Doanh nhân Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng quản trị Biwase: doanh nghiệp phải song hành với lợi ích xã hội

Triết lý kinh doanh của ông Nguyễn Văn Thiền được gói gọn trong một câu nói chân thành: 'Làm kinh doanh dịch vụ trước hết phải làm đúng, không chỉ nghĩ cho lợi ích của doanh nghiệp, mà phải đem lại giá trị cho mọi người, cho xã hội'.

Ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ kỷ niệm thời kỳ gia đình còn khó khăn.

Ông Nguyễn Văn Thiền chia sẻ kỷ niệm thời kỳ gia đình còn khó khăn.

“Giảm thất thoát nguồn nước là con đường sống”

Không chỉ cung cấp nước sạch phục vụ sinh hoạt và sản xuất tại Bình Dương, Công ty cổ phần Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase) còn tham gia lĩnh vực thu gom, xử lý và tái chế rác thải; đồ uống không cồn và nước khoáng…, mà trong lĩnh vực nào cũng hoạt động rất bài bản, cung cấp sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Nhìn vào những kết quả này, có thể thấy tâm huyết và những trăn trở góp phần thay đổi tích cực cho tỉnh nhà của ông Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase.

“Việc lựa chọn con đường nhiều thách thức đòi hỏi doanh nghiệp luôn phải thay đổi, đầu tư nhiều hơn và tạo ra giá trị lớn hơn cho xã hội…”, ông Thiền chia sẻ.

Chính tầm nhìn chiến lược của người “thuyền trưởng” đã tạo nên sự khác biệt của Biwase với các doanh nghiệp trong ngành nước. Đơn cử, giảm mức thất thoát nguồn nước từ 60% xuống dưới 5% là việc không nhiều doanh nghiệp trong ngành làm được.

Hơn 10 năm trước, Chính phủ có quy định về giảm tỷ lệ thất thoát nguồn nước và yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện theo từng giai đoạn (đến năm 2022, quy định về thất thoát nguồn nước là 18%, năm 2023 là 17%). Ông Thiền kể, hành trình giảm thất thoát nguồn nước của Biwase gian nan gấp nhiều lần so với dự tính ban đầu, bởi doanh nghiệp lúc bấy giờ rất khó khăn, nguồn vốn eo hẹp.

Đừng bao giờ để mất cân đối tài chính, mọi thứ phải được tính toán chi tiết, sức tới đâu thì làm tới đó. Vì vậy, trên bàn làm việc của tôi luôn có bản cân đối nợ, doanh thu, lãi suất… theo tháng, theo năm, để nhắc nhở bản thân không được vượt vòng vây”.

- Doanh nhân Nguyễn Văn Thiền, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Biwase

Dành rất nhiều thời gian tìm hiểu, ông đã “bắt” được “bệnh” của hệ thống cấp nước, đó là thiết kế mạng lưới phân phối nguồn nước kém, tay nghề thi công chưa cao, không có hồ sơ quản lý mạng lưới đường ống, đặc biệt là tình trạng rò rỉ nước... và nghiên cứu giải pháp “trị bệnh”.

Một trong những giải pháp đơn giản mà hiệu quả Biwase đã thực hiện là sử dụng thiết bị truyền âm thanh - một loại đồ chơi của trẻ em - để tìm ra chính xác vị trí rò rỉ nguồn nước. Tuy nhiên, điều tiên quyết đưa Biwase đến thành công là chất lượng đội ngũ nhân sự mà doanh nghiệp đã đầu tư nguồn lực và đào tạo.

“Giảm thất thoát nguồn nước là con đường sống, con đường tồn tại của doanh nghiệp. Nếu doanh nghiệp nào nhận ra điều này sớm, thì hãy đầu tư để giảm tỷ lệ thất thoát, từ đó gia tăng được lợi nhuận”, ông Thiền tâm đắc.

