Doanh nhân cựu chiến binh Nguyễn Đình Trường: 'Phải chọn người tài vào vị trí cao, không bao giờ xếp con em vào diện ưu đãi'
Theo ông Trường, khi đã xây dựng được một bộ máy quản trị chuyên nghiệp, việc quan trọng tiếp theo là xếp con người vào đúng vị trí. Xếp đúng thì bộ máy làm tốt. Xếp sai, bộ máy hỏng.
Khi còn là Tổng giám đốc của Công ty may Việt Tiến, ông Nguyễn Đình Trường nổi tiếng với câu nói "Doanh nghiệp thua lỗ, hãy giao cho tôi". Với 18 năm phục vụ trong quân đội, ông Trường lãnh đạo doanh nghiệp giống như quân đội, bởi theo ông, thương trường là chiến trường.
Giờ đây ở tuổi 72, ông Nguyễn Đình Trường vẫn là thành viên HĐQT của Công ty May Việt Tiến, Phó Chủ tịch HĐQT của CTCP Dệt may 29/3, Chủ tịch công ty Đồng Tiến.
Tại buổi Talkshow mới đây của báo Doanh nhân Sài Gòn, ông Trường đã chia sẻ về quan điểm điều hành doanh nghiệp của mình.
"Con em các anh xin vào đây, ai tôi cũng nhận nhưng nếu mắc sai sót, tôi kỷ luật gấp đôi"
Theo ông Nguyễn Đình Trường, để quản trị một doanh nghiệp có 10.000 – 20.000 công nhân, bắt buộc phải áp dụng mô hình quản trị hệ thống chuyên nghiệp với chức năng và nhiệm vụ được chuyên môn hóa cho từng bộ phận.
"Giống như trong quân đội, vai trò của tiểu đoàn trưởng, đại đoàn trưởng, trung đội trưởng, tiểu đội trưởng là khác nhau, tuy vẫn có những mối quan hệ dọc – ngang như anh em, bạn bè, người thân…" – Ông Trường nói.
Sau khi xây dựng được một bộ máy quản trị chuyên nghiệp, việc quan trọng tiếp theo là xếp con người vào đúng vị trí. Xếp đúng thì bộ máy làm tốt. Xếp sai, bộ máy hỏng.
"Tôi không bao giờ xếp con em cán bộ vào diện ưu đãi. Lý do là họ sẽ ỷ vào mình, hoặc vì tình thương mà lãnh đạo sẽ không nhắc nhở" – Ông Trường chia sẻ.
Khi còn làm TGĐ công ty may Việt Tiến, ông Trường nói thẳng: "Các anh đưa con em vào đây, ai tôi cũng nhận. Có lúc con em các anh bộ đội đưa vào đến 4, 5 người một lúc. Nhưng muốn được nhận thì phải đảm bảo một yêu cầu. Nếu người công nhân bình thường mắc sai sót, tôi chỉ nhắc nhở, cảnh cáo. Nhưng con em các anh mắc sai sót thì tôi kỷ luật gấp đôi, các anh có chấp nhận không?"
Doanh nhân này nhấn mạnh: "Ở vị trí cao, phải chọn người tài, có năng lực, hiểu biết, có ý chí chứ không thể "nặng" về vấn đề ưu đãi cho con cháu mình".
Ông Trường cũng cho rằng, ở vai trò là người đứng đầu và sở hữu một công ty thì vị Chủ tịch tất nhiên muốn đưa con cháu vào vị trí kế thừa. Tuy nhiên, muốn doanh nghiệp bền vững và tiếp tục phát triển thì người con, người cháu đó phải được đào tạo và có tố chất, trình độ xứng đáng với vị trí kế thừa.
6 chữ xây dựng một công ty lớn mạnh: Đoàn kết – Chia sẻ - Hợp tác
Một quan điểm quản trị được ông Nguyễn Đình Trường chia sẻ, đó là phải xây dựng cho nhân viên niềm tin vào doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp phải xây dựng tầm nhìn, mục tiêu: Sau vài chục năm nữa, công ty ở vị trí nào trên thị trường? Từ đó, người lãnh đạo có một cái đích đến để đề ra được lộ trình phấn đấu, con đường cần đi và bản sắc văn hóa doanh nghiệp cần đạt.
"Như thế, khi cán bộ, công nhân vào công ty làm việc, người lãnh đạo sẽ truyền tải được cho họ những điều đó, để họ thấy được những khác biệt của doanh nghiệp ta với doanh nghiệp khác. Muốn vững mạnh, doanh nghiệp phải có sự khác biệt" – Ông Trường nhấn mạnh.
Một câu chuyện cũng được vị doanh nhân kể lại. Cách đây 10 năm, ông Nguyễn Đình Trường làm chủ tịch tại một công ty đối tác với Decathlon của Pháp. Khi hợp tác, Decathlon yêu cầu doanh nghiệp của ông Trường phải đảm bảo 4 chữ: Trách nhiệm và Tận tâm.
"Thế nhưng tôi xây dựng công ty với 6 chữ cơ: Đoàn kết – Chia sẻ - Hợp tác. Bởi vì đoàn kết là sức mạnh" – Ông Trường cho biết – "Và trong đại dịch Covid-19 này, chính sự chia sẻ, hợp tác giúp tôi giữ được Doanh nghiệp."
Đối với doanh nghiệp dệt may - theo quan điểm của ông Trường - thì lao động là số 1. Sau dịch, nhà xưởng, máy móc vẫn còn nhưng không có công nhân thì ai sản xuất? Do đó, ông luôn suy nghĩ để có chính sách giúp người lao động yên tâm và không bỏ công ty.
"Trong đợt dịch, do yêu cầu của đối tác bắt buộc tạm ngừng sản xuất, tôi phải cho 5.000 công nhân nghỉ làm 14 ngày. Khi đứng ở cổng công ty lúc 5 giờ chiều, nhìn dòng người đi về trong buồn bã, ở vị trí của một Chủ tịch, tôi cũng rơi nước mắt vì buồn và bất lực" – Ông Trường kể lại.
Tuy nhiên, chẳng lẽ đối tác không cho sản xuất thì mình ngồi đây chờ chết? Ông Trường không cam tâm mà quyết tìm phương án để khắc phục khó khăn.
"Bản lĩnh ý chí người lính là như thế. Nếu tranh thủ ở nhà nghỉ ngơi, cho vợ con đi chơi thì dễ quá. Đó không phải là bản lĩnh người lính. Tôi đi tìm một mặt hàng khác. Tôi nghĩ, nếu không liên kết với bạn bè thì không cứu công ty được. Trong quân đội có câu, giúp nhau lúc thường, lúc khó khăn, lúc chiến đấu, giờ áp dụng vào đây là rất đúng" – Vị Chủ tịch suy nghĩ.
Chia sẻ tình hình với bạn bè, ông Trường nhận được mối may khẩu trang với sản lượng 1 triệu chiếc/ngày. Sau 60 ngày, công ty ông cấp 60 triệu chiếc khẩu trang để xuất khẩu. Hoạt động này giúp công ty vượt qua thời gian tạm ngừng hoạt động và sau khi xuất khẩu xong đơn hàng, tình hình kinh doanh mặt hàng may mặc cũ đã bình thường trở lại.