'Chỉ bàn làm, không bàn lùi' - bài 9: Hồi sinh từ đống tro tàn

Bế tắc rồi lại bế tắc … là thực trạng khi nhìn vào 4 dự án phân bón đầu tư nghìn tỷ đồng thua lỗ là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cách đây hơn 4 năm. Những quyết sách và tinh thần dám chịu trách nhiệm của người đứng đầu Chính phủ đã giúp các dự án dần vượt qua khó khăn và 'hồi sinh', từng bước đóng góp cho đất nước...

Những dự án nặng nợ hàng nghìn tỷ đồng

Khoảng giữa năm 2018, trong báo cáo của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) gửi Bộ Công Thương và Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng thành viên tập đoàn là ông Nguyễn Phú Cường thừa nhận cả 4 dự án phân bón đầu tư nghìn tỷ bị thua lỗ của tập đoàn đều trong tình trạng hết sức bĩ cực nếu không được giải cứu. Các dự án như những “con nghiện” khi mở mắt ra là phải trả lãi hàng chục tỷ đồng trong khi hoạt động èo uột, trên bờ phá sản.

Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc được hồi sinh từ những quyết sách của người đứng đầu Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Bằng.

Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc được hồi sinh từ những quyết sách của người đứng đầu Chính phủ. Ảnh: Nguyễn Bằng.

Thậm chí nguy cơ Vinachem bị “sập” vì các dự án thua lỗ cũng đã được ông Cường liên tục nhắc lại trong các cuộc họp sau đó của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của 12 dự án thua lỗ, chậm tiến độ của ngành Công Thương. Nguy cơ Vinachem cũng bị phá sản theo là hoàn toàn có thật khi trong 4 dự án có tình hình tồi tệ nhất trong số 12 dự án thua lỗ có tên Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đang nằm trong bảng xếp hạng nợ xấu nhóm 5 (nhóm có khả năng mất vốn).

Bản thân Vinachem cũng đã rót vào 4 dự án tổng cộng hơn 6.000 tỷ đồng trong khi vốn điều lệ tập đoàn là 13.000 tỷ. Bên cạnh khoản lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng, mỗi ngày mới trôi qua, Vinachem và các đơn vị phải chạy khắp nơi, tìm mọi cách để lo trả nợ ngân hàng với số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng.

Theo báo cáo của Vinachem tại thời điểm đó, trong số các dự án (Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình, Cty cổ phần Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Công ty cổ phần DAP - Vinachem và Công ty cổ phần DAP số 2 - Vinachem), chỉ có hai đơn vị có tín hiệu le lói khả quan. Gọi là khả quan nhưng thực tế cả hai đơn vị (Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (còn gọi là Đạm Hà Bắc) đều bị lỗ chồng lỗ. Điểm sáng tích cực nhất là dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng trong quý I/2018, ước lãi 14,8 tỷ đồng.

Theo tính toán, dự kiến cả năm 2018, dự án sản xuất 270.000 tấn DAP và có lãi khoảng hơn 18,4 tỷ đồng. Đây cũng là dự án đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án thua lỗ của ngành công thương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra dự án Đạm Ninh Bình.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đi kiểm tra dự án Đạm Ninh Bình.

Được xếp vào diện sáng cửa phục hồi do có sản lượng, doanh số cũng như giá bán sản phẩm liên tục tăng, số ngày chạy dây chuyền cũng tăng cao, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc đã duy trì được tiền lương của người lao động đạt bình quân là 6,684 triệu đồng/người/tháng, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Tại “Hội nghị triển khai nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ năm 2024 tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng và ổn định kinh tế vĩ mô” ngày 14/3/2024, Chủ tịch Vinachem Nguyễn Phú Cường cho biết năm 2023, dù gặp nhiều thách thức nhưng tập đoàn vượt qua những khó khăn và đạt được một số kết quả tích cực. Doanh thu hợp nhất tập đoàn đạt hơn 57.000 tỷ đồng, lợi nhuận xấp xỉ 3.500 tỷ và nộp ngân sách 1.700 tỷ. Tập đoàn bảo đảm công ăn việc làm cho gần 20.000 lao động, với thu nhập bình quân là 13,6 triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, kết quả kinh doanh của công ty không mấy tốt đẹp khi nhìn vào các con số công bố: Công ty chỉ bị lỗ tổng cộng 86,25 tỷ đồng. Đây là một tin rất mừng nếu so với con số lỗ kế hoạch 162 tỷ đồng đề ra cho 3 tháng đầu năm của công ty. Việc công ty giảm được lỗ tới 88,75 tỷ đồng so với kế hoạch chỉ nhờ vào việc thực hiện tiết kiệm tiêu hao trong sản xuất và giảm chi phí nguyên vật liệu với tổng số tiền 17,7 tỷ đồng. Còn lại, việc giảm được lỗ tất cả nhờ vào giá phân bón tăng cao.

