Doanh nhân Phạm Thanh Bình, CEO Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi: Khát khao nâng tầm giá trị hạt gạo Việt

Con đường đưa hạt gạo Việt ra thế giới của Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi ghi dấu ấn của vị thuyền trưởng Phạm Thanh Bình, với khát khao nâng tầm giá trị gạo Việt, thương hiệu Việt.

Tìm ra cơ hội trong khó khăn

Kết thúc 9 tháng đầu năm 2022, Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi (TP. Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp) xác lập nhiều kỷ lục. Doanh thu từ hoạt động kinh doanh đạt 562 tỷ đồng, mức doanh thu 9 tháng cao nhất từ trước đến nay, cao gấp rưỡi cùng kỳ năm 2021, hoàn thành gần 94% kế hoạch đề ra. Lợi nhuận trước thuế cũng đạt mức cao nhất trong lịch sử hoạt động với giá trị xấp xỉ 122 tỷ đồng, gấp 2,55 lần cùng kỳ và vượt 22% mục tiêu cả năm. Gần 900 nhân sự thường xuyên có mặt tại Nhà máy, có những tháng “làm không kịp để tiêu thụ”.

Bức tranh kinh doanh năm 2022 của Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi khiến người ta khó hình dung khung cảnh lặng như tờ của chính nhà máy này một năm trước, khi “cơn bão” đại dịch Covid-19 quét ngang. Khi đó, hàng trăm công nhân phải dừng việc, nhà máy chỉ còn vài nhân sự bảo dưỡng thiết bị, máy móc. Công ty ngưng toàn bộ hoạt động trong tháng 8, tháng 9 và chỉ chạy 50% công suất ở tháng 7 và tháng 10. Doanh thu năm 2021 giảm 13,5%, còn lợi nhuận giảm tới 42% so với năm liền trước.

Trước sóng to, gió cả, vị thuyền trưởng Phạm Thanh Bình luôn bình tĩnh đối mặt và tìm ra giải pháp. Ông bảo, trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, mỗi năm đều có những khó khăn riêng. Trong giai đoạn Covid-19 bùng phát mạnh, Công ty phải lo chỗ ăn, chỗ ngủ, lo công tác chữa bệnh cho vài trăm công nhân trong khuôn viên của một xưởng sản xuất vốn được xây dựng để bố trí cho dây chuyền máy móc, thiết bị. Khó khăn hơn là tình trạng thiếu lao động, đứt gãy chuỗi cung ứng cho sản xuất luôn thường trực…

Tới năm 2022, thuận lợi về nguồn lao động do nhiều người lựa chọn ở lại Đồng Tháp để làm việc thay vì trở lại các khu công nghiệp, nhưng cũng giống như các doanh nghiệp xuất khẩu, Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi lại phải đối mặt với cơn bão giá cùng tình trạng lạm phát tăng mạnh trên toàn cầu, trực tiếp ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ tại các thị trường.

“Giá thành sản xuất tăng lên trong khi sức mua chậm lại trở thành sức ép cho vấn đề tiêu thụ và ra quyết định sản xuất của Công ty. Đúng là khó khăn, nhưng tôi cho rằng, đây là khó khăn chung. Người khác vượt qua được, thì mình cũng phải sống, phải vượt lên và phải luôn luôn tìm ra cơ hội trong khó khăn, thấy được những điều cần phải khắc phục để vượt lên chính mình”, ông Bình chia sẻ.

Bởi vậy, ngay trong cuộc khủng hoảng vì đại dịch, ông Bình đã nhìn thấy, nhu cầu thị trường sẽ bùng nổ. Ông đã chủ động duy trì nhân sự bảo dưỡng thiết bị, máy móc tại nhà máy để khi được phép hoạt động trở lại, dây chuyền sản xuất có thể hoạt động ngay. “Nếu không thể ‘ba tại chỗ’ cũng có nghĩa Công ty sẽ chấp nhận đứng tại chỗ. Đó là điều chúng tôi không lựa chọn”, ông Bình quả quyết.

