Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Asia Gate Travel: Người hóa giải những nhiệm vụ bất khả thi

Giữa những biến động khôn lường, dẫu gặp nhiệm vụ bất khả thi, doanh nhân Nguyễn Văn Dũng - 'thuyền trưởng' của Asia Gate Travel - vẫn luôn điềm tĩnh kiến tạo lối đi riêng để phục vụ khách hàng bằng sự tận tâm, bền bỉ và một trái tim ấm áp.

Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Asia Gate Travel. Ảnh: Hồ Hạ.

Doanh nhân Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Asia Gate Travel. Ảnh: Hồ Hạ.

“Gieo mầm” từ chuyến đi tuổi thơ

Giữa không khí làm việc nhộn nhịp ở văn phòng Asia Gate Travel trên phố Láng Hạ, cuộc trò chuyện với doanh nhân Nguyễn Văn Dũng liên tục bị cắt ngang bởi nhân viên cần anh ký gấp những hợp đồng tour cho khách chuyển cọc. Đọc kỹ trước khi đặt bút ký, vẻ điềm tĩnh của anh khiến người đối diện luôn cảm nhận được ở CEO sinh năm 1986 này hai chữ: vững vàng.

CHÁT VỚI DOANH NHÂN NGUYỄN VĂN DŨNG:
Khoảnh khắc anh thấy mình “trưởng thành” trong nghề?
- Khi dám từ chối hợp đồng lớn vì khách muốn dịch vụ chất lượng kém hơn so với tiêu chuẩn tôi đặt ra.
Kỹ năng sống còn của người làm du lịch?
- Bình tĩnh khi xảy ra sự cố và luôn đặt mình vào vị trí của khách.
Điều khiến anh xúc động nhất từ khách hàng?
- Khi họ bảo: “Chuyến đi này đã chữa lành tôi”.
Tính từ mô tả anh chính xác nhất?
- Kiên trì
Từ khóa nào anh muốn gắn với tên mình khi nhắc về du lịch?
- Sự tử tế.

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê mộc mạc xứ Thanh, năm 6 tuổi, trong chuyến đi đầu đời theo ông nội về thăm cố hương tại Phú Xuyên (Hà Nội), bé Dũng được nhìn ngắm phố thị hào hoa và những con đường lớn hơn cả trí tưởng tượng, đã gieo vào trái tim cậu giấc mơ: được đi, được thấy, được hiểu.

Đầu năm lớp 12, khi biết đến ngành du lịch qua một bài báo, Dũng quyết tâm thi đậu Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ngay từ năm nhất, anh đã đọc nhiều sách chuyên ngành về du lịch, dù năm thứ ba mới được học. Cuối năm nhất, anh bắt đầu dẫn tour để có trải nghiệm nghề thực tế. Hai năm đầu sau khi tốt nghiệp Đại học, anh vẫn gắn bó với nghề tour guide để được khám phá nhiều vùng đất mới và thu nạp những bài học không có trên giảng đường.

Trải qua đủ vai trò, từ dẫn tour, điều hành, kinh doanh đến khởi nghiệp, Nguyễn Văn Dũng luôn giữ vững nguyên tắc làm nghề bằng cả trái tim. Cuối năm 2017, anh đồng sáng lập và là Giám đốc Asia Gate Travel (Công ty cổ phần Du lịch Cổng Châu Á), với cả 3 mảng nội địa, outbound (đưa người Việt du lịch nước ngoài) và inbound (đón khách quốc tế đến Việt Nam). Anh khát khao hiện thực hóa những ý tưởng không có cơ hội triển khai ở công ty cũ.

Gặp “sóng thần” vẫn không buông tay

Đầu năm 2020, khi đại dịch Covid-19 ập đến, ngành du lịch rơi vào trạng thái tê liệt. Asia Gate Travel khi ấy mới tròn hai năm tuổi, một doanh nghiệp non trẻ vừa kịp tạo dựng chỗ đứng bỗng chốc phải đối mặt với “cơn sóng thần” chưa từng có trong ngành du lịch.

