Doanh nhân Nguyễn Văn Hùng: Tự động hóa để đẩy lùi phương thức sản xuất lạc hậu
Năm 27 tuổi, khi đang là trưởng phòng trong một công ty thuộc khối doanh nghiệp (DN) Nhà nước, ông Nguyễn Văn Hùng (SN 1976) chuyển sang làm Giám đốc điều hành 1 đơn vị thuộc khối DN tư nhân. 'Ngã rẽ' chông gai ngày ấy đã giúp ông trưởng thành, gặt hái nhiều thành quả, đặt 'nền móng' cho những thành tựu mới của ông và cộng sự.
Tiên phong chế tạo sản phẩm cơ khí tự động hóa
Trong một lần tiếp xúc, ông Đinh Hồng Quân, Chủ tịch Hội các DN Cơ khí tỉnh cho biết, trong tỉnh hiện có Công ty cổ phần Xây dựng và Đầu tư Alpha Việt Nam (Viết tắt là Công ty Alpha Việt Nam) là đơn vị tiên phong trong chế tạo sản phẩm cơ khí tự động hóa của Bắc Giang. Thành công của Công ty Alpha Việt Nam góp phần vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa ở lĩnh vực công nghiệp. Thông tin đó thôi thúc tôi tìm hiểu về DN này.
Là Chủ tịch Hội đồng quản trị 3 DN, Phó Chủ tịch Hội DN Lạng Giang; Ủy viên Ban Chấp hành Hội các DN Cơ khí tỉnh Bắc Giang… nên ông Nguyễn Văn Hùng luôn bận rộn. Sau nhiều lần lỡ hẹn ông mới dành thời gian đưa tôi tham quan các khu nghiên cứu, chế tạo, sản xuất do mình quản lý. Tới Nhà máy sản xuất kết cấu thép thuộc Công ty cổ phần kết cấu thép ASC Vina, Cụm công nghiệp (CCN) Vôi - Yên Mỹ (Lạng Giang), những khung nhà thép tiền chế đồ sộ, nặng hàng chục tấn được gia công bằng các máy móc, công nghệ hiện đại một cách nhanh, gọn.
Sản phẩm chính của Nhà máy gồm các cấu kiện thép, cầu trục công nghiệp (sức nâng từ 20-50 tấn), nhà thép tiền chế… cung ứng cho thị trường trong nước và xuất khẩu sang nước bạn Lào. Ông Hùng khoe: “Chúng tôi đã thực hiện hàng chục công trình trong và ngoài nước. Trong đó, nhiều công trình có kết cấu phức tạp, đánh dấu bước tiến về kỹ thuật, công nghệ, năng lực của Công ty như: Cầu vượt quốc lộ 37 (tổ dân phố My Điền, thị trấn Nếnh, huyện Việt Yên); Siêu thị GO! Bắc Giang (TP Bắc Giang)...”.
Rời Nhà máy sản xuất kết cấu thép, ông Hùng đưa tôi tới khu nhiên cứu, thiết kế và lắp ráp các sản phẩm cơ khí tự động hóa (tại xã Tân Mỹ, TP Bắc Giang). Ở đây, các kỹ sư và công nhân của Công ty cổ phần Cơ khí và Tự động hóa Alpha Vina đang hoàn thiện máy xếp chai nhựa tự động cho Công ty cổ phần Sản xuất và Thương mại nhựa Phú Thái, CCN La Phù, Hoài Đức (Hà Nội).
Ông Hùng chia sẻ, năm 2020, ông mới tham gia vào lĩnh vực thiết kế, chế tạo sản phẩm cơ khí tự động hóa. Dù gặp khó khăn về nhân lực, mặt bằng... song đơn vị đã xuất xưởng nhiều sản phẩm, tiêu biểu như: Rô bốt gắp sản phẩm, hệ thống gắp phôi tự động cho máy CNC, hệ thống cấp phôi tự động cho máy dập thép nóng (300 tấn), máy khoan nhựa tự động… Ngoài ra, Công ty còn sản xuất các loại JIG phục vụ các nhà máy sản xuất công nghiệp.
Ông Hùng khẳng định: “Ưu điểm của các sản phẩm cơ khí tự động hóa sản xuất trong nước là rẻ hơn nhiều so với sản phẩm nhập khẩu cùng loại. Bên cạnh đó, đơn vị có thể tự khảo sát, thiết kế, đáp ứng nhu cầu tự động hóa cho từng khâu sản xuất theo yêu cầu khách hàng và trực tiếp bảo hành, sửa chữa. Với lợi thế này, hiện có khoảng 20 đối tác đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (có nhà máy tại Việt Nam) đặt các sản phẩm do chúng tôi thiết kế, sản xuất”.
"Ngã rẽ" thành công
Thấy tôi tò mò về chuyện từng giữ chức trưởng phòng tại một DN Nhà nước khi mới 27 tuổi nhưng lại rẽ sang hoạt động trong khu vực DN tư nhân, ông Hùng chia sẻ, giai đoạn 1998-2007, sau khi tốt nghiệp Trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ (Bộ Công nghiệp nặng, nay là Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp Hà Nội), ông là nhân viên bộ phận dịch vụ (Báo Bắc Giang), rồi nhân viên Công ty Bảo Việt Bắc Giang.
