ĐBSCL vẫn 'loay hoay' xoay chuyển cơ cấu kinh tế
Cơ cấu kinh tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có sự phụ thuộc vào lĩnh vực nông nghiệp ngày tăng. Cuộc sống của người dân cũng bấp bênh theo mùa vụ và các điều kiện tự nhiên khách quan. Nhưng để xoay chuyển cơ cấu kinh tế hướng đến sản xuất nông nghiệp giá trị cao và bền vững vẫn không phải là chuyện đơn giản.

Cơ cấu kinh tế vùng ĐBSCL phụ thuộc quá nhiều vào lĩnh vực nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
“Phụ thuộc” nông nghiệp nhiều hơn
Năm ngoái, ĐBSCL có tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 41,9 tỉ đô la Mỹ, trong đó, xuất khẩu đạt 28,1 tỉ đô la Mỹ và nhập khẩu là 13,8 tỉ đô la Mỹ. Điều này cho thấy, ĐBSCL giữ vai trò vô cùng quan trọng khi đạt mức xuất siêu khoảng 14,3 tỉ đô la Mỹ, chiếm hơn một nửa xuất siêu cả nước.
TS Vũ Thành Tự Anh, Giám đốc Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright (FSPPM) tại sự kiện công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2024 diễn ra mới đây, nhấn mạnh ĐBSCL hoàn toàn có quyền tự hào khi chiếm 17% dân số, nhưng đóng góp gần 58% tổng thặng dư thương mại cả nước năm ngoái.
Tuy nhiên, có một thực tế đáng buồn, đó là đời sống của người dân khu vực ĐBSCL gắn với hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là với cây lúa vẫn chưa thể... làm giàu.
Trao đổi với KTSG Online, ông Trần Vũ Chí, một nông dân sản xuất lúa ở xã Tân Công Sính, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, người có 10 héc ta sản xuất lúa thừa nhận, tiền lời từ cây lúa mang lại cho gia đình ông trong vụ đông xuân 2024-2025 vừa qua là không đáng kể, chỉ khoảng 10 triệu đồng/héc ta sau ba tháng sản xuất. “Nếu đất thuê sẽ lỗ”, ông nói.
Sản xuất quy mô 10 héc ta còn chật vật, thì với một thực tế khoảng 50% số hộ nông dân ở ĐBSCL có diện tích đất trồng lúa chỉ khoảng 0,5 héc ta/hộ, tức lợi nhuận mang lại từ cây lúa là không đáng kể cho các hộ gia đình.
Thu nhập từ nông nghiệp rất bấp bênh, nhưng nền kinh tế ĐBSCL vẫn phải phụ thuộc quá nhiều vào nông nghiệp, thậm chí tăng lên.
Ông Tự Anh dẫn chứng, kinh tế của ĐBSCL chậm chuyển đổi trong suốt giai đoạn 10 năm qua, thậm chí cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp trong năm 2024 đã tăng thêm 1,1 điểm phần trăm so với năm trước đó, tức mức độ lệ thuộc vào nông nghiệp đang tăng.
Cụ thể, năm 2024, khu vực I (nông, lâm, thủy sản) chiếm 30,08%; khu vực II (công nghiệp và xây dựng) chiếm 27,93%; khu vực III (dịch vụ) chiếm 36,96% và phần còn lại là thuế sản phẩm.
Điều gì khiến ĐBSCL “phụ thuộc” nhiều vào nông nghiệp?
Vị chuyên gia của FSPPM cho rằng, sự ràng buộc an ninh lương thực, yếu kém về hạ tầng cũng như những hạn chế về thể chế là nguyên nhân dẫn đến kết quả ĐBSCL chưa thể dịch chuyển được về cơ cấu kinh tế, tức vẫn lệ thuộc quá lớn vào khu vực I.
Kết quả của sự lệ thuộc khi nhìn ở bức tranh toàn cảnh, đó là thu nhập của dân cư ĐBSCL dù đã tăng 24,4% từ năm 2010 đến 2022, nhưng thuộc nhóm thấp nhất cả nước, chỉ bằng 50% so với mặt bằng chung cả nước. “Đây là lý do ĐBSCL tụt hậu và đó cũng là nguyên nhân người dân Đồng bằng tiếp tục phải di cư đến các vùng khác để kiếm sống”, ông Tự Anh cho biết.
Thực tế, báo cáo Kinh tế thường niên ĐBSCL do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh ĐBSCL (VCCI ĐBSCL) phối hợp cùng FSPPM thực hiện đã chỉ ra, ĐBSCL có gần 1,1 triệu người đã rời quê đi… “Bình Dương”

Dịch chuyển sang công nghiệp chế biến để tận dụng nền tảng nông nghiệp. Ảnh: Trung Chánh
“Xoay chuyển” cách nào?
