Doanh số không như kỳ vọng, TMT Motors dự định kinh doanh thêm nhiều ngành

So với mục tiêu bán 6.582 xe trong năm 2024, doanh số xe TMT Motors bán ra thực tế chưa bằng 50% kế hoạch đặt ra.

Vẫn đặt mục tiêu tăng doanh số cao

Ngày 26/4 tới đây, Công ty CP ô tô TMT (TMT Motors) sẽ tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2025. Tài liệu họp đã được công ty công bố.

TMT Motors hiện kinh doanh các dòng xe thương mại và ô tô điện Wuling.

TMT Motors hiện kinh doanh các dòng xe thương mại và ô tô điện Wuling.

Tài liệu họp công bố trước đại hội cổ đông cho thấy, năm 2024, sản lượng xe tiêu thụ thực tế của TMT Motors đạt 3.193 xe, thấp hơn 52% so với kế hoạch đề ra là 6.582 chiếc.

Tuy vậy trong năm 2025, TMT Motors vẫn đặt mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt 8.075 xe, tăng 152% so với số thực hiện của năm 2024. Con số này còn cao hơn mục tiêu đề ra của năm 2024.

TMT Motors còn thông tin thêm: "Năm 2025, công ty sẽ tập trung vào các sản phẩm xe tải thùng có sản lượng tiêu thụ ổn định trong dải sản phẩm phân phối. Ngoài ra, TMT vẫn duy trì và phát huy thế mạnh là các dòng xe tải ben các loại.

Đối với sản phẩm xe điện, TMT dự kiến đưa thêm một số mẫu xe mới vào thị trường để đa dạng hóa sản phẩm….

Ngoài ra, công ty TMT sẽ tập trung phát triển kênh bán hàng marketing online. Đây là xu thế của các doanh nghiệp lớn, tận dụng công nghệ 4.0 để bán hàng".

Ngoài ra với kế hoạch đầu tư, TMT Motors sẽ tiếp tục hoàn thiện kế hoạch xây dựng dây chuyền xe ô tô điện với tổng sản lượng 30.000 xe/năm để đáp ứng nhu cầu trong tương lai của ngành xe ô tô điện.

Các ngành nghề kinh doanh bổ sung của TMT Motors.

Các ngành nghề kinh doanh bổ sung của TMT Motors.

Bổ sung thêm ngành nghề kinh doanh

Cũng tại bộ tài liệu họp đại hội cổ đông năm 2025 xuất hiện tờ trình về việc bổ sung ngành nghề kinh doanh của công ty với lý do "xuất phát từ nhu cầu mở rộng quy mô hoạt động, nhằm tạo khả năng khai thác tối đa mọi cơ hội kinh doanh".

Theo đó, TMT Motors dự kiến sẽ bổ sung thêm 7 ngành nghề kinh doanh gồm: Thiết kế cải tạo xe cơ giới đường bộ (mã ngành 7110); Cải tạo các phương tiện GTVT và cải tạo xe cơ giới đường bộ (mã ngành 3099); Vận tải hành khách bằng taxi (mã ngành 4931); Vận tải hành khách bằng đường bộ khác (mã ngành 4932); Vận tải hàng hóa bằng đường bộ (mã ngành 4933); Vận tải hành khách bằng xe buýt giữa nội thành và ngoại thành, liên tỉnh (mã ngành 4922); Cho thuê ô tô ((mã ngành 7710).

Trao đổi với PV, ông Quang Anh, chuyên gia phân tích thị trường ô tô nhận định, sự chuyển đổi của TMT Motors có phần giống với mô hình mà VinFast đang triển khai.

Việc đăng ký bổ sung các ngành nghề kinh doanh liên quan đến lĩnh vực vận tải có thể giải quyết được hai vấn đề gồm bài toán doanh số với các mẫu xe điện Wuling với hãng mẹ SAIC và đồng thời cũng để làm đẹp lên báo cáo tài chính của doanh nghiệp. Tuy nhiên điểm khác là Vingroup tạo ra các công ty con để thực hiện việc cho thuê, hay kinh doanh taxi.

"Về mặt tài chính, không thành lập công ty con mà TMT Motors tự kinh doanh vẫn làm được. Nghĩa là TMT Motors sẽ sử dụng chính những chiếc xe mà họ lắp ráp/nhập khẩu để tham gia những ngành nghề kinh doanh mới.", ông Quang Anh nói thêm.

Với chiến lược kể trên, ông Quang Anh nhận định rất có thể sắp tới, TMT Motors sẽ có hãng taxi riêng. Nhìn chung nếu xoay theo cách đăng ký ngành nghề mới và thực hiện, TMT Motors có thể sẽ xử lý được bài toán tồn kho dài hạn, báo cáo tài chính đẹp hơn trong tương lai chứ không lỗ nhiều như hiện tại.

Cẩm Tú

Nguồn Xe Giao Thông: https://xe.baoxaydung.vn/doanh-so-khong-nhu-ky-vong-tmt-motors-du-dinh-kinh-doanh-them-nhieu-nganh-192250410152245383.htm