Doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử ở Hải Dương kỳ vọng bứt phá

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng toàn cầu dần phục hồi sau đại dịch và nhu cầu về linh kiện điện tử tiếp tục tăng cao, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu linh kiện điện tử ở Hải Dương đang kỳ vọng bứt phá.

Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp hệ thống sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại

Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp hệ thống sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại

Đơn hàng dồi dào

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ và nhu cầu ngày càng cao đối với các sản phẩm công nghệ đang tạo ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử. Đây là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Hải Dương. Với sự đầu tư vào công nghệ, mở rộng sản xuất và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, các doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất, kinh doanh tăng trưởng mạnh, đóng góp đáng kể vào giá trị xuất khẩu toàn tỉnh.

Tại khu công nghiệp Phúc Điền (Cẩm Giàng), nhà máy của Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam hoạt động nhộn nhịp từ những ngày đầu năm. Sau năm 2024 nhiều biến động, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng cung cấp linh kiện điện tử (chủ yếu là linh kiện máy ảnh, máy in, sản phẩm điện tử tiêu dùng và ô tô) cho nhiều đối tác ở Nhật Bản, Trung Quốc, Thái Lan. Mặc dù số lượng đối tác không tăng nhưng số lượng đơn hàng tăng khoảng 20% so với năm trước. Kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp tiếp tục đầu tư dự án nhà xưởng sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử tại khu công nghiệp Phúc Điền mở rộng (Bình Giang) với tổng mức đầu tư hơn 2.500 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động từ quý I/2029.

“Từ tháng 12/2024, chúng tôi đã nhận được đơn hàng hết năm 2025. Điều đó giúp doanh nghiệp tự tin mở rộng nhà máy mới, tăng năng suất và đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe từ đối tác”, đại diện Công ty TNHH Công nghệ Nissei Việt Nam nói.

Đại diện Công ty TNHH Yura Việt Nam (khu công nghiệp Phú Thái, Kim Thành) cho biết doanh nghiệp hiện sản xuất, cung cấp linh kiện điện tử cho quá trình lắp ráp, sản xuất xe ô tô của hãng Hyundai và Kia (Hàn Quốc). Do đơn hàng của Hyundai toàn cầu ổn định nên đơn đặt hàng dành cho công ty luôn được bảo đảm, người lao động có việc làm liên tục. Sản phẩm của doanh nghiệp xuất khẩu chủ yếu vào thị trường Hàn Quốc với 98%. Số còn lại xuất khẩu vào thị trường Nhật Bản và Mỹ. Năm 2024, giá trị xuất khẩu hàng hóa của Công ty TNHH Yura Việt Nam đạt khoảng 35 triệu USD.

Khai thác các lợi thế

Công ty TNHH Yura Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, Nhật và Mỹ (ảnh cơ sở cung cấp)

Công ty TNHH Yura Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Hàn Quốc, Nhật và Mỹ (ảnh cơ sở cung cấp)

Yếu tố được các doanh nghiệp sản xuất linh kiện điện tử đặc biệt chú trọng trong giai đoạn hiện nay là nâng cấp công nghệ sản xuất. Nhiều nhà máy đã đầu tư mạnh vào hệ thống dây chuyền tự động, công nghệ kiểm định chất lượng cao cấp, phần mềm quản lý sản xuất thông minh.

Công ty TNHH Điện tử Iriso Việt Nam (vốn đầu tư Nhật Bản ở khu công nghiệp Tân Trường, Cẩm Giàng) chuyên sản xuất linh kiện điện tử, gia công, lắp ráp các bộ phận kết nối và linh kiện kết nối đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để nâng cấp hệ thống sản xuất, ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất, điều hành. Điều này giúp giảm 30% sức lao động của công nhân, giảm tối đa tỷ lệ hàng lỗi.

Một điểm đáng chú ý khi các doanh nghiệp đang tích cực kết nối với các tập đoàn điện tử lớn để trở thành vệ tinh cung cấp linh kiện phụ trợ. Đây được xem là hướng đi chiến lược giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Hải Dương tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Do nhà máy hiện tại đã hoạt động hết công suất nên Công ty TNHH Yura Việt Nam hướng tới đầu tư máy móc mới, hiện đại để nâng cao năng suất lao động. Công ty đang có khoảng 280 lao động với mức thu nhập từ 12 - 17 triệu đồng/người/tháng.

Theo Sở Công thương, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu của Hải Dương trong quý I/2025 đạt 2 tỷ 359 triệu USD, tăng 7,3% so với cùng kỳ năm 2024. Linh kiện điện tử và máy văn phòng là những nhóm hàng tăng trưởng cao với mức tăng 21,3%. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy xu hướng phục hồi và tăng trưởng đang rõ nét.

Có được kết quả trên là do sự chuyển dịch của chuỗi cung ứng toàn cầu, cùng với việc Việt Nam tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do đang mở ra cơ hội lớn cho các doanh nghiệp ở Hải Dương. Đến nay, Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 hiệp định thương mại tự do với hơn 60 đối tác trên thế giới. Nhiều hiệp định thương mại như Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)... tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ, miễn, giảm thuế linh kiện điện tử xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp cũng hoàn thiện xây dựng đi vào sản xuất, nhanh chóng mở rộng quy mô khi các đơn hàng xuất khẩu tăng trở lại… Các sở, ngành của tỉnh tích cực tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chủ động xúc tiến thương mại, đầu tư, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đẩy mạnh hoàn thiện hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư, tập trung vào một số sản phẩm chủ lực trong đó có các sản phẩm điện tử.

HOÀNG MINH

Nguồn Hải Dương: https://baohaiduong.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-linh-kien-dien-tu-o-hai-duong-ky-vong-but-pha-409767.html