Bước chuyển hậu cổ phần hóa và dấu ấn của vị thuyền trưởng

Nhìn lại hành trình hơn 20 năm kể từ khi cổ phần hóa, ông Bình cho biết, Công ty Thực phẩm Bích Chi đã vượt qua nhiều cuộc khủng hoảng, kết quả kinh doanh năm sau luôn cao hơn năm trước. Với lợi nhuận đạt được trong 9 tháng đầu năm, kết quả kinh doanh hai năm 2021 và 2022 sẽ vượt xa hai năm trước khi xảy ra biến cố dịch bệnh.

Từ mức doanh số khoảng 20 tỷ đồng/năm thời điểm tiến hành cổ phần hóa (năm 2000), doanh thu hiện tại của Công ty đã tăng 30 lần; vốn điều lệ từ 2,7 tỷ đồng đã tăng 100 lần, lên mức 278,3 tỷ đồng, dù không huy động thêm vốn mới từ cổ đông và vẫn chi trả cổ tức đều đặn.

Khởi đầu với sản phẩm bột, chủ yếu tiêu thụ trong nước, đến nay, Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi đã mở rộng, đa dạng hóa sản phẩm với các loại hủ tiếu, phở, bún, miến, phồng tôm, bánh tráng và các sản phẩm ăn liền khác.

Bước chuyển đến với Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi sau vài năm cổ phần hóa và gắn liền với dấu ấn của ông Phạm Thanh Bình. Thời điểm đó, Công ty gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ. Từ một cổ đông, ông Bình đã được Hội đồng Quản trị tin tưởng giao trọng trách, đảm nhận vai trò quản lý để vực dậy doanh nghiệp.

Ông Bình chia sẻ, thay đổi quan trọng nhất của Công ty chính là chuyển từ sản xuất thủ công sang sản xuất công nghiệp. Với việc đầu tư thiết bị hiện đại, Công ty có thể sản xuất đồng loạt với quy mô lớn, giảm chi phí lao động, hạ giá thành sản phẩm để cạnh tranh quốc tế. Hơn nữa, nếu không đổi mới, sẽ không thể đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Cùng lúc giải quyết được cả 3 vấn đề: chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và giá cả, sản phẩm của Bích Chi đã chinh phục được khách hàng và dần vươn ra thị trường quốc tế. Bắt đầu từ việc đi theo người Việt định cư ở nước ngoài, phục vụ các bữa ăn trong gia đình, sản phẩm phở, hủ tiếu, bánh tráng… của Bích Chi đã thu hút được sự quan tâm của các nhà nhập khẩu. Từ đây, Bích Chi bắt đầu đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Theo số liệu nửa đầu năm 2022, cứ 100 đồng Công ty thu về, có tới hơn 76 đồng doanh thu từ các thị trường xuất khẩu.

Hành trình đưa hạt gạo Việt ra thế giới

Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi không phải doanh nghiệp đầu tiên mà ông Phạm Thanh Bình tham gia với vai trò điều hành hay góp vốn.

Ông Bình vào quân ngũ năm 17 tuổi. Sau thời gian dài phục vụ trong quân đội, ông học đại học chuyên ngành kinh tế, rồi về làm việc tại Nhà máy Bột ngọt Biên Hòa thuộc Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam. Quyết định về hưu sau khi đủ thời gian công tác, cùng thời điểm Nhà máy chuyển sang liên doanh với Ajinomoto, ông Bình bước vào nghiệp đầu tư, kinh doanh.

Ở tuổi 40, ông là người đặt nền móng xây dựng Công ty Thực phẩm Á Châu (đơn vị sở hữu thương hiệu Mì gấu đỏ hiện tại), trực tiếp tham gia chuẩn bị máy móc, thiết bị, thuê nhà xưởng tại Gò Vấp. Sau đó, ông cũng sở hữu vốn ở nhiều đơn vị sản xuất thực phẩm chế biến như Thiên Hương, Bình Tây… cùng một số doanh nghiệp khác. Hiện tại, ông đã thoái vốn ở các đơn vị này và chỉ tập trung cho Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi.

Sự tham gia của ông Bình trong vai trò lãnh đạo đã tạo ra bước chuyển với Bích Chi. Ở chiều ngược lại, quyết định rời TP.HCM để về Sa Đéc điều hành Công ty cũng là bước ngoặt trong sự nghiệp của ông ở tuổi 50.

