Doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel: Tiên phong đưa thương hiệu du lịch Việt vươn tầm toàn cầu

Sau một thập niên cổ phần hóa Vietravel, doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ bước vào 'khởi nghiệp lần hai' ở hành trình của tuổi 30 - kiên định kiến tạo hệ sinh thái bền vững và nuôi dưỡng giấc mơ đưa thương hiệu Việt vươn tầm toàn cầu.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ.

Doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ.

Người lính trên mặt trận kinh tế

“Chúng tôi bắt đầu từ những bước đi đầy khiêm tốn trong thập niên 1990”, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vietravel mở đầu câu chuyện bằng sự hồi tưởng giản dị, nhưng đầy tự hào.

Khi ấy, đất nước đang bước vào thời kỳ mở cửa và ngành du lịch vẫn còn là một khái niệm xa lạ với phần đông người dân. Nhưng chính trong bối cảnh đó, Vietravel - một doanh nghiệp nội địa non trẻ đã khởi hành với một khát vọng lớn, đó là đưa người Việt ra thế giới và đưa thế giới đến với Việt Nam.

Ba thập kỷ sau, ở tầm nhìn chiến lược, ông Kỳ ví von chặng đường hội nhập và cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam hiện nay như một “trận chiến không tiếng súng”. “50 năm trước là chiến tranh, là sự xâm lược từ bên ngoài. Còn 50 năm tới, chúng ta đối mặt với những cuộc ‘xâm lấn’ trong lĩnh vực kinh doanh”, ông chia sẻ.

Hiện nay, bảo vệ không gian kinh tế quốc gia trong thời đại toàn cầu hóa, nơi các nền tảng xuyên biên giới chiếm ưu thế, là thử thách không kém phần cam go. Không có tiếng súng, nhưng cuộc chiến này khốc liệt hơn rất nhiều. Trong chiến trận, sự hy sinh được ghi nhận và vinh danh. Còn trên mặt trận kinh tế, nếu không đủ sức cạnh tranh, sự “hy sinh” sẽ nhanh chóng bị lãng quên.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Quốc Kỳ xem doanh nhân, đặc biệt là doanh nhân tư nhân là những “người lính thời bình”, ngày đêm gìn giữ vị trí của doanh nghiệp Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu. Trong lĩnh vực dịch vụ như du lịch, nơi các tập đoàn công nghệ lớn như Booking, Agoda, Traveloka… đang chiếm lĩnh thị trường, cuộc cạnh tranh càng trở nên khốc liệt hơn.

Tuy nhiên, không đợi cuộc chơi đến gõ cửa, Vietravel đã chuẩn bị từ sớm. Từ năm 2006, doanh nghiệp đã bước chân vào thương mại điện tử, trở thành một trong những đơn vị đầu tiên ở Việt Nam xây dựng hệ thống bán tour trực tuyến và tích hợp ứng dụng di động. Dù đến hiện tại, tỷ lệ khách hàng đặt tour qua nền tảng số mới đạt 30%, nhưng ông Kỳ kiên định với mục tiêu đến năm 2030, con số này sẽ tăng lên 80-90%.

Có thể nói, với nhận thức rõ ràng về sức ép thời đại, doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ đang tăng tốc chuyển đổi Vietravel sau đại dịch Covid-19, một giai đoạn đã thúc đẩy toàn ngành du lịch thay đổi mạnh mẽ. Chiến lược của Vietravel tập trung vào 3 trụ cột là doanh nghiệp xanh, doanh nghiệp số và doanh nghiệp kết nối.

Trên hành trình xanh hóa, từ năm 2015, Vietravel đã khởi động chương trình “Go Green”, hướng tới du lịch bền vững. Từ việc thiết kế các tour thân thiện với môi trường, hạn chế nhựa dùng một lần đến việc ưu tiên cơ sở lưu trú xanh và nâng cao nhận thức của du khách, Vietravel đang nỗ lực trở thành một phần của hệ sinh thái du lịch có trách nhiệm.

“Thế nhưng, chúng tôi không thể đi một mình. Phát triển bền vững chỉ có ý nghĩa khi có sự đồng hành, khi lợi ích hài hòa và rủi ro được chia sẻ”, ông Kỳ dẫn lại câu nói của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Với vai trò là doanh nghiệp kết nối, Vietravel không chỉ là cầu nối giữa du khách và điểm đến, mà còn là “nhạc trưởng” điều phối các nhà cung ứng, đối tác công nghệ, hãng hàng không và chính quyền địa phương. Ngoài việc mở rộng 40 văn phòng tại 24 tỉnh, thành phố trong nước, doanh nghiệp cũng đã thiết lập hệ thống đại diện tại 13 quốc gia nhằm mở rộng không gian kinh doanh, không chờ bị động trước làn sóng hội nhập.

