Doanh nghiệp xuất khẩu loay hoay ứng phó tình trạng tăng giá cước vận tải biển

Giá cước vận tải biển một lần nữa neo cao khiến các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa đau đầu tính bài toán chi phí, thậm chí chịu lỗ để giữ mối hàng hóa.

Giá cước vận tải biển tăng có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu chịu lỗ. Ảnh: VIMC

Giá cước vận tải biển tăng có thể khiến doanh nghiệp xuất khẩu chịu lỗ. Ảnh: VIMC

Giá cước vận tải biển lại tăng

Dữ liệu của Phaata, sàn giao dịch logistics quốc tế cho biết, giá cước tuyến TP. Hồ Chí Minh đi Mỹ đang tăng mạnh. Trong khi đó, chỉ số container thế giới của Drewry (WCI) tăng 12% lên 4.716 USD/container 40 feet trong tuần từ ngày 30/5 tới ngày 6/6 và tăng 181% so với cùng kỳ năm ngoái.

Từ Thượng Hải đến Genoa, giá cước đã tăng 17% ở mức 6.664 USD/container 40 feet. Giá cước từ Thượng Hải đến New York tăng 6% lên 7.214 USD/container 40 feet.

Việc định tuyến lại các tàu từ Biển Đỏ qua Mũi Hảo Vọng đã gây ra tình trạng thiếu công suất, tắc nghẽn cảng ngày càng tăng và nhu cầu tăng cao. Đây cũng chính là nguyên nhân thúc đẩy sự gia tăng đột biến về giá vận chuyển container giao ngay trên các tuyến đường chính. Bên cạnh tình hình tắc nghẽn cảng biển tại một số cảng ở châu Á hiện còn có thực trạng mất cân đối vỏ container phục vụ hàng xuất khẩu và nhập khẩu.

Nhiều chuyên gia đầu ngành nhận định, việc Hoa Kỳ lên kế hoạch áp thuế mạnh lên nhiều loại hàng hóa Trung Quốc như xe điện, linh kiện pin, pin mặt trời... từ tháng 8/2024 khiến các nhà xuất khẩu Trung Quốc đang đẩy mạnh xuất hàng trước thời hạn.

Do đó nhiều nhà xuất khẩu Trung Quốc đang trả giá cao hơn với các hãng tàu để đảm bảo được chỗ trên các tàu đi Mỹ và châu Âu. Các doanh nghiệp phía Trung Quốc sẵn sàng trả đến 1.000 USD cho 1 slot trên tàu, trong khi Việt Nam chỉ trả 600 USD. Vì vậy các hãng tàu hiện gần như đã ưu tiên phần lớn cho phía Trung Quốc, rút bớt chuyến với các nước trong đó có Việt Nam, dẫn đến thực trạng tăng giá khủng như hiện nay.

Doanh nghiệp gặp khó

"Hiểu một cách đơn giản, hàng hóa xuất đi châu Âu, châu Mỹ đều qua kênh đào Suez, lộ trình vận tải đường biển mất tầm 40 ngày. Hiện tại, khu vực này đang căng thẳng nên việc di chuyển sẽ phải đi đường vòng, mất khoảng 60 ngày cho một chiều. Thời gian tăng lên gấp rưỡi, khiến chi phí đội lên cao, ước tính khoảng 1.000 - 3.000 USD cho mỗi container hàng hóa", ông T., chuyên viên xuất nhập khẩu của một công ty logistics trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh phân tích với Nhadautu.vn.

Cũng theo ông T., đây đã là lần thứ hai trong năm, cước vận tải biển tăng. Điều này đã được cảnh báo từ hồi đầu năm, khi căng thẳng biển Đỏ khiến giá cước neo cao nhưng sau đó, tình hình "dịu" đi đôi chút rồi biến động trở lại.

Theo vị này, lịch trình giao hàng kéo dài sẽ khiến nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu chịu thiệt hại, gây xáo trộn, thậm chí ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hóa đến các khu vực khác trên thế giới như châu Á, châu Phi.

Các ngành hàng xuất khẩu chính vào EU và Hoa Kỳ như dệt may, da giày, đồ gỗ, đồ điện tử của Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng lớn nhất. Tuy nhiên, hiện tại nhiều doanh nghiệp ở Việt Nam đang làm theo hình thức FOB (Free on Board - PV) nên ảnh hưởng chưa quá lớn.

"Riêng ngành logistics có ảnh hưởng nhưng không quá lớn, ảnh hưởng chủ yếu đến việc làm sao có được giá cước tối ưu. Đối với các ngành khác, nếu tình trạng không được giải quyết thì nguy cơ đứt gãy đơn hàng là có, khi cước phí tăng cao, các thị trường lớn buộc phải tính toán đến bài toán giá cả, các space (không gian vận chuyển - PV) sẽ không được giữ chỗ trong thời gian dài như trước kia mà giờ biến động giá theo tuần, thậm chí, có khi theo ngày", ông T. nói.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết phí vận tải biển đang được ghi nhận tăng trở lại gây khó cho ngành thủy sản. Bởi theo ông Nam, doanh nghiệp trong ngành chủ yếu hoạt động xuất khẩu, mỗi năm sử dụng hơn 1 triệu container, nhưng hiện tại, để đặt được container là rất khó.

Trong khi đó, Phúc Sinh, doanh nghiệp xuất khẩu lớn ngành hồ tiêu và cà phê của Việt Nam nhận định, trong bối cảnh hiện tại, các hãng tàu cũng báo giá theo tuần thay vì từ 15 - 30 ngày như trước đây. Điều này có thể khiến doanh nghiệp phải gánh một khoản phí vận chuyển lớn, hoặc thậm chí chịu lỗ. Có doanh nghiệp chấp nhận chuyển sang hình thức giao bằng được hàng không với mức phí cao ngất.

Số liệu thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, tính từ đầu tháng 6/2024, giá vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển đi các nước châu Âu, Mỹ đang có xu hướng tăng mạnh, chỉ số container thế giới tăng 12% đến 4.716 USD/container 40 feet trong tuần qua.

Trước tình hình đó, Cục Hàng hải Việt Nam yêu cầu các Cảng vụ Hàng hải phối hợp với các Chi cục Hàng hải và các cơ quan chức năng, hiệp hội, đơn vị có liên quan tăng cường giám sát các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển thực hiện niêm yết giá và phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển (giá và phụ thu ngoài giá); việc tuân thủ hiệu lực của việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá theo quy định tại Nghị định số 146 của Chính phủ.

Cụ thể, Chi cục Hàng hải TP. Hồ Chí Minh được giao chủ trì phối hợp với Chi cục Hàng hải TP .Hải Phòng, các Cảng vụ Hàng hải tại TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Vũng Tàu theo dõi số liệu thống kê, làm việc với đại diện về việc tăng/giảm giá, phụ thu ngoài đối với 1 số hãng tàu có cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa container đi châu Âu, Mỹ như Maersk, MSC, CMA, Evergreen, Cosco...

Theo Liên Thượng/nhadautu.vn

Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-loay-hoay-ung-pho-tinh-trang-tang-gia-cuoc-van-tai-bien.html