Doanh nghiệp xây lắp xoay xở giữa bão giá nguyên vật liệu
Nhiều doanh nghiệp, tập đoàn với hoạt động cốt lõi là xây lắp hoặc đầu tư dự án bất động sản đang đối diện tình trạng giá nguyên liệu xây dựng tăng mạnh, đã xoay trục chiến lược phát triển.
Giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao, các doanh nghiệp phải tính toán rất kỹ để tránh thua lỗ. Ảnh: Đức Thanh
Định hình lại sản phẩm
Trong Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) 2022 của CTCP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (TTC Land), ông Võ Quốc Khánh, Phó chủ tịch HĐQT, kiêm Tổng giám đốc TTC Land cho biết, đã ký hợp đồng và tiến tới là cổ đông chiến lược của Công ty cổ phần Hạ tầng giao thông Đèo Cả. Theo đó, sẽ phát triển đường dài, tham gia đầu tư hạ tầng cùng Tập đoàn Đèo Cả.
Hiện nay, quy hoạch hạ tầng đã rõ, hợp tác cùng Đèo Cả phối hợp để triển khai các dự án hạ tầng giao thông quan trọng, tiếp tục mở rộng quỹ đất mới để kết nối với sự phát triển của hạ tầng giao thông, triển khai các nền tảng bất động sản tiện ích, bất động sản dịch vụ, nâng tầm chất lượng sống, tạo ra các không gian sống văn minh, hiện đại. TTC Land sẽ phát triển quỹ đất trên nền tảng đã có và tiếp tục phát triển thêm dựa trên định hướng này.
Chiến lược trong thời gian tới của TTC Land là làm các dự án đủ lớn, bởi vậy, TTC Land phải điều chỉnh lại mô hình kinh doanh, định hình lại sản phẩm, định hình nguồn cung… tránh giật cục, thắng 1 dự án thì tăng rất cao, nhưng kẹt 1 dự án thì đi xuống dốc. Khi lựa chọn đối tác và phát triển quỹ đất phải đi từ đầu, thậm chí đi từ nghiên cứu quy hoạch hạ tầng, theo sát định hướng của Nhà nước.
“Với dự án đang có mà pháp lý dở dang, TTC Land sẽ dồn sức giải quyết dứt điểm trong năm nay và năm sau. TTC Land cố gắng xử lý gọn câu chuyện cũ và ra hàng trong 1-2 năm tới”, ông Khánh chia sẻ.
Đối với Công ty cổ phần Hạ tầng giao thông Đèo Cả, ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch HĐQT cho biết, trước bão giá nguyên vật liệu, làm sao để đảm bảo lợi nhuận đầu tư ở các dự án được cổ đông đặt ra. Đối với các dự án đầu tư hạ tầng giao thông, chi phí về nguyên vật liệu luôn chiếm tỷ lệ lớn trong tổng chi phí đầu tư, do đó việc giá cả nguyên vật liệu biến động tăng cao trong thời gian qua là khó khăn, thách thức rất lớn đối với doanh nghiệp.
Công ty đã kịp thời thực hiện các giải pháp để đối phó, giải quyết khó khăn này, cụ thể như chủ động tìm kiếm, giải quyết nguồn cung về vật liệu, tránh tác động của biến động thị trường như: tích trữ nguyên vật liệu thường xuyên sử dụng để tránh bị động về nguồn cung khi giá cả tăng cao, nguồn hàng khan hiếm; nghiên cứu, sử dụng các nguồn nguyên vật liệu tại chỗ như đá khoan hầm để làm đá bê tông, vật liệu đắp đường… Đồng thời, chủ động làm việc với các địa phương để cấp các mỏ vật liệu cho dự án đang thi công.
Song song đó, Đèo Cả chủ động thương lượng, ký kết hợp đồng, đặt cọc với các nhà cung cấp lớn, uy tín để bình ổn giá, đảm bảo nguồn nguyên vật liệu có giá cả phù hợp, ổn định trong quá trình thực hiện dự án.
