Doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng: Đang có cơ chế lý tưởng để các doanh nhân đóng góp cho sự phát triển đất nước

Theo doanh nhân Nguyễn Văn Tưởng - Chủ tịch Công ty Trầm hương Khánh Hòa, hiện nay, Đảng, Nhà nước đã và đang mở ra một cơ chế rất lý tưởng cho các tầng lớp doanh nhân làm kinh tế và đóng vai trò lớn hơn vào công cuộc xây dựng đất nước.

Thưa ông, vừa qua, đất nước thực hiện cách mạng về tổ chức bộ máy và những đổi mới trong tư duy, chiến lược phát triển. Là một doanh nhân, ông có cảm xúc như thế nào? Theo ông, những thay đổi này có tác động thế nào đến đội ngũ doanh nhân, người làm kinh tế?

Là một người gắn bó với ngành trầm hương, tôi luôn thấm thía bài học về sự kỳ diệu của trầm. Nếu cây dó bầu không bị thương, không biến đổi, sẽ chẳng bao giờ tạo nên được trầm hương với những giá trị linh thiêng cao quý nhất. Tôi tin rằng những thay đổi trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng có thể được chuyển hóa thành giá trị nếu chúng ta biết tìm ra cơ hội, hướng đi đúng.

Tôi thấy, hiện nay, Đảng, Nhà nước đã và đang mở ra một cơ chế rất lý tưởng cho các tầng lớp doanh nhân làm kinh tế và đóng vai trò lớn hơn vào công cuộc xây dựng đất nước. Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh, phải xóa bỏ triệt để nhận thức, tư tưởng, quan niệm, thái độ định kiến về kinh tế tư nhân Việt Nam; đánh giá đúng vai trò quan trọng của kinh tế tư nhân đối với phát triển đất nước; nuôi dưỡng, khuyến khích tinh thần kinh doanh, đổi mới sáng tạo của người dân, doanh nghiệp, tôn trọng doanh nghiệp, doanh nhân, xác định doanh nhân là người chiến sĩ trên mặt trận kinh tế; bảo đảm đầy đủ quyền sở hữu tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng, được tự do kinh doanh các ngành nghề pháp luật không cấm. Nghị quyết cũng nêu, cần tạo dựng, củng cố niềm tin giữa Nhà nước và khu vực kinh tế tư nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp và doanh nhân…

Trên thực tế, chúng ta thấy những tín hiệu và hành động rất quyết tâm từ phía Đảng, Nhà nước để tạo ra một môi trường minh bạch hơn, công bằng hơn về cơ hội kinh doanh, về nghĩa vụ thuế cho các doanh nghiệp. Hàng loạt các chế tài nghiêm khắc được ban hành và triển khai để loại bỏ sự thiếu công bằng, thiếu minh bạch trong cạnh tranh, tạo cơ hội cho những doanh nghiệp có uy tín, đạo đức kinh doanh phát triển. Thử thách và khó khăn là điều luôn tồn tại, nhất là trong môi trường kinh doanh. Nhưng với cơ chế phối hợp giữa Nhà nước và doanh nghiệp như hiện nay, tôi có lòng tin vào tương lai rộng mở những cơ hội mới cho các doanh nghiệp Việt Nam phát triển.

Vừa qua, thực hiện việc sắp xếp địa giới hành chính, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã sáp nhập, hợp nhất với nhau, tạo ra không gian phát triển lớn hơn. Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển kinh tế của các tỉnh, thành mới?

Vừa qua, thực hiện việc sắp xếp địa giới hành chính, nhiều tỉnh, thành trên cả nước đã sáp nhập, hợp nhất với nhau, tạo ra không gian phát triển lớn hơn. Ông kỳ vọng gì vào sự phát triển kinh tế của các tỉnh, thành mới?

Sau sáp nhập, hợp nhất, nhiều tỉnh thành giờ đây có cả rừng, cả biển, nhiều hệ sinh thái đa dạng. Theo đó, chính sách kinh tế, chính sách về lao động – con người của các tỉnh thành có cơ hội được triển khai một cách hiệu quả hơn. Đường lối, chiến lược của Nhà nước chắc chắn sẽ được triển khai nhanh, đồng bộ hơn tới các địa phương do giảm thiểu được đáng kể các cấp trung gian. Đây là thay đổi rõ ràng nhất.

Về liên kết vùng, trước đây vốn là thách thức. Tuy nhiên, với số lượng tỉnh thành giảm đi gần một nửa, khác biệt về điều kiện tự nhiên và con người giảm đi đáng kể, thì khả năng hợp tác liên vùng cũng sẽ được nâng cao. Sự lạ lẫm, thách thức của giai đoạn mới chuyển đổi chắc chắn là có, nhưng sẽ không tồn tại lâu.

