Doanh nhân Bùi Huy Tín qua một cuốn sách
Nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc vừa cho ra mắt cuốn sách Bùi Huy Tín với Thực Nghiệp Dân Báo và Tràng An Báo (NXB Hồng Đức, Hà Nội, 2023). Đến nay, đây là công trình cung cấp đầy đủ nhất tài liệu về một doanh nhân nổi tiếng và là nhà hoạt động văn hóa - xã hội ở nước ta vào nửa đầu thế kỷ XX
Theo giới thiệu của soạn giả Trần Viết Ngạc, Bùi Huy Tín (1875-1963) trải qua một cuộc đời đầy thăng trầm, gian nan nhưng đã vươn lên bằng nghị lực và tinh thần tự lập của mình. Bố mẹ hy sinh trong công cuộc chống Pháp ở Hưng Yên, oái oăm thay, cậu bé Tín lại được một viên sĩ quan Pháp nhận làm con nuôi, chuẩn bị đưa về Pháp nhưng cậu quyết trốn ở lại quê hương.
Nhờ được học tiếng Pháp, Bùi Huy Tín thi vào trường thông ngôn, chuyên làm phiên dịch cho các nhà thầu Pháp với công nhân bản xứ. Dần dà, ông học hỏi phương thức quản lý kinh doanh và trở thành nhà thầu xây dựng một số hạng mục các công trình đường sắt Việt Trì - Lào Cai, Sài Gòn - Nha Trang, Phan Rang - Đà Lạt, Vinh - Đồng Hới.
Từ những thành công bước đầu, Bùi Huy Tín mở rộng phạm vi hoạt động sang lĩnh vực nông nghiệp, thủy lợi, khai hoang, lập đồn điền, xây làng, xây chợ, xây trường, lập trại phong - những công việc ích quốc lợi dân mà ông say mê theo đuổi khắp các tỉnh miền Bắc, miền Trung và Tây Nguyên. Qua những hoạt động đó, ông muốn chứng minh rằng vùng đất này với sản vật và điều kiện thiên nhiên vốn có, nếu biết khai thác, dân có thể thoát nghèo; đồng thời chứng minh rằng người Việt cũng biết cách làm ăn không kém người Hoa.
Bước ngoặt trong cuộc đời hoạt động của Bùi Huy Tín là khi ông xin ra báo và lập nhà in. Hai tờ báo gắn liền với tên tuổi của ông là Thực Nghiệp Dân Báo - ấn hành ở Hà Nội và Tràng An Báo (phiên bản tiếng Pháp là La Gazette de Húe) - ấn hành ở Huế. Soạn giả Trần Viết Ngạc đã công phu sưu tầm từ thư viện quốc gia Việt Nam và Pháp để cung cấp cho bạn đọc những nội dung chính và tóm tắt hành trạng của các tờ báo này.
Cuốn sách cho biết Thực Nghiệp Dân Báo là tờ báo có công thông tin chính xác và kịp thời những sự kiện lịch sử quan trọng lúc đó: vụ án xét xử và phong trào đòi trả tự do cho Phan Bội Châu; những bài diễn thuyết của Phan Châu Trinh và lễ tang của nhà yêu nước này; cuộc khởi nghĩa Yên Bái do Nguyễn Thái Học lãnh đạo. Tiếp đó, Tràng An Báo, đặc biệt trong giai đoạn Phan Khôi được Bùi Huy Tín mời làm chủ bút, góp phần thức tỉnh tinh thần dân tộc chống lại sự đô hộ của Pháp, đồng thời truyền bá tư tưởng dân chủ trong nhân dân.
Đọc cuốn sách này, nghĩ về con người Bùi Huy Tín, ngoài những công tích mà ông để lại cho đời, chúng tôi thấy có 3 điều đáng ghi nhận:
Một, hoạt động trong môi trường của chủ nghĩa thực dân, lại từng chịu ơn của nó, Bùi Huy Tín biết cách ứng xử linh hoạt, quyền biến để đạt được mục đích của mình. Có chân trong Viện Dân biểu Trung Kỳ và Hội đồng Kinh tế Đông Dương, ông được cả chính phủ Pháp và triều đình Huế tặng huân chương để ghi nhận công lao trong lĩnh vực kinh tế - xã hội và văn hóa.
Bùi Huy Tín tập hợp được chung quanh 2 tờ báo trên những cây bút tài năng, có uy tín và giành được tình cảm quý trọng của những danh sĩ đương thời cũng như đồng bào, kể cả người các dân tộc thiểu số mà ông tiếp xúc. Ông là người có máu phiêu lưu, mạo hiểm, luôn bình tĩnh, sáng suốt trước cơn nguy biến.