“Chúng tôi phải đi ra ngoài để tìm khách, không thể ngồi chờ khách tìm đến”, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh. Đó không chỉ là lời khẳng định vị thế của một người làm du lịch có tầm nhìn, mà còn là tiếng nói đầy bản lĩnh của một doanh nhân dám bước ra tiền tuyến của nền kinh tế.

Khi người tiên phong lùi một bước để đi xa hơn

Phiên họp bất thường đầu tháng 4 vừa qua của Công ty cổ phần Hàng không Lữ hành Việt Nam (Vietravel Airlines) đánh dấu một bước ngoặt đáng chú ý. Toàn bộ HĐQT và Ban Kiểm soát nhiệm kỳ 2022-2027 chính thức kết thúc nhiệm kỳ trước thời hạn. Cùng lúc, một thông tin khác cũng thu hút sự chú ý của giới quan sát, khi ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch sáng lập của Vietravel Airlines không tiếp tục giữ vai trò thành viên HĐQT nhiệm kỳ mới.

Tuy nhiên, người sáng lập vẫn không rời xa “đứa con tinh thần” của mình. Ông sẽ đảm nhiệm vai trò cố vấn chiến lược cho HĐQT, đồng hành cùng ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) trong việc định hướng tương lai của hãng bay.

“Nhiều người nghe tin này liền nghĩ Vietravel Airlines đã thất bại. Theo tôi, đó là quan điểm sai lầm. Một quán ăn không ngon sẽ chẳng có khách. Vietravel Airlines vẫn đang hoạt động hiệu quả, mới có thể thu hút được những người muốn đồng hành và phát triển lâu dài”, ông Kỳ bình thản chia sẻ.

Từ góc nhìn của người đã chấp nhận rẽ từ lữ hành sang hàng không, một lĩnh vực khốc liệt, tốn kém và đầy rủi ro, ông Kỳ nhìn thấy một triết lý quan trọng. “Sự phát triển bền vững không thể chỉ dựa vào cái tôi cá nhân. Rất nhiều doanh nghiệp Việt vướng vào một vấn đề, đó là tự tôn quá cao, nghĩ rằng chỉ có mình mới làm được. Nhưng với Vietravel Airlines, chúng tôi hiểu rằng, đây không còn là “của riêng” một ai. Cổ phần hóa không phải để chia nhỏ lợi ích, mà để mọi người cùng làm, cùng đi và cùng hưởng”, Chủ tịch Vietravel nhận định.

Với tâm thế đó, Vietravel Airlines chọn mở cửa, sẵn sàng đón nhận sức mạnh liên kết, một yếu tố quyết định trong hành trình tái cấu trúc và mở rộng. Với ông Kỳ, những thay đổi trong cơ cấu lãnh đạo không phải là sự rút lui, mà là một bước tiến, một cách để “được nhiều hơn mất”. “Cũng nhiều lời ra tiếng vào rằng, Vietravel Airlines mất, nhưng tôi thấy chúng tôi được - được sự ủng hộ, được sự chung tay. Thế thì còn gì vui hơn nữa?”, ông nói với ánh mắt tràn ngập niềm tin vào con đường phía trước.

Việc tái cấu trúc hiện nay, theo ông, không phải là một bước lùi, mà là sự điều chỉnh cần thiết để quay về đúng với định vị ban đầu. Do đó, từ nay đến tháng 5, Vietravel Airlines đặt mục tiêu khôi phục đội tàu bay lên 4 chiếc và nâng lên 7 - 8 chiếc vào cuối năm - chủ yếu phục vụ các chặng bay ngắn. Với kế hoạch dài hơi, hãng đã bắt đầu đàm phán với các nhà sản xuất máy bay lớn như Airbus, Boeing và cả Comac để có thể chủ động về nguồn tàu trong tương lai.

“Chúng tôi đã đặt kế hoạch mua 30 tàu bay để đến năm 2030 có thể tự chủ hoàn toàn”, ông Kỳ tiết lộ.

Doanh nghiệp tư nhân sẽ lĩnh xướng vị trí tiên phong trong khát vọng vươn xa

Khu vực kinh tế tư nhân ngày nay không chỉ là một phần không thể thiếu trong cơ cấu nền kinh tế Việt Nam, mà còn là động lực chính thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và khả năng thích ứng nhanh với thị trường. Tuy nhiên, “vị thế” của khu vực này vẫn chưa thật sự tương xứng với tiềm năng vốn có, bởi còn không ít rào cản về thể chế, chính sách và môi trường kinh doanh.

Câu chuyện của Vietravel là một minh chứng sinh động cho vai trò tiên phong của doanh nghiệp tư nhân trong việc mở đường, dẫn dắt, từ việc mở rộng chuỗi giá trị du lịch, xây dựng hệ sinh thái dịch vụ đa tầng, đến bước đi đầy táo bạo là tham gia lĩnh vực hàng không - một “sân chơi lớn” mà không nhiều doanh nghiệp tư nhân dám dấn thân.

