Doanh nhân Việt kiều Johnathan Hạnh Nguyễn: Hiện thực hóa giấc mơ
Nhân dịp kỷ niệm 45 năm quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Philippines (1976-2021), điều không thể không nhắc đến là công lao đóng góp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn vào sự thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
Tại Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X vào ngày 10/12/2020 tại Hà Nội vừa qua, hàng nghìn con mắt đổ đồn vào ông Johnathan Hạnh Nguyễn - một doanh nhân Việt kiều - Chủ tịch Tập đoàn Liên Thái Bình Dương (IPPG) với hơn 20 huân chương, huy chương được gắn gần kín hai bên ngực áo khoác.
Ông vinh dự là một trong 2.300 đại biểu điển hình tham dự Đại hội lần này và vinh dự được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tặng hoa chúc mừng.
Để có được các huân, huy chương đó, cùng với gần 400 bằng khen, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã phải cố gắng, nỗ lực liên tục trong suốt hơn 35 năm kể từ ngày từ Philippines về nước đầu tư kinh doanh và có nhiều đóng góp to lớn vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.
Do công tác tại các vụ phụ trách địa bàn Đông Nam Á của Bộ Ngoại giao nhiều năm và là nguyên Đại sứ Việt Nam tại Philippines, tôi đã có nhiều cơ hội gặp và chứng kiến quá trình hoạt động và đóng góp của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cho đất nước.
Vào đầu thập niên 1980, do lệnh cấm vận của Mỹ, Việt Nam chỉ có hai cửa ngõ hàng không là Việt Nam - Bangkok và Việt Nam - Moscow. Do đó, việc mở thêm các đường bay khác là một nhiệm vụ cấp bách của Việt Nam lúc bấy giờ.
Bằng mọi mối quan hệ với Phủ Tổng thống và với nhiều sáng kiến, thậm chí có lúc tính mạng như ngàn cân trên sợi tóc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn đã lấy được chữ ký “đồng ý” của Tổng thống Ferdinand Marcos khi vào đến tận phòng làm việc của Tổng thống để trình tập hồ sơ mở đường bay Philippines - Việt Nam vào ngày 4/9/1985.
Nhiều lần ông Trần Tiến Vinh, Đại biện lâm thời của Việt Nam tại Philippines lúc bấy giờ và ông Johnathan Hạnh Nguyễn kể lại cho tôi và nhiều bạn bè, giới báo chí khoảnh khắc mạo hiểm này và bản thân ông Johnathan Hạnh Nguyễn cũng không rõ vì sao lúc đó Tổng thống Marcos lại ký đồng ý.
Do vậy, có thể nói rằng việc mở đường bay giữa hai nước công đầu thuộc về ông Johnathan Hạnh Nguyễn. Đường bay này cũng đánh dấu sự khởi đầu kinh doanh, đầu tư của ông tại Việt Nam với việc thành lập Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPP) vào năm 1986 (sau này đổi tên là Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG).
Hoạt động kinh doanh của ông trong thời gian đầu gặp rất nhiều khó khăn. Dần dần với lòng quyết tâm, nỗ lực và với phương châm “làm việc gì có lợi cho đất nước, thì tập trung làm”, Tập đoàn Liên Thái Bình Dương do ông làm Chủ tịch ngày càng phát triển.
Hiện nay, IPPG đã kinh doanh đầu tư và hợp tác đầu tư trên 40 dự án với tổng số vốn hơn 500 triệu USD, tạo công ăn việc làm cho hơn 30.000 lao động trong nước và mỗi năm đóng góp hàng ngàn tỷ đồng tiền thuế.
IPPG kinh doanh và là đối tác của nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới trải rộng trên nhiều lĩnh vực từ thời trang và mỹ phẩm như Burberry, Bally, Ferragamo, Bvlgari, Chanel, Rolex, Cartier, Versace... đến ăn uống như Burgerking, Popeyes, Domingo’s Pizza... Ngoài ra, IPPG hợp tác đầu tư vào việc xây dựng các chuỗi cửa hàng miễn thuế tại các sân bay, cửa khẩu cũng như các trung tâm thương mại lớn tại Việt Nam, trong đó có Trung tâm Thương mại Tràng Tiền và đặc biệt, đầu tư quản lý và xây dựng nhà ga quốc tế Cam Ranh - một trong những sân bay đẹp và hiện đại nhất Việt Nam.
Ngoài đầu tư kinh doanh, ông Johnathan Hạnh Nguyễn rất coi trọng việc tham gia công tác từ thiện xã hội trên khắp các tỉnh, thành trên cả nước, đặc biệt trong các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, văn hóa, giáo dục ở những vùng sâu, vùng xa.
Từ đầu năm 2020 đến nay, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng nhiều đến công việc kinh doanh của doanh nghiệp nói chung và của ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói riêng.
Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục triển khai các hoạt động từ thiện của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam, Quỹ Học bổng Vừ A Dính, Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu”, Quỹ Phòng chống Covid-19, Quỹ Vì người nghèo... Ông còn hỗ trợ người dân các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ảnh hưởng bởi hạn hán xâm nhập mặn, giúp đỡ đồng bào miền Trung bị thiệt hại do thiên tai, bão lũ...
Đối với phía Philippines, ông đã hỗ trợ Bộ Ngoại giao và người dân 750.000 khẩu trang và nhiều thiết bị y tế có giá trị trong phòng chống dịch Covid-19. Ông còn vận động Bộ Ngoại giao Philippines để hỗ trợ đưa các ngư dân Việt Nam hồi hương, vận động hỗ trợ xúc tiến việc xuất nhập khẩu gạo, hỗ trợ nông dân Việt Nam và người dân Philippines.
Gần đây, khi trao đổi với tôi, ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ rất vui mừng bởi năm nay, hai nước kỷ niệm 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và đối với ông cũng là kỷ niệm 35 năm đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam.
Bản thân ông cảm thấy tự hào đã có đóng góp ít nhiều vào sự xây dựng và bảo vệ Tổ quốc cũng như thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Philippines.
Sắp tới, Tập đoàn sẽ mở rộng nhiều lĩnh vực đầu tư, phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong việc thực hiện các dự án lớn để đóng góp vào sự thịnh vượng chung của đất nước cũng như góp phần vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Philippines.
Tôi tin rằng với tâm huyết, nỗ lực và trái tim luôn hướng về Tổ quốc, ông Johnathan Hạnh Nguyễn sẽ thực hiện được những dự án đó.