Nỗ lực thực hiện Chỉ số FTA Index
Chỉ số đánh giá kết quả thực hiện các Hiệp định thương mại tự do (FTA Index) được ví như là 'thước đo' mới cho tiến trình hội nhập, giúp các địa phương trên cả nước, trong đó có tỉnh Hà Nam nhận diện rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc thực thi các FTA. Trên cơ sở kết quả đạt được cũng như hạn chế còn tồn tại trong thực thi FTA, tỉnh ta đang nỗ lực triển khai các giải pháp để hỗ trợ, giúp doanh nghiệp tận dụng tốt hơn cơ hội mà các FTA mang lại.
Theo thống kê, đến nay Việt Nam đã ký kết và thực thi 17 FTA với hơn 60 đối tác phủ rộng khắp các châu lục. Nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nắm bắt, tận dụng hiệu quả FTA mang lại, các cấp, ngành của tỉnh đã chủ động nghiên cứu, rà soát, góp ý đối với các dự thảo chính sách, văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan Trung ương. Cùng với đó, theo dõi, tổng hợp kịp thời các thông tin về chính sách, hoạt động xuất nhập khẩu với các thị trường FTA, nhu cầu của thị trường trong nước cho cộng đồng doanh nghiệp; tích cực cập nhật và đăng tải những thông tin mới nhất về FTA, các quy định về thuế quan, quy tắc xuất xứ hàng hóa, cơ chế quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu... trên các nền tảng thông tin chính thống. Tỉnh cũng đặc biệt quan tâm, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, mở rộng thị trường tiêu thụ; tranh thủ thuận lợi, hạn chế những tác động tiêu cực do hội nhập kinh tế quốc tế mang đến từ việc tham gia các FTA, góp phần đưa kinh tế của tỉnh tiếp tục phát triển ổn định khi Việt Nam tham gia vào các FTA…

Công ty Cổ phần Casla, Khu Công nghiệp Châu Sơn, thành phố Phủ Lý liên tục mở rộng thị trường xuất khẩu đối với sản phẩm túi siêu thị.
Thực hiện nhiệm vụ được giao, thời gian qua, Sở Công thương tăng cường thông tin, tuyên truyền tới đội ngũ công chức, viên chức, người lao động và nhân dân các quan điểm, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thực hiện các FTA đã có hiệu lực; phổ biến các cam kết, trách nhiệm, nghĩa vụ, quyền lợi của Việt Nam khi tham gia vào các tổ chức kinh tế trong khu vực và thế giới thông qua các chương trình, hội thảo, hội nghị chuyên ngành như: Hội nghị đánh giá tình hình thực thi FTA thế hệ mới mà Việt Nam tham gia; hội thảo đánh giá tình hình tận dụng FTA giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) và các FTA khác… Hằng năm, Sở đều phối hợp với cục nghiệp vụ của Bộ Công thương tổ chức các lớp tập huấn cập nhật kiến thức về các FTA mà Việt Nam đã ký kết, cơ hội, thách thức đối với các doanh nghiệp cho đối tượng là cán bộ, công chức tại các sở, ngành, địa phương, lãnh đạo quản lý và người làm chuyên môn về lĩnh vực xuất nhập khẩu tại các doanh nghiệp.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả các FTA trên địa bàn tỉnh, nhất là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định EVFTA, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh và Bắc Ailen (UKVFTA), Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP)… mang lại nhiều kết quả tích cực, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp mở rộng, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu và tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, mạng lưới sản xuất toàn cầu. Cụ thể, năm 2024, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh đạt 9.580 triệu USD, tăng 27,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 8.150 triệu USD, tăng 29,8% so với năm 2023. Trong đó, một số thị trường FTA thế hệ mới có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn như: kim ngạch xuất khẩu tại thị trường CPTPP đạt 3.590,55 triệu USD, tăng 22,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 3.314,85 triệu USD, tăng 48,0%; kim ngạch xuất khẩu tại thị trường EVFTA đạt 183,04 triệu USD, tăng 21,4%; kim ngạch nhập khẩu đạt 32,69 triệu USD, tăng 35,3%; kim ngạch xuất khẩu tại thị trường UKVFTA đạt 20,36 triệu USD, tăng 10%; kim ngạch nhập khẩu đạt 4,33 triệu USD, tăng 129,8%; kim ngạch xuất khẩu tại thị trường RCEP đạt 3.741,59 triệu USD, tăng 98,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 4.602,06 triệu USD, tăng 21% so với năm 2023. Trong 3 tháng đầu năm 2025, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh ước đạt 2.712,5 triệu USD, tăng 31,5%; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 2,5 tỷ USD, tăng 39,7% so với cùng kỳ năm 2024.
