccons, mỗi bên đều nhận về mình một phần giá trị để có thể phát triển sản xuất kinh doanh theo tư duy và thông điệp của mình. Tuy vậy, hệ quả từ sự mâu thuẫn này cũng để lại tác động tiêu cực đến uy tín và kết quả kinh doanh của cả Coteccons lẫn Ricons trong hai năm qua.

Dư chấn từ những cuộc “nội chiến” đang khiến tình hình kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa: DNCC

Dư chấn từ những cuộc “nội chiến” đang khiến tình hình kinh doanh và thương hiệu của doanh nghiệp bị ảnh hưởng. Ảnh minh họa: DNCC

Coteccons không phải là doanh nghiệp duy nhất xảy ra tranh chấp thượng tầng. Đầu năm nay, một ông lớn khác trong ngành xây dựng là Tập đoàn Hòa Bình cũng xảy ra cuộc tranh chấp vị trí chủ tịch HĐQT.

Dù chưa ảnh hưởng nghiêm trọng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp nhưng những cuộc tranh chấp nội bộ này cũng tạo nên tổn thương cho uy tín doanh nghiệp.

Không chỉ kết cấu thượng tầng mà cấu trúc nhân sự, người lao động ở công trình của nhiều doanh nghiêp ngành này cũng bị tổn thất sau Covid-19. Theo khảo sát có tới 60-70% nhân lực trong ngành xây dựng là làm thời vụ và việc tuyển dụng trở lại công trường là không dễ. Tình trạng này đẩy doanh nghiệp xây dựng thêm một lần nữa bị động trong tiến độ phục hồi khi thị trường xây dựng được khôi phục.

Hy vọng mong manh trong ngắn hạn

Nhà ở xã hội được khuyến khích phát triển, vốn đầu tư công được dự báo sẽ đẩy mạnh trong thời gian tới có thể tạo ra động lực phục hồi cho nhiều doanh nghiệp. Tuy nhiên, từ dự báo đến thực tiễn vẫn không phải chuyện một sớm một chiều và không nhiều doanh nghiệp có được sự chủ động để nắm bắt cơ hội trên thị trường.

Báo cáo từ Hiệp hội Các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), các doanh nghiệp ngành xây dựng đang vướng nhiều công nợ, khối lượng công việc giảm sút. Chỉ trừ xây dựng công nghiệp – chiếm 10% vẫn giữ được khối lượng công việc, còn tính chung toàn ngành gồm xây dựng nhà ở (chiếm 25%) và các dự án văn phòng, dân dụng (chiếm 50%) đều bị tác động.

Trong năm 2023, hoạt động triển khai các dự án nhà ở và khối lượng thi công của các doanh nghiệp xây dựng dân dụng được dự báo vẫn ở mức thấp.

Theo dự báo, so với phân khúc nhà ở thương mại, hoạt động xây dựng các dự án văn phòng, trung tâm thương mại tương đối bền vững hơn nhờ sự hồi phục các hoạt động kinh tế sau đại dịch. Tuy vậy, các dự án văn phòng và thương mại sẽ chỉ bù đắp một phần sự sụt giảm trong khối lượng thi công do quy mô thấp so với mảng nhà ở thương mại cùng thời gian hoàn thiện pháp lý và phát triển dự án thường kéo dài.

Trong bối cảnh ấy, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, cho biết đã lên kế hoạch thúc đẩy ký kết hợp tác với Công ty Keystone về việc cùng nhau xây dựng và phát triển dự án tại thị trường Mỹ. Đồng thời cũng có kế hoạch hướng đến các thị trường có môi trường kinh doanh tốt, tốc độ tăng trưởng nhà ở cao và đặc biệt giá xây dựng rất cao như ở Úc, Canada…

“Phương án của Hòa Bình hướng tới là hợp tác đầu tư, không mua đất mà hợp tác đầu tư làm thầu. Có thể liên kết với công ty thầu sở tại để tham gia dự án tại nước ngoài theo như chiến lược “xuất khẩu xây dựng” mà tập đoàn đã hướng tới. Kế hoạch là vậy, nhưng trong bối cảnh hiện tại, doanh nghiệp vẫn phải ưu tiên bảo toàn dòng tiền khi khó khăn dự kiến kéo dài sang nửa đầu năm 2023″, ông Lê Viết Hải nói.

Hi vọng cho toàn ngành được khơi lên khi Công ty Chứng khoán VNDirect dự báo đầu tư công sẽ bứt phá ngay từ đầu năm 2023. Theo ước tính của VNDirect, giải ngân vốn đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng trưởng 20-25% so với cùng kỳ. Đơn vị này đánh giá cao triển vọng phát triển hạ tầng trong năm tới khi các vấn đề thiếu hụt nguồn cung đá, cát và giá vật liệu xây dựng cao hầu như đã được giải quyết. Đây là động lực để các doanh nghiệp hi vọng tìm kiếm tăng trưởng trong lĩnh vực hạ tầng dù mức độ cạnh tranh là rất lớn.

V.Dũng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-xay-dung-bi-dong-duoi-da-chieu-suc-ep/