Doanh nhân Đỗ Quang Hiển đề xuất cơ chế cho doanh nghiệp mạnh thực hiện dự án đòi hỏi công nghệ cao
Tại Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược Tập đoàn T&T chia sẻ về nhiều dự án lớn của đơn vị và đề xuất cơ chế triển khai các dự án lớn, đòi hỏi công nghệ cao.
Sáng 21/9, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị của Thường trực Chính phủ làm việc với các doanh nghiệp về giải pháp góp phần phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Tại Hội nghị, ông Đỗ Quang Hiển, Chủ tịch Ủy ban Chiến lược tập đoàn T&T Group cho biết, T&T Group được thành lập từ năm 1993. Hơn 30 năm qua, tập đoàn đã phát triển và luôn đồng hành, góp phần vì một Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Hiện nay, với hơn 80.000 cán bộ, công nhân viên, tập đoàn đầu tư kinh doanh trên các lĩnh vực khác nhau, như tài chính ngân hàng, năng lượng tái tạo và môi trường, công thương, xuất nhập khẩu, logistics công nghệ cao, cảng biển - cảng hàng không - hạ tầng giao thông, bất động sản, gồm cả bất động sản công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp và thể thao. Hiện nay các dự án kinh doanh của tập đoàn đã đầu tư và đưa vào khai thác với tổng vốn lên tới hàng chục tỷ USD.
Chủ tịch T&T nhắc tới dự án logistics công nghệ cao, thông minh đa phương thức tại Vĩnh Phúc, nằm trong chuỗi cung ứng hành lang chuỗi giá trị Trung Quốc - Việt Nam - ASEAN. Đây là dự án liên doanh với Tập đoàn YCH của Singapore - là tập đoàn hàng đầu về logistics thông minh trên thế giới, cũng như ở châu Á. Hiện dự án đang đào tạo trước mắt 500 nhân lực, nhân sự về logistics thông minh công nghệ cao và cam kết trong lộ trình 10 năm sẽ đào tạo, chuyển giao công nghệ, quản trị và quản lý cho người Việt Nam.
Ngoài các dự án năng lượng tái tạo với công suất hơn 1.000 MW đã đi vào hoạt động, T&T đã hợp tác với Tập đoàn SK của Hàn Quốc để sản xuất hydrogen xanh, thu hồi khí thải carbon…
Tập đoàn cũng đang muốn phối hợp với các tập đoàn của Đan Mạch, Nhật Bản để hiện thực hóa ý tưởng đầu tư 1 tổ hợp công nghiệp năng lượng tái tạo tại Việt Nam để cung cấp cho Việt Nam, đồng thời xuất khẩu ra châu Á và thế giới.
Chủ tịch T&T cũng báo cáo về những dự án đã và đang được tập đoàn tham gia triển khai trong lĩnh vực đường bộ, như cao tốc Bảo Lộc - Liên Khương (Lâm Đồng), hợp tác với Tập đoàn Ramky (Ấn Độ) để đầu tư một khu công nghiệp dược công nghệ cao…
Ngoài ra, tập đoàn cũng đã và đang đầu tư sân bay tại Quảng Trị (dự kiến tháng 5/2026 sẽ khánh thành). Chủ tịch Đỗ Quang Hiển đề nghị các cơ quan liên quan ủng hộ quy hoạch khu vực này thành một tổ hợp công nghiệp hàng không và đô thị sân bay.
Ông Đỗ Quang Hiển đề xuất cơ chế giao nhiệm vụ, chỉ định doanh nghiệp triển khai những dự án đòi hỏi công nghệ cao, quản trị hiện đại, tài chính mạnh, trên cơ sở đảm bảo an ninh quốc gia, tuân thủ quy định của pháp luật, đào tạo nhân lực, chuyển giao công nghệ, chuyển giao quản lý và muốn chuyển nhượng, tăng vốn thì phải được sự đồng ý của đối tác Việt Nam. Đây cũng là những điều kiện mà T&T đặt ra với các đối tác lớn của nước ngoài trong quá trình hợp tác sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.