Doanh nhân Nguyễn Đình Khánh: Người đặt nền móng cho nghề kinh doanh ảnh Kỳ 1: Ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá

Nguyễn Đình Khánh là người đặt nền móng cho nghề nhiếp ảnh ở Việt Nam với thương hiệu 'Khánh Ký' nổi danh không chỉ ở Hà Nội. Ông còn được biết đến là ông tổ của làng nghề nhiếp ảnh Lai Xá, là người Việt Nam đầu tiên kinh doanh nghề ảnh khong những ở trong nước.

Chân dung Nguyễn Đình Khánh

Chân dung Nguyễn Đình Khánh

Người Lai Xá mở hiệu ảnh ở bất cứ đâu hầu hết đều mang thêm chữ “Lai” hoặc chữ “Ký” như là sự ghi dấu về quê hương và vị tổ nghề của mình.

Nguyễn Đình Khánh (còn gọi là Khánh Ký), hồi nhỏ có tên là Nguyễn Văn Xuân, sinh năm 1874 tại làng Lai Xá, tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Đông (nay là thôn Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội).

Lập hiệu ảnh Khánh Ký tại Hà Nội và Sài Gòn

Nguyễn Đình Khánh mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 1890, khi mới 16 tuổi, Nguyễn Đình Khánh lên Hà Nội lập nghiệp và được người chú là Nguyễn Văn Tạo giới thiệu giúp việc và học nghề ảnh tại hiệu ảnh Du Chương của người Hoa ở phố Hàng Bồ.

Khi giúp việc tại hiệu ảnh, Nguyễn Đình Khánh nhanh chóng bộc lộ niềm say mê với nghề nhiếp ảnh. Nhận thấy sự sáng dạ, khéo léo của chàng trai trẻ, ông chủ hiệu ảnh nhận dạy nghề cho Khánh. Chỉ sau hai năm học nghề, Khánh đã mở được hiệu ảnh riêng ở phố Hàng Da, lấy tên là Khánh Ký.

Tờ quảng cáo hiệu ảnh Khánh Ký

Tờ quảng cáo hiệu ảnh Khánh Ký

Với vốn kinh nghiệm học được từ hiệu ảnh Du Chương, Khánh Ký đã nhanh chóng nổi tiếng. Khi công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, ông mở thêm hiệu ảnh Khánh Ký ở phố Cửa Đông và phố Quang Trung (quận Hoàn Kiếm ngày nay), sau đó còn mở thêm một hiệu ảnh tại Nam Định.

Vào thời “hoàng kim”, hiệu ảnh Khánh Ký trên đất Bắc danh tiếng rất lớn. Đích thân Khánh Ký còn truyền dạy hàng trăm thợ chụp ảnh và làm ảnh có trình độ kỹ thuật cao, nhất là trai tráng làng Lai Xá. Học xong họ xin ra mở hiệu ảnh ở nhiều nơi trong cả nước. Ảnh của thương hiệu Khánh Ký thời bấy giờ có nét riêng là chụp toàn thân, ngồi ghế, mặt hướng thẳng, hai tay đặt lên đầu gối xòe 10 ngón tay. Thậm chí, việc sở hữu những bức ảnh chân dung theo phong cách hiệu ảnh Khánh Ký khi ấy đã trở thành một trào lưu.

Công việc làm ăn ngày càng thuận lợi, đến năm 1907, Nguyễn Đình Khánh tiếp tục mở thêm hiệu ảnh tại Sài Gòn. Ông còn vào Sài Gòn để truyền dạy và đào tạo đội ngũ thợ ảnh tại đây.

Không chỉ kinh doanh mà Khánh Ký còn tích cực tham gia phong trào Đông Kinh Nghĩa thục ở Hà Nội. Hiệu ảnh của ông không chỉ là nơi dạy nghề mà còn là nơi gặp gỡ của các chí sĩ Việt Nam yêu nước. Năm 1911, khi bị lộ vì tham gia Đông Kinh Nghĩa thục, Khánh Ký phải sang Paris, Pháp để lánh nạn. Trong thời gian ở Pháp, Nguyễn Đình Khánh được một công chức Pháp tên là Dinnillac giúp đỡ nâng cao tay nghề nhiếp ảnh. Trong thời gian học tập tại Pháp, ông rất cầu thị và quyết tâm nắm bắt kỹ thuật nhiếp ảnh của người phương Tây.

