Doanh thu dầu mỏ giảm ảnh hưởng ra sao tới chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine?
Doanh thu của Nga từ sản xuất và xuất khẩu dầu trong tháng 1/2023 đã giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng Nga có thể lấp đầy bất kỳ lỗ hổng doanh thu dầu mỏ nào trong vài năm tới.
Sau khi các nước phương Tây áp đặt hạn chế trong năm 2022, Nga đã chuyển hướng xuất khẩu dầu mỏ sang châu Á, điều động một đội tàu chở dầu không bị ảnh hưởng bởi trừng phạt của phương Tây và áp dụng các kế hoạch né tránh đã được các đồng minh như Iran hay Venezuela thực hiện hiệu quả trước đó.
Chiến lược này đã có hiệu quả: Theo dữ liệu chính thức, Nga không chỉ duy trì mà còn gia tăng nguồn tiền thu được từ xuất khẩu năng lượng, trong đó có dầu mỏ, để hỗ trợ các nỗ lực quân sự.
Nga bắt đầu ngấm đòn trừng phạt?
Tuy nhiên, không rõ liệu Nga có thể tiếp tục những nỗ lực như vậy để tăng doanh thu từ dầu mỏ hay không. Có những dấu hiệu cho thấy các biện pháp kiểm soát của phương Tây có hiệu lực vào tháng 12/2022, bao gồm lệnh cấm vận đối với hầu hết hoạt động bán dầu sang châu Âu và mức giá trần của G7 đối với dầu thô của Nga, đang bắt đầu tác động sâu sắc đến thu nhập của ngành năng lượng Nga.
Một vòng trừng phạt khác nhằm cắt giảm ngân sách quân sự của Nga bắt đầu hôm 5/2, khi lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu đối với dầu diesel, xăng và các sản phẩm dầu tinh chế khác của Nga có hiệu lực. Giống như các lệnh trừng phạt đối với dầu thô, đòn trừng phạt lần này đi kèm với việc G7 áp giá trần đối với dầu diesel và các sản phẩm khác từ dầu mỏ của Nga.
Các nhà phân tích cho rằng, việc tăng dần các biện pháp trừng phạt đối với lĩnh vực dầu mỏ, nhằm làm giảm doanh thu xuất khẩu của Nga mà không dập tắt sự phục hồi toàn cầu mong manh sau đại dịch Covid-19, là một chính sách phải mất nhiều năm mới có kết quả.
Ông Edward Fishman, cựu quan chức làm việc về các lệnh trừng phạt của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Nói chung, các biện pháp trừng phạt giống như một cuộc chạy marathon hơn là một cuộc chạy nước rút”.
Một năm kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bắt đầu bùng phát, Moscow vẫn có thể duy trì dòng chảy dầu mỏ.
Theo ước tính từ chính phủ Nga và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), trong cả năm 2022, Nga đã tăng sản lượng dầu thêm 2% và tăng doanh thu từ xuất khẩu dầu mỏ thêm 20%, lên 218 tỷ USD. Doanh thu của Nga tăng là nhờ giá dầu tăng tổng thể sau khi chiến dịch quân sự của nước này ở Ukraine bắt đầu và nhu cầu ngày càng tăng sau khi các đợt phong tỏa do đại dịch Covid-19 kết thúc. Những xu hướng đó cũng mang lại lợi ích cho các gã khổng lồ dầu mỏ phương Tây như Exxon Mobil và Shell, cả 2 đều báo cáo lợi nhuận kỷ lục trong năm 2022.
Theo IEA, Nga cũng thu về 138 tỷ USD từ khí đốt tự nhiên, tăng gần 80% so với năm 2021 nhờ mức giá kỷ lục có thể bù đắp cho việc cắt giảm dòng khí đốt đến châu Âu.
Tuần trước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết mức trần giá dầu, hiện là 60 USD/thùng, khó có thể ảnh hưởng đến khối lượng xuất khẩu dầu của Nga. IMF cũng dự báo nền kinh tế Nga sẽ tăng trưởng 0,3% trong năm 2023 sau khi giảm 2,2% vào năm 2022.
Dầu Nga giảm giá mạnh chỉ là sự đánh lừa?
Nga đã giảm tác động từ các biện pháp trừng phạt của phương Tây bằng cách chuyển hướng xuất khẩu dầu thô sang Trung Quốc, Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ, tận dụng khả năng tiếp cận các cảng dầu trên 3 vùng biển khác nhau, các đường ống mở rộng, đội tàu chở dầu lớn và thị trường vốn nội địa lớn được bảo vệ khỏi các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Trong quá trình đó, Điện Kremlin, chỉ trong vài tháng, đã có thể thiết kế lại các mô hình thương mại dầu mỏ toàn cầu tồn tại hàng thập kỷ. Ví dụ, xuất khẩu dầu mỏ của Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 16 lần so với khi mới bắt đầu chiến dịch quân sự, đạt mức trung bình 1,6 triệu thùng dầu mỗi ngày trong tháng 12/2022, theo IEA.
“Nga vẫn là một thế lực đáng gờm trên thị trường năng lượng toàn cầu. Đối đầu với một nhân tố lớn như vậy không hề dễ dàng chút nào, và sẽ không thể thay đổi trong một sớm một chiều”, ông Sergey Vakulenko, một học giả về năng lượng tại Tổ chức Carnegie vì Hòa bình Quốc tế có trụ sở ở Washington, cho biết.
