Doanh nhân Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC: Muốn phát triển bền vững, phải linh hoạt

Động lực tăng trưởng mới cho các doanh nghiệp trong năm nay, theo ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC, sẽ đến từ thị trường hơn 100 triệu dân của Việt Nam và đến từ những thay đổi về trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng của từng doanh nghiệp.

Chúng ta có thị trường 100 triệu dân

Với Chủ tịch Tập đoàn TTC, khó khăn, thách thức của kinh tế năm 2024 không chỉ là những dự báo, những thông tin nóng hổi liên tục được cập nhật từ các điểm nóng trên thế giới, mà chính là khoảng trống của những mặt bằng kinh doanh bị trả lại ngày càng nhiều trên mỗi con đường, góc phố. Ông trăn trở rất nhiều khi nhắc đến thực trạng này, nhưng cũng đang nhìn thấy cơ hội từ thị trường hơn 100 triệu dân của Việt Nam.

Doanh nhân Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC

Doanh nhân Đặng Văn Thành, Chủ tịch Tập đoàn TTC

Năm mới 2024 đã đến, với những dự báo nhiều thách thức. Ông suy nghĩ thế nào về bối cảnh kinh tế Việt Nam và những khó khăn mà doanh nghiệp đang phải đối mặt?

Năm 2024 được dự báo chưa khả quan hoàn toàn, khi các giao tranh quốc tế chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, tình hình địa chính trị ở Trung Đông đang tác động lên chi phí logistics của doanh nghiệp, thị trường xuất khẩu cũng chưa hồi phục tốt. Trong nước, thị trường bất động sản khó khăn, tồn kho “ẩn” cũng dần xuất hiện.

Điều tôi luôn trăn trở là làm sao để nhận diện sức cầu và đảm bảo khả năng cung ứng. Trong bối cảnh kinh tế khó khăn, đầu ra của sản phẩm thu hẹp, hàng hóa không tiêu thụ được, tại các thành phố lớn, việc trả và bỏ trống mặt bằng kinh doanh hàng loạt trở thành xu thế... Điều này đã tác động đến sức khỏe của doanh nghiệp, thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng, đồng thời tác động trực tiếp lên sức mua của thị trường.

Nếu xem kích cầu là sức bật mới cho tăng trưởng, theo ông, cần các giải pháp gì để hiện thực hóa chủ trương này?

Để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, thì quốc gia nào cũng vậy, luôn đưa ra các giải pháp để kích cung và cầu. Đối với Việt Nam, thời gian qua, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã đưa ra các giải pháp kích cung như: đẩy mạnh cung ứng vốn ra thị trường; giảm thuế VAT 2%; giãn và cơ cấu lại nợ theo Thông tư 02/2023/TT-NHNN; giảm lãi suất cho doanh nghiệp...

Các giải pháp này được xem là hỗ trợ cho các doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, giúp doanh nghiệp bớt khó khăn, tiếp tục sản xuất hàng hóa, cung cấp dịch vụ cho nền kinh tế. Đó cũng là cách mà những nhà điều hành kinh tế đẩy sức cung. Nhưng thực tế cho thấy, cung mãi mà cầu vẫn không tăng, người tiêu dùng vẫn “thắt lưng buộc bụng”, hạn chế chi tiêu. Tình hình này nếu kéo dài, hàng tồn kho tăng lên, thì sẽ rất khó cho doanh nghiệp. Khi đó, doanh nghiệp không thể mở rộng kinh doanh hoặc tăng quy mô hoạt động, nên không có nhu cầu vay vốn ngân hàng.

Do đó, tôi cho rằng, chỉ có các biện pháp kích cung thì chưa đủ để doanh nghiệp có thể “sống” và vượt qua khó khăn. Để có thể vực dậy, doanh nghiệp phải bán được hàng, tức là đầu ra sản phẩm được khơi thông. Nhưng muốn bán được hàng, đòi hỏi sức mua của thị trường và chi tiêu của người dân tăng. Như vậy, không chỉ lo mỗi vấn đề cung, mà phải có các biện pháp kích cầu sức mua với thị trường nội địa hơn 100 triệu dân.