Mạnh dạn đổi mới và huy động nguồn lực để đầu tư

Trải qua hơn 30 năm đầu tư và phát triển, Biwase từ một doanh nghiệp khởi nghiệp với công suất ban đầu chỉ 5.000 m3/ngày đêm, đến nay đã khẳng định uy tín thương hiệu, công suất vượt 760.000 m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho toàn bộ các đô thị trong tỉnh Bình Dương và trên 80 xã vùng ven đô thị, đáp ứng nhu cầu của các cơ sở sản xuất tại địa phương.

Để có được những “trái ngọt” ngày hôm nay, ông Thiền và đội ngũ Biwase đã trải qua rất nhiều gian nan, không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, kêu gọi vốn, kể cả việc chinh phục các quỹ đầu tư nước ngoài.

Nhớ lại thời điểm về nhận nhiệm vụ tại Biwase (năm 1990), ông Thiền kể, ông đã chịu áp lực rất lớn vì tình hình phát triển của doanh nghiệp không mấy khả quan, nguồn nước sử dụng là nước ngầm, máy bơm nước đời cũ và liên tục “chắp vá” để dùng tạm nên thường xuyên hư hỏng, để xảy ra tình trạng mất nước ở nhiều khu vực...

“Khi đó, tôi xác định rõ tâm thế đối diện với thách thức và quyết tâm vượt qua”, ông Thiền chia sẻ.

Chứng kiến cảnh người dân thiếu nước mà lòng không yên, ông mạnh dạn đề xuất với UBND tỉnh Bình Dương chuyển đổi cơ chế cho doanh nghiệp từ “xin - cho” sang “mua - bán” theo chủ trương đổi mới của Đảng và tiến hành xây dựng nhà máy nước mặt.

Biwase liên tục tiếp cận các quỹ đầu tư trong nước và nước ngoài để vay vốn phát triển các dự án. Công ty đã vay vốn từ Quỹ Đầu tư phát triển để xây dựng nhà máy nước mặt ở Thủ Dầu Một với công suất 7.500 m3/ngày đêm; kêu gọi 300.000 USD vốn viện trợ phát triển không hoàn lại từ Quỹ Hợp tác kinh tế hải ngoại Nhật bản (OECF) của Chính phủ Nhật Bản; tiếp cận vốn ODA của Đan Mạch (3,6 triệu USD) để đầu tư nhà máy nước khu vực Dĩ An, Thuận An với công suất 15.000 m3/ngày đêm…

Qua mỗi lần tiếp cận nguồn vốn, ông Thiền và đội ngũ cán bộ, công - nhân viên Biwase lại có thêm cơ hội học hỏi và được đào tạo, hướng dẫn về phong cách làm việc, chọn nhà thầu, ứng dụng công nghệ, nâng cao năng lực…

Sử dụng chiến thuật đầu tư “cuốn chiếu”, đến năm 2001, Biwase cơ bản “thay áo mới” cho hệ thống đường ống cấp nước, ứng dụng công nghệ hiện đại trong quản lý, vận hành và tiếp tục tìm kiếm nguồn vốn để đầu tư…

Sự nhạy bén và cái tâm của người đứng đầu

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, vượt qua những khó khăn trong lĩnh vực cấp nước, doanh nhân Nguyễn Văn Thiền tự tin chứng minh khả năng đầu tư ở nhiều hạng mục mới.

Năm 2003, ngoài nhiệm vụ cung cấp nước sạch cho tỉnh Bình Dương, từ các đô thị phát triển như TP. Thủ Dầu Một, các thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên, đến các huyện xa hơn như Bàu Bàng, Phú Giáo, Dầu Tiếng và khu công nghiệp như VSIP, Việt Hương, Sóng Thần, Bàu Bàng, Tân Uyên…, Biwase còn được giao nhiệm vụ thoát nước đô thị, xử lý môi trường.

Trong trí nhớ của ông Thiền, thời điểm đó, Bình Dương ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, rất nhiều điểm tập kết rác “vô tội vạ”, các bãi rác “hình thành” ngay tại sân golf Sông Bé, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương… Tình trạng này ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân, song do hạn chế về nguồn lực, nên tỉnh chưa có giải pháp xử lý hiệu quả.