Nga vẫn tiếp tục sản xuất khoảng 10 triệu thùng dầu mỗi ngày và là nhà sản xuất lớn thứ 3 thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia. Tuy nhiên, lệnh cấm vận của châu Âu và mức giá trần được thông qua ngày 5/12/2022, đã làm giảm doanh thu của Nga từ việc xuất khẩu dầu mỏ. Trong tháng 12/2022, doanh thu xuất khẩu dầu của Nga là 12,6 tỷ USD, thấp hơn gần 4 tỷ USD so với một năm trước đó, theo ước tính của IEA.
Điều đó phần lớn là do các công ty dầu mỏ của Nga phải chiết khấu nhiều hơn cho nhóm người mua đang ngày càng thu hẹp.
Xu hướng này có thể sẽ tiếp tục tồn tại. Doanh thu của Nga từ sản xuất và xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt trong tháng 1/2023 đã giảm 46% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo công ty dữ liệu năng lượng Argus Media, chênh lệch giữa giá dầu Brent, giá chuẩn toàn cầu và giá dầu Urals - loại dầu thô xuất khẩu chính của Nga, đã tăng lên khoảng 40 USD/thùng trong tháng 1/2023. Sự chênh lệch này ở thời điểm trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát chỉ là vài USD.
Bộ Tài chính Nga đã thừa nhận sự sụt giảm doanh thu từ dầu mỏ. Tuần trước, Bộ này cho biết, giá trung bình của dầu Urals trong tháng 1/2023 là 49,50 USD/thùng, gần bằng một nửa so với giá 1 năm trước đó. Bộ Tài chính Nga sử dụng giá dầu Urals để tính thuế thu được từ xuất khẩu dầu.
Tuy nhiên, một số chuyên gia dầu mỏ cho rằng việc dầu Nga giảm giá mạnh cho có thể một phần chỉ là sự đánh lừa.
Phân tích dữ liệu hải quan từ Ấn Độ, ông Vakulenko, chuyên gia dầu mỏ của Nga, nhận thấy các nhà nhập khẩu dầu thô Nga tại Ấn Độ đã trả mức giá gần như tương đương với dầu Brent. Phân tích của New York Times cũng cho kết quả tương tự.
Theo ông Vakulenko, lý do là một phần chiết khấu lớn trên giá dầu Ural niêm yết đã được các nhà xuất khẩu và trung gian Nga bỏ túi, sau đó họ tính giá cao hơn cho người mua ở Ấn Độ.
Doanh thu dầu mỏ giảm không ảnh hưởng đến nỗ lực quân sự
Tatiana Mitrova, một chuyên gia về dầu mỏ của Nga tại Trung tâm Chính sách Năng lượng Toàn cầu tại Đại học Columbia, cho biết khoản thu này sẽ không được tính trực tiếp vào thuế của chính phủ Nga. Nhưng vì các nhà xuất khẩu Nga có thể có quan hệ mật thiết với Điện Kremlin nên một phần số tiền vẫn có thể hỗ trợ cho nỗ lực chiến dịch quân sự của Nga.
“Đó là loại quỹ đen”, bà Mitrova nói.
Các chuyên gia đồng ý rằng về lâu dài, tương lai của doanh thu từ dầu mỏ Nga sẽ được quyết định bởi các lực lượng kinh tế toàn cầu nằm ngoài tầm kiểm soát của những người thực thi lệnh trừng phạt của phương Tây.
Giá dầu toàn cầu sẽ vẫn là yếu tố quyết định lớn nhất đến số tiền mà Nga có thể thu được từ một thùng dầu thô xuất khẩu, bất chấp tương lai ngày càng mờ mịt của thương mại Nga.
Mức giá đó là bao nhiêu phần lớn phụ thuộc vào đồng minh của Nga như Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế vừa bắt đầu phục hồi sau vài năm bị hạn chế nghiêm ngặt vì Covid-19. Theo ước tính của Kpler, một công ty theo dõi vận chuyển năng lượng, nhập khẩu dầu thô của Trung Quốc trong tháng 12/2022, đạt kỷ lục 16,3 triệu thùng/ngày. Nếu xu hướng này tiếp tục, nó sẽ làm căng thẳng nguồn cung dầu toàn cầu và có lợi cho Nga.
Ngoài áp lực ngày càng tăng về giá dầu, OPEC+, một liên minh của Nga và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, ngày 1/2 cho biết họ sẽ duy trì các mục tiêu sản lượng hạn chế trong năm 2022, điều này có thể làm căng thẳng nguồn cung nếu nhu cầu tăng.
Ông Felix Todd, nhà phân tích tại Argus Media, cho biết sau một năm chuẩn bị, Nga dường như có thể thích ứng với các lệnh trừng phạt dầu mỏ của phương Tây.
Các chuyên gia cho rằng Nga có thể lấp đầy bất kỳ lỗ hổng doanh thu dầu mỏ nào trong vài năm tới bằng cách sử dụng Quỹ tài sản quốc gia mà họ đã tích lũy được từ lợi nhuận năng lượng tăng cao bất ngờ trước đây và hiện trị giá khoảng 150 tỷ USD.
Bà Alexandra Prokopenko, một nhà phân tích kinh tế và cựu cố vấn tại ngân hàng trung ương Nga, cho biết chính phủ Nga cũng đã bảo vệ chi tiêu quốc phòng và xã hội khỏi bị cắt giảm ngân sách. Điều đó có nghĩa là doanh thu từ dầu mỏ có giảm mạnh cũng sẽ không ảnh hưởng đến nỗ lực quân sự của Nga trong tương lai gần./.