Tính toán cẩn thận về giá nguyên vật liệu
Các giải pháp khá tương đồng ở những doanh nghiệp xây lắp, đặc biệt là xây lắp hạ tầng giao thông. Tại Công ty cổ phần Licogi 16, ông Bùi Dương Hùng, Chủ tịch HĐQT cho biết, mục tiêu của Chính phủ tới năm 2030, mạng lưới đường cao tốc là 5.000 km, hiện chỉ mới đạt 20%, nên nguồn công việc của mảng này rất lớn. Licogi 16 tự tin gửi văn bản tới Thủ tướng, các bộ, ngành đăng ký tham gia trực tiếp vài dự án. Chẳng hạn, liên doanh Licogi - Công ty Phương Thành đề xuất tham gia dự án độc lập; đề xuất tham gia dự án cao tốc Quy Nhơn - Chí Thạnh, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột.
Tiếp tục theo dõi tình hình, đề xuất đăng ký dự án vành đai 3, vành đai 4 và các tuyến hành lang kết nối khác trong trục Bắc - Nam, Đông - Tây. Mục tiêu đến năm 2025, Công ty sẽ ký kết được tổng giá trị hợp đồng thi công xây lắp là 6.000 tỷ đồng.
Giá nguyên vật liệu tăng có thể ảnh hưởng đến các dự án giao thông đã trúng thầu. Theo chia sẻ của ông Hùng, hiện nay, việc đầu tư, triển khai các dự án cao tốc theo chính sách của Chính phủ, các nhà thầu đang gặp rất nhiều khó khăn liên quan đến khan hiếm nguồn vật liệu cũng như giá cả tăng cao.
Tương tự, ông Phạm Việt Khoa, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Fecon, đơn vị chuyên về nền móng và công trình ngầm cho biết, Công ty sẽ được hưởng lợi từ chính sách khuyến khích đầu tư công, nhưng vấn đề hiện nay là giá dự toán của các dự án hạ tầng đầu tư công đang thấp hơn giá thị trường, do đó, Fecon khá thận trọng trong việc tham gia dự án hạ tầng.
“Chúng tôi đang cân nhắc có nên tham gia cao tốc không, tham gia đoạn nào. Với các dự án lớn về sân bay, metro, các cảng… chúng tôi cũng đang từng bước tham gia vào, phải đảm bảo lợi nhuận mới tham gia, không đảm bảo thì cũng không mặn mà”, ông Khoa chia sẻ.
Các nhà thầu đều kiến nghị về đơn giá, hy vọng sẽ có điều chỉnh để áp dụng vào thực tế từ nửa cuối năm 2022 trở đi.
Liên quan đến giá nguyên vật liệu, Fecon rút kinh nghiệm năm 2021, nên khi lập kế hoạch năm 2022 đã tính toán tương đối cẩn thận về ảnh hưởng của giá vật liệu xây dựng có thể đột biến. Đồng thời, Fecon đàm phán với các đối tác chiến lược để có giá ổn định, cũng như đàm phán với các chủ đầu tư về điều kiện điều chỉnh giá khi giá vật liệu tăng trên 5%.
Chính phủ đang xem xét, đánh giá và đưa ra các giải pháp tháo gỡ nhằm đảm bảo đạt được mục tiêu phát triển mạng lưới hệ thống cao tốc Bắc - Nam và liên kết vùng. Trong đó, yêu cầu các bộ, ban, ngành và địa phương có phương án nhằm đảm bảo nguồn cung đối với nguyên vật liệu đầu vào cho dự án cao tốc, cũng như xem xét lại việc điều chỉnh định mức dự toán xây dựng phù hợp với tình hình biến động giá cả; cập nhật giá cả tại từng địa phương phải làm thường xuyên để sát với giá thực tế...