Doanh nghiệp xây lắp giao thông tìm cách 'vượt bão' biến động giá
Thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã thực hiện nhiều giải pháp quyết liệt, thay thế các nhà thầu yếu kém, yêu cầu tổ chức tinh gọn, kiểm soát chi phí, giảm thiểu những phát sinh không cần thiết… nhằm đảm bảo tiến độ cao tốc Bắc - Nam đạt yêu cầu đề ra. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều dự án chưa đáp ứng tiến độ.
Nguyên nhân là do năng lực nhà thầu yếu, giá vật liệu tăng “phi mã” khiến nhà thầu dừng thi công... Dù vậy, trong bối cảnh đó vẫn có những doanh nghiệp tìm được cách thức vượt qua khó khăn để khắc phục những biến động về giá, đẩy nhanh thi công xây dựng.
Liên quan vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án rà soát tổng mức đầu tư các dự án khởi công mới trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 bởi trong quá trình hoàn thiện thủ tục để quyết định đầu tư các dự án, một số chủ đầu tư, Ban quản lý dự án phản ánh giá nhiên liệu, vật liệu thi công tăng cao đột biến dẫn tới tổng mức đầu tư trình duyệt vượt quá tổng mức đầu tư trong quyết định chủ trương đầu tư, không bảo đảm điều kiện quyết định đầu tư dự án.
Cụ thể, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các chủ đầu tư, Ban quản lý dự án rà soát, cập nhật tổng mức đầu tư dự án theo giá tại thời điểm hiện nay. Trường hợp tổng mức đầu tư bước dự án đầu tư vượt quá tổng mức đầu tư đã phê duyệt, đề xuất tạm dừng chủ trương đầu tư nếu là dự án chưa quá cấp thiết để tập trung nguồn vốn triển khai các dự án cấp bách, trọng điểm.
Trước biến động tăng cao của giá vật liệu khiến "làn sóng" đầu tư công đang có dấu hiệu chững lại, ông Phan Văn Thắng, Phó Chủ tịch Tập đoàn Đèo Cả cho rằng, doanh nghiệp không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá vật liệu tăng cao thời gian qua. Lý do là đơn vị lấy lợi nhuận trong hoạt động kinh doanh được tích lũy từ việc tổ chức con người, khấu hao máy móc thiết bị, kiểm soát chi phí từ nhiều năm.
Ông Phan Văn Thắng cho biết, các dự án mà Tập đoàn Đèo Cả đang thực hiện dù vai trò chủ đầu tư hay nhà thầu đều diễn ra bình thường, đơn vị có đề xuất ghi nhận và có giải pháp hỗ trợ nhưng không đề nghị dừng dự án.
“Để không bị ảnh hưởng nhiều bởi giá vật liệu leo thang, đơn vị liên kết với các đơn vị cung cấp vật tư, vật liệu bằng những hợp tác cụ thể trong việc cung ứng và hỗ trợ qua lại khi có biến động giá. Tại dự án Trung Lương - Mỹ Thuận, Tập đoàn Đèo Cả đã ứng hơn 500 tỷ đồng cho các nhà thầu mua vật liệu. Tại dự án Cam Lâm - Vĩnh Hảo, chúng tôi tận dụng nguồn vật liệu đá từ việc khoan hầm cũng như máy móc thiết bị từ các dự án đã hoàn thành để giảm tổng mức đầu tư xuống gần 1.000 tỷ đồng…”, ông Thắng chia sẻ.
Lãnh đạo Tập đoàn Đèo Cả cho biết, với hệ sinh thái kết hợp chặt chẽ với các đối tác, nhà thầu, nhà cung cấp vật tư, vật liệu trên tinh thần chia sẻ lợi nhuận và rủi ro, trong lúc giá vật liệu tăng thì đơn vị không bị ảnh hưởng nhiều. Minh chứng là cuối tháng 4 này, Đèo Cả sẽ đào thông nhánh trái hầm Trường Vinh trước tiến độ, dự kiến nửa tháng sau sẽ thông ống hầm còn lại.
“Hầm Trường Vinh là công trình hầm lớn nhất trên cao tốc Bắc - Nam đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu, với chiều dài 450m, tổng mức đầu tư hơn 4.700 tỷ đồng. Trải qua 8 tháng thi công liên tục, dự án đang bước vào giai đoạn thực hiện những mũi khoan cuối cùng của nhánh hầm trái để thông hầm nối liền hai tỉnh Thanh Hóa và Nghệ An. Với kinh nghiệm thi công hầm từ nhiều dự án hầm trước đó, chúng tôi sẽ về đích trước tiến độ ở dự án này nên tiết giảm đáng kể chi phí cho doanh nghiệp…”, ông Thắng cho biết.
