Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty CP Công nông nghiệp Tiến Nông: Doanh nghiệp là một đại gia đình

Dẫn dắt, chèo lái một doanh nghiệp hơn 600 lao động, đồng thời cũng là chủ gia đình, ông Nguyễn Hồng Phong luôn đặt vấn đề văn hóa gia đình lên hàng đầu, từ câu chuyện quản lý công ty đến việc truyền lửa cho người kế nghiệp.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong.

Doanh nhân Nguyễn Hồng Phong.

“Cho đi” chính là “nhận lại”

Tiến Nông là thương hiệu gắn bó cùng đất và người nông dân Thanh Hóa hơn 22 năm qua. Từ một xưởng sản xuất nhỏ với sản phẩm duy nhất là phân lân nung chảy, đến nay, Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông đang trên đường trở thành đơn vị dẫn đầu trong lĩnh vực dinh dưỡng cây trồng tại Việt Nam, là một trong 10 đơn vị sản xuất phân bón NPK lớn nhất nước với 3 nhà máy.

Nhớ về những ngày đầu khởi nghiệp, ông Nguyễn Hồng Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông ví hình ảnh của mình lúc ấy giống như một người “tay thì với, chân phải kiễng”, vì mọi thứ đều rất mới mẻ.

“Khi Tiến Nông mới bước vào thị trường, quy mô nhỏ, lao động chỉ khoảng 30 người…, nhưng với tinh thần của tuổi trẻ, tôi xác định, muốn thành công thì phải biết chia sẻ. Bởi đơn giản, cho đi chính là nhận lại. Điều mình “cho đi” không hẳn là những giá trị vật chất, mà đơn giản có thể chỉ là một nụ cười, niềm tin, cái bắt tay ấm áp, một ánh mắt thân thiện... Để rồi từ đó, chúng ta nhận lại sự ân cần, giao tiếp cởi mở, chia sẻ kinh nghiệm để hoàn thiện mình và có cách tiếp cận công việc đúng đắn, làm việc hiệu quả hơn mỗi ngày”, ông Phong trải lòng.

Với tư duy cởi mở, ông đã chủ động tìm hiểu, học hỏi, ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào hoạt động sản xuất của doanh nghiệp để tạo ra các sản phẩm có tính vượt trội, đột phá, từ việc sản xuất phân bón đa dụng sang sản xuất sản phẩm dinh dưỡng chuyên dùng.

Theo ông Phong, khoa học và công nghệ giúp Công ty Tiến Nông tạo ra những sản phẩm chất lượng cao với chi phí hợp lý, giúp đưa những tiến bộ mới nhất vào sản xuất, giúp cây trồng tăng năng suất và chất lượng nông sản, giúp nâng cao hiệu suất sử dụng trên đồng ruộng và góp phần đẩy lùi nạn hàng giả, hàng kém chất lượng trên thị trường.

Nhờ áp dụng khoa học và công nghệ, Tiến Nông đã có những giải pháp dinh dưỡng chuyên dùng cho từng đối tượng cây trồng như lúa, ngô, lạc, mía, cà phê, hồ tiêu, thanh long..., giúp tối ưu hóa quá trình chăm sóc cây.

“Ngày nay, nhiều công nghệ mới đang được chúng tôi tiếp tục nghiên cứu ứng dụng vào giải pháp của mình như công nghệ sinh học, công nghệ hóa - sinh, công nghệ nano... Có thể nói, thương hiệu Tiến Nông được xây dựng trên nền tảng khoa học - công nghệ và tôi rất tự hào về điều đó”, ông Phong bộc bạch.

Bên cạnh việc tập trung cho khoa học - công nghệ, ông Phong cũng đầu tư phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm, bởi đây chính là khâu then chốt để đưa những sản phẩm chất lượng, giá cả hợp lý đến tay bà con nông dân. Theo đó, mục tiêu của Tiến Nông là đến năm 2020, sẽ đáp ứng 10% nhu cầu phân bón cả nước, hình thành 20 vùng kinh doanh tại 4 vùng trọng điểm là miền Bắc, Bắc Trung bộ, Tây Nguyên và miền Nam.