Ông tổ của Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá

Bên cạnh việc mở rộng địa bàn kinh doanh, Nguyễn Đình Khánh còn rất chú trọng tới việc đào tạo nghề. Ông nhận nhiều người vào học việc trong các hiệu ảnh của ông, đặc biệt đã truyền sự đam mê nghề ảnh cho người đồng hương. Cho đến bây giờ, người Lai Xá vẫn còn nhớ những bí quyết của nghề ảnh, như chọn góc chụp sao cho đẹp, rửa ảnh sao cho sáng, chỉnh ảnh sao cho nét… mà Khánh Ký đã truyền dạy.

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá

Năm 1892, nhiều nam thanh niên làng Lai Xá đã theo nhau lên phố Hàng Da học nghề tại hiệu ảnh đầu tiên do Khánh Ký mở. Khi đã thạo nghề, ông chủ Khánh Ký bố trí cho họ việc làm. Không ít học trò của ông đã tự mở được hiệu ảnh riêng. Họ tôn ông làm ông tổ nghề của làng. Về sau, dân làng đã đề nghị và được chấp thuận lấy năm 1892 là năm ra đời của Làng nghề Nhiếp ảnh Lai Xá.

Từ Lai Xá, hình thức nhiếp ảnh cửa hiệu của Việt Nam đã ra đời và phát triển. Theo sách “Lai Xá - Làng nhiếp ảnh” do NXB Chính trị quốc gia xuất bản năm 2004, ở Hà Nội có 33 hiệu ảnh nổi tiếng do người Lai Xá mở như Kim Lai, Mỹ Lai, Vạn Hoa, Thủ Đô ảnh viện, Aubella fôtô… Ở Sài Gòn có 34 cửa hiệu nổi tiếng như Văn Vấn, Mỹ Lai, Tân Lai, Nguyễn Luyện, Thịnh Ký…, nhưng hiệu ảnh Khánh Ký vẫn lớn nhất và nổi tiếng nhất. Hải Phòng có tới 16 hiệu ảnh của người Lai Xá cũng nổi tiếng không kém, như Phúc Lai, Thiên Nhiên Foto, Kim Dung, Mỹ Dung...

Từ vùng cao Tây Bắc, Việt Bắc đến vùng châu thổ sông Cửu Long đều có hiệu ảnh của người Lai Xá. Ở Bến Tre có Đinh Bá Trung được giải thưởng ảnh quốc tế, là học trò lớp đầu tiên do Khánh Ký đào tạo. Thợ làm ảnh người làng Lai Xá còn mở hiệu ảnh ở Lào, Campuchia, Myanmar, Trung Quốc, Pháp, Đức, Mỹ, cho nên người ta gọi Lai Xá là “Làng nhiếp ảnh”. Người Lai Xá mở hiệu ảnh ở bất cứ đâu hầu hết đều mang thêm chữ “Lai” hoặc chữ “Ký” như là sự ghi dấu về quê hương và vị tổ nghề của mình.

Cho đến nay, khi công nghệ nhiếp ảnh đã tiến bộ vượt bậc, làng Lai Xá vẫn còn nhiều nhà làm ảnh với các hiệu ảnh nổi tiếng như Sơn Hà, Ngọc Quang, Đức Lai, Thủ Đô, Chiến Thắng, Hồng Thảo, Ngọc Trâm, Cường Ngọc...

Để lưu giữ những nét truyền thống của nghề nhiếp ảnh qua nhiều năm, người dân làng Lai Xá đã cùng nhau góp tiền xây dựng Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá, khai trương vào ngày 15/7/2017 để sưu tầm, bảo quản, trưng bày và giới thiệu tài liệu, hiện vật, hình ảnh liên quan đến lịch sử hình thành và phát triển về nghề nhiếp ảnh, đặc biệt là các loại máy ảnh, công cụ nghề ảnh và tác phẩm nhiếp ảnh, nghệ nhân, hiệu ảnh nổi tiếng của người Lai Xá từ đầu thế kỷ XX đến nay. Hiện Bảo tàng Nhiếp ảnh Lai Xá trưng bày khoảng 150 bức ảnh tiêu biểu, 150 hiện vật lên quan nghề ảnh.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nhan-nguyen-dinh-khanh-nguoi-dat-nen-mong-cho-nghe-kinh-doanh-anh-ky-1-ong-to-cua-lang-nghe-nhiep-anh-lai-xa-317010.html