Doanh nhân Nguyễn Chánh Sắt: Tiên phong chấn hưng kinh tế và thực nghiệp cho người Việt (Kỳ 2)

Trong phong trào Minh Tân diễn ra ở Nam kỳ đầu thế kỷ XX không thể không kể đến những đóng góp to lớn của doanh nhân Nguyễn Chánh Sắt. Ông không chỉ là chủ bút của Báo Nông cổ mín đàm mà còn tiên phong chấn hưng kinh tế và thực nghiệp cho người Việt. Về sau, ông là một trong những thành viên sáng lập Annam Thương cuộc Công ty kinh doanh cạnh tranh với thương nhân người Hoa và người Pháp.

Kỳ 2: Người tiên phong trong phong trào tẩy chay khách trú

Trong thời gian làm chủ bút Nông cổ mín đàm (từ số 662), Nguyễn Chánh Sắt đã viết nhiều bài báo chính luận thể hiện tinh thần minh tân mạnh mẽ. Ỡ lĩnh vực nông nghiệp, ông đã viết nhiều bài báo kêu gọi mọi người chấn chỉnh nghề nông, phải biết phát huy lợi thế của nông nghiệp ở Nam kỳ, đoàn kết và hỗ trợ nhau để phát triển nông nghiệp. Trong lĩnh vực sản xuất - kinh doanh, Nguyễn Chánh Sắt tiếp tục cuộc vận động người Việt đoàn kết, hùn vốn để mở công ty sản xuất - kinh doanh mà Lương Khắc Ninh và Trần Chánh Chiếu đã từng khởi xướng trong những năm đầu thế kỷ XX. Đặc biệt, trong bài Nông thương thiệt luận đăng trên Nông cổ mín đàm số 2 (1917), ông cho rằng, người Việt Nam “muốn cho nghề thương tấn bộ mà tranh cạnh cùng người thì quốc dân ta phải ráng lo học hành những phương thiệt nghiệp, ngõ hầu chế tạo ra những đồ vật của ta thường dùng hằng ngày đây, cho khỏi mua đồ của các nước, rồi lần lần ta lại học qua nhiều nghề khác nữa”. Tư tưởng này của ông đã khởi đầu cho cuộc vận động tranh thương giữa tư sản người Việt và người Hoa và đã tạo thành làn sóng tẩy chay hàng hóa của “khách trú” (chỉ thương nhân Hoa kiều) diễn ra ở Nam kỳ, sau đó lan rộng ra cả nước.

Bài viết vận động kinh doanh của Nguyễn Chánh Sắt trên Nông cổ mín đàm số 125

Bài viết vận động kinh doanh của Nguyễn Chánh Sắt trên Nông cổ mín đàm số 125

Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, Nguyễn Chánh Sắt đặc biệt tiếp tục đề cao nữ quyền trên Nông cổ mín đàm và tiếp tục cuộc vận động mở mang dân trí để đáp ứng yêu cầu của đất nước và xa hơn nữa là thực hiện theo phong trào Minh Tân. Theo đó, ông chủ trương đề cao thực học, thực nghiệp, không lấy việc học để chạy theo danh vọng. Trong bài Nam kỳ công nghệ (Nông cổ mín đàm số 79, năm 1918), ông viết: “Quốc dân ta còn chìm đắm nơi biển hoạn, mê man lối đường danh, bởi đó cho nên những học sanh nơi mấy trường công nghệ, khi tốt nghiệp rồi thì cứ mong mỏi kiếm chỗ xin việc mà làm cho ra mặt ông kia thầy nọ mà thôi; chớ ít hay chịu lấy sở học của mình đem ra làm một nghề nghiệp chi mà chuyên luyện cho tình tấn cho phát minh thêm phần học thức của mình mà giúp ích cho dân đoàn xã hội”.

Chính những bài viết của Nguyễn Chánh Sắt và một số cây bút khác có tinh thần dân tộc trong những năm 1918 và 1918 trên hai tờ báo kinh tế của Nam kỳ là Nông cổ mín đàm và Lục tỉnh tân văn đã một lần nữa khơi dậy tinh thần yều nước và ý thức tự cường dân tộc dẫn đến sự bùng nổ của phong trào tẩy chay hàng hóa của khách trú.

Trong giai đoạn 1918-1919, sự bùng nổ của phong trào tẩy chay hàng hóa khách trú bắt nguồn từ sự cạnh tranh gay gắt giữa các thế lực thương nhân Hoa kiều và lực lượng tư sản người Việt mới hình thành. Trước việc nhiều thương nhân Hoa kiều tự ý tăng giá sản phẩm trên thị trường và có thái độ miệt thị đối với khách hàng người Việt, giới thương nhân người Việt đã phản ứng lại bằng việc hô hào không tiêu thụ hàng hóa của Hoa kiều, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động kinh tế của người Việt Nam.

