Doanh nhân Trần Thị Kiều Hương: Nâng tầm nông sản Việt với công nghệ sấy thăng hoa

Chọn công nghệ sấy thăng hoa với nhiều điểm mới, lạ để ứng dụng cho ngành thực phẩm, bà Trần Thị Kiều Hương đã đưa Công ty TNHH Thực phẩm NFC trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong sản xuất và cung ứng thực phẩm sấy.

Doanh nhân Trần Thị Kiều Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thực phẩm NFC.

Doanh nhân Trần Thị Kiều Hương, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Thực phẩm NFC.

Giấc mơ khởi nghiệp

Cách đây 30 năm, sau khi tốt nghiệp ngành thực phẩm của một trường đại học lớn tại Việt Nam, bà Trần Thị Kiều Hương được doanh nghiệp có tiếng ở Nhật Bản chọn đi tu nghiệp. Trong quá trình học tập, được tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của nước bạn trong sử dụng công nghệ chế biến nông sản, bà Hương ấp ủ ước mơ mang công nghệ này về Việt Nam.

Trở về nước, sau thời gian tìm hiểu, nghiên cứu, năm 2002, bà Hương cùng chồng (cũng từng du học tại Nhật Bản và có kinh nghiệm nhiều năm làm quản lý tại nước ngoài) quyết tâm dồn hết vốn liếng tích lũy và vay mượn thêm từ gia đình, ngân hàng để thành lập Công ty TNHH Thực phẩm NFC.

“Tôi chọn NFC (Nature foods) để đặt tên cho Công ty, với ý nghĩa, các sản phẩm từ thiên nhiên và tiêu chuẩn xanh, sạch được đưa lên hàng đầu. Tôi cảm ơn chuyến tu nghiệp tại Nhật Bản đã giúp tôi mở mang kiến thức, có thêm động lực để đưa công nghệ hiện đại của thế giới ứng dụng vào chế biến, đảm bảo chất lượng và nâng tầm nông sản Việt”, bà Hương chia sẻ.

Tính đến năm 2023, NFC có vốn điều lệ 100 tỷ đồng. Công ty đầu tư 2 nhà máy tại Khu công nghiệp Nhơn Trạch 1 (tỉnh Đồng Nai) với diện tích 19.000 m2; năng suất thành phẩm cung ứng ra thị trường đạt khoảng 3.000 tấn/năm, với hơn 50 dòng sản phẩm là gia vị, nông sản sấy. Trong đó, 35% sản lượng được xuất khẩu sang Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc..., còn lại phục vụ thị trường nội địa.

Nữ doanh nhân sinh năm 1972 cho biết, Việt Nam có lợi thế lớn về số lượng cũng như chất lượng các loại trái cây, rau quả tươi, nhiều đặc sản vùng miền. Thời điểm vài chục năm trước, phần lớn các loại nông sản của Việt Nam chỉ xuất khẩu trực tiếp sang một vài nước, chứ chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, không thể bảo quản trong thời gian dài. Đây là lý do thúc đẩy bà chọn mảng nông sản để đầu tư.

Khi đó, ngành nông nghiệp Việt Nam chưa được định hướng sản xuất bài bản. Nhìn thấy tiềm năng, thế mạnh về nguồn nguyên liệu, nhiều đối tác nước ngoài có nhu cầu tìm kiếm cơ hội hợp tác với doanh nghiệp Việt Nam để sản xuất các sản phẩm từ nông sản Việt với chất lượng tiêu chuẩn đạt yêu cầu mà họ đề ra.

“Giai đoạn bắt tay thành lập công ty, chúng tôi đã khảo sát thị trường và nhận thấy, thời điểm đó, gần như không có doanh nghiệp Việt nào sấy và làm gia vị đảm bảo quy trình, chất lượng theo yêu cầu của các nước nhập khẩu. Đó cũng là cơ hội để NFC bước vào kinh doanh và thử sức trên thị trường”, Nhà sáng lập NFC hồi tưởng.

Tiên phong ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa tại Việt Nam

Năm 2004, những sản phẩm đầu tay của NFC gồm rau, củ, quả sấy khô theo công thức sấy thăng hoa được cung cấp ra thị trường, hướng đến đối tượng khách hàng doanh nghiệp. Trong đó, 90% sản phẩm được xuất khẩu, chủ yếu sang Nhật Bản, một phần nhỏ cung cấp cho thị trường nội địa.

Bà Hương kể, thời gian đầu, khi đội ngũ NFC đi chào hàng ở trong nước, thì sản phẩm của Công ty luôn bị so sánh về giá cả, vì có giá gấp đôi các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Khi đó, hầu hết doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh gia vị, nông sản sấy đều không mấy quan tâm đến chất lượng, mà chỉ chú trọng cạnh tranh về giá.

