Doanh nghiệp xây dựng lãi lớn, 'cơn bĩ cực' đã qua?
Sự phục hồi của thị trường bất động sản đang giúp các doanh nghiệp ngành xây dựng kinh doanh khởi sắc hơn. Tuy nhiên, bức tranh toàn ngành vẫn còn nhiều mảng xám sau thời gian dài chìm trong ảm đạm.
Năm 2024 là năm trở lại của nhiều doanh nghiệp ngành xây dựng, với cả bốn mảng cốt lõi là nhà ở đô thị, bất động sản nghỉ dưỡng, hạ tầng, và công nghiệp đều có những chuyển biến tích cực, mang lại doanh thu và lợi nhuận hàng chục, thậm chí hàng trăm tỷ đồng.
Kinh doanh cải thiện
Coteccons tiếp tục duy trì vị thế hàng đầu khi đạt doanh thu cao nhất 20 quý. Cụ thể, báo cáo tài chính hợp nhất quý II năm tài chính 2025 (tức quý IV/2024) của CTD cho thấy, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu gần 6.886 tỷ đồng, tăng 21,6% so với cùng kỳ 2023.
Lợi nhuận gộp đạt 202 tỷ đồng, tăng 19%, tương ứng biên lợi nhuận gộp đạt 2,93%. Khấu trừ các loại chi phí, CTD lãi sau thuế 106 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ. Đây đều là những con số doanh thu, lợi nhuận cao nhất của CTD kể từ đầu năm 2020 tới nay.
Hệ sinh thái Newtecons, Ricons, Sol E&C, BM Windows, BohoDécor và DB cũng có một năm thăng tiến khi doanh thu hợp nhất của nhóm này đạt 27.800 tỷ đồng, vượt kế hoạch đề ra. Ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch sáng lập Newtecons khẳng định con số trên "bỏ xa những đối thủ khác trong ngành".
![Doanh nghiệp ngành xây dựng đang trở lại mạnh mẽ dù thách thức vẫn còn không ít.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w700_r1/2025_02_06_594_51407862/480cca06f5481c164559.jpg)
Doanh nghiệp ngành xây dựng đang trở lại mạnh mẽ dù thách thức vẫn còn không ít.
Trong hệ sinh thái trên, Ricons là doanh nghiệp “đầu tàu”. Quý IV/2024, doanh thu thuần của Ricons đạt 2.356 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023. Nhờ cải thiện giá vốn, lợi nhuận gộp đạt 145 tỷ đồng, tăng 49%. Điều này khiến biên lợi nhuận gộp lên tới 6,15%.
Lũy kế năm 2024, doanh thu thuần của Ricons đạt 8.011 tỷ đồng, tăng 6% so với năm trước. Đáng chú ý, cơ cấu doanh thu ghi nhận doanh thu bất động sản đạt 224 tỷ đồng, tăng 4,7 lần. Nhờ kiểm soát tốt giá vốn và có thêm doanh thu tài chính, lợi nhuận sau thuế tích lũy hơn 91% (khoảng 159 tỷ đồng), cao nhất kể từ năm 2021.
Dẫn đầu mảng hạ tầng - xây lắp, Vinaconex (VCG) ghi nhận doanh thu gần 12.873 tỷ đồng trong năm trước, tăng nhẹ hơn 1%. Nhờ kiểm soát tốt giá vốn và các chi phí cố định, VCG lãi hơn 1.157 tỷ đồng sau thuế, gấp gần 3 lần cùng kỳ và cao nhất 4 năm qua.
Các doanh nghiệp xây dựng khác cũng báo lãi khả quan. Central dự kiến ghi nhận lợi nhuận trên 200 tỷ đồng. Tổng công ty Xây dựng số 1 (CC1) công bố lãi hơn 259 tỷ đồng, cao nhất 3 năm.
Còn không ít thách thức
Có thể thấy, ngành xây dựng năm 2024 ghi nhận mức tăng trưởng tốt. Theo Bộ Xây dựng trong năm qua, tăng trưởng ngành đạt khoảng 7,8-8,2%, vượt chỉ tiêu Chính phủ giao. Đây cũng là tốc độ tăng trưởng cao nhất từ năm 2020.