Ông Hoàng Chí Dũng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: Qua việc triển khai thực hiện FTA cho thấy, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đều bày tỏ sự hưởng ứng với những thay đổi tích cực về môi trường kinh doanh, thủ tục hành chính bên cạnh những ưu đãi thuế quan khi xuất khẩu hàng hóa vào thị trường các nước mà Việt Nam đã ký kết các FTA. Một số mặt hàng có giá trị kim ngạch xuất khẩu lớn vào thị trường các nước thành viên của FTA là điện tử, hạt nhựa, sản phẩm từ nhựa, may mặc, hàng hóa phụ trợ, khoáng sản. Cơ cấu hàng hóa xuất khẩu thay đổi theo chiều hướng tích cực, tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến có hàm lượng công nghệ cao, giảm tỷ trọng xuất khẩu hàng gia công.
Dù đã đạt nhiều kết quả tích cực song theo kết quả công bố của Bộ Công thương về Chỉ số FTA Index năm 2024 diễn ra mới đây, tỉnh Hà Nam chỉ đạt 20,83/40 điểm, xếp vị trí 46 trong tổng số các tỉnh, thành phố trên cả nước. Trong đó, xếp hạng cụ thể của 4 chỉ số thành phần cụ thể là: chỉ số về hoạt động tuyên truyền, phổ biến FTA xếp vị trí thứ 51; chỉ số về thực hiện quy định pháp luật để thực thi FTA xếp vị trí thứ 49; chỉ số về chương trình và chính sách hỗ trợ và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp xếp thứ 46; chỉ số về phát triển bền vững xếp thứ 47. Kết quả này cho thấy, tỉnh Hà Nam vẫn còn nhiều việc phải làm để hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp trong việc tham gia hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là tận dụng tốt những ưu đãi thuế quan mà các hiệp định FTA mang lại để tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, tăng cường năng lực sản xuất, nắm bắt các cơ hội mới.
Để nâng cao hơn nữa hiệu quả trong việc thực thi các FTA, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng, nhất là Sở Công thương tăng cường đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền về các hiệp định FTA; thường xuyên cung cấp thông tin về FTA cho cộng đồng doanh nghiệp; thiết lập và vận hành các cơ chế đối thoại doanh nghiệp định kỳ theo ngành hàng hoặc thị trường để nhanh chóng nắm bắt thông tin, có giải pháp chính sách kịp thời trong quá trình xây dựng, thực thi văn bản pháp luật thực hiện các FTA.
Bên cạnh đó, tiến hành rà soát, đánh giá lộ trình thực hiện các cam kết hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay và tác động đối với từng ngành, lĩnh vực để điều chỉnh chiến lược phát triển phù hợp; tăng cường nắm bắt những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp, từ đó, đề xuất tỉnh các giải pháp giải quyết, nhất là trước những tác động do chính sách thuế đối ứng của Mỹ đối với hàng hóa Việt Nam; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp về mặt chính sách để phát triển nguồn nguyên liệu trong nước giúp doanh nghiệp đáp ứng quy tắc xuất xứ, tận dụng tốt hơn các cơ hội mang lại từ các FTA, nhất là các FTA thế hệ mới…
Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/kinh-te/no-luc-thuc-hien-chi-so-fta-index-163899.html