Trên Nông cổ mín đàm số 125 (1919), trong bài Cách buôn bán phải làm thế nào cho bền vững, Nguyễn Chánh Sắt đã viết: “Nay chúng ta mới phấn khích chen chúc ra giữa đám thương trường mà tranh đua quyền lợi. Mà ta có tranh đua thì tranh đua với khách, chớ không phải tranh đua với ta”. Đến số báo 127, Nguyễn Chánh Sắt tiếp tục phân tích: “Nếu nay mà chúng ta muốn làm cho cái cơ sở của khách trú lung lay, cho họ hết khinh dễ ta, hết hân hủi ta mà lại phải chìu lụy lại ta, kinh tâm tán đởm với ta, thì chỉ có ba cái vấn đề rất quan trọng hơn hết là phải lập cho được ba công ty: 1. Nam kỳ nông nghiệp tương tế tổng cuộc (hãng lúa); 2. Nam Việt ngân hàng (hãng bạc); 3. Nam Việt luân thoàn công ty (hãng tàu)”.

Bên cạnh đó, Nguyễn Chánh Sắt còn lên tiếng hô hào người Việt hùn vốn để thành lập Annam Thương cuộc Công ty nhằm thực hiện ý tưởng đầu tư xây dựng kho hàng, lập ngân hàng, mua sắm phương tiện vận tải, cơ sở xay xát để cạnh tranh với tư sản Hoa kiều trong việc thu mua và xuất cảng lúa gạo, vận tải… mà xưa nay tư sản Hoa kiều lũng đoạn. Điều này đã dẫn đến việc thành lập Annam Thương cuộc Công ty vào ngày 1/9/1919, thông qua việc huy động thành công 100.000 đồng vốn với mục đích tổ chức kinh doanh và cạnh tranh với thế lực khách trú. Hội trưởng của Công ty là ông Nguyễn Phú Khai, Hội phó gồm có Nguyễn Chánh Sắt và Trần Quang Nghiêm; Trần Văn Chim và Nguyễn Văn Hội làm Thủ bổn, Huỳnh Văn Nhung làm Phó thủ bổn và năm phái viên là Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Hữu Sanh, Bùi Văn Gio, Hồ Văn Lang và Nguyễn Kim Đính. Các thành viên của Công ty đã bắt đầu đăng lời kêu gọi góp vốn trên Lục tỉnh tân văn số 674 (ngày 19/9/1919).

Việc thành lập Annam Thương cuộc Công ty đã tạo thành một cuộc vận động thành lập các công ty kinh doanh cạnh tranh với các công ty của Hoa kiều như Tâm bổn mễ thương và Tâm bổn tân thương của Đặng Thúc Liêng và Lê Hoằng Mưu sau đó. Lúc đầu, thực dân Pháp lợi dụng để hướng phong trào quần chúng vào những mục tiêu không ảnh hưởng đến nền thống trị, nhưng đến cuối năm 1919, lo sợ phong trào vượt ra khỏi sự kiểm soát, chúng đã đưa ra những biện pháp ngăn cấm. Sau vài vụ bắt bớ của chính quyền Pháp, Annam Thương cuộc Công ty và nhiều cơ sở kinh doanh khác của người Việt bị giải thể và phong trào tẩy chay hàng hóa khách trú cũng lắng xuống.

Sau sự kiện trên, Nguyễn Chánh Sắt cùng với ông Nguyễn Văn Của tham gia lập Nam Kỳ nhựt báo ái hữu hội và được bầu đi dự hội chợ Hà Nội năm 1920. Cũng trong năm này, Nguyễn Chánh Sắt trở về thăm quê và được người dân đề bạt giữ chức hương quản trong Ban quản trị đình Long Phú. Năm 1921, ông được đề cử Hội thẩm Tòa Đại hình Sài Gòn.

Năm 1922, Nguyễn Chánh Sắt từ chức chủ bút Nông cổ mín đàm và trở về quê nhà Tân Châu sống ẩn dật.

Nguyễn Chánh Sắt qua đời ngày 8/5/1946, hưởng thọ 76 tuổi. Hiện mộ phần hai vợ chồng ông được chăm sóc tại Long Phú, thị xã Tân Châu, tỉnh An Giang.

Thanh An (Tổng hợp)

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nhan-nguyen-chanh-sat-tien-phong-chan-hung-kinh-te-va-thuc-nghiep-cho-nguoi-viet-ky-2-312943.html