Hai dự án còn lại của Vinachem là Đạm Ninh Bình và Công ty CP DAP số 2 - Vinachem hoạt động lay lắt, tính bình quân, mỗi tháng các dự án này đem lại khoản lỗ lên tới con số cả trăm tỷ đồng, kéo tụt cả bức tranh tài chính của Vinachem.

Hồi sinh từ những quyết sách quan trọng

Sau rất nhiều cuộc họp của Ban chỉ đạo xử lý các dự án thua lỗ, ngày 10/11/2018 được coi là dấu mốc quan trọng với Vinachem và cũng là tiền đề để tập đoàn dần thoát khỏi gánh nặng lỗ hàng nghìn tỷ khi được Thủ tướng Chính phủ chuyển quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại Tập đoàn từ Bộ Công Thương về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

Với mô hình mới, cách điều hành mới và quyết liệt cơ cấu lại toàn diện hoạt động của tập đoàn, cơ cấu lại Công ty mẹ và các đơn vị thành viên để tập trung vào ngành nghề kinh doanh cốt lõi, Vinachem đã bám sát sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là sự quan tâm của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp để cơ bản hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ được giao hướng tới từng bước thoát khỏi thua lỗ dù khó khăn chồng chất vẫn đeo bám đến hết năm 2020.

Việc Thủ tướng cùng các Phó Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp ngày đêm tìm mọi giải pháp tháo gỡ cho các dự án thua lỗ, yếu kém, từng bước giải quyết các vấn đề liên quan cơ chế đã giúp các dự án hồi sinh những nhà máy tưởng chừng không còn cơ hội tham gia thị trường.

Tuy nhiên, các dự án thực sự bước tiếp vào chu kỳ hồi sinh mạnh mẽ thứ hai khi Đề án 1468, dưới dự chỉ đạo sát sao của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, đã được Bộ Chính trị thông qua về chủ trương các biện pháp cơ cấu lại, tháo gỡ khó khăn.

Tại giai đoạn này, để gỡ khó cho Vinachem, nhiều đề xuất tái cơ cấu tài chính, tháo gỡ khó khăn đầy táo bạo đã được đưa ra nhằm đưa các dự án đi vào vận hành ổn định, vượt qua khó khăn, giảm thiệt hại vốn Nhà nước. Việc Vinachem được Chính phủ duyệt phương án tái cơ cấu nợ vay đầu tư của các dự án, thực hiện khoanh nợ 3 năm, điều chỉnh lãi suất cho vay tất cả các khoản vay của dự án về mức lãi suất 8,55%, kéo dài thời hạn vay của dự án, dừng tính lãi phạt trên nợ lãi chậm trả… đã tạo bước đột phá quan trọng để các dự án thật sự bước vào giai đoạn hồi sinh. Điều này thể hiện rõ nhất tại dự án Đạm Ninh Bình khi nhanh chóng vượt qua những khó khăn để lấy lại đà tăng trưởng và dần có lãi.

Theo đánh giá của chính lãnh đạo Vinachem, những quyết sách mang tính chiến lược của Bộ Chính trị, người đứng đầu Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, các đại dự án thua lỗ nghìn tỷ của Vinachem đã bước vào giai đoạn “gió đổi chiều” hồi sinh và có lãi nghìn tỷ đồng, đưa lợi nhuận toàn tập đoàn lên mức kỷ lục trong các năm 2022 và 2023.

Theo các số liệu của Vinachem, từ tháng 10/2021, dự án của Công ty CP DAP - Vinachem đã được ghi nhận sản xuất kinh doanh ổn định, hàng năm có lãi và là dự án đầu tiên được đưa ra khỏi danh sách 12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả. Đến năm 2022, cả 3 dự án còn lại của Vinachem là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình và DAP số 2 - Lào Cai đều đạt doanh thu kỷ lục và có lãi. Cụ thể, lợi nhuận của Đạm Hà Bắc đạt 1.779 tỷ đồng, Đạm Ninh Bình lãi 940 tỷ đồng, DAP số 2 - Lào Cai đạt lợi nhuận là 3,6 tỷ đồng.

“Năm 2022, tổng lợi nhuận của 3 đơn vị: Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP Lào Cai đạt được 2.700 tỷ, năm 2023 đạt 1.300 tỷ. Riêng 2 tháng đầu năm 2024, các đơn vị cũng hoạt động ổn định và có lãi, công suất huy động sản xuất hơn 90% công suất thiết kế”, lãnh đạo Tập đoàn Hóa chất Việt Nam cho hay.

(Còn nữa)

Phạm Tuyên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/chi-ban-lam-khong-ban-lui-bai-9-hoi-sinh-tu-dong-tro-tan-post1650076.tpo