Do phụ thuộc nông nghiệp nên động lực tăng trưởng của vùng ĐBSCL thời gian qua cũng dựa vào lĩnh vực này, khi chiếm hơn 30% GDP của vùng. Thế nhưng, thực tế con số còn lớn hơn, bởi công nghiệp chế biến cũng sử dụng đầu vào của nông nghiệp, tức nông nghiệp gián tiếp tạo ra nhiều GDP và công ăn việc làm ở lĩnh vực công nghiệp.
Để ĐBSCL có thể “đi lên” từ nền tảng nông nghiệp, cần phải thu hút đầu tư, phát triển thêm doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực chế biến. Đây sẽ là động lực để giải quyết vấn đề tăng năng suất lao động, tạo công ăn việc làm phát triển lĩnh vực công nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế cho ĐBSCL.
Rõ ràng, ĐBSCL có thể phát triển được lĩnh vực công nghiệp, bởi chỉ số sản xuất công nghiệp của vùng năm ngoái đạt 12,2%, cấp gấp 1,5 lần so với cả nước. “Điều này cho thấy, chúng ta hoàn toàn có thể phát triển được công nghiệp”, ông Tự Anh đánh giá và cho rằng, thương mại dịch vụ cũng có thể phát triển mạnh ở vùng này khi tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa dịch vụ năm ngoái đạt 14,5%, cao gấp 1,7 lần so với cả nước.
Để ĐBSCL xoay chuyển cơ cấu kinh tế, rõ ràng phải phát triển doanh nghiệp mạnh hơn để thay đổi, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp chế biến để đi lên từ tảng của nông nghiệp.
Trao đổi với KTSG Online, ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết để phát triển được doanh nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng, vấn đề quan trọng là thực hiện tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. “Ví dụ, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông sản chế biến, thì các địa phương phải tập trung tháo gỡ, nhất là chi phí kinh doanh cao, logistics…”, ông gợi ý.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng hơn, nhà nước phải tập trung đầu tư công để tạo nền tảng, điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất của doanh nghiệp, có thể là hệ thống kho lạnh, hệ thống logistics cho nông nghiệp...
Ông Tự Anh của FSPPM đồng quan điểm khi nhấn mạnh, đầu tiên phải tăng đầu tư công cho ĐBSCL để xứng đáng với những đóng góp của vùng này cho cả nước. Bởi lẽ, hiện đầu tư công của ĐBSCL đứng cuối bảng các vùng kinh tế khi chỉ chiếm 12% tổng đầu tư công cả nước.
Khi có nguồn lực đầu tư công lớn hơn, thì phải xác định được ưu tiên cho các lĩnh vực mang lại hiệu quả lan tỏa cao như: cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông và những lĩnh vực đặc thù của vùng, bao gồm nông nghiệp công nghệ cao; giống cây trồng, vật nuôi; trung tâm chế biến, logistics và hậu cần cho nông sản.
Theo ông Tự Anh, việc đầu tư như nêu trên, một mặt giúp ĐBSCL đa dạng hóa được hoạt động kinh tế, mặt khác tạo nền tảng để tăng năng suất, giúp kết nối tốt hơn của chính bản thân chuỗi giá trị cũng như kết nối nền kinh tế nội vùng với các vùng khác và thế giới.
Song song đó, ở góc độ chính quyền các địa phương, cần cải thiện môi trường kinh doanh, khả năng tiếp cận tín dụng, đất đai, giảm bớt chi phí tuân thủ pháp luật và rào cản hành chính. “Đặc biệt, với chính sách tín dụng cần “thiết kế” gói tín dụng riêng, phù hợp với đặc tính mang tính mùa vụ ngành nông nghiệp của vùng”, ông Tự Anh gợi ý.
Ở góc độ doanh nghiệp, trao đổi với KTSG Online, ông Trần Văn Đức, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư dừa Bến Tre, cho biết bên cạnh môi trường đầu tư kinh doanh, các địa phương ĐBSCL cần có chính sách thu hút đầu tư đủ tốt. Chẳng hạn, chi phí để ổn định hạ tầng cho một nhà xưởng ở ĐBSCL rất tốn kém, cao gấp đôi so với các vùng khác.
Rõ ràng, với những biện pháp được gợi ý như nêu trên, việc thu hút và phát triển doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực công nghiệp chế biến sẽ được cải thiện cho khu vực ĐBSCL. Khi đó, cơ cấu kinh tế của vùng sẽ được dịch chuyển tích cực hơn, giúp phát triển kinh tế ĐBSCL, nâng cao đời sống người dân từ nền tảng thế mạnh nông nghiệp…
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dbscl-van-loay-hoay-xoay-chuyen-co-cau-kinh-te/