CEO Nguyễn Văn Dũng vẫn nhớ rất rõ cảm giác trống rỗng khi hàng loạt hợp đồng bị hủy chỉ trong một tuần, email xin dừng tour liên tiếp đổ về, mọi kế hoạch đều sụp đổ. Nhưng khi nhiều doanh nghiệp lữ hành chọn đóng cửa, anh lại lựa chọn một con đường khác: giữ người, giữ tinh thần, giữ hy vọng. Suốt năm đầu tiên của dịch, anh vẫn cố gắng duy trì lương cho đội ngũ cốt cán, đóng bảo hiểm đầy đủ, tìm mọi cách để các cộng sự không cảm thấy đơn độc. “Giữ người lúc yên bình thì dễ. Nhưng giữ người lúc sóng gió mới là điều khó nhất và đáng làm nhất”, anh chia sẻ.

Khi cả thị trường inbound và outbound đóng băng, Dũng nhanh chóng xoay trục sang du lịch nội địa. Những tour nhỏ, tour riêng cho gia đình hoặc nhóm doanh nghiệp bắt đầu được xây dựng với quy trình y tế nghiêm ngặt và tính cá nhân hóa cao. Anh kể về một đoàn khách doanh nghiệp đi nghỉ ở Hạ Long ngay khi giãn cách vừa được nới lỏng. Khách sạn từ chối nhận khách nếu chưa có kết quả xét nghiệm. Thay vì bỏ cuộc, Dũng liên hệ với đội ngũ y tế để lấy mẫu test tận nơi, gửi kết quả trực tiếp cho khách sạn để đảm bảo an toàn mà không phiền hà cho khách. “Lúc ấy không có công thức nào cả, chỉ có sự chủ động và tinh thần không chấp nhận dừng lại”, anh nói.

Bên cạnh đó, Asia Gate Travel còn được một số đối tác tin tưởng giao tổ chức trọn gói cho chuyên gia nước ngoài sang Việt Nam công tác trong thời gian dịch: từ xin visa, đặt vé máy bay, xét nghiệm, cách ly, đến các dịch vụ đi kèm. “Cứ còn một cơ hội, là tôi làm. Chỉ cần còn vận động là còn tồn tại. Để khi “bão” qua đi sẽ không phải bắt đầu lại từ số 0”, anh tin là vậy, và thực tế đã chứng minh, niềm tin ấy không sai.

Khi đại dịch dần lắng xuống, du lịch bật dậy mạnh mẽ như một chiếc lò xo bị nén quá lâu. Asia Gate Travel cũng vậy. Khách hàng quay lại dồn dập, nhiều người đi tour liên tiếp 5 tour chỉ trong vài tháng. Dù nhân sự thiếu, công việc nhiều, nhưng không ai than vãn, vì thời gian “bám trụ” trong đại dịch đã rèn luyện họ thành những người làm nghề thật sự.

“Chuyến đi đầu tiên sau dịch thành công, khách hàng hài lòng, tôi vui vì mình đã không bỏ cuộc”, Dũng nói. Với anh, Covid-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng, đó là phép thử của bản lĩnh, của lòng kiên định và niềm tin.

Luôn coi khách hàng là người thân

“Muốn đưa khách đi xa, trước hết phải đến gần họ đã”, đó cũng là kim chỉ nam trong suốt hành trình làm du lịch của doanh nhân Nguyễn Văn Dũng. Trong một thế giới mà mọi thứ đều có thể số hóa, tiêu chuẩn hóa, anh vẫn chọn gắn bó với những gì thủ công nhất của nghề: lắng nghe, quan sát và chăm sóc từng chi tiết nhỏ với trái tim của người đồng hành.

Bên cạnh các tour phổ thông, hiện Asia Gate Travel đang phát triển các dòng tour chuyên biệt, được cá nhân hóa đến từng nhu cầu cụ thể, đúng như slogan anh đã đặt “Kiến tạo chuyến đi của bạn trở nên ấn tượng". Từ tour chạm vào vẻ đẹp mạo hiểm có kiểm soát của Pakistan; tour trải nghiệm Nhật Bản mùa Đông nhưng không chen chúc nơi đông người; hay tour caravan Tân Cương đầy mới lạ… với CEO Nguyễn Văn Dũng, mỗi chuyến đi đều phải “đúng người, đúng thời điểm” và tuyệt đối không đóng khuôn trong một công thức cố định.

