Siết chặt quản lý thuế doanh nghiệp có giao dịch liên kết

Ông Đặng Ngọc Minh, Phó cục trưởng Cục Thuế cho biết: Năm nay tiếp tục là năm thách thức đối với quản lý thuế, khi có biến động về chính sách thuế quan và bất ổn địa chính trị toàn cầu tác động tới hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh. Trong bối cảnh đó, hiện tượng chuyển giá, né tránh nghĩa vụ thuế tại các doanh nghiệp có giao dịch liên kết ngày càng diễn biến phức tạp, tinh vi hơn.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện tượng các doanh nghiệp FDI liên tục báo lỗ đã không còn mới tại Việt Nam nhưng từ năm 2023 có đột biến hơn so với trước đây. Vì vậy, việc siết chặt các quy định kiểm tra và triển khai các phương pháp kiểm soát chuyển giá trở thành nhiệm vụ cấp bách và lâu dài đối với cơ quan thuế.

Theo ông Đặng Ngọc Minh, Việt Nam đã có bước tiến quan trọng trong quá trình hội nhập thuế quốc tế. Việt Nam chính thức trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn BEPS (Khuôn khổ hợp tác toàn cầu về chống xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận), và đang nghiêm túc triển khai 4 tiêu chuẩn tối thiểu của Diễn đàn này.

Trong số đó, đáng chú ý là Hành động BEPS 14 - về giải quyết tranh chấp thuế, yêu cầu các quốc gia thành viên triển khai thủ tục thỏa thuận song phương (MAP) và thúc đẩy áp dụng thỏa thuận APA (thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế), tạo sự ổn định và tiên liệu cho các doanh nghiệp trong hoạt động chuyển giá.

Đặc biệt, ngày 29/11/2023, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 107/2023/QH15, chính thức đặt nền móng pháp lý cho việc áp dụng thuế thu nhập dpanh nghiệp bổ sung theo Quy tắc thuế tối thiểu toàn cầu - một trong những bước đi chiến lược để chống thất thu, củng cố nguồn lực tài chính quốc gia trong bối cảnh toàn cầu hóa. Cục Thuế đã được Bộ Tài chính giao chủ trì soạn thảo nghị định hướng dẫn thi hành nghị quyết quan trọng này.

Bộ Tài chính cũng đã kiến nghị Chính phủ tăng cường hoạt động rà soát, kiểm tra, thanh tra đối với các dự án đầu tư đang hoạt động. Đồng thời, đẩy mạnh các biện pháp quản lý đối với những doanh nghiệp FDI có hoạt động không hiệu quả hoặc có dấu hiệu vi phạm, gây thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước, tác động tiêu cực đến môi trường, kinh tế - xã hội.

Ngoài ra, có phương án đào tạo, tăng cường năng lực chuyên môn, quản lý cho các cơ quan, đơn vị có liên quan đến doanh nghiệp FDI đang hoạt động đầu tư tại địa phương.

Theo báo cáo kết quả tổng hợp, phân tích báo cáo tài chính năm 2023 của các doanh nghiệp FDI năm 2023 của Bộ Tài chính, số doanh nghiệp đầu tư nước ngoài báo lỗ, lỗ lũy kế, lỗ mất vốn chủ sở hữu có chiều hướng gia tăng trong nhiều năm gần đây.

Cụ thể, trong số 28.918 doanh nghiệp FDI có dữ liệu báo cáo tài chính, có 16.292 doanh nghiệp FDI báo cáo kinh doanh thua lỗ, tăng 21,2%; số doanh nghiệp bị lỗ lũy kế là 18.140 doanh nghiệp, tăng 15%.

Số doanh nghiệp bị lỗ mất vốn chủ sở hữu là 5.091 doanh nghiệp, tăng 15,2%; số lỗ năm 2023 là 217.464, tăng 32%; trị giá lỗ lũy kế là 908.211 tỷ đồng, tăng 20%; trị giá âm vốn chủ sở hữu là 241.560 tỷ đồng, tăng 29%.

Bộ Tài chính cho biết, số doanh nghiệp FDI báo lỗ, lỗ lũy kế mất vốn chủ sở hữu tăng đáng kể về số lượng và giá trị vốn. Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp FDI báo lỗ liên tục nhiều năm nhưng vẫn mở rộng quy mô vốn đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhiều doanh nghiệp FDI có vốn đầu tư tại Việt Nam lớn, doanh thu cao, lợi nhuận trước thuế lớn nhưng mức đóng góp vào ngân sách nhà nước rất thấp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, việc các doanh nghiệp FDI thực hiện các thủ thuật chuyển giá, chuyển lãi thành lỗ để tránh thuế, khiến cho Việt Nam thất thu một khoản lớn ngân sách. Đặc biệt, chuyển giá làm cho hiệu quả đầu tư của các dự án FDI trở nên kém đi tạo ra những sai lệch về chỉ số đo lường hiệu quả đầu tư (ICOR), làm cho môi trường đầu tư của Việt Nam bị ảnh hưởng đến quá trình hội nhập kinh tế quốc tế.

Thùy Dương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/siet-chat-quan-ly-thue-doanh-nghiep-co-giao-dich-lien-ket-20250504115750546.htm