Cùng đó, Tiến Nông sẽ xây dựng 200 nhà phân phối chính hãng tại các khu vực, hình thành 10.000 điểm bán hàng trên cả nước, phục vụ cho khoảng 1 triệu hộ nông dân. Tại các vùng xây dựng hệ thống đại diện chính hãng, Tiến Nông đặt mục tiêu phục vụ 50% phân bón tại địa phương đó.

Tổng giám đốc Công ty Tiến Nông chia sẻ: “Với sứ mệnh ‘Tiến Nông - tiến cùng nông dân Việt’, chúng tôi đã tạo ra những sản phẩm không chỉ đơn thuần là phân bón, mà là nguồn dinh dưỡng cây trồng, giúp nâng cao giá trị nông sản Việt”.

Văn hóa gia đình

Những thành quả kể trên có được chính là nhờ vai trò của yếu tố văn hóa doanh nghiệp gia đình mà ông Phong đã dày công xây dựng trong suốt thời gian qua. Ông luôn coi Tiến Nông là một đại gia đình, mà gia đình của ông là một thành viên trong đó.

“Chúng tôi luôn hướng đến việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp gia đình là một tập thể lớn, Gia đình Tiến Nông hiện có hơn 600 thành viên. Chúng tôi hoạt động với phương châm ‘Muôn sự là của chung, hơn nhau một chữ đi cùng’. Điều này khiến cho mọi thành viên trong gia đình Tiến Nông thấy được trách nhiệm chung và làm việc với tất cả sự nhiệt huyết của mình, vì Công ty không phải của riêng ai”, ông Phong nhấn mạnh.

Văn hóa doanh nghiệp gia đình sẽ có tác động gắn kết mọi người với nhau để cùng xây dựng Công ty, gây dựng sự nghiệp chung. “Văn hóa doanh nghiệp gia đình đã tạo ra cảm hứng mạnh mẽ cho người lao động có chung suy nghĩ: doanh nghiệp là gia đình chung, chúng ta phải có trách nhiệm với gia đình và với mọi người”, ông Phong nói.

Làm bạn để truyền lửa cho người kế nghiệp

Tư duy về doanh nghiệp gia đình của ông Phong là do chịu ảnh hưởng từ người cha của mình. Ông Phong kể: “Năm 1995 - 5 năm sau khi bố tôi nghỉ hưu, gia đình tôi quyết định kinh doanh và thành lập Xí nghiệp Sản xuất phân bón Tiến Nông (tiền thân của Công ty cổ phần Công nông nghiệp Tiến Nông). Tôi được giao trọng trách Giám đốc doanh nghiệp khi mới 22 tuổi. Điều này vừa tạo áp lực, vừa là cơ hội để tôi khẳng định bản thân và trau dồi kinh nghiệm kinh doanh trên thương trường”.

Trải qua 24 năm phát triển, từ 200 triệu đồng vốn điều lệ ban đầu, đến nay, Tiến Nông nâng con số này lên 500 tỷ đồng. Những kết quả tăng trưởng này đã cho thấy, sự tin tưởng của người cha dành cho ông là hoàn toàn có cơ sở. Và giờ đây, ông Phong lại tiếp tục hành trình chuyển giao Công ty cho thế hệ thứ 3 kế nghiệp.

Khác với xu hướng chung của nhiều doanh nghiệp gia đình hiện nay, thường đào tạo thế hệ kế nghiệp tại các nước phát triển với nền giáo dục tiên tiến, ông Phong khuyến khích con trai mình học tập trong nước, thay vì đi du học Anh Quốc, dù đã nhận được học bổng; đồng thời, sớm cho con tham gia vào hoạt động của Công ty Tiến Nông ngay khi con đang là sinh viên năm thứ nhất đại học.