Chia sẻ lý do lựa chọn ngành thực phẩm chế biến và tập trung ở sản phẩm từ gạo, ông Bình thừa nhận, nếu lựa chọn các ngành nghề công nghệ cao như tin học, hệ thống mạng, ông sẽ gặp rất nhiều khó khăn và không thể có được những kết quả như hiện tại.

Với chuyên ngành được đào tạo cùng 10 năm công tác ở Công ty Kỹ nghệ thực phẩm Việt Nam và những hiểu biết sâu về sản xuất bột ngọt, mì ăn liền…, ông thấy rằng, những sản phẩm truyền thống từ gạo của Việt Nam hoàn toàn có thể chuyển sang làm sản phẩm ăn liền bằng dây chuyền công nghiệp. Trong khi nguyên liệu sản xuất mì vẫn phải nhập khẩu, thì các sản phẩm hủ tiếu, phở, bún, miến, bánh tráng, bánh phồng tôm có nguyên liệu chính từ gạo - nông sản chủ lực, thế mạnh của Việt Nam. Hơn nữa, các sản phẩm lương thực, thực phẩm phục vụ nhu cầu thiết yếu.

“Gạo xuất thô chỉ mang về giá trị thấp. Tuy nhiên, nếu đưa vào chế biến thành các thành phẩm, thì có thể nâng giá trị nông sản của Việt Nam gấp 5 - 6 lần”, ông Bình nói. Vị thuyền trưởng của Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi tâm niệm, nâng giá trị hạt gạo không chỉ mang về lợi nhuận cho doanh nghiệp, mà còn góp phần nâng tầm thương hiệu Việt, đóng góp cho đất nước.

Phát huy phẩm chất của người lính trong kinh doanh

Ở tuổi 50, ông đã quyết định bước sang một hành trình mới. Nhìn lại hành trình này, ông thấy đâu là điều khó khăn nhất?

Khó khăn nhất chính là khi tôi quyết định về Sa Đéc điều hành Công ty cổ phần Thực phẩm Bích Chi, phải xa gia đình, phải thay đổi môi trường sống…Nhưng, từng là một người lính, tôi đã quen với việc xa gia đình, sống ở vùng sâu, vùng xa. Có lẽ, phẩm chất của người lính đã giúp tôi vượt qua được khó khăn đó.

Hơn nữa, khi đó, tôi cũng nghĩ rằng, các nhà đầu tư nước ngoài từ Nhật Bản, Hàn Quốc… có tiềm lực tài chính mạnh cũng đến Việt Nam để đầu tư, đến tận Bình Dương, Phước Long cùng nhiều địa phương khác ngoài TP.HCM. Rõ ràng, đầu tư không phải nhằm mục đích hưởng thụ, mà phải vật lộn để có lợi nhuận. Các nhà đầu tư nước ngoài có thể trụ lại và phát triển doanh nghiệp, thì không có lý do gì mình không làm được.

Thời điểm đó, dù Công ty Bích Chi đang gặp khó khăn, ông vẫn nhìn thấy cơ hội kiếm được lợi nhuận?

Đúng vậy. Tôi nhìn thấy các điểm yếu kém của Công ty khi đó. Tôi hiểu rằng, chỉ cần khắc phục các nhược điểm là Công ty có thể tạo ra lợi nhuận, kể cả khi chưa đổi mới, cải tiến.

Việc từng là một người lính có giúp ông trong quản trị Công ty?

Giữa hoạt động trong quân đội và tổ chức sản xuất công nghiệp có những điểm giống và khác nhau. Giống nhau là phải có tác phong công nghiệp, yêu cầu về tính tổ chức và kỷ luật cao.

Tuy nhiên, hoạt động của doanh nghiệp đòi hỏi sự nhạy bén, am hiểu thị trường, tìm kiếm nguồn tiêu thụ, đổi mới trong quản lý... Quản lý trong quân đội là theo mệnh lệnh, nhưng quản lý trong doanh nghiệp không thể làm theo mệnh lệnh được.

Thanh Thủy

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-pham-thanh-binh-ceo-cong-ty-co-phan-thuc-pham-bich-chi-khat-khao-nang-tam-gia-tri-hat-gao-viet-d176526.html