Tôi gửi lời chúc đến toàn thể quý vị và gia quyến đón năm Giáp Thìn tràn đầy sức khỏe, thịnh vượng. Chúc cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân gặt hái nhiều thành công rực rỡ, vững vàng trên mọi hành trình phát triển trong tương lai.

- Doanh nhân Đặng Văn Thành

Trên thực tế, đối với các nước tư bản, khi tình hình kinh tế ảm đạm, sức mua yếu, họ thậm chí sử dụng đến giải pháp chuyển tiền trực tiếp vào tài khoản cho người dân, khuyến khích tiêu dùng, kích cầu và gia tăng sức mua. Có thể, ở Việt Nam chúng ta chưa làm được điều này, nhưng theo tôi, để kích cầu sức mua ở nội địa trong bối cảnh hiện nay, trước hết cần tính đến giải pháp giảm thuế thu nhập cá nhân cho người lao động dưới hình thức voucher (phiếu mua hàng, phiếu tặng quà) chẳng hạn.

Được giảm thuế thu nhập cá nhân bằng voucher sẽ là niềm vui cho mọi người, mọi doanh nghiệp. Khi tất cả cùng hưng phấn, nền kinh tế có thêm sức cầu mới, mua sắm nhộn nhịp bù vào sức mua do xuất khẩu giảm, thì GDP sẽ tăng...

Trong vòng tuần hoàn của nền kinh tế, tiền phải có ra - có vào, với hàng hóa phải theo cung - cầu. Doanh nghiệp cung ứng hàng hóa ra thị trường thì phải có nhu cầu tiêu dùng để tạo vòng quay: sản xuất - tiêu thụ - sản xuất - tiêu thụ... Vòng tuần hoàn này càng nhanh, nền kinh tế càng phát triển.

Hiện nay, cái khó của nền kinh tế là sức mua trong nước chưa đủ mạnh, còn sức mua trên thế giới qua xuất khẩu hàng hóa lại giảm. Lúc này, kích cầu tiêu dùng bằng cách giảm thuế thu nhập cá nhân để tạo việc làm, đưa thu nhập của người lao động trở lại mức bình thường là rất quan trọng.

Ngoài thị trường tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đang nhắc đến những khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng vốn để duy trì sản xuất. Với mặt bằng lãi suất cho vay đang giảm dần, theo ông, nhu cầu về vốn vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trong năm 2024 liệu có tăng mạnh?

Đối với lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, cụ thể như trong mảng nông nghiệp của TTC, chúng tôi luôn có nhu cầu về vốn, song sẽ tính toán để cân đối dòng tiền, nhằm giảm áp lực chi phí lãi vay. Hiện nay, chúng tôi cũng chưa tính đến việc vay thêm vốn để mở rộng sản xuất, kinh doanh, vì trong bối cảnh thị trường chưa mấy khả quan, cần thận trọng hơn. Đây cũng là tình hình chung của không ít các doanh nghiệp.

Doanh nghiệp muốn mở rộng sản xuất, kinh doanh, thì trước hết, hàng hóa làm ra phải bán được, nhưng muốn làm được điều này, cần phải kích cầu để tăng sức mua...

Thực tế năm qua cũng cho thấy, mặt bằng lãi suất đã giảm và ngành ngân hàng cũng nỗ lực đẩy vốn, song sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu, do cầu vốn của doanh nghiệp thấp. Vì họ cũng không biết vay để làm gì khi hàng hóa sản xuất không tiêu thụ được.

Do đó, tôi tin rằng, bên cạnh việc kích cung, các giải pháp kích cầu nội địa cũng sẽ thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, từ đó kích thích doanh nghiệp tăng trưởng tốt hơn.

Cơ hội đến từ những thay đổi nội tại

Trong đánh giá của ông Đặng Văn Thành, cho dù bối cảnh chưa thuận lợi, nhưng trong nguy luôn có cơ và đã là doanh nghiệp thì phải luôn ở thế tìm mọi cơ hội để phát triển, tăng trưởng, nhất là với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh ở những lĩnh vực thiết yếu.

