Doanh nhân Lê Duy Toàn, CEO Duy Anh Foods: Tinh thần tự hào dân tộc dẫn lối khởi nghiệp
Du học ở Mỹ, nhưng thay vì tìm công việc tại những tập đoàn quốc tế lớn như từng mơ ước, Lê Duy Toàn lựa chọn trở về để khởi nghiệp với nghề làm bánh tráng, làm bún truyền thống vì bốn chữ 'tự hào dân tộc'.
“Bánh tráng thì chỉ có thể là của Việt Nam”
Sinh ra giữa lòng làng nghề truyền thống vang danh - bánh tráng Phú Hòa Đông (Củ Chi, TP.HCM), nhưng từ nhỏ cho đến khi học hết phổ thông, Lê Duy Toàn chưa bao giờ nghĩ mình sẽ tiếp nối công việc làm bánh tráng của gia đình, một công việc vất vả, phải thức khuya, dậy sớm, dãi nắng, dầm mưa mà không có bao nhiêu lợi nhuận. Anh mơ ước được vươn ra thế giới, được làm việc tại những tập đoàn quốc tế lớn.
Năm 2006, Lê Duy Toàn sang Mỹ, theo học ngành quản trị kinh doanh tại Đại học California State, bắt đầu hành trình chinh phục ước mơ.
Tuy nhiên, trong thời gian học tập tại Mỹ, những bịch bánh tráng trên kệ hàng siêu thị gắn mác “Made in Thailand” đã khiến anh thay đổi hoàn toàn suy nghĩ.
Toàn kể: “Tôi rất khó chịu khi nhìn thấy những bịch bánh tráng này. Tôi biết chắc 100% đó là bánh tráng Việt Nam, vì ở Thái Lan không sản xuất bánh tráng. Họ mua bánh tráng của Việt Nam về, đóng gói bao bì là thành Made in Thailand”.
Câu chuyện đó đã cách đây hơn 12 năm, nhưng khi chia sẻ với chúng tôi, giọng Toàn vẫn nghèn nghẹn. Anh nói, mình không cam lòng khi sản phẩm mà bố mẹ, gia đình, đồng bào mình vất vả một nắng, hai sương mới làm ra lại được đưa ra thị trường quốc tế bằng tên tuổi của người khác, đất nước khác.
Trò chuyện với doanh nhân Lê Duy Toàn
Điều gì tạo động lực cho hành trình khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh của anh?
Đó là tinh thần tự hào dân tộc. Tôi bắt đầu hành trình này vì tự hào về bánh tráng quê hương. Tôi kiên trì vì không muốn sản phẩm của quê hương mình ra nước ngoài lại gắn mác của quốc gia khác. Tôi sáng tạo, liều lĩnh có lẽ cũng vì tinh thần sáng tạo của người Việt Nam luôn sẵn có trong mình.
Thời gian qua, kết quả kinh doanh của Duy Anh Foods bị sụt giảm do ảnh hưởng từ tình hình chung, nhưng tôi vẫn cố gắng duy trì sản xuất, vì muốn giúp những người dân trong làng xóm, quê hương mình có việc làm ổn định, được trả lương xứng với công sức. Đây là tinh thần dân tộc của tôi.
Anh có nghĩ tới việc số hóa quy trình sản xuất khi đưa bánh tráng, bún Việt trở thành sản phẩm thương mại?
Tôi có nghĩ tới và cũng đã sử dụng máy móc ở một số công đoạn nhằm đảm bảo chính xác về thời gian, chỉ số. Tuy nhiên, nghề làm bún, làm bánh tráng vẫn là nghề truyền thống, máy móc sẽ không thể thay thế hoàn toàn được bàn tay người Việt Nam trong quá trình sản xuất các sản phẩm này.
“Bánh tráng thì chỉ có thể là của Việt Nam”, Toàn đã quả quyết như vậy.
Từ đó, anh ấp ủ ý định đưa bánh tráng, bún khô Việt Nam ra thế giới để khẳng định với bạn bè quốc tế: đây là những món ăn của Việt Nam, do người Việt tạo nên.
Sau khi kết thúc 4 năm du học ở Mỹ, Lê Duy Toàn quay về Việt Nam, về nhà để khởi nghiệp với món bánh tráng truyền thống trong sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè.
Đưa bánh tráng, bún Việt vươn tầm thế giới
Dù không nhận được sự ủng hộ của gia đình, Toàn vẫn quyết chí khởi nghiệp. Anh dồn toàn bộ vốn liếng tích cóp, vay mượn được khoảng 500 triệu đồng, bắt tay xây nhà xưởng, mua máy móc, thuê nhân công… và thành lập Duy Anh Foods.
Hành trình khởi nghiệp của Toàn chồng chất khó khăn. Từ những mẻ bánh tráng đầu tiên chưa ngon phải bỏ đi, tới vấn đề năng suất thấp khi sản xuất thủ công, thẩm mỹ và chất lượng sản phẩm chưa cao…
Sau rất nhiều lần thử nghiệm, Duy Anh Foods mới có được những sản phẩm hoàn chỉnh đầu tiên, nhưng khi chào bán với các đối tác tại Nhật Bản, Mỹ…, thì đều nhận lại những cái lắc đầu. Toàn lại tiếp tục cải tiến quy trình và hoàn thiện sản phẩm…
Anh kể, có những đối tác Nhật Bản đặt hàng, nhưng phải mất khoảng 8 tháng, tới lần gửi mẫu sản phẩm thứ 13, sản phẩm bánh tráng của Duy Anh Foods mới được chấp nhận.