Những tín hiệu tích cực là rất rõ ràng, tuy nhiên, cùng với cơ hội, các doanh nghiệp ngành xây dựng vẫn phải đối diện với nhiều thách thức. Minh chứng là bên cạnh những doanh nghiệp lãi lớn, còn không ít nhà thầu gặp khó khăn.
Đơn cử, dù doanh thu và lợi nhuận năm 2024 có sự tăng trưởng đáng kể so với năm trước, song dòng tiền kinh doanh của Tổng công ty Xây dựng Số 1 (CC1) âm tới hàng nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, năm 2024, CC1 ghi nhận doanh thu thuần tăng 81% so với năm trước, đạt 10.157 tỷ đồng. Lãi gộp năm 2024 của CC1 đạt 484 tỷ đồng, tăng 47% so với năm trước. Tuy vậy, kết năm 2024, lãi sau thuế cũng chỉ tăng 18%, đạt 259 tỷ đồng.
Một điều đáng quan ngại là dù ghi nhận lãi khá cao, nhưng lãi của CC1 lại chỉ nằm trên sổ sách chứ không thu được tiền về. Dòng tiền kinh doanh năm 2024 của CC1 âm rất nặng (-2.270 tỷ đồng), đánh dấu việc quay trở lại với quỹ đạo âm dòng tiền kinh doanh.
Nguyên nhân cơ bản khiến dòng tiền kinh doanh của CC1 âm rất nặng trong năm 2024 là sự gia tăng của các các khoản phải thu và hàng tồn kho. Điều này là một phần lý do công ty buộc phải gia tăng quy mô vay mượn. Đến ngày 31/12/2024, dư nợ vay của CC1 lên đến 6.020 tỷ đồng, tăng tới 40% so với đầu năm, góp phần khiến tổng nợ phải trả tăng 13% lên 12.161 tỷ đồng, gấp 2,65 lần vốn chủ sở hữu.
Những vấn đề quan ngại tại CC1 cùng những khó khăn của không ít nhà thầu cho thấy “sức khỏe” ngành xây dựng năm 2025 còn nhiều thách thức.
Chia sẻ trên truyền thông, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch Xây dựng Hòa Bình nêu ra 3 điểm tựa cho ngành xây dựng năm nay gồm chính sách tháo gỡ hiệu quả của Chính phủ cho các dự án bất động sản, hạ tầng, khu công nghiệp…; thu hút đầu tư nước ngoài tăng; du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Tự tin sau giai đoạn khó khăn, HBC có thể nhận được nhiều dự án lớn trong năm 2025, song ông Hải cũng thừa nhận “chúng tôi sẽ không đặt ra mục tiêu quá cao, để đảm bảo tập đoàn có thể hoàn thành được”.
Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu xây dựng Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp nhận định một số Thông tư, Nghị định ban hành thời gian qua đã quan tâm sát sao đến hoạt động của doanh nghiệp.
Tuy nhiên, riêng về các doanh nghiệp xây dựng hiện nay đang rất khó khăn, trừ những doanh nghiệp đảm đương công trình hạ tầng có thể đảm đương các gói thầu như cao tốc, giao thông, sân bay; còn lại, các công ty dân dụng rất khó khăn. Gần như các gói thầu đầu tư công đều có hiện tượng phá giá.
Chưa kể, giá vật liệu, nhiên liệu biến động tăng, tỷ giá ngoại tệ tăng cao, cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp… đã ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả hoạt động của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng.
Vì vậy, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, ông Nguyễn Quốc Hiệp kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền phải xem xét lại cơ chế phá giá, nếu không các doanh nghiệp nhỏ sẽ bị phá sản.
Ngoài ra, cần có thêm các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ trong các vấn đề về pháp lý, vốn vay, chi phí không tên, hoãn, giãn nợ..., tạo động lực để các doanh nghiệp vượt qua khó khăn.