“Doanh nghiệp thời đó chỉ sấy bằng cách truyền thống là sấy than nhiệt, không kiểm soát vi sinh. NFC đầu tư kiểm soát vi sinh, vi nấm…, nên giá đội lên gấp nhiều lần, chưa kể việc đầu tư máy móc để sấy thăng hoa cần nhiều vốn. Nếu hạ giá, thì sẽ thua lỗ lớn. Vì vậy, có thời điểm, chúng tôi chỉ xuất hàng đi Nhật Bản thông qua các đối tác tự tìm kiếm, chứ không bán được tại Việt Nam như dự kiến ban đầu”, bà Hương nhớ lại.

Khó khăn là vậy, nhưng bà vẫn quyết tâm thực hiện hoài bão, mạnh tay gom vốn đầu tư mua chiếc máy sấy thăng hoa HT - FD đầu tiên với giá 1 triệu USD vào năm 2014.

Bước ngoặt đến với NFC từ đó. Sản phẩm làm ra đạt chất lượng cao, giúp NFC trở thành đối tác cung ứng gia vị, thực phẩm sấy cho Ajinomoto, Acecook. Từng bước khẳng định uy tín và thương hiệu, NFC được rất nhiều “ông lớn” ngành thực phẩm trong nước như Unilever, Uniben, Masan, Mondelez, Thiên Hương, Kiewpe, Vedan… lựa chọn là nhà cung ứng.

Chia sẻ thêm về công nghệ sấy thăng hoa, bà Hương cho hay, công nghệ này giúp sản phẩm sau khi sấy vẫn giữ được hình dạng, mùi vị, màu sắc cũng như các dưỡng chất. Thực phẩm sau khi sấy thăng hoa có thể bảo quản được trong thời gian dài, mà không cần dùng bất cứ chất bảo quản hóa học nào khác, hơn nữa lại giữ trọn được hương vị, màu sắc và dưỡng chất bên trong, nên rất được ưa chuộng.

Theo nữ doanh nhân, phương pháp này vốn được áp dụng để sản xuất thực phẩm cho các phi hành gia trong các chuyến làm việc trên vũ trụ (ăn ít, nhưng phải đủ dinh dưỡng). Sau đó, Nhật Bản là một trong những nước đầu tiên ứng dụng công nghệ sấy thăng hoa vào thực phẩm tiêu dùng và bà đã may mắn được trải nghiệm, học hỏi, rồi đưa về ứng dụng tại Việt Nam.

Không chỉ đầu tư công nghệ hiện đại, với ước mơ nâng tầm nông sản Việt, ngay từ khi thành lập Công ty, bên cạnh việc thu mua rau, củ, quả từ người nông dân, bà Hương đã đầu tư 2 trang trại trồng nguyên liệu nhằm kiểm soát chặt chẽ đầu vào. Trang trại 30 ha tại Long An chuyên về nông sản nhiệt đới và trang trại 9 ha tại Đắk Nông chuyên về nông sản ôn đới.

“Khi có nhiều đối tác ký kết thường xuyên và có kế hoạch mua hàng cụ thể, thì doanh nghiệp phải tự chủ nguồn cung và đảm bảo chất lượng ngay từ đầu vào bằng cách tự trồng, tự quản lý. Nước ta chưa quy hoạch chặt chẽ vùng nguyên liệu tại các địa phương, nên nếu không chủ động, trường hợp gặp thiên tai hay mất mùa, doanh nghiệp sẽ không kịp ứng phó”, bà Hương phân tích.

Ghi đậm dấu ấn với loạt thương hiệu riêng

Nếu trước đó, NFC chỉ được biết đến là doanh nghiệp gia công hàng đầu cho các “ông lớn” ngành thực phẩm trong và ngoài nước, thì từ năm 2022, với mong muốn trực tiếp đem những sản phẩm công nghệ cao do chính Công ty sản xuất đến với người tiêu dùng, NFC đã gia nhập thị trường bán lẻ với các sản phẩm chất lượng cao là gia vị NATAS, viên canh ăn liền sấy thăng hoa I.SOUP, sữa chua sấy thăng hoa I.YAUA và trái cây sấy thăng hoa I.FRUITZ.

Loạt thương hiệu I.SOUP, I.YAUA, I.FRUITZ, NATAS ra đời giúp NFC tiến thêm một bước trong hành trình định vị thương hiệu của riêng mình.

Nữ doanh nhân chia sẻ, thời gian đầu cung cấp sản phẩm cho các khách hàng doanh nghiệp và gia công cho đối tác, nên NFC không chú trọng nhiều tới khâu marketing, quảng bá thương hiệu. Tuy nhiên, khi xác định xây dựng thương hiệu riêng, Nhà sáng lập hiểu rằng, đồng hành cùng báo chí là lựa chọn hàng đầu để gia tăng mức độ nhận diện thương hiệu và khẳng định tên tuổi.

“Doanh nghiệp làm ra sản phẩm chất lượng mà không được quảng bá rộng rãi qua các kênh truyền thông, thì thông tin sẽ không thể đến gần với người dùng. Vì thế, NFC sẽ đồng hành cùng báo chí, truyền thông trong quá trình xây dựng và phát triển thương hiệu”, Chủ tịch HĐQT NFC nhấn mạnh.

Gia Hân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nhan-tran-thi-kieu-huong-nang-tam-nong-san-viet-voi-cong-nghe-say-thang-hoa-d218134.html