Hai, là người đứng mũi chịu sào, Bùi Huy Tín sẵn sàng nhận trách nhiệm về mình, chứ không đổ lỗi cho cộng sự. Khi những bài báo của Phan Khôi làm phật ý nhà cầm quyền, ông đã khẳng khái lên tiếng: "... Tôi làm chủ nhiệm Tràng An thì dẫu ông Phan Khôi làm chủ bút, trách nhiệm tờ báo vẫn về phần tôi chịu. Ông Phan Khôi viết những bài nói động chạm đến các nhà tai mắt, nhưng chúng tôi có bằng lòng đăng thì các bài ấy mới đăng được chớ. Nói một cách khác, thái độ của ông Phan Khôi trên Báo Tràng An là thái độ của tôi vậy"; "… lập trường của Tràng An có ông Phan Khôi hay không, vẫn trước sau như một. Bao giờ cũng lấy vô tư hàng đầu, phải nói phải, trái nói trái". Thật là một tấm gương của sự cương trực.
Ba, khi Bùi Huy Tín lập nhà in Đắc Lập ở Huế, trong 3 năm đầu, nhà in lỗ vốn đến 25%, các cổ đông hoang mang xin rút cổ phần. Tuy điều lệ không cho phép rút vốn khi chưa lỗ đến 50% nhưng ông vẫn quyết định mua lại những cổ phần xin rút với nguyên vốn chứ không trừ 25% đã lỗ. Như vậy, ông đã thực hiện điều mà vua Khải Định đã "ân tứ ban cho": "Nhân vô tín bất lập, hữu tín ư đắc lập". Chính nhà in này đã xuất bản những cuốn sách có giá trị của Phan Bội Châu, Huỳnh Thúc Kháng, Võ Liêm Sơn, Phan Đăng Lưu, Đào Duy Anh… bằng cả quốc ngữ, Hán ngữ và Pháp ngữ.
Trước khi viết bài này, theo chỉ dẫn của nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân, chúng tôi có đọc được một nhận xét của nhà thơ Lưu Trọng Lư về Bùi Huy Tín:
"Cụ Bùi là một trong những nhà doanh nghiệp hiếm hoi mà nước nhà đã sản xuất trong hồi gần đây. Được gần cụ, tôi có dịp nhận thấy trong người ông già ấy một tinh thần chiến đấu và mạo hiểm rất đáng quý và tưởng có thể rút trong cái đời rất hoạt động ấy những ý nghĩa rất bổ ích cho sự tiến thủ của thanh niên.
Cụ có lần nói với tôi: Các thanh niên bây giờ hiền lành quá và chỉ biết thật thà tin ở các điều nói trong sách vở. Cái học trong sách vở cũng là một điều cần nhưng thật chưa đủ. Phải mạnh bạo, phải bình tĩnh nhìn thẳng vào sự thực, những sự thực hằng ngày từ việc nhỏ đến việc lớn. Nhất là không nên bỏ qua cơ hội. Người ta không ai tạo được thời vận. Những người có chí bao giờ cũng nắm chặt lấy cơ hội". ("Lưu Trọng Lư: Tác phẩm truyện ngắn - tiểu thuyết", tập 2; Lại Nguyên Ân - Hoàng Minh sưu tầm, biên soạn; NXB Lao Động - 2011, tr. 1186).
Có thể nói, nhà nghiên cứu Trần Viết Ngạc đã chọn một nhân vật có cuộc đời phong phú và độc đáo để tái hiện. Đáng tiếc là do điều kiện bảo quản ở các thư viện còn hạn chế nên việc sưu tầm tư liệu chưa hoàn toàn đầy đủ.
Tác giả không chủ định phác họa một chân dung trọn vẹn về phương diện đời tư với những uẩn khúc của Bùi Huy Tín. Dù vậy, nhờ 3 bài viết cảm động của Bùi Bích Hà trong phần phụ lục, độc giả cảm nhận phần nào tâm sự của Bùi Huy Tín, qua thông tin về tác phẩm duy nhất của ông là tiểu thuyết "Hương sen - Cô Mộng Thu đi tu", ký bút hiệu Minh Châu (Nhà in Đắc Lập, Huế, 1942). Rất mong đến lúc tái bản, cuốn sách này sẽ được bổ sung về tư liệu cũng như chỉnh sửa những lỗi kỹ thuật còn nhiều trong văn bản.