Tầm nhìn dài hạn của Asia Gate Travel là đẩy mạnh mảng inbound, vượt cả outbound, bởi vị CEO muốn biến công ty của mình thành “Cổng Châu Á” đúng nghĩa: đưa người Việt đi xa để mở mang hiểu biết, và đưa bạn bè quốc tế đến gần hơn với văn hóa, con người, đất nước Việt Nam. Chữ “Cổng” trong tên công ty còn mang hình tượng những chiếc cổng làng ở các miền quê Việt Nam. Một câu nói đơn giản nhưng bao hàm đầy đủ triết lý nghề mà anh theo đuổi: “không bán tour, mà kiến tạo cảm xúc”. Để làm được điều đó, anh đầu tư vào những điều tưởng như vô hình: xây dựng đội ngũ vững tay nghề, khảo sát dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế, đào tạo kỹ năng xử lý sự cố, và quan trọng nhất là nuôi dưỡng tinh thần làm nghề bằng cái tâm.

Với anh, sự chuyên nghiệp bắt đầu từ sự tử tế. Một bữa ăn ngon, một chiếc giường sạch, một nụ cười đúng lúc… đôi khi lại chính là thứ khiến khách hàng nhớ mãi, chứ không phải một lịch trình hoành tráng. “Tôi luôn nhắc nhân viên: làm gì cũng phải nghĩ đến khách hàng, đặt mình vào địa vị của khách, lợi nhuận vẫn xếp sau. Bởi khi khách vui, doanh thu sẽ tự tới. Khi khách tin, thương hiệu sẽ tự lớn lên”, anh bật mí.

Năm 2010, khi còn là điều hành tour, Nguyễn Văn Dũng gặp một sự cố đáng nhớ: đoàn khách lớn từ Hà Nội đi Đà Nẵng bằng tàu hỏa, mọi thứ đã chốt, nhưng sát giờ khởi hành, phía cung cấp báo thiếu vé. Cả đoàn đứng trước nguy cơ "vỡ tour" chỉ vì một sơ suất ngoài tầm kiểm soát. Trước sự cố đó, Dũng nhanh chóng mua vé máy bay cho đoàn khách thay vì đặt vé tàu hỏa chuyến muộn hơn. Anh chấp nhận lỗ, nhưng đổi lại là sự tin tưởng tuyệt đối. “Khách bất ngờ và vui sướng. Sau đó, nhiều người vẫn quay lại, đi tour ở đâu cũng tìm tôi”, anh kể. Với doanh nhân tuổi Dần, đó không chỉ là cách xử lý khủng hoảng, mà là bài học đầu đời về giá trị của chữ tín và kiến tạo trải nghiệm cảm xúc.

Những năm gần đây, khi nhiều công ty chọn đầu tư mạnh vào công nghệ, truyền thông hay quảng bá rầm rộ, Nguyễn Văn Dũng lại âm thầm dồn lực nâng cao chất lượng sản phẩm và trải nghiệm dịch vụ. Anh không vội chạy theo xu thế, vì tin rằng sự khác biệt bền vững không đến từ tốc độ, mà đến từ chiều sâu. “Tôi không cần Asia Gate Travel phải nổi bật nhất, nhưng nhất định phải đáng tin nhất”, anh quả quyết.