Thực tế cho thấy các địa phương đang thích ứng rất nhanh và phản hồi tích cực là đằng khác. Ví dụ mới nhất là về Hải Phòng. Trước đây, Hải Phòng có thế mạnh về hạ tầng xuất khẩu – logistics với hệ thống cảng biển hiện đại bậc nhất miền Bắc, Hải Dương sở hữu năng lực sản xuất với thế mạnh về chế biến, linh kiện, cơ khí chính xác và công nghiệp phụ trợ. Đến nay, sự hội tụ của hai địa phương biến Hải Phòng thành siêu đô thị có quy mô kinh tế lớn thứ ba cả nước với quy hoạch đến năm 2023 lên tới 46 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 12.000 ha. Sự chung tay giữa Trung ương và địa phương sẽ tạo ra kết quả nhanh, mạnh và tổng thể. Tôi tin rằng những mô hình đầy tham vọng như vậy sẽ còn tiếp tục nở rộ ở nhiều địa phương.

Là một doanh nhân gắn bó nhiều năm với tỉnh Khánh Hòa, theo ông, sau khi hình thành tỉnh Khánh Hòa mới (hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận), tỉnh có những lợi thế nào để phát triển?

Là một doanh nhân gắn bó nhiều năm với tỉnh Khánh Hòa, theo ông, sau khi hình thành tỉnh Khánh Hòa mới (hợp nhất với tỉnh Ninh Thuận), tỉnh có những lợi thế nào để phát triển?

Ngay từ năm 2022, Nghị quyết 09‑NQ/TW của Bộ Chính trị đã xác định xây dựng và phát triển Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương phù hợp với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc; là trung tâm kết nối vùng, cửa ngõ chính ra Biển Đông của vùng Tây Nguyên và khu vực duyên hải Nam Trung Bộ. Những thay đổi hiện nay giúp Khánh Hòa quy tụ được đầy đủ thế và lực để hiện thực hóa mục tiêu của Nghị quyết 09.

Để thực sự chuyển mình và chuyển mình thành công, Khánh Hòa cần quy hoạch tốt và kích hoạt nguồn lực xã hội tập trung vào hai không gian phát triển. Thứ nhất là về không gian địa lý. Khánh Hòa ngày nay không chỉ sở hữu không gian biển và đại dương có độ đa dạng sinh học và độ đặc sắc hàng đầu khu vực, mà còn có vùng khí hậu, cảnh quan núi cao kết nối giữa Tây Nguyên với Nam Trung Bộ, cùng với vùng cảnh quan tiểu sa mạc ven biển độc đáo. Đặc khu Trường Sa - vừa là “tiền đồn” bảo vệ chủ quyền biển đảo, vừa đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng kinh tế biển. Đây là ngư trường lớn với nguồn hải sản phong phú, có trữ lượng dầu khí tiềm năng, có vai trò quan trọng trong chiến lược an ninh năng lượng quốc gia. Đó là định hướng phát triển vô cùng độc đáo và đầy triển vọng, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho tỉnh Khánh Hòa.

Ngay lúc này, việc cần làm là chuẩn bị nguồn lao động chất lượng cao cho chiến lược phát triển kinh tế biển và đại dương. Một trường đại học và hệ thống các cơ sở giáo dục vệ tinh đào tạo chuyên sâu về các ngành kinh tế biển và đại dương, quy tụ được nhân tài trong và ngoài nước, chuyển giao được tinh hoa tri thức, công nghệ về kinh tế biển trên thế giới với người dân Khánh Hòa là điều vô cùng cần thiết.

Thứ hai, về không gian văn hóa, Khánh Hòa mang bản sắc của vùng Duyên hải Nam Trung bộ, không tách rời bản sắc văn hóa Việt Nam. Nếu chúng ta có thể truyền tải trọn vẹn các nét văn hóa đặc sắc ấy vào mô hình phát triển kinh tế, quy hoạch không gian sống và làm việc, tôi tin tưởng rằng Việt Nam nói chung và Khánh Hòa nói riêng, sẽ trở thành điểm đến của những trí tuệ lớn trên thế giới, góp phần vào sự phát triển đột phá của Việt Nam. Giống như câu chuyện về nhà khoa học kiệt xuất Alexandre Yersin (1863–1943), người gốc Thụy Sĩ–Pháp, đã chọn Nha Trang làm quê hương thứ hai và gắn bó suốt 50 năm cuộc đời, để lại nhiều di sản trong lĩnh vực y khoa, nông nghiệp.

Như những gì ông vừa chia sẻ, văn hóa dường như trở thành một phần quan trọng của chiến lược kinh tế?

Văn hóa, nghệ thuật không đơn giản là để thưởng thức. Văn hóa là những điều ăn sâu vào tinh thần, đời sống, nói lên được bản sắc và chất liệu sống riêng của một dân tộc, một vùng đất, một quốc gia và thậm chí rộng hơn là cả một nền văn minh. Các tập tục, lối sống, thói quen – cũng giống như các tác phẩm nghệ thuật – là thực hành của văn hóa, là cách văn hóa duy trì mạch sống của mình trong đại chúng, xuyên suốt qua nhiều thế hệ.