“Khách Nhật rất khó tính về vệ sinh thực phẩm, họ có những tiêu chí lao động riêng. Điều này khiến tôi bị kẹt giữa ‘người cũ’ và ‘người mới’, vì làng nghề truyền thống bấy lâu cũng có cách làm truyền thống của mình. Người lao động ở quê đã quen với cách làm thủ công bằng chiếc bếp lò, phơi bánh ngoài sân…, không dễ thay đổi”, Toàn chia sẻ.
Bên cạnh đó, Toàn cũng phải mất nhiều công sức để nghiên cứu nhu cầu cụ thể của khách hàng ở từng thị trường khác nhau. Anh nhận ra, mỗi thị trường ưa chuộng một sản phẩm có hình dáng, kích cỡ, độ dày/mỏng khác nhau. Người tiêu dùng ở châu Âu có sở thích khác với người tiêu dùng ở các nước châu Á. Người Mỹ lại có yêu cầu riêng, thị trường Thái Lan cũng khác biệt...
“Tôi phải xác định, mình đang bán cho khách hàng ở đất nước/vùng miền nào, khí hậu ở đó khác gì so với Việt Nam, họ thích ăn bánh tráng mềm hay dai, cuốn bánh tráng với nguyên liệu gì…”, Toàn nói.
Bằng sự kiên trì tìm hiểu, nghiên cứu và không ngại thay đổi để đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, tới nay, các sản phẩm bánh tráng, bún gạo, bún dưa hấu… của Duy Anh Foods đã xuất khẩu chính ngạch tới 58 nước trên thế giới. Trong đó, có cả những thị trường khó tính bậc nhất như Nhật Bản, Mỹ, châu Âu.
Không ngừng đổi mới, sáng tạo
Bước đầu đạt được thành công, nhưng doanh nhân trẻ Lê Duy Toàn không dừng lại. Anh cùng đội ngũ Duy Anh Foods tiếp tục sáng tạo nhiều sản phẩm mới, lạ và chất lượng.
Điển hình nhất chính là món bún dưa hấu, sản phẩm duy nhất của Việt Nam được trưng bày tại Innovation Show ở Thaifex 2022 và bún ngũ cốc Mr Rice được trao Giải thưởng Sáng tạo Sial Innovation tại Sial Paris 2022. Duy Anh Foods là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất có sản phẩm đoạt giải Sial Innovation, trong hàng ngàn doanh nghiệp từ 167 nước tham dự.
Khi được hỏi về lý do, động lực để tạo ra những sản phẩm “độc, lạ” như bún dưa hấu…, Toàn chân thành chia sẻ: “Thật ra, không có gì cao siêu cả. Chỉ đơn giản, khi đó, vào thời điểm dịch bệnh, dưa của người nông dân không bán được, nên tôi mong muốn làm gì đó để giúp bà con tiêu thụ nông sản”.
Quá trình chế biến, sản xuất bún dưa hấu cũng gặp rất nhiều khó khăn. Lúc đầu, sản phẩm làm ra có màu “lạ”, khiến Toàn phải điều chỉnh lại công thức. Qua 2 tuần với hàng chục lần thử nghiệm, phải bỏ đi rất nhiều mẻ sản phẩm bị hỏng, gãy, dính, nhão…, Duy Anh Foods mới sản xuất thành công bún dưa hấu.
Toàn tiết lộ, để làm ra được món bún dưa hấu “đạt chuẩn”, anh phải lựa chọn nguyên liệu rất kỹ; các khâu sản xuất cần tính toán chuẩn về thời gian, để có được sản phẩm ưng ý nhất.
Sự thành công của bún dưa hấu là động lực để Duy Anh Foods phát triển thêm nhiều ý tưởng độc đáo kết hợp giữa sản phẩm bánh tráng, bún, phở khô truyền thống với nông sản Việt. Trong đó, nổi bật nhất gần đây là sản phẩm bún ngũ cốc Mr Rice, bánh tráng thanh long…, giúp mở rộng thêm đầu ra cho nông sản, tạo việc làm cho hơn 70 công nhân.
Hiện tại, Duy Anh Foods đã xây dựng một nhà xưởng sản xuất theo dây chuyền khép kín đạt chuẩn ISO 22000:2018, được kiểm soát theo quy trình HACCP và được cấp chứng nhận FDA. Mỗi ngày, doanh nghiệp trẻ này sản xuất khoảng 15 - 20 tấn hàng, lúc cao điểm có thể lên tới 30 - 60 tấn, tiêu thụ khoảng 20 - 25 tấn gạo và một lượng lớn các loại nông sản khác như dưa hấu, thanh long...
Chia sẻ về kế hoạch trong tương lai, Lê Duy Toàn cho biết, anh đang nhắm tới thị trường thực phẩm dành cho người theo đạo Hồi và người Do Thái, vì các sản phẩm của Duy Anh Foods đều phù hợp cho thị trường cần chứng nhận Halal dành cho người theo đạo Hồi và chứng nhận Kosher cho người Do Thái.
Công ty cũng đã xuất khẩu sản phẩm tiêu chuẩn Halal sang các nước ASEAN như Malaysia, Singapore, Indonesia và khu vực Tây Á. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất trên toàn thế giới, mỗi thị trường lại có yêu cầu riêng, nên Duy Anh Foods sẽ tập trung tìm hiểu, nghiên cứu để đạt chứng nhận sản phẩm cho từng thị trường.
“Đây là dư địa rất lớn cho ngành thực phẩm, nếu chinh phục được, thì Duy Anh Foods sẽ đạt được bước tiến lớn”, Lê Duy Toàn kỳ vọng.