Điều khiến Nguyễn Văn Dũng khác biệt chính là khả năng đặt mình vào vị trí của khách hàng, chăm sóc họ như người thân trong gia đình. Có lần, một đoàn khách mấy trăm người đi công tác kết hợp nghỉ dưỡng tại Nha Trang đúng dịp cao điểm 30/4, 1/5, hầu hết các khách sạn đều báo kín phòng. Không nản, anh Dũng lặng lẽ làm việc xuyên trưa, gọi điện cho hơn 100 khách sạn lớn nhỏ, dò từng nơi một, ghi chép cẩn thận số phòng còn lại, hạng phòng, vị trí… Cuối cùng, anh gom đủ chỗ ở cho cả đoàn ở cùng một khu vực, đúng chuẩn khách yêu cầu. “Khi khách biết toàn bộ chỗ lưu trú là do tôi tự tay dò từng cơ sở, họ chỉ nói một câu: “Chắc chỉ có bên anh là làm được việc này”. Với tôi, thế là đủ”, anh tự hào kể.

Gần 2 thập kỷ gắn bó với nghề du lịch, từ những ngày đầu cầm tập giấy tour đi gõ cửa từng công ty, đến những đêm thức trắng để chăm lo cho khách hàng, cả những tháng năm chống chọi với đại dịch; ở Nguyễn Văn Dũng, không có chỗ cho sự đầu hàng. Mỗi tình huống khó không phải là “vấn đề cần né tránh”, mà là cơ hội để chứng minh lòng tận tâm.

Đôi khi, CEO Asia Gate Travel thấy, có những tình huống làm nghề chẳng khác gì một bộ phim hành động, người điều hành phải vào vai “giải cứu” kịp thời những tình huống ngặt nghèo. Có lần, đoàn khách Đà Nẵng của Asia Gate Travel đi du lịch châu Âu, khởi hành từ Hà Nội lúc 7h30 tối, trong khi xét duyệt visa ra kết quả ở Đại sứ quán Italia tại TPHCM lúc 15h30 chiều. “Hôm đó, khách phải bay từ Đà Nẵng ra Hà Nội bằng CCCD. Tôi nhờ khắp nơi để Đại sứ quán đồng ý được làm giấy ủy quyền cho người lấy hộ visa. Sau đó, người này phải ra sân bay bằng xe máy và nhờ người đi chuyến TPHCM – Hà Nội sớm nhất mang giúp visa ra Hà Nội. Hôm đó, tôi cũng trực tiếp đi xe máy ra sân bay và nhận bộ hồ sơ visa để làm thủ tục cho đoàn khách. Mỗi thao tác đều phải thực hiện chính xác đến từng phút để đảm bảo khớp thời gian”, anh Dũng kể.

Mãi mãi một niềm tin không lay chuyển

“Khó khăn thì ở đâu cũng có, nhưng nếu biết lùi một bước để nhìn rộng hơn, đôi khi mình sẽ thấy được những cơ hội không ngờ”, anh Dũng tâm sự. Ngồi giữa văn phòng Asia Gate Travel, nơi mỗi ngày vẫn đều đặn tiếp nhận hàng chục cuộc gọi từ khách lẻ đến đối tác quốc tế, từ tour ghép vài triệu đồng đến những tour cho đoàn lớn tiền tỷ, vị doanh nhân hiểu rõ, đất nước này không thiếu cảnh đẹp, không thiếu con người tử tế, càng không thiếu những đơn vị làm nghề một cách chỉn chu. Nhưng nếu không có một “lực đẩy” đủ mạnh từ chính sách, đặc biệt là chính sách visa thông thoáng, quảng bá bài bản và hạ tầng hàng không kết nối rộng mở, thì sức bật ấy vẫn chỉ là tiềm năng nằm yên.

Chẳng hạn, việc Hoa Kỳ áp thuế cao với hàng hóa từ Trung Quốc và Đông Nam Á gây chấn động chuỗi cung ứng, ảnh hưởng nặng đến du lịch. Khi thu nhập và niềm tin tiêu dùng giảm, du lịch là khoản chi đầu tiên bị cắt. Giá tour tăng, visa siết chặt khiến cả du khách quốc tế từ những thị trường xa đến Việt Nam và người Việt đi nước ngoài đều dè dặt hơn. Nhưng trong bối cảnh đó, du lịch nội vùng châu Á nổi lên như lựa chọn an toàn.

