Lương tăng, giá có tăng theo?

Đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 7,2% từ đầu năm 2026 đang mang đến niềm hy vọng cải thiện đời sống cho hàng triệu người lao động. Tuy nhiên, liệu mức tăng này có đủ để họ vững tâm trước 'bão giá' và nỗi lo cơm áo hằng ngày?

Mới đây, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 bàn về phương án lương tối thiểu vùng năm 2026. Trao đổi với Báo Xây dựng, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia Nguyễn Mạnh Khương cho biết, đa số thành viên Hội đồng Tiền lương quốc gia có mặt tại phiên họp đã bỏ phiếu chốt đề xuất mức tăng lương tối thiểu vùng năm 2026 trình Chính phủ là 7,2%; thời gian áp dụng từ ngày 1/1/2026.

Theo Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia, đây là tỷ lệ phù hợp với giai đoạn hiện nay để phát triển kinh tế đất nước, hướng tới kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cũng như mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8% theo chủ trương của Đảng trong năm nay và hai con số trong những năm tiếp theo.

Mức tăng lương tối thiểu vùng không gây ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Nguyên Khánh.

Mức tăng lương tối thiểu vùng không gây ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng. Ảnh: Nguyên Khánh.

Cần hài hòa lợi ích để phát triển

Dưới góc nhìn đại biểu Quốc hội, Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội Tạ Văn Hạ cho rằng, mức tăng lương tối thiểu vùng lên 7,2% là một tỷ lệ đã được cân nhắc kỹ lưỡng, phù hợp trong bối cảnh hiện tại. Lần điều chỉnh gần nhất ngày 1/7/2024 với mức tăng 6% được đánh giá là hài hòa; mức tăng 7,2% lần này kỳ vọng tiếp tục đạt được sự hài hòa đó.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh lương tối thiểu vùng cần đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động, phân vùng hợp lý, đảm bảo cân bằng lợi ích các bên, tránh gây sốc, áp lực cho doanh nghiệp hoặc người lao động.

Theo đại biểu, trong bối cảnh "bão giá" với giá xăng và nhiều mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, việc điều chỉnh lương là rất thiết để bù đắp sự sụt giảm sức mua, giúp đảm bảo mức sống tối thiểu, giảm bớt gánh nặng tài chính cho người lao động và gia đình họ.

Ông cho rằng, khi đời sống được đảm bảo hơn, trả lương xứng đáng hơn, người lao động sẽ có tâm lý ổn định, giảm bớt lo lắng về cơm áo gạo tiền, từ đó tạo ra động lực nâng cao năng suất, có tinh thần trách nhiệm, ý thức đổi mới, sáng tạo; gắn bó hơn với doanh nghiệp và làm việc hiệu quả hơn.

Về phía doanh nghiệp, dù việc tăng lương tối thiểu có thể tạo áp lực chi phí ban đầu, nhưng nó cũng thúc đẩy doanh nghiệp tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hoạt động. Doanh nghiệp sẽ phải xem xét lại quy trình sản xuất, đầu tư vào công nghệ, tự động hóa để nâng cao năng suất lao động và giảm sự phụ thuộc vào lao động giá rẻ. Về dài hạn, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường.

"Trả lương tốt hơn sẽ giúp doanh nghiệp giảm tỷ lệ nghỉ việc và tăng sự gắn bó của nhân viên. Ngược lại, người lao động hài lòng với mức lương, sẽ có xu hướng gắn bó lâu dài hơn với doanh nghiệp, từ đó giúp giảm chi phí đào tạo nhân sự mới và tạo ra môi trường làm việc ổn định…

Khi người lao động có thu nhập cao hơn, họ sẽ có khả năng chi tiêu nhiều hơn, từ đó kích thích tổng cầu trong nền kinh tế. Một thị trường nội địa sôi động hơn sẽ mang lại lợi ích cho hoạt động kinh doanh của chính các doanh nghiệp", ông Hạ nói.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Hà, Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Giáo dục Đông Dương - doanh nghiệp về lĩnh vực xây dựng - nhận định, mức tăng này hợp lý, bởi chỉ số tiêu dùng (CPI) những năm gần đây thường tăng ở mức 3-4% nên vẫn đảm bảo cuộc sống cho người lao động.

Về lý thuyết, việc tăng lương tối thiểu bình quân 7,2% có thể tác động lớn đến chi phí và lợi nhuận của doanh nghiệp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều năm qua, do quy luật cung - cầu lao động, mức lương doanh nghiệp trả cho người lao động thường cao hơn so với lương tối thiểu vùng.

Ví dụ, lương trung bình của lao động phổ thông trong ngành xây dựng hiện nay khoảng 300.000 đồng/ngày, tương đương 7.800.000 đồng/tháng (tính 26 công).

Ông Hà phân tích, các doanh nghiệp trong ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông thường đặt mục tiêu lợi nhuận khoảng 10 - 15%/năm. Quỹ lương chiếm khoảng 30 - 50% chi phí doanh nghiệp. Do đó, mức tăng lương tối thiểu 7,2% về lý thuyết sẽ phù hợp nguyện vọng của Công đoàn và người lao động, không gây ảnh hưởng quá lớn đến hoạt động của doanh nghiệp trong ngắn hạn, nhất là trong lĩnh vực xây dựng.

