Doanh nghiệp xuất khẩu ở Thái Nguyên nỗ lực vượt khó
Thái Nguyên là tỉnh xuất khẩu đứng thứ tư cả nước với kim ngạch gần 30 tỷ USD, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là điện tử, vật liệu công nghệ cao, may mặc. Dịch Covid-19 làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự năng động, sáng tạo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn từng bước vượt vượt qua khó khăn, giữ việc làm cho người lao động.
Thái Nguyên là tỉnh xuất khẩu đứng thứ tư cả nước với kim ngạch gần 30 tỷ USD, các sản phẩm xuất khẩu chủ yếu là điện tử, vật liệu công nghệ cao, may mặc. Dịch Covid-19 làm cho các doanh nghiệp xuất khẩu gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với sự năng động, sáng tạo, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu lớn từng bước vượt vượt qua khó khăn, giữ việc làm cho người lao động.
Đợt dịch Covid-19 lần thứ nhất, nguồn cung ứng linh kiện, nguyên phụ liệu gặp nhiều khó khăn, có thời điểm bị “đứt gãy” nên sản xuất hàng hóa xuất khẩu gặp khó khăn. Đợt dịch lần thứ hai này, mặc dù nguồn cung ứng linh kiện, nguyên phụ liệu đã thông, nhưng thị trường xuất khẩu chủ yếu là châu Âu, Mỹ chưa kiểm soát được dịch bệnh nên xuất khẩu vẫn gặp khó.
Trước tình hình đó, các doanh nghiệp xuất khẩu chủ lực, doanh thu lớn, số lượng công nhân nhiều đã có nhiều hình thức vượt khó, duy trì sản xuất ở mức hợp lý để giải quyết việc làm, thu nhập cho công nhân.
Công ty TNHH Khai thác chế biến khoáng sản Núi Pháo (Công ty Núi Pháo) ở huyện Đại Từ có hơn một nghìn cán bộ, công nhân và chuyên gia chuyên khai thác, chế biến, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao như vonfram, florit, bismut sang các nước chủ yếu là châu Âu, Mỹ, Ấn Độ với doanh thu hằng năm khoảng 300 triệu USD.
Do các nước này chưa kiểm soát được dịch Covid-19 nên xuất khẩu vonfram, florit, bismut gặp khó khăn, thậm chí bị ngưng trệ nên Công ty Núi Pháo đã chủ động làm việc với các cơ quan có thẩm quyền, đàm phán với đối tác để xuất khẩu 82 nghìn tấn tinh quặng đồng tồn kho, đến nay đã xuất khẩu được hơn 71 nghìn tấn, mang lại doanh thu 1.052 tỷ đồng để tạo ra dòng tiền phục vụ sản xuất, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người lao đồng, đồng thời nộp ngân sách 421 tỷ đồng.
Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG( Công ty TNG) là doanh nghiệp chuyên may mặc xuất khẩu lớn nhất tỉnh Thái Nguyên với hơn mười nghìn công nhân, dịch Covid-19 xuất hiện đầu năm 2020 đã gặp rất nhiều khó khăn, ban đầu là “đứt gãy” nguồn cung nguyên phụ liệu, sau đó là xuất khẩu gặp khó. Bên cạnh nỗ lực kết nối với các đối tác để xuất khẩu được đến đâu hay đến đó, Công ty TNG đã chủ động chuyển sang sản xuất khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế để chung tay chống dịch, đồng thời duy trì sản xuất, tạo việc làm cho công nhân.
Được Viện Trang thiết bị và Công trình y tế (Bộ Y tế) cấp giấy chứng nhận, gần đây Công ty TNG đầu tư ba dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế theo hình thức tự động hóa, trong đó một dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế ba lớp và hai dây chuyền sản xuất khẩu trang y tế năm lớp, đến nay mỗi ngày sản xuất và cung cấp ra thị trường hơn 100 nghìn chiếc khẩu trang y tế. Trước đó, Công ty TNG đã đưa Nhà máy TNG Võ Nhai giai đoạn một vào hoạt động, giải quyết việc làm cho 600 lao động.
Công ty May bao bì Anh Dương ở huyện Đại Từ có 150 công nhân, chuyên may bao bì xuất khẩu, mặc dù dịch Covid-19 bùng phát, nhưng do làm tốt công tác xúc tiến thị trường nên sản phẩm vẫn xuất khẩu gần như bình thường, có thời điểm đơn hàng còn tăng mạnh, kéo theo doanh thu tăng 20% so cùng kỳ, thu nhập của người lao động đạt bình quân tám triệu đồng/ tháng.
Tương tự như vậy, là doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất tỉnh, mặc dù giá trị xuất khẩu từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ, nhưng Samsung Thái Nguyên vẫn duy trì sản xuất ổn định, tạo việc làm, thu nhập cho người lao động.
Với nỗ lực của doanh nghiệp và tỉnh Thái Nguyên đã chủ động chỉ đạo các cấp, ngành tháo gỡ khó khăn, thực hiện có hiệu quả các gói hỗ trợ của Chính phủ nên giá trị xuất khẩu từ đầu năm đến nay đạt 14,2 tỷ USD, chỉ giảm 15% so với cùng kỳ là một thành công trong thời kỳ dịch Covid-19.
Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ngô Quyết cho biết, tỉnh đã và sẽ tiếp tục hỗ trợ, đồng hành cùng với doanh nghiệp xuất khẩu nỗ lực vượt qua khó khăn trong thời kỳ dịch Covid-19, đồng thời tận dụng hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) để đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa. Tới đây, chúng tôi tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp các nội dung liên quan đến Hiệp định, xin ý kiến của các sở, ngành liên quan để tham mưu cho tỉnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp trong tiếp cận Hiệp định để gia tăng xuất khẩu.