“Năm nay, Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ kịp thời, quyết liệt, doanh nghiệp sẽ vượt qua khó khăn hiện tại, cộng với việc kích cầu thị trường nội địa... sẽ là các yếu tố thúc đẩy tăng trưởng”, ông Thành tin tưởng. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn TTC cho rằng, cơ hội chỉ đến với những doanh nghiệp thực sự thay đổi, từ nội tại.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang đề cập rất nhiều đến xu hướng tăng trưởng xanh như một xu thế tất yếu, ông bình luận gì về xu thế này?

Phát triển và tăng trưởng xanh đang là vấn đề quan trọng được thị trường và mọi người quan tâm. Có lẽ, chưa bao giờ khái niệm “xanh” được nhắc nhiều đến như vậy. Xanh không còn là một khái niệm về môi trường, mà trong nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, nó được xem là kim chỉ nam trong mọi tiêu chí phát triển để đem lại sự bền vững.

Nhưng theo tôi, chúng ta cần hiểu rõ “xanh” ở hai góc độ: xanh hữu hình là môi trường xanh, cảnh quan xanh, giảm phát thải ròng, còn xanh vô hình chính là đạo đức và trách nhiệm.

Làm sao để đi từ “nội tại xanh”, mới đến tín dụng xanh, tài chính xanh, xã hội xanh và trái đất xanh. Theo tôi, tất cả đều là do đạo đức và trách nhiệm mà ra, muốn thay đổi tích cực, thì phải xuất phát từ nội tại của chính mình, sau đó mới đến bề ngoài và mọi thứ xung quanh mình tiến triển. Và đừng mong chờ điều ngược lại nếu nội tại không thay đổi!

Với Tập đoàn TTC, chúng tôi sớm ý thức được tầm quan trọng của khái niệm “xanh” và tiên phong áp chuẩn ESG (Environment - môi trường, Social - xã hội và Governance - quản trị doanh nghiệp) vào hoạt động, nhất là đối với mảng nông nghiệp, năng lượng và du lịch.

Đặc biệt, trong nông nghiệp, TTC đã đánh dấu cột mốc chuyển đổi toàn diện sang mô hình kinh tế nông nghiệp thông minh tích hợp, đón đầu xu thế mới với công nghệ làm nền tảng, khẳng định vị thế “doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao” thông qua các hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Vậy, kế hoạch của TTC trong bối cảnh thị trường năm 2024 như thế nào, thưa ông?

Ngoài lĩnh vực nông nghiệp luôn được đẩy mạnh hoạt động, chúng tôi tiếp tục gia tăng hoạt động trong lĩnh vực năng lượng, bất động sản dân dụng, bất động sản công nghiệp, du lịch và giáo dục.

Trong đó, với lĩnh vực du lịch, mới đây, Tập đoàn TTC đã M&A thành công khách sạn TTC Imperial tại Huế để phát triển du lịch.

Đối với bất động sản công nghiệp, theo kế hoạch, năm 2024, TTC dự kiến mua lại, sáp nhập thêm để mở rộng khu công nghiệp ở Tây Ninh, khoảng 500 ha và tiếp đến là mở rộng bất động sản công nghiệp ở Đức Trọng (Lâm Đồng).

Với ngành bất động sản, cuối năm 2023, chúng tôi đã “bắt tay” với Coteccons thi công xây dựng Dự án cao ốc phức hợp TTC Plaza Đà Nẵng để kịp bàn giao đúng tiến độ cho Aeon Việt Nam. Đây là sự kiện mang ý nghĩa quan trọng đối với TTC trong tiến trình thực hiện chiến lược phát triển 5 năm giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.

Với năng lượng, việc tìm kiếm dự án để nhận chuyển nhượng cũng đã được bắt đầu. Tương tự, giáo dục cũng là lĩnh vực mà TTC đang từng bước tìm kiếm cơ hội để mở rộng hoạt động.

Thời gian tới, chúng tôi kiên định, tập trung vào những danh mục đầu tư thân thiện với môi trường, đóng góp tích cực cho sự phát triển chung của nền kinh tế Việt Nam.

Thùy Vinh

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-dang-van-thanh-chu-tich-tap-doan-ttc-muon-phat-trien-ben-vung-phai-linh-hoat-d208663.html