Theo ông Hà, ảnh hưởng dễ nhận thấy nhất của việc tăng lương tối thiểu có lẽ là ở khía cạnh chi phí bảo hiểm của doanh nghiệp và người lao động. Thông thường, các doanh nghiệp lấy mức lương tối thiểu làm căn cứ để tính bảo hiểm cho người lao động, do đó khi lương tối thiểu tăng, chi phí đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) cũng sẽ tăng theo.

Mức lương tối thiểu là cơ sở để các doanh nghiệp chi trả lương, nhưng thực tế nhiều công ty trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh đã trả lương cao hơn so với quy định Nhà nước. Ảnh: Hữu Dũng.

Tăng lương cần thực sự đủ để cải thiện đời sống

Ông Trần Hữu Dũng, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Siflex Việt Nam (KCN Quang Châu, Bắc Ninh) chia sẻ, mặc dù mức lương tối thiểu hiện nay là cơ sở để các doanh nghiệp chi trả lương, nhưng thực tế, nhiều công ty trên địa bàn tỉnh đã trả lương cao hơn so với quy định của Nhà nước.

Khi so sánh với mức trượt giá và lạm phát tăng cao hàng năm, ông Dũng cho rằng, mức tăng này không đủ để đáp ứng các chi phí sinh hoạt thiết yếu của người lao động như thực phẩm, chỗ ở, đi lại và các nhu cầu cơ bản khác. Trên thực tế, thu nhập của người lao động vẫn còn thấp. Nhiều người phải cắt giảm chi tiêu cho thực phẩm, dẫn đến chất lượng bữa ăn giảm sút, ảnh hưởng trực tiếp sức khỏe của bản thân và gia đình.

Khi biết sắp được tăng lương tối thiểu vùng, chị Tâm, nhân viên phòng kế hoạch với hơn 5 năm gắn bó tại Công ty Dệt may Bắc Giang, tỏ ra rất hào hứng và kỳ vọng: "Có những tháng thu nhập của tôi có thể lên tới 14 triệu đồng, gần gấp đôi lương cơ bản. Nhưng thu nhập biến động không ổn định tùy theo doanh thu hàng tháng của công ty. Thời gian qua, nhiều thứ tăng mà lương thì hầu như không tăng. Bây giờ có chương trình tăng lương thì mừng lắm!".

Chị Tâm mong muốn mức lương tối thiểu được tăng sẽ "đáp ứng nhu cầu cuộc sống hằng ngày" và giúp mọi thứ "tốt đẹp hơn".

Chính sách lương tối thiểu cần được điều chỉnh linh hoạt hơn để phù hợp tình hình thực tế của thị trường. Ảnh: Nguyên Khánh.

Chính sách lương tối thiểu cần được điều chỉnh linh hoạt

Việc tăng lương tối thiểu lên 7,2% được các chuyên gia đánh giá là hợp lý và cần thiết để bù đắp sức mua, đảm bảo mức sống tối thiểu giữa "bão giá". Tuy nhiên, người lao động vẫn lo ngại mức tăng này có đủ cải thiện đời sống khi trượt giá và lạm phát liên tục tăng cao.

"Việc tăng lương tối thiểu vùng là cần thiết nhưng cần thực sự đủ để cải thiện đời sống của người lao động trong bối cảnh lạm phát và chi phí sinh hoạt ngày càng tăng", Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Siflex Việt Nam cho hay.

Đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ nhấn mạnh: "Chúng ta cần nhìn nhận việc tăng lương tối thiểu không chỉ là một khoản chi phí, mà còn là một khoản đầu tư vào nguồn nhân lực và sự phát triển chung của xã hội".

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Hồng Hà cho rằng, chính sách lương tối thiểu cần được điều chỉnh linh hoạt hơn để phù hợp tình hình thực tế của thị trường. Theo ông, việc áp dụng một con số cố định cho mức lương tối thiểu đang bộc lộ nhiều bất cập.

Các yếu tố như giá tiêu dùng, cung - cầu lao động, năng suất lao động và mức lương thị trường luôn biến động, nhưng việc điều chỉnh lương tối thiểu lại thường tốn nhiều thời gian và công sức.

Thay vào đó, ông Hà đề xuất quy định mức lương tối thiểu theo năm và gắn với một chỉ tiêu tham chiếu của nền kinh tế. Dựa trên sự thay đổi của chỉ tiêu này, mức lương tối thiểu sẽ được điều chỉnh tương ứng hàng năm. Đơn cử, có thể đặt mức lương tối thiểu bằng 75% mức lương thị trường.

Phương án tăng lương tối thiểu vùng được Hội đồng Tiền lương quốc gia "chốt" trình Chính phủ là 7,2%, áp dụng từ ngày 1/1/2026 với mức tăng bình quân là 300.000 đồng/tháng so với năm 2025.

Theo đề xuất, lương tối thiểu vùng I tăng lên 5,31 triệu đồng/tháng; vùng II tăng lên 4,73 triệu đồng; vùng III tăng lên 4,14 triệu đồng; vùng IV tăng lên 3,7 triệu đồng. Lương tối thiểu theo giờ cũng sẽ được quy đổi tương ứng từ mức lương tháng.

Trước đó, lương tối thiểu vùng đang áp dụng năm 2025 là: 4,96 triệu đồng (vùng I); 4,41 triệu đồng (vùng II); 3,86 triệu đồng (vùng III) và 3,45 triệu đồng (vùng IV).

Nguyên Khánh

Nguồn Xây Dựng: https://baoxaydung.vn/luong-tang-gia-co-tang-theo-192250715102211904.htm