Ngay khi nhận lời đề nghị của tỉnh Bình Dương về việc tham gia hoạt động xử lý rác thải và nguồn nước rỉ rác, ông Thiền nhanh chóng triển khai giải phóng mặt bằng, tiến hành làm bãi chôn lấp hợp vệ sinh với hệ thống thu gom nước rỉ rác. Tiếp đó, Biwase mở rộng các hố chôn lấp theo hình thức cuốn chiếu, cải tạo đường đi cơ bản để vào khu vực xử lý rác thải… Ông Thiền cùng ban lãnh đạo Công ty phải tính toán để thực hiện với mức kinh phí thấp nhất có thể, vì giai đoạn đó, nguồn lực của doanh nghiệp còn rất hạn hẹp.

Ngày 12/11/2004, Biwase công bố động thổ khu vực xử lý rác thải cho tỉnh Bình Dương. “Khởi sự khá suôn sẻ, nhưng tôi chưa bao giờ từ bỏ mong muốn xin được nguồn vốn ODA cho dự án. Với sự cố gắng, kiên trì, chúng tôi đã kêu gọi thành công vốn ODA từ Phần Lan gần 131 tỷ đồng để mua sắm máy móc, thiết bị xử lý rác”, Chủ tịch Biwase tâm sự.

Có thêm nguồn lực, Biwase đã hoàn thành giai đoạn I của dự án vào giữa năm 2013. Hệ thống thu gom và nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Thủ Dầu Một đi vào hoạt động với công suất 17.000 m3/ngày đêm. Sau đó, lần lượt các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt thuộc dự án trên cũng được triển khai tại các thị xã Thuận An, Dĩ An, Tân Uyên.

Giai đoạn II, dự án được phê duyệt với mức vốn đầu tư là 6.399 tỷ đồng, trong đó, vốn viện trợ từ Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chiếm 85%, vốn đối ứng trong nước là 15%.

Tháng 1/2018, giai đoạn II của dự án được khánh thành và đưa vào hoạt động với các hạng mục công nghệ tái chế, xử lý rác thải khá hiện đại, bao gồm: nhà máy tái chế rác sinh hoạt làm phân compost với công suất 840 tấn/ngày, lò đốt rác công nghiệp và công nghiệp nguy hại công suất 320 tấn/ngày, lò đốt rác y tế công suất 3 tấn/ngày, hệ thống xử lý nước rỉ rác công suất 1.000 m3 và xử lý nước thải công nghiệp 50 m3/ngày, phát điện với công suất 4.000 KVA.

Việc kêu gọi vốn giảm tỷ lệ thất thoát nước nguồn nước, huy động vốn đầu tư xử lý rác và nước thải sinh hoạt... không chỉ cho thấy sự bền bỉ, mà còn thể hiện độ nhạy bén và quyết tâm của doanh nhân Nguyễn Văn Thiền trong kinh doanh.

Thời gian tới, ông Thiền lên kế hoạch phát triển dự án đưa nước sạch về nông thôn với tổng vốn đầu tư khoảng 900 tỷ đồng để mỗi người dân đều được hưởng thụ nguồn nước sạch một cách công bằng. Mục tiêu đến năm 2028, Biwase sẽ phủ rộng mạng lưới đường ống nước đến nông thôn.

Tại tỉnh Long An, khi doanh nghiệp đã ổn định bộ máy, Biwase dự kiến giảm 50% chi phí lắp đồng hồ nước cho người dân và tiến tới giảm 100%.

Cứ như vậy, bằng tâm huyết cùng niềm say mê học hỏi và nghiên cứu của mình, doanh nhân Nguyễn Văn Thiền đã lan tỏa triết lý sống giản đơn mà đầy tính nhân văn của mình đến đông đảo cán bộ, công - nhân viên BIWASE. Để ngày hôm nay, khi nhắc đến Biwase, là nhắc đến một thương hiệu xanh - sạch - đẹp, đến một tập thể đoàn kết, năng động, sáng tạo và luôn nhiệt tâm trong công tác an sinh xã hội.

Hoài Sương

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-nguyen-van-thien-chu-tich-hoi-dong-quan-tri-biwase-doanh-nghiep-phai-song-hanh-voi-loi-ich-xa-hoi-d200755.html