Là người có năng lực nên ông được bổ nhiệm Trưởng Phòng Công nghệ thông tin, kiêm Trưởng Phòng Dịch vụ khách hàng, Công ty Bảo Việt Bắc Giang. Trong thời gian này, ông vừa làm, vừa học và tốt nghiệp 2 trường Đại học (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, năm 2003 và Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, năm 2006).
Năm 2007, ngành công nghiệp trong nước khởi sắc, nhiều khu, CCN mọc lên, kéo theo nhu cầu nhà thép tiền chế để xây dựng nhà xưởng sản xuất. Tháng 12/2007, ông nhận lời làm Giám đốc điều hành Công ty cổ phần Alpha, KCN Đình Trám (Việt Yên). Năm 2012, Công ty cơ cấu lại sản xuất, đổi tên thành Công ty cổ phần Công nghiệp Alpha và chuyển về CCN Phi Mô (Lạng Giang). Trên cương vị giám đốc, ông đã điều hành DN vượt qua giai đoạn khủng hoảng kinh tế (2012-2014).
Với những nỗ lực không ngừng, năm 2019, doanh thu của Công ty đạt 280 tỷ đồng, tăng 20 lần so với năm 2013, nộp thuế hơn 25 tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 80 lao động, với mức thu nhập từ 7-20 triệu đồng/người/tháng. Ông Hùng chia sẻ: “Thành công lớn nhất của tôi ở Công ty cổ phần Công nghiệp Alpha đó là đưa một dự án từ chỗ mới được chấp thuận đầu tư (năm 2009) trở thành một DN tăng trưởng cao. Doanh thu từ mức 0 đồng (năm 2013) lên 280 tỷ đồng (năm 2019)”.
Xây dựng hệ sinh thái Alpha Việt Nam
Ông Hùng nhìn nhận: “Các DN sản xuất trong nước có một điểm yếu cơ bản, đó là trang thiết bị máy móc lạc hậu, lao động thủ công chiếm tỷ lệ cao. Điều này làm giảm năng suất lao động, hạn chế sự phát triển. Tiến bộ khoa học, kỹ thuật ngày nay đã trở thành động lực mạnh mẽ, là chất xúc tác quan trọng trong quá trình đổi mới vươn lên của mỗi DN. Do đó, tích cực áp công nghệ tự động hóa vào sản xuất chính là đẩy lùi và triệt tiêu cách thức sản xuất lạc hậu”. Nhận thức rõ điều này, ông Hùng đã cùng các cộng sự tạo lập riêng hệ sinh thái Alpha Việt Nam, tập trung phát triển các sản phẩm cơ khí tự động hóa.
Năm 2022, Công ty Alpha Việt Nam được Hiệp hội Cơ khí Việt Nam và Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tặng Bằng khen. Cá nhân ông Hùng được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen (năm 2018), cùng nhiều Giấy khen, phần thưởng do Đảng ủy Ban Quản lý Các KCN tỉnh, UBND huyện Lạng Giang, Hiệp hội DN tỉnh… trao tặng.
Để xây dựng hệ sinh thái Alpha Việt Nam, cuối năm 2020, ông Hùng tách khỏi Công ty cổ phần Công nghiệp Alpha, thành lập 3 DN mới bao gồm: Công ty cổ phần Cơ khí và Tự động hóa Alpha Vina; Công ty cổ phần Kết cấu thép ASC Vina và Công ty Alpha Việt Nam.
Hệ sinh thái Alpha Việt Nam bao gồm các lĩnh vực: Sản xuất kết cấu thép, thi công nhà công nghiệp, phục vụ nhu cầu phát triển công nghiệp của tỉnh Bắc Giang và khu vực miền Bắc. “Chúng tôi phấn đấu đưa DN kết cấu thép vào tốp có doanh thu 500 tỷ/năm vào năm 2025. Năm 2028, đưa Công ty Alpha Việt Nam lên sàn chứng khoán”, ông Hùng tự tin nói.
Nhằm đạt mục tiêu, cùng với nâng cao năng lực quản trị DN, liên kết về tài chính, công nghệ và thị trường, ông Hùng đã tuyển, đãi ngộ các kỹ sư, công nhân giàu kinh nghiệm, tay nghề cao vào làm việc. Đồng thời, đưa những cán bộ quản lý, công nhân sản xuất trực tiếp đi bồi dưỡng, nâng cao trình độ. Tháng 5/2023, Chi bộ Alpha Việt Nam được thành lập, ông Nguyễn Văn Hùng được bầu là Bí thư Chi bộ. Điều này khẳng định niềm tin và sự phát triển bền vững của hệ sinh thái Alpha Việt Nam.
Dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 và suy giảm kinh tế toàn cầu nhưng dự kiến doanh thu cả 3 DN trong hệ sinh thái Alpha Việt Nam năm 2023 đạt 150 tỷ đồng, tăng 50% so năm 2022, tạo viêc làm, thu nhập cho hàng trăm lao động. Sự tăng trưởng mạnh mẽ này là cơ sở, nền móng vững chắc cho hệ sinh thái Alpha Việt Nam trong tương lai.
Bài, ảnh: Thế Đại