“Chính khi bước vào những lĩnh vực khó khăn, chúng tôi càng nhận ra rằng, để khu vực tư nhân có thể phát triển mạnh mẽ và bền vững, cần lắm một cơ chế chính sách đồng hành, minh bạch, ổn định và thực tiễn hơn nữa”, ông Kỳ nhấn mạnh.

Nhìn lại chặng đường 10 năm, từ năm 2014, thời điểm Vietravel chưa có hệ sinh thái, chưa có hãng hàng không, thì đến năm 2024, ông Kỳ tự hào khi nói rằng, doanh nghiệp đã từng bước xây dựng được một hệ sinh thái du lịch hoàn chỉnh gồm 7-8 công ty thành viên, phủ kín các mắt xích từ dịch vụ đến vận chuyển. “Đó là sự trưởng thành từ nỗ lực tự thân, không nhờ cậy hay chờ đợi bất kỳ ai”, ông tâm sự.

Tuy vậy, với vai trò là một doanh nhân, nếu được lên tiếng trước Chính phủ, ông Kỳ vẫn mong muốn một điều giản dị. Đó là một môi trường kinh doanh ổn định, minh bạch và công bằng hơn, đặc biệt trong lĩnh vực du lịch, nơi doanh nghiệp tư nhân đang là đầu tàu. “Chúng tôi không đòi hỏi sự ưu ái. Chúng tôi chỉ mong được đối xử công bằng và có điều kiện để phát huy hết nội lực, trong một sân chơi rõ ràng, nhất quán và dài hạn”, ông nói.

Theo ông, muốn du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, rất cần các chính sách hỗ trợ phát triển hạ tầng du lịch đồng bộ, ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào chuyển đổi số, du lịch xanh; và hơn hết, cần cắt giảm thủ tục hành chính rườm rà đang là rào cản lớn cho dòng chảy đầu tư.

Bước vào giai đoạn tăng tốc mới, Vietravel đã và đang triển khai nhiều dự án và sáng kiến chiến lược nhằm nâng tầm thương hiệu, không chỉ tại thị trường trong nước, mà còn trên trường quốc tế.

“Ngành du lịch đang thay đổi nhanh, nhu cầu khách hàng cũng khác. Chỉ những doanh nghiệp có năng lực đổi mới, dám đầu tư, dám thay đổi và biết rõ mình khác biệt ở đâu, thì mới có thể đứng vững và vươn lên”, ông Kỳ kết luận với ánh nhìn xa xăm, nhưng đầy quyết tâm.

Trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Quốc Kỳ

Sau nhiều biến động lớn, ông có nghĩ mình đang bước vào giai đoạn “trưởng thành lần thứ hai” với Vietravel?

Với tôi, giai đoạn này chính là “khởi nghiệp lần thứ hai” - khởi nghiệp trong chính lòng doanh nghiệp. Sau 10 năm cổ phần hóa, Vietravel đã hoàn tất chặng đường “sức trẻ vươn lên”, trở thành doanh nghiệp dẫn đầu trong ngành du lịch. Giai đoạn 2025-2035 sẽ là hành trình trưởng thành của “tuổi 30”, đưa Vietravel từ một công ty Việt Nam vươn lên tầm vóc quốc tế.

Lúc này, tôi không còn đo sự thành công bằng lợi nhuận đơn thuần. Giá trị thực sự của một doanh nghiệp nằm ở khả năng kiến tạo một hệ sinh thái bền vững, góp phần nâng tầm thương hiệu Việt, lan tỏa những giá trị tích cực cho cộng đồng và thế hệ sau. Vietravel giờ đây không chỉ làm du lịch, mà đang góp phần định hình phong cách sống, thói quen tiêu dùng và ứng xử văn hóa trong một xã hội hiện đại.

Từng nói “làm du lịch là làm văn hóa, không chỉ làm dịch vụ”, ông đang đặt Vietravel ở đâu trong hệ sinh thái tiêu dùng mới của người Việt?

Mục tiêu của Vietravel đến năm 2030-2035 là chuyển đổi từ một công ty cung ứng dịch vụ lên một tầm cao mới - một giá trị sống. Trong hệ sinh thái tiêu dùng mới - nơi nhu cầu không chỉ dừng ở việc “đi du lịch”, mà mở rộng sang “sống chất lượng”, “sống có chiều sâu”, “sống thuận tiện”, Vietravel đang từng bước hoàn thiện các quy trình như lên kế hoạch, tư vấn cá nhân hóa, di chuyển, lưu trú, ăn uống, đến các hoạt động giải trí, chăm sóc sức khỏe, kết nối công nghệ, tiêu dùng thông minh và tích cực bảo vệ môi trường, văn hóa…

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-nguyen-quoc-ky-chu-tich-hdqt-tap-doan-vietravel-tien-phong-dua-thuong-hieu-du-lich-viet-vuon-tam-toan-cau-d275219.html