Người ta có thể hủy diệt những thứ vật chất nhưng không thể hủy hoại mạch sống của văn hóa, giống như người Việt Nam ta tự bao đời nay vẫn dâng nén hương trầm kính cáo đất trời và ông bà tổ tiên. Đó là một thực hành văn hóa nghe có vẻ giản đơn nhưng là minh chứng không thể chối bỏ cho một nét đẹp văn hóa của người Việt – là một dân tộc giàu lòng biết ơn và thấm nhuần đạo lý uống nước nhớ nguồn. Những gia đình, những con người Việt Nam trải qua bao đau thương vẫn biết ơn cuộc sống, vẫn yêu thương con người. Súng gươm vứt bỏ lại hiền như xưa. Một dân tộc với chiều sâu văn hóa như thế chắc chắn có đủ nền tảng và dữ liệu văn hóa quý giá để tạo động lực cho phát triển kinh tế.

Đó là lý do Trầm hương Khánh Hòa dành nhiều năm đồng hành cùng các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu xây dựng cơ sở dữ liệu và không gian thực hành văn hóa Trầm hương Việt Nam. Với sự ra đời của công trình nghiên cứu khoa học mang tên “Văn hóa Trầm hương Việt Nam” (TS. Nguyễn Duy Thái, NXB. Chính trị Quốc gia Sự thật), Trầm hương và Văn hóa Trầm hương Việt Nam được công nhận với đầy đủ dữ liệu lịch sử, văn hóa, thực tiễn để trở thành một trong những di sản văn hóa đặc sắc của Việt Nam. Mới đây, Trầm hương Khánh Hòa và Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam (VFDA) đã thống nhất triển khai phương thức hợp tác chiến lược nhằm phát triển kinh tế thông qua văn hóa và điện ảnh. Đây là bước đi tiên phong trong việc đưa sản phẩm Việt đến gần hơn với thế giới qua ngôn ngữ điện ảnh. Sáng kiến này thể hiện quyết tâm của Trầm hương Khánh Hòa như một doanh nghiệp tiên phong tại tỉnh Khánh Hòa trong việc phát triển kinh tế dựa trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật. Chúng tôi mong muốn truyền cảm hứng xây dựng một chiến lược phát triển bền vững, trong đó văn hóa giữ vai trò trung tâm, tạo ra giá trị gia tăng cho kinh tế địa phương và quốc gia, lan tỏa tinh thần dân tộc, khẳng định vị thế Việt Nam trên bản đồ văn hóa – kinh tế toàn cầu.

Từ ví dụ về văn hóa trầm hương nói trên, nhìn rộng ra, nhiều quốc gia đã thành công trong việc phát triển kinh tế quốc gia thông qua các dự án văn hóa – nghệ thuật, đặc biệt là điện ảnh, với Hàn Quốc và Trung Quốc là hai điển hình tiêu biểu. Chính phủ Hàn Quốc đánh giá, mỗi USD thu từ văn hóa có thể mang lại tới 4–5 USD giá trị kinh tế lan tỏa. Trong khi đó, Trung Quốc cũng triển khai chiến lược sử dụng điện ảnh như một công cụ xây dựng “sức mạnh mềm” quốc gia. Trung Quốc hiện là thị trường điện ảnh lớn nhất thế giới, với doanh thu và sản lượng phim tăng vượt bậc. Đây là kinh nghiệm quý cho Việt Nam trong việc kết hợp văn hóa với chiến lược phát triển kinh tế bền vững….

Tôi nghĩ rằng Việt Nam đã và đang làm rất tốt việc quảng bá hình ảnh về một quốc gia hòa bình, ổn định và phát triển, sẵn sàng làm bạn, làm đối tác đáng tin cậy của các quốc gia trên thế giới trên nền tảng hợp tác cùng có lợi, vì mục tiêu phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng. Những thay đổi của chúng ta trong thời gian vừa qua là hành động thực tế đầy thuyết phục của Việt Nam, cho thấy chúng ta không chỉ sẵn sàng mà hoàn toàn có năng lực quản lý, tổ chức các nguồn lực để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho sự phát triển. Tôi tin rằng đây là thời điểm uy tín và năng lực của nền kinh tế chúng ta được thể hiện rõ hơn bao giờ hết. Chắc chắn, các nhà đầu tư, các đối tác, các chính phủ trên thế giới đều cảm nhận được tín hiệu tích cực và trong thời gian ngắn sẽ có những cơ hội kinh doanh, hợp tác đầu tư quy mô lớn được hiện thực hóa…

P.V

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/doanh-nhan-nguyen-van-tuong-dang-co-co-che-ly-tuong-de-cac-doanh-nhan-dong-gop-cho-su-phat-trien-dat-nuoc-post1760310.tpo