“Đây là cơ hội để du lịch Việt Nam biến thách thức thành đòn bẩy, bằng cách nâng chất lượng dịch vụ, mở thêm đường bay, và thu hút nhóm khách chi tiêu cao, lưu trú dài ngày ở châu Á. Điều này cũng sẽ giúp giữ chân du khách và tăng giá trị thay vì số lượng, để phát triển bền vững”, “thuyền trưởng” Asia Gate Travel phân tích và cho rằng, chỉ cần đi trước một bước, chính sách mở đúng lúc, cộng hưởng với nỗ lực của doanh nghiệp, Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên thành trung tâm du lịch nội vùng châu Á.

Chính vì thế, anh chưa bao giờ từ bỏ nghề, chưa bao giờ dừng lại việc kiến tạo cảm xúc cho khách hàng, kể cả trong những thời khắc khó khăn nhất. Từng đi hàng chục quốc gia trên thế giới, vị doanh nhân cho biết chưa thấy quốc gia nào có vùng biển đẹp bằng Việt Nam. Anh đặc biệt yêu thích Nha Trang, nơi có biển xanh cát trắng, khí hậu dịu dàng, và cung đường ven biển anh cho là đẹp nhất dải đất hình chữ S… Hiện anh đang từng bước mở rộng tour ven biển nối Nha Trang với Quy Nhơn, Tuy Hòa, vịnh Vĩnh Hy, những vùng đất đẹp đến nao lòng và vẫn còn nhiều dư địa để phát triển bền vững.

Anh Dũng chia sẻ, trước khi mở công ty du lịch, anh từng thích mở một nhà hàng. Đến nay, dù công việc bận rộn, anh vẫn mong một ngày có thể thực hiện ước mơ đó, một không gian gắn kết những người bạn làm du lịch, khách hàng, và đồng nghiệp bằng ẩm thực. “Tôi thích nấu nướng, giống như khi tổ chức một chuyến tour, cũng phải chỉn chu từ chọn nguyên liệu, chế biến đến khi khách ăn xong và rời nhà hàng”, anh bộc bạch.

Ngoài kia vẫn có những cơ hội kinh doanh hấp dẫn hơn. Nhưng với Nguyễn Văn Dũng, rời bỏ du lịch chưa bao giờ là một lựa chọn. Bởi tình yêu nghề đã đi sâu vào tâm trí anh, trái tim của anh. Và hành trình của người “thuyền trưởng” ấy, vẫn đang rực cháy bằng niềm tin, cùng những câu chuyện hậu trường mà bất cứ ai nghe xong cũng phải gật đầu: “Làm nghề du lịch là phải như thế!”.

NĂM NGUYÊN TẮC LÀM NGHỀ CỦA CEO NGUYỄN VĂN DŨNG
1. Luôn đặt mình vào vị trí của khách: Mọi hành trình bắt đầu bằng sự thấu hiểu, từ gu ăn uống, thói quen sinh hoạt đến cảm xúc chưa nói thành lời.
2. Làm gì cũng phải chỉn chu đến chi tiết cuối cùng: Một tour tốt không nằm ở điểm đến hoành tráng, mà nằm ở chiếc giường đủ êm, bữa ăn vừa miệng và nụ cười đúng lúc.
3. Không ngừng tìm giải pháp, thay vì viện lý do: “Khó thì nghĩ thêm một hướng. Không bao giờ từ bỏ”. Đó là cách anh xử lý những tình huống như “phim hành động” trong nghề.
4. Tử tế không bao giờ lỗi thời: Kể cả khi không có lợi nhuận, vẫn giữ đúng tiêu chuẩn phục vụ để bảo vệ giá trị thương hiệu và lòng tin.
5. Hành nghề bằng cái tâm, chứ không bằng phép tính: Dù thị trường biến động, triết lý ấy vẫn là kim chỉ nam để giữ nghề và giữ mình.

HỒ HẠ THỰC HIỆN

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-nguyen-van-dung-giam-doc-asia-gate-travel-nguoi-hoa-giai-nhung-nhiem-vu-bat-kha-thi-d273122.html