Doanh nghiệp xuất khẩu tiếp đà tăng ấn tượng

Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu vào thị trường Mỹ vừa đón nhận tin vui khi Việt Nam đã đạt được thỏa thuận thương mại với Mỹ.

Tuy nhiên, việc chủ động thích ứng, đẩy mạnh khai mở thị trường, thay đổi cách làm được nhiều doanh nghiệp thực hiện thành công. Nhờ vậy, bức tranh xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm ghi nhận đà phục hồi vững chắc.

Giữ chữ tín đặt lên hàng đầu

Ông Lê Hữu Khánh, Giám đốc Công ty TNHH Gỗ Ánh Dương (Bình Dương) cho biết, gần 60% doanh thu đến từ các đối tác lâu năm ở Texas và California. Do vậy, những ngày đầu tiên sau thông tin Mỹ áp thuế đối ứng với Việt Nam lên tới 46% ông rất lo lắng, nhưng ông không cắt giảm sản xuất hay yêu cầu khách hàng đàm phán lại hợp đồng. Thay vào đó, ông chọn một cách mà nhiều người cho là "cũ kỹ": ngồi viết tay một bức thư, gửi cho 5 khách hàng lớn tại Mỹ.

Đơn hàng từ thị trường Mỹ tăng nhanh chóng, nhiều đối tác đặt giao ngay trong tháng 7.

Đơn hàng từ thị trường Mỹ tăng nhanh chóng, nhiều đối tác đặt giao ngay trong tháng 7.

"Chúng tôi không thể cạnh tranh bằng giá trong thời điểm này. Nhưng chúng tôi có thể giữ lời hứa. Nếu quý vị vẫn cần người giao hàng đúng hạn, đảm bảo chất lượng và tôn trọng nguyên tắc làm ăn lâu dài, thì chúng tôi vẫn ở đây - sẵn sàng chịu phần khó hơn", ông Khánh gửi gắm.

Song song với việc giữ liên lạc chặt chẽ với khách, Ánh Dương rà soát toàn bộ hồ sơ xuất xứ nguyên liệu, cập nhật chứng chỉ cho các lô gỗ từ rừng trồng trong nước, thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc đạt chuẩn - điều kiện tiên quyết để không bị liệt vào nhóm có nguy cơ gian lận xuất xứ.

Để tiết giảm chi phí vận chuyển đang tăng vọt, công ty này cũng chuyển sang hình thức gom hàng qua kho trung chuyển tại cảng Rotterdam (Hà Lan), rồi mới đi tiếp sang Mỹ. Dù mất thêm thời gian, nhưng chi phí được kiểm soát và quan trọng hơn, thời gian giao hàng vẫn được giữ đúng cam kết.

Nhờ phản ứng nhanh, trong khi nhiều doanh nghiệp ngành gỗ cắt giảm công suất hoặc tạm dừng đơn hàng Mỹ, gỗ Ánh Dương vẫn đều đặn đưa 12 container hàng xuất phát từ cảng Cát Lái, cập cảng Houston, giúp doanh thu tháng 6 tăng 7%. Hơn thế nữa, họ mở thêm được hai thị trường mới Đức và Canada, nhờ vào cam kết giữ lời hứa.

Đến nay, công nhân không bị cắt giờ làm, dây chuyền sản xuất không gián đoạn, các đối tác vẫn tiếp tục đặt hàng cho quý III. Ông Khánh chia sẻ: "Có khi giữ được thị trường quan trọng hơn là kiếm được nhiều tiền trong một đơn hàng. Niềm tin, một khi mất đi, không thể mua lại bằng chiết khấu…".

Dệt may xác lập kỷ lục

Tương tự, là ngành có độ mở cao và phụ thuộc lớn vào thị trường quốc tế, dệt may Việt Nam từng chịu tổn thương sâu sắc từ những đứt gãy chuỗi cung ứng và tình trạng đơn hàng bị chia nhỏ, đặt chậm trong giai đoạn 2022 - 2023. Thế nhưng, bước sang năm 2025, ngành này đang cho thấy khả năng phục hồi mạnh mẽ, không chỉ ở sản lượng mà còn ở chất lượng đơn hàng và hiệu quả kinh doanh.

Riêng tháng 5/2025, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 3,84 tỷ USD, mức cao nhất từng ghi nhận.

Riêng tháng 5/2025, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 3,84 tỷ USD, mức cao nhất từng ghi nhận.

Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex) - đơn vị dẫn đầu ngành - báo cáo kết quả 6 tháng đầu năm với nhiều điểm tích cực. Doanh thu hợp nhất ước đạt 9.035 tỷ đồng, tương đương 49% kế hoạch cả năm và tăng 8% so với cùng kỳ 2024. Nhưng đáng chú ý hơn là lợi nhuận hợp nhất tăng gần 200%, đạt 556 tỷ đồng - một mức tăng trưởng hiếm thấy trong nửa đầu năm.

Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Vinatex, tăng trưởng đột phá về lợi nhuận đến từ thay đổi trong hành vi đặt hàng. Từ chỗ bị chia cắt và rút ngắn kỳ hạn, các đơn hàng nay được đặt sớm hơn từ 2 - 3 tháng, giá trị lớn và thời gian giao kéo dài hơn. Đặc biệt, sau thông báo của Mỹ về việc tạm hoãn áp thuế đối ứng ngày 9/4, nhu cầu đơn hàng từ thị trường này tăng nhanh chóng, nhiều đối tác đặt giao ngay trong tháng 7.

Xu hướng đơn hàng trở lại đều đặn và ổn định hơn không chỉ giúp doanh nghiệp kiểm soát rủi ro tốt hơn mà còn nâng cao khả năng chủ động trong tổ chức sản xuất. Với đà này, Vinatex kỳ vọng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu toàn ngành sẽ đạt 8 - 10% trong cả năm 2025.

Trong khi đó, toàn ngành dệt may - một trong những trụ cột xuất khẩu cũng xác lập kỷ lục mới. Riêng tháng 5/2025, kim ngạch xuất khẩu của ngành đạt 3,84 tỷ USD, mức cao nhất từng ghi nhận.

Ông Trường cho biết, bài học Vinatex có được là luôn chủ động đàm phán rủi ro với khách hàng, đưa ra các giải pháp giả định cho các tình huống xảy ra.

Tập trung mở rộng thị trường

Không chỉ ở một vài ngành, bức tranh chung xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm cũng cho thấy đà phục hồi vững chắc. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 219,83 tỷ USD, tăng 14,4% so với cùng kỳ năm trước – mức tăng trưởng hai con số được duy trì ổn định. Cán cân thương mại tiếp tục ghi nhận xuất siêu 7,63 tỷ USD.

Cơ cấu hàng hóa tiếp tục chuyển dịch tích cực, hàng công nghiệp chế biến chiếm tới 88% kim ngạch, trong khi nông, lâm, thủy sản cũng bứt phá mạnh mẽ, tăng trên 15%. Thị trường Mỹ tiếp tục là điểm tựa quan trọng, chiếm gần 33% tổng kim ngạch, nhưng cũng đặt ra rủi ro do căng thẳng thương mại.

Tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng trong nửa đầu năm không thể chỉ đến từ nỗ lực đơn lẻ của doanh nghiệp, mà còn có sự hỗ trợ tích cực từ chính sách thương mại quốc gia. Trong bối cảnh các thị trường truyền thống như: Mỹ, EU hay Trung Quốc tiềm ẩn rủi ro chính sách và sự cạnh tranh khốc liệt, việc mở rộng "sân chơi" sang các khu vực tiềm năng đang trở thành định hướng chiến lược.

Ông Tạ Hoàng Linh, Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công thương) cho biết, bộ đang đẩy nhanh tiến trình đàm phán các hiệp định thương mại tự do (FTA) với nhiều đối tác mới như: GCC, Pakistan, Ấn Độ, Ai Cập... Đặc biệt, việc thành lập tổ công tác chung với Brazil để thúc đẩy đàm phán FTA với khối thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) - khu vực hơn 260 triệu dân đang mở ra cơ hội lớn cho các ngành hàng nông sản, dệt may, thực phẩm chế biến...

Cùng đó, nhiều thị trường ngách tại châu Phi, Trung Đông, Đông Âu cũng đang được doanh nghiệp và cơ quan thương mại xúc tiến khai thác.

"Những tín hiệu tích cực bước đầu từ việc tăng trưởng xuất khẩu tại Bờ Biển Ngà, Ghana hay UAE là minh chứng cho chiến lược đúng đắn này", ông Linh nói.

"Điều này cho thấy các doanh nghiệp không bị động trước khó khăn, mà chủ động tìm kiếm thị trường thay thế, thậm chí mở ra những cơ hội mới lâu dài", ông Linh nhấn mạnh.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, nếu Mỹ áp mức thuế đối với hàng Việt Nam sau đàm phán, tác động có thể khiến xuất khẩu giảm so với kịch bản thông thường. Trong bối cảnh đó, chỉ những doanh nghiệp có khả năng chuyển hướng thị trường, nâng cao giá trị gia tăng, khai thác tốt ưu đãi từ các FTA mới có thể duy trì được đà tăng trưởng.

Hồng Hạnh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-tiep-da-tang-an-tuong-192250708203304839.htm