Doanh nghiệp xuất khẩu cần nhanh chóng 'chuyển đổi kép'
Doanh nghiệp cần thay đổi cấu trúc sản xuất - xuất khẩu, tập trung mạnh vào 'chuyển đổi kép', tức là vừa chuyển đổi số vừa chuyển đổi xanh để đón bắt cơ hội thị trường tốt nhất, kết hợp với đầu tư hoàn thiện chuỗi giá trị.
Các chuyên gia tại Chương trình Vietstock với chủ đề "Xuất khẩu khởi sắc - Có tiếng liệu có miếng" diễn ra chiều 15/8 đã đưa ra lời khuyên với các doạnh nghiệp xuất khẩu thuộc 3 lĩnh vực, gồm: Dệt may, đồ gỗ và thủy sản.
Tăng trưởng kinh tế thế giới được dự báo sẽ đi ngang so với năm 2023, với sự phục hồi mạnh mẽ của thương mại quốc tế là động lực chính cho tăng trưởng toàn cầu.
Trong nước, nhiều tháng gần đây, chỉ số MPI ngành sản xuất thường xuyên trên 50 điểm, ghi nhận sự phục hồi của sản xuất công nghiệp và đơn hàng mới tăng trở lại.
PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Đại học Kinh tế TP.HCM (UEH) cho biết: "Xuất khẩu đang đón sóng phục hồi sau năm 2023 tăng trưởng ảm đạm, dù bối cảnh chung của kinh tế toàn cầu vẫn chưa khởi sắc, rủi ro địa chính trị Nga-Ukraine đang có những diễn biến mới, tác động dai dẳng đến thế giới".
Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, 7 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam đạt 440,45 tỷ USD, tăng 17,2% (tương ứng tăng 64,66 tỷ USD) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu đạt 227,49 tỷ USD, tăng 16%; nhập khẩu đạt 212,96 tỷ USD, tăng 18,5%.
Cán cân thương mại 7 tháng xuất siêu 14,53 tỷ USD.
Với sự khởi sắc về hoạt động thương mại, xuất siêu hơn chục tỷ USD, xuất khẩu tiếp tục đóng vai trò đầu tàu trong phát triển kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế...
Xuất khẩu tăng so với cùng kỳ, nhưng với 3 ngành xuất khẩu chính là dệt may, đồ gỗ và thủy sản, mức độ phục hồi cũng khác nhau. Đơn cử, xuất khẩu dệt may 7 tháng đạt 19,8 tỷ USD, tăng 4,2%, gỗ và sản phẩm gỗ gần 8,9 tỷ USD, tăng 23,4%, thủy sản 5,3 tỷ USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ.
Theo ông Trần Nhật Trung, Giám đốc Phân tích tại Công ty Chứng khoán ACB (ACBS): "Dự kiến ngành xuất khẩu Việt Nam những tháng còn lại của năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục tăng trưởng tốt so với mức thấp của năm 2023 khi các thị trường xuất khẩu chính đang tích cực nhập hàng hóa dự trữ cho mùa mua sắm cuối năm đang cận kề".
Biến động tỷ giá, phụ thuộc nguyên phụ liệu đầu vào từ nhập khẩu, chi phí vận tải biển leo thang từ cuối năm ngoái đến nay đang là những trở ngại cho sự phục hồi sản xuất và xuất khẩu của các ngành kể trên, từ đó tác động đến hiệu quả kinh doanh.
Ông Trần Nhật Trung cho biết: "Chi phí logistícs tăng cao đã tác động đáng kể đến các doanh nghiệp xuất khẩu, bị ảnh hưởng nhiều nhất là thủy sản do xuất khẩu nhiều đi Mỹ, trong đó có các doanh nghiệp như Vĩnh Hoàn, Nam Việt. Các doanh nghiệp xuất khẩu đi các thị trường châu Á ít ảnh hưởng hơn".
Ngoài ra, do phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu từ bên ngoài, nên dù xuất khẩu tăng, nhưng đi kèm theo đó là rủi ro cũng gia tăng khi giá đầu vào biến động.
"Việt Nam xuất khẩu nhiều nhưng nhập khẩu cũng nhiều, nhất là dệt may, yếu tố gia công còn lớn, thành thử tỷ giá neo cao nhưng xuất khẩu được lợi, thì chiều xuất khẩu, các doanh nghiệp cũng phải dùng đến ngoại tệ để nhập nguyên liệu đầu vào, nên lợi thế không quá lớn so với các quốc gia chủ động được nguồn nguyên phụ liệu trong nước", PGS.TS. Nguyễn Hữu Huân phân tích.
Trong xu thế các quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ, EU yêu cầu về sản phẩm xanh, sản phẩm dán nhãn carbon, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp hãy nhanh chóng thực hiện "chuyển đổi kép", tức là song hành chuyển đổi số lẫn chuyển đổi xanh, bởi đây là xu hướng tất yếu phải theo của doanh nghiệp, nếu không muốn bị loại khỏi chuỗi giá trị.
Các nhóm sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam được dự báo sẽ chịu tác động mạnh nhất từ hàng rào thương mại xanh trong thời gian tới bao gồm: Sản phẩm điện, điện tử, nông sản, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ; thực phẩm; dệt may, giày dép..
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-can-nhanh-chong-chuyen-doi-kep-d222489.html