Tại dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 dài 63,37 km (đi qua Ninh Bình và Thanh Hóa) do doanh nghiệp Xuân Trường thi công cũng đang gặp rất nhiều khó khăn vì các đợt tăng giá liên tục của nhiên liệu, nguyên vật liệu đầu vào.
Đại diện đơn vị thi công chia sẻ, từ lúc triển khai đã gặp khó khăn về vật liệu. Thiếu đất đắp, giá đất cao hơn rất nhiều so với dự toán ban đầu. Đặc biệt, khi giá xăng dầu tăng cao kéo theo giá xi măng, sắt thép cũng tăng, nhà thầu càng thêm điêu đứng.
“Hiện nhiều nhà thầu thi công cao tốc Bắc - Nam đang phải bù lỗ do chi phí tăng cao so với dự toán ban đầu. Tuy nhiên, trước áp lực tiến độ và đảm bảo uy tín của đơn vị, nhiều nhà thầu vẫn phải huy động nhân lực, vật lực để hoàn thành gói thầu cho kịp tiến độ. Lấy thi công khoa học, đẩy tiến độ để giảm chi phí của dự án xuống…”, đại diện doanh nghiệp Xuân Trường cho hay.
Ông Trần Quang Tuyến, Phó Tổng giám đốc Công ty Liên hợp xây dựng Vạn Cường cho biết, làm các tuyến cao tốc hiện nay rất áp lực. Nhà thầu phải huy động tối đa các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ công trình, trong khi đơn giá, định mức thanh toán lại thấp hơn thực tế. Công tác điều chỉnh giá thanh toán của các chủ đầu tư thường chậm, không phản ánh chính xác giá thị trường. Không riêng gì Vạn Cường mà nhiều nhà thầu thi công trên cao tốc Bắc - Nam đang phải “oằn mình” gánh chi phí phát sinh.
Đánh giá về tiến độ dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 1, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải cho biết, hiện có 2 dự án đang đáp ứng tiến độ gồm: Đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45 đã thi công đạt 57,5% giá trị hợp đồng, đáp ứng tiến độ yêu cầu; đoạn Cam Lộ - La Sơn dài 98,3 km, dự kiến hoàn thành ngày 30/9, hiện đạt khoảng 81,8% giá trị hợp đồng, cơ bản đáp ứng kế hoạch.
Còn lại 2 dự án là Vĩnh Hảo - Phan Thiết và Phan Thiết - Dầu Giây vẫn chậm tiến độ do một số nhà thầu không đáp ứng được năng lực tài chính và kinh nghiệm tổ chức thi công.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo, nếu các nhà thầu không đáp ứng các mốc tiến độ thì sẽ phải cắt chuyển khối lượng do các nhà thầu này phụ trách. Đối với các nhà thầu vi phạm nghiêm trọng, không có khả năng hoàn thành hợp đồng đúng tiến độ sẽ xem xét chấm dứt hợp đồng, cấm đấu thầu từ 3 - 5 năm đối với dự án do Bộ Giao thông Vận tải quản lý.
Ngoài việc kiên quyết xử lý các nhà thầu yếu kém, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho biết đã thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp để đảm bảo các dự án thành phần của cao tốc Bắc - Nam bám sát kế hoạch đề ra như: đôn đốc các Ban quản lý dự án, tư vấn, nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công, yêu cầu các đơn vị kiểm soát chặt chẽ chất lượng; đồng thời, làm việc với các địa phương để giải quyết các vướng mắc về giải phóng mặt bằng, nguồn vật liệu...
Ngoài ra, Bộ Giao thông vận tải cũng yêu cầu các Ban quản lý dự án tăng cường cán bộ có năng lực, kinh nghiệm thường xuyên có mặt tại hiện trường để chỉ đạo, điều hành, giải quyết ngay các vướng mắc như: yêu cầu tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát xử lý kịp thời các vấn đề kỹ thuật phát sinh; đẩy nhanh nghiệm thu, thanh toán để giải quyết khó khăn về tài chính cho nhà thầu; phối hợp chặt chẽ với địa phương giải quyết các vướng mắc về giải phòng mặt bằng, nguồn vật liệu.
Để giảm bớt thiệt hại và hỗ trợ nhà thầu, Bộ Giao thông vận tải đã kiến nghị Bộ Xây dựng báo cáo Chính phủ cho phép thuê tư vấn xây dựng chỉ số giá riêng cho từng gói thầu, dự án. Trong thời gian chưa phê duyệt chỉ số giá riêng thì tạm thanh toán theo chỉ số giá của địa phương công bố. Sau khi chỉ số giá riêng được phê duyệt điều chỉnh sẽ thanh toán bù trừ để giúp nhà thầu giảm bớt khó khăn…