Nhớ lại một kỷ niệm trong cuộc đời của mình, qua đó thấy dược tầm quan trọng của sự chuẩn bị cho kế hoạch chuyển giao thế hệ kế nghiệp và quản trị rủi ro, ông Phong kể, năm 2016 ông bị ốm nặng gần một tháng, mọi hoạt động của Công ty bị đình trệ, doanh nghiệp như “rắn mất đầu”. Sau lần đó, ông nhận ra rằng, “doanh nghiệp không tuổi nhưng doanh nhân có tuổi”, rủi ro có thể đến với bất kỳ ai, nên việc chuẩn bị cho thế hệ kế nghiệp là rất quan trọng.

Ông Phong chia sẻ, ông luôn làm bạn với con, chia sẻ ước mơ của cá nhân với con, cùng con trải nghiệm cuộc sống cũng như công việc để tạo hứng thú và động lực phấn đấu cho con. Đặc biệt, ông chủ động đưa con trai đến những nơi còn nhiều khó khăn trên đất nước, để con nhận thức được, không chỉ sống và làm việc cho bản thân và gia đình, mà còn phải cố gắng, phấn đấu, phải làm việc cho dòng họ, cho quê hương, đất nước, như vậy, cuộc sống mới thực sự có ý nghĩa.

“Tôi truyền lửa cho con, để con nghĩ đến những câu chuyện lớn hơn. Vừa rồi, hai cha con tôi có một chuyến đi Nhật Bản, sống với người Nhật Bản, trải nghiệm và khám phá từ những ngõ nhỏ đến khách sạn 5 sao. Sau chuyến đi đó, con đã thấy được có nhiều việc phải làm hơn và làm sao góp phần nhỏ bé để Việt Nam ngày càng phát triển”, ông Phong chia sẻ.

Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Hồng Phong

Ông tham gia vào doanh nghiệp của gia đình khi cha mình vẫn đang điều hành. Giữa hai thế hệ có xảy ra bất đồng quan điểm kinh doanh không?

Khi thành lập Công ty, bố đã trao quyền luôn cho tôi, ông đã lắng xuống để đẩy con mình lên. Chính điều này đã tác động rất lớn đến tư tưởng của tôi, và đến lượt mình, tôi cũng muốn con mình tham gia vào các hoạt động kinh doanh. Các cuộc chuyển giao thành công là kéo con vào với mình, để con bước cùng trên một con đường cùng tư tưởng và tư duy với mình.

Hai thế hệ cùng điều hành một doanh nghiệp, đôi khi cũng có khó khăn. Nhưng cha và tôi, mỗi người quản lý một mảng, mỗi phần đều hoạch toán độc lập, sau một thời gian, khi đã ổn định, thì sáp nhập chung.

Con trai ông phản ứng như thế nào khi được ông hướng theo nghiệp kinh doanh?

Cách đây mấy năm, khi được định hướng theo nghiệp kinh doanh, con trai tôi từ chối và nói, muốn làm khoa học hơn. Tôi đồng ý để con đi theo con đường mình chọn. Nhưng sau khi tham gia vào các hoạt động của Công ty và được truyền lửa, hiện tại, con đã thích kinh doanh và có khát vọng lớn.

Ông nghĩ thời điểm nào là thích hợp để chuyển giao kế nghiệp?

Tôi cũng có kế hoạch và lộ trình để chuyển giao sự nghiệp cho con trai. Dự kiến, khi 55 tuổi, tôi sẽ chuyển giao Công ty cho con trai và trở thành cố vấn dẫn dắt.

Thu Phương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-nguyen-hong-phong-tong-giam-doc-cong-ty-cp-cong-nong-nghiep-tien-nong-doanh-nghiep-la-mot-dai-gia-dinh-d102914.html