Doanh nhân Nguyễn Đăng Quang: Từ buôn mỳ gói đến tỷ phú USD

Từ khởi nghiệp với mì gói từ 20 năm trước, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch Tập đoàn Masan trở thành tỷ phú USD thứ 3 của Việt Nam với khối tài sản được định giá ở mức là 1,3 tỷ USD.

Ông Nguyễn Đăng Quang sinh năm 1963 tại Quảng Trị, ông có thời gian sinh sống và học tập lâu năm ở nước ngoài. Ông có bằng Thạc sĩ Quản trị kinh doanh tại Đại học Kinh tế Nga Plekhanov và bằng Tiến sĩ Khoa học Công nghệ tại Học viện Khoa học Quốc gia Belarus.

Ông Quang khởi nghiệp từ những năm 1990 bằng việc bán mì gói cho người Việt Nam đang sinh sống tại Nga, sau đó mở rộng ra các mặt hàng thực phẩm khác.

Đến năm 2002, ông Nguyễn Đăng Quang ra mắt của thương hiệu Masan tại Việt Nam bằng sản phẩm nước tương Chin-su. Kể từ đó đến nay, Masan phát triển một cách nhanh chóng và vượt bậc, cho ra mắt nhiều sản phẩm vô cùng quen thuộc với mỗi gia đình như: Tương ớt Chin-su, Nước mắm Nam ngư, Mì Omachi, Mì Kokomi, Xúc xích Ponnie, Cà phê Vinacafe, Bia Sư tử trắng...

 Ông Nguyễn Đăng Quang khởi nghiệp từ việc buôn mì gói. Ảnh DN.

Ông Nguyễn Đăng Quang khởi nghiệp từ việc buôn mì gói. Ảnh DN.

Bên cạnh Masan, ông Quang còn là người góp phần xây dựng nên một Techcombank lớn mạnh như ngày hôm nay cùng ông Hồ Hùng Anh. Ông từng nắm nhiều chức vụ quan trọng của Techcombank như: Phó Tổng giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT, Cố vấn Chủ tịch HĐQT... Hiện tại ông vẫn đang làm Phó Chủ tịch HĐQT của ngân hàng.

Ông Nguyễn Đăng Quang còn được mọi người biết đến thông qua vụ thâu tóm hệ thống bán lẻ VinMart từ Vingroup vào năm 2019, qua đó tiến vào thị trường bán lẻ Việt Nam.

Với việc sở hữu thương hiệu Masan hùng mạnh và tham gia điều hành các công ty, ngân hàng lớn khác trên thị trường, ông Nguyễn Đăng Quang có trong tay khối tài sản khổng lồ khiến nhiều người ngưỡng mộ. Năm 2018, ông Nguyễn Đăng Quang được Bloomberg công nhận là một trong 2 tỷ phú mới của Đông Nam Á với khối tài sản xấp xỉ 1,2 tỷ USD. Tính đến năm 2021, ông là một trong sáu tỷ phú đô la của Việt Nam, bên cạnh ông Phạm Nhật Vượng, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, ông Trần Đình Long, ông Trần Bá Dương và ông Hồ Hùng Anh.

Dù nắm giữ đế chế Masan hùng mạnh và quản lý các công ty khác nhưng vị doanh nhân này lại có cuộc sống rất kín tiếng so với các doanh nhân khác. Do đó, rất khó để tính toán tài sản của một người một cách chính xác.

Theo thống kê mà chúng tôi thu thập được, ông Nguyễn Đăng Quang đang sở hữu khoảng 15 cổ phiếu MSN của Masan Group. Tuy nhiên, ông gián tiếp sở hữu khoảng 252 triệu cổ phiếu MSN, tương đương khoảng 22% cổ phần Masan trị giá khoảng 22,6 nghìn tỷ đồng theo giá trị vốn hóa của Masan.

Ngoài ra, Công ty Masan của ông Nguyễn Đăng Quang sở hữu mỏ quặng hiếm hàng đầu thế giới sau khi công ty con mua lại 49% để sở hữu 100% nhà máy chế biến hóa chất vonfram đầu tiên trên thế giới.

 Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách Những tỷ phú giàu nhất thế giới 3 năm liên tiếp. Ảnh BCT.

Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách Những tỷ phú giàu nhất thế giới 3 năm liên tiếp. Ảnh BCT.

Quỹ đầu tư Mỹ rót 200 triệu USD vào tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang

Với danh tiếng của mình, tỷ phú Nguyễn Đăng Quang đã được nhiều nhà đầu tư nước ngoài ngỏ ý hợp tác. Ngay đầu tháng 10 vừa qua, Quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới Bain Capital (Mỹ), có khối tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD, đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD vào Masan của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang. Đây là thương vụ đầu tiên của quỹ trong chiến lược đầu tư vào Việt Nam.

Bain Capital - quỹ đầu tư tư nhân hàng đầu thế giới, có khối tài sản quản lý xấp xỉ 180 tỷ USD - vừa đồng ý đầu tư ít nhất 200 triệu USD bằng vốn cổ phần vào Tập đoàn Masan (mã chứng khoán MSN), với giá trị mỗi cổ phần là 85.000 đồng, thông tin được công bố vào ngày 2/10.

Số tiền thu được từ thương vụ trên sẽ dùng để nâng cao vị thế tài chính và tối ưu hóa bảng cân đối kế toán của doanh nghiệp tiêu dùng Việt.

Ông Barnaby Lyons, thuộc đội ngũ lãnh đạo của Bain Capital, chia sẻ đây là thương vụ đầu tiên trong dự án đầu tư chiến lược tại Việt Nam. Ông cho rằng tập đoàn của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang làm chủ tịch hội đồng quản trị có những nền tảng vững chắc, tầm nhìn và chiến lược tăng trưởng phù hợp để thành công trong một thị trường tiêu dùng hấp dẫn và tăng trưởng cao như Việt Nam.

Tùy theo nhu cầu sử dụng vốn cũng như điều kiện thị trường, doanh nghiệp Việt có thể tăng mức đầu tư lên đến 500 triệu USD.

Từ năm 2022 đến năm 2040, Việt Nam được đánh giá là thị trường tiêu dùng tăng trưởng nhanh nhất Đông Nam Á, với mức tăng trưởng hằng năm dự kiến là 7,7%.

Tốc độ tăng trưởng ấn tượng này bởi quá trình đô thị hóa ngày càng nhanh, sự bùng nổ của tầng lớp người tiêu dùng với thu nhập ngày càng cao hơn, nhu cầu đa dạng hơn, vượt khỏi những nhu cầu cơ bản, hướng đến trải nghiệm về phong cách sống và tài chính.

Báo cáo tài chính nửa đầu năm 2023 cho thấy Masan thu được hơn 37.600 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 3,6% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp cũng gặp không ít thách thức. Trừ giá vốn và các chi phí khác, doanh nghiệp còn giữ lại lãi sau thuế gần 867 tỷ đồng, giảm hơn 72% so với cùng kỳ năm trước.

Tại thời điểm cuối quý II năm nay, doanh nghiệp có khối tài sản gần 140.860 tỷ đồng, giảm không đáng kể so với đầu năm. Khoản nợ phải trả giảm nhẹ, xuống còn hơn 103.300 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu nhích nhẹ lên mức hơn 37.520 tỷ đồng.

Việt Nam có 6 tỷ phú USD trong danh sách thế giới

Tạp chí Forbes công bố danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 (cập nhật tháng 4), trong đó Việt Nam còn 6 tỷ phú gồm: Chủ tịch Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Thaco Trần Bá Dương và Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang. Trong đó, Chủ tịch Masan Nguyễn Đăng Quang xuất hiện trong danh sách năm thứ 3 liên tiếp. Tài sản của ông hiện là 1,3 tỷ USD.

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/doanh-nhan-nguyen-dang-quang-tu-buon-my-goi-den-ty-phu-usd.html