Doanh số bán lẻ của Mỹ trong tháng 3 tăng nhẹ, đạt 665,7 tỷ USD
Bộ Thương mại Mỹ ngày 15/4 thông báo doanh số bán lẻ của nền kinh tế lớn nhất thế giới trong tháng 3 tăng 0,5%, giữa bối cảnh lạm phát tiếp tục tăng.
Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York.
Báo cáo của Bộ trên cho thấy doanh số bán lẻ ở Mỹ trong tháng 3 đạt 665,7 tỷ USD, tăng hơn 6,9% so với cùng kỳ năm trước.
Trưởng bộ phận chuyên gia kinh tế Diane Swonk của công ty kế toán Grant Thornton cho biết doanh số bán ôtô trong tháng Ba giảm 1,2% do vẫn thiếu hụt nguồn cung. Trong khi đó, doanh số bán lẻ không bao gồm xe có động cơ và phụ tùng, tăng 1,1%, thấp hơn vài điểm phần trăm so với lạm phát chung.
Báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cũng cho thấy doanh số bán lẻ tháng 2 được điều chỉnh tăng từ 0,3% lên 0,8%, sau khi tăng 4,9% trong tháng 1.
Số liệu doanh số bán lẻ được đưa ra hai ngày sau khi Bộ Lao động Mỹ thông báo lạm phát tại nước này đã tiếp tục tăng trong tháng 3/2022, với chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 8,5% trong 12 tháng qua. Đây là mức tăng cao nhất kể từ tháng 12/1981.
Thống kê cho thấy so với tháng 2 vừa qua, CPI đã tăng 1,2%, phù hợp với dự báo trước đó của các nhà phân tích mặc dù CPI "lõi" (không báo giá thực phẩm và năng lượng) chỉ tăng 0,3% trong tháng 3.
Với số liệu trên, đây là tháng thứ 6 liên tiếp, CPI hàng năm tại Mỹ ở mức trên 6%. CPI của tháng trước đó là 7,9%.
Giới phân tích cho rằng lạm phát cao liên tục có thể dẫn đến giảm nhu cầu tiêu dùng, khiến người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu hoặc gây thêm áp lực tăng lương, vốn có thể đẩy lạm phát cao hơn. Cả hai điều này đều không có lợi cho nền kinh tế.
Cùng ngày, Bộ Lao động Mỹ cho biết lượng người xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần vừa qua (tính đến ngày 9/4) tăng 18.000 người (tương đương 10,8%) lên 185.000 người, sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào tuần trước đó.
Với lạm phát cao, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) được cho là sẽ có động thái tích cực trong việc tăng lãi suất trong tương lai, như nhiều quan chức Fed đã dự báo./.