Doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 giảm xuống 9%
Báo cáo Tổng kết hoạt động thẻ ngân hàng Việt Nam năm 2019 và 6 tháng đầu năm 2020, Chủ tịch Hội Thẻ ngân hàng Việt Nam Đào Minh Tuấn cho biết, số lượng thẻ lưu hành cuối năm 2019 đạt 103 triệu thẻ (tăng 16,5 triệu thẻ so với năm 2018), trong đó số lượng thẻ phát hành mới trong năm 2019 là 22 triệu thẻ.
Số lượng thẻ phát hành mới trong 6 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 10 triệu thẻ.
“Hầu hết các loại thẻ đều ghi nhận tăng trưởng âm so với cùng kỳ về số lượng thẻ phát hành mới; trừ thẻ tín dụng quốc tế, ghi nợ quốc tế vẫn ghi nhận tăng trưởng tốt, thậm chí tăng trưởng thẻ ghi nợ quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2020 là 24%, cao hơn năm 2019 đạt 23%”, ông Tuấn cho biết.
Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường 6 tháng đầu năm 2020 giảm xuống 9% (tổng doanh số sử dụng thẻ toàn thị trường năm 2019 đạt 24%). Trong đó, tăng trưởng doanh số sử dụng thẻ nội địa giảm xuống còn 6% trong 6 tháng đầu năm 2020 (năm 2019 tăng trưởng 19%). Doanh số sử dụng thẻ quốc tế vẫn tăng tốt ở mức 22% trong 6 tháng đầu năm 2020 (năm 2019 đạt 47%).
Đại diện Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam cũng cho biết, doanh số thanh toán thẻ toàn thị trường trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 3% (năm 2019 tăng trưởng 11%). Doanh số rút tiền mặt chiếm 79% trên tổng doanh số thanh toán thẻ trên thị trường. Doanh số thanh toán rút tiền mặt giảm 1% trong 6 tháng đầu năm 2020, trong đó: 90% doanh số thanh toán rút tiền mặt tại thị trường Việt Nam vẫn đến từ thẻ nội địa.
Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ tại mạng lưới đơn vị chấp nhận thanh toán trong 6 tháng đầu năm 2020 ghi nhận giảm 7% (năm 2019 đạt 27%), trong đó: Doanh số thanh toán chi tiêu thẻ quốc tế giảm 9%, giảm mạnh hơn so với thẻ nội địa (giảm 4%).
Tính đến ngày 30/6/2020, số lượng ATM lưu hành trên thị trường đạt 19.307 máy. Trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số rút tiền mặt/ATM/tháng giảm 4%, còn 11,03 tỷ đồng/máy/tháng (Năm 2019: 11,47 tỷ đồng/máy/tháng, tăng trưởng 3%).
Số lượng máy POS đang lưu hành đạt 189.389 máy, giảm mạnh so với năm 2019. Thống kê cho thấy, hiệu suất giao dịch trên 1 POS ở Việt Nam tăng qua các năm và đạt tăng trưởng 15% trong 6 tháng đầu năm 2020. Loại thẻ được sử dụng chủ yếu để thanh toán tại POS vẫn là thẻ quốc tế (chiếm tỷ trọng 73%), tỷ trọng này có thay đổi so với năm 2019 do ảnh hưởng của tình trạng đóng cửa biên giới do COVID-19.
Báo cáo được Chủ tịch Hội thẻ Ngân hàng Việt Nam công bố cho thấy, điểm sáng trong bức tranh thanh toán thẻ những tháng đầu năm 2020 là doanh số thanh toán chi tiêu thẻ nội địa tại kênh thanh toán mới (mPOS, QR, Ecom) có tăng trưởng cao, đặc biệt trong 6 tháng đầu năm 2020, doanh số thanh toán Ecom thẻ nội địa tăng trưởng cao ở mức 81%. Đến nay, trên thị trường có 6 ngân hàng triển khai mPOS (bằng với năm 2018) và 11 ngân hàng triển khai QR (năm 2018 là 6 ngân hàng).
Về định hướng phát triển thanh toán thẻ trong thời gian tới, ông Tuấn cho biết cụ thể như sau:
Thứ nhất, tiếp tục sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách nhằm tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho hoạt động TTKDTM, thanh toán điện tử, đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ thông tin, ngân hàng số, thanh toán số, tạo thuận lợi cho việc chuyển đối số; khuyến khích TTKDTM; hạn chế thanh toán bằng tiền mặt trong nền kinh tế; đảm bảo an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán.
Thứ hai, nâng cấp, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ TTKDTM để đảm bảo niềm tin cho khách hàng trong việc sử dụng dịch vụ ngân hàng.
Thứ ba, nghiên cứu, phát triển các dịch vụ thanh toán thẻ; phát triển, sắp xếp, hợp lý hóa, nâng cao chất lượng, hiệu quả mạng lưới thiết bị chấp nhận thẻ.
Thứ tư, nghiên cứu, phát triển hệ thống POS dùng chung.
Thứ năm, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát các hệ thống thanh toán nhằm ngăn chặn rủi ro.
Thứ sáu, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn qua đó tăng cường việc tiếp cận và sử dụng dịch vụ tài chính, nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng về tài chính của người tiêu dùng trong lĩnh vực TTKDTM.