Doanh nhân kỳ vọng gì ở Hội nghị 'Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp'?
Trước thềm Hội nghị trực tuyến 'Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp', nhiều doanh nhân đã trải lòng và bày tỏ kỳ vọng vào sự kiện lớn này.
Sáng mai, (9/5), sẽ diễn ra Hội nghị trực tuyến “Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp”. Hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế. Giới doanh nhân-doanh nghiệp cùng các chuyên gia đang đặt nhiều kỳ vọng vào sự kiện này.
Chuẩn bị cho Hội nghị trực tuyến với quy mô lớn chưa từng có này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng bày tỏ mong muốn-kỳ vọng khi nêu ra một số điểm cần quan tâm: Thứ nhất, những khó khăn của cộng đồng doanh nghiệp thời gian qua, đặc biệt giai đoạn chịu tác động của dịch Covid-19, là chuyện Chính phủ đã biết. Chắc hẳn, cộng đồng doanh nghiệp – các đại biểu tham dự Hội nghị sẽ không tìm đến để “kêu nghèo-kể khổ”.
Thứ 2, đây là thời điểm để không chỉ cộng đồng doanh nghiệp mà toàn xã hội phát huy tinh thần “có chí thì nên” của dân tộc Việt Nam. Vậy nên, hội nghị được nhận định sẽ là sự góp mặt của những nhà toán học – cùng nhau giải bài toán phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy kinh tế hậu Covid-19, tiếp cận bền vững với bối cảnh kinh tế mới. Trên thực tế, tinh thần này cũng đã “thấm” tới nhiều doanh nhân-doanh nghiệp.
Doanh nhân Lê Viết Hải – Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình bày tỏ: “Nếu chỉ nêu khó khăn mà không có giải pháp thì có lẽ Chính phủ không cần đến hội nghị. Vì thế tôi nghĩ, các doanh nghiệp cần đóng góp ý kiến một cách thiết thực, là những giải pháp có tính khả thi cao để Chính phủ có thể triển khai thực hiện, khôi phục hiệu quả-nhanh nền kinh tế. Nên là những giải pháp có thể khai thác được những sự thay đổi do đại dịch mang đến, một trật tự kinh tế mới chẳng hạn. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng”.
Đồng thuận quan điểm này, ông Nguyễn Quang Huân – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Halcom, Phó Chủ tịch Hội doanh nhân tư nhân Việt Nam ví von gần gũi: “sự kiện lần này giống như cuộc gặp mặt một đại gia đình. Một gia đình đông con mà từ anh cả, anh hai đến các em lớn-nhỏ đều kêu khóc, cha mẹ sẽ chọn ai, cứu ai? Các con đều đã nỗ lực hết chưa - đó mới là kỳ vọng của cha mẹ”.
Ông Nguyễn Quang Huân cho rằng: “Sự kiện không chỉ là nguồn động viên. Cả Chính phủ và doanh nghiệp cùng đồng hành, thế nào cũng tìm giải pháp. Cá nhân tôi cho là chúng ta cần tìm cách mở cửa. Càng ngày chúng ta càng hội nhập, những doanh nghiệp áp dụng công nghệ cao, liên kết, liên doanh với các đối tác nước ngoài mở cửa chậm ngày nào thì sẽ ảnh hưởng ngày đấy. Tôi hiểu là rất khó khăn, nếu bây giờ mà mở cửa toàn diện mất kiểm soát thì đó là một rủi ro rất lớn, nhưng tìm giải pháp mở cửa được càng sớm càng tốt. Vấn đề thứ hai là quanh đi quẩn lại vẫn là câu chuyện tiếp cận nguồn vốn, bởi khi doanh nghiệp quay trở lại và bắt đầu tái đầu tư, thì cần có những cách tiếp cận các nguồn vốn một cách linh hoạt. Khi đó phải có sự năng động, chủ động của từng doanh nghiệp: chủ động tiếp cận với nguồn vốn từ bên ngoài, đổi mới sáng tạo nội bộ, cơ cấu lại”.
Chỉ một vài ví dụ như vậy để thấy, nhiều doanh nhân - doanh nghiệp thực sự không bàng quan với những thách thức đang dồn lên Chính phủ - họ hiểu rõ tình hình kinh tế - xã hội cả nước đều biến động và khó khăn ngày càng dày hơn, khi không chỉ là nhiệm vụ phục hồi sản xuất kinh doanh, Chính phủ còn phải tiếp tục nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho từng người dân trong bối cảnh dịch bệnh khó đoán định, cùng nhiều nhiệm vụ an ninh - đối ngoại khác.
Phó Giáo sư.Tiến sĩ Vũ Thành Hưng – Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản trị kinh doanh, Đại học kinh tế quốc dân nêu quan điểm: “Trong điều kiện hiện nay, nguồn lực nhà nước có hạn, vì Nhà nước đang phải trực tiếp để chống dịch. Ngay cả trong giai đoạn dịch cấp bách nhà nước cũng phải huy động các nguồn lực xã hội. Thế thì phải Nhà nước - Trung ương một phần, địa phương phải một phần và một phần khác cần sự hỗ trợ của cộng đồng các doanh nghiệp có điều kiện, doanh nghiệp lớn có tiềm lực mạnh. Điều này vừa mang lại lợi ích cho doanh nghiệp, tạo tác động ảnh hưởng tích cực đến xã hội nói chung”.
Trên tinh thần cần sự chung tay, nỗ lực của tất cả các bên, Phó Giáo sư.Tiến sĩ Vũ Thành Hưng cũng khẳng định, điều quan trọng, cần kíp nhất trong bối cảnh vực dậy sản xuất kinh doanh hậu dịch hay thúc đẩy sự phát triển bền vững của của toàn nền kinh tế, vẫn là câu chuyện cải thiện thực chất môi trường kinh doanh, cải cách thủ tục hành chính cho tinh giản hơn nữa, tạo thuận lợi tối đa cho các doanh nhân, doanh nghiệp.
Đây cũng là tín hiệu mạnh nhất mà giới truyền thông ghi nhận được từ giới doanh nhân - doanh nghiệp những ngày này, hy vọng gửi đến toàn thể Hội nghị, gửi đến Chính phủ, Thủ tướng chính phủ và chờ đợi vào những quyết sách vừa khẩn trương-vừa thiết thực./.