Doanh thu vận tải hàng không của Viejet tăng 25% quý IV năm 2019
Theo báo cáo tài chính mới nhất, Vietjet có mức tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận trước thuế lần lượt là 21,4% và 29,3% so với năm 2018.
Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2019 với doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 13.926 tỷ đồng.
Trong năm, Vietjet đã phát triển mạng bay tăng 24% với 22 đường bay quốc tế được mở đi Nhật Bản, Hong Kong, Indonesia, đặc biệt là thị trường Ấn Độ 1,2 tỷ dân... Tương ứng, Vietjet đã chuyên chở gần 25 triệu lượt khách, tăng trưởng gần 28% so với năm trước.
Doanh thu vận chuyển hành khách đạt 5.269 tỷ đồng trong khi doanh thu từ hoạt động phụ trợ tăng trưởng mạnh, từ 2.382 tỷ đồng lên 3.081 tỷ đồng.
Lũy kế năm 2019 doanh thu vận tải hàng không đạt 41.097 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế vận tải hàng không đạt 3.936 tỷ đồng, tăng trưởng tương ứng doanh thu 21,4% và lợi nhuận trước thuế 29,3 % so với năm trước.
Doanh thu chuyển nhượng tàu bay hoãn do Airbus giãn giao tàu
Riêng doanh thu từ hoạt động chuyển nhượng tàu bay hoãn lại do kế hoạch giao tàu của Airbus giãn ra.
Kết quả giãn kế hoạch bán tàu bay phản ánh trong lũy kế doanh thu và lợi nhuận hợp nhất đạt lần lượt là 52.059 tỷ đồng và 5.010 tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm trước.
Để bù đắp tàu bay giao chậm của Airbus, Vietjet đã thuê thêm 9 tàu bay, nâng số lượng tàu đưa vào vận hành khai thác đến cuối năm 2019 là 78 tàu bay với tổng số giờ khai thác là 321.000 giờ, đáp ứng nhu cầu phục vụ hành khách với 139.000 chuyến bay. Hệ số sử dụng ghế của hãng đạt 87%,
Ban điều hành Vietjet cho biết trong quý IV/2019, hãng tạm hoãn việc ghi nhận doanh thu thương mại tàu bay theo kế hoạch do chỉ nhận 2 tàu bay so với con số 9 tàu bay của quý IV năm trước. Kế hoạch giao nhận tàu bay sẽ được giao bù đắp vào năm 2020 và 2021.
Đây cũng là nguyên nhân khiến lợi nhuận sau thuế hợp nhất của công ty trong quý IV/2019 chỉ đạt 539 tỷ đồng, giảm tới 65% so với cùng kỳ năm 2018.
Trong khi đó, doanh thu vận tải hàng không năm 2019 của Vietjet vẫn tăng trưởng 21% so với cùng kỳ, đạt 41.097 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế từ hoạt động vận tải hàng không cũng tăng 29% so với năm trước, đạt 3.936 tỷ đồng.
Vietjet cũng tiếp tục đẩy mạnh chiến lược tăng trưởng doanh thu phụ trợ với con số tăng trưởng 35%, đạt 11.356 tỷ đồng. Đây là khoản thu chủ yếu từ các khoản thu dịch vụ cộng thêm, doanh thu vận chuyển hàng hóa, doanh thu bán hàng trên tàu bay như thức ăn, nước uống, đồ lưu niệm và doanh thu quảng cáo.
Vietjet cho biết trong mô hình kinh doanh của các hãng hàng không giá rẻ, doanh thu phụ trợ là một yếu tố quan trọng quyết định kết quả hoạt động nhờ tỷ suất lợi nhuận lên tới trên 90%.
Báo cáo CarTrawler YearBook năm 2019 gần đây nhất cho biết Vietjet đang giữ vị trí top 12 của thế giới về tỷ lệ doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu.
Cũng theo Vietjet, hãng hàng không có lượng tiền mặt cuối năm dồi dào ở mức 6.076 tỷ đồng, chưa bao gồm số tiền mua cổ phiếu quỹ 2.347 tỷ đồng. Trong khi đó, hệ số nợ vay trên vốn chủ sở hữu chỉ có 0,77 lần, là mức rất thấp so với mức vay trong ngành hàng không.
Cạnh tranh quyết liệt trên thị trường nội địa
Đến cuối năm 2019, Vietjet đang khai thác 78 tàu bay với tuổi đời trung bình 2,75 năm và hệ số sử dụng ghế đạt 87%. Năm 2020, Vietjet dự kiến tiếp nhận thêm 9 tàu bay Airbus A321NEO mới và hơn 20 tàu bay mới mỗi năm từ 2021.
Năm 2019, Vietjet vẫn dẫn đầu về thị phần vận chuyển hàng không nội địa với 41,7% thị phần nhưng giảm 2% so với cùng kỳ năm trước sau khi hãng hàng không Bamboo Airways gia nhập thị trường.
Theo các chuyên gia phân tích của Công ty chứng khoán MBS, thị trường hàng không trong nước nói chung cũng sẽ cạnh tranh quyết liệt hơn khi mặt bằng giá vé khó có thể tăng, thậm chí có thể tiếp tục giảm trong cuộc đua thị phần giữa các hãng.
Trong khi đó, báo cáo của MBS đánh giá thị trường quốc tế sẽ tiếp tục là điểm tựa tăng trưởng của Vietjet trong năm nay.
Vietjet đã mở rộng mạng đường bay quốc tế ở thị trường Đông Bắc Á với các chặng bay ngắn có giá trị cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, kết nối các thị trường du lịch trọng điểm của Việt Nam như Đà Nẵng, Phú Quốc. Nhờ đó, khả năng mở rộng mạng bay của hãng có thể không bị hạn chế bởi sự quá tải công suất các sân bay.
Ngoài ra, việc Bamboo Airways phát triển thị trường quốc tế theo MBS không có nhiều ảnh hưởng tới Vietjet bởi thị trường hành khách, chiến lược phát triển của Bamboo có phần tương đồng với Vietnam Airlines khi triển khai dòng máy bay thân rộng B787-9 Dreamliner trên các chặng bay dài, phục